Đây là dịp để nhìn lại chặng đường 50 năm của dòng phim chiến tranh Việt Nam, đánh giá vai trò, định hướng phát triển trong bối cảnh điện ảnh không chỉ là nghệ thuật
Ngày 2/7/2025, trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ ba (DANAFF III) đã diễn ra hội thảo với chủ đề “Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước”. Hội thảo hướng tới kỉ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Chiến tranh với tất cả những mất mát, hi sinh và khát vọng hòa bình luôn là một đề tài lớn trong nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh. Sau ngày thống nhất, các nhà làm phim Việt Nam đã không ngừng tìm tòi, đổi mới để phản ánh chiến tranh không chỉ như một bản anh hùng ca mà còn là hành trình nhân văn, sâu sắc về con người, về kí ức và sự hòa giải.

Các đạo diễn, nghệ sĩ chia sẻ về phim chiến tranh tại Hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận chuyên sâu như: Giá trị thực sự của một bộ phim chiến tranh; vai trò của người phụ nữ trong chiến tranh; hành trình vượt qua thử thách của những người lính và người dân bình thường; những đối thoại mới với quá khứ qua dòng phim chiến tranh cách mạng sau năm 1975; đề tài chiến tranh qua góc nhìn của các nhà làm phim tư nhân qua các bộ phim Dòng máu anh hùng, Áo lụa Hà Đông, Địa đạo, mặt trời trong bóng tối, … Những tác phẩm như Cánh đồng hoang, Ngã ba Đồng Lộc hay Truyền thuyết về Quán Tiên... đã ghi dấu ấn nghệ thuật, là những lát cắt chân thực về lịch sử, góp phần nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và lòng nhân ái trong mỗi thế hệ.
Hội thảo quy tụ nhiều nhà làm phim, chuyên gia điện ảnh trong và ngoài nước, trong đó có nhiều tên tuổi đã ghi dấu ấn với dòng phim chiến tranh. TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Giám đốc DANAFF cho rằng, đây là dịp để nhìn lại chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của dòng phim chiến tranh sau năm 1975; đồng thời đánh giá, định hướng cho tương lai trong bối cảnh điện ảnh đang trở thành một ngành công nghiệp văn hóa quan trọng.
Theo bà Lê Thị Hà, Viện trưởng Viện Phim Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phim đề tài chiến tranh là một phần rất quan trọng trong di sản điện ảnh cách mạng Việt Nam, đã chứng minh được giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh. Các nhà làm phim Việt Nam, từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến đã lăn lộn trong mưa bom bão đạn, sáng tác nhiều tác phẩm nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu, khắc họa sự hi sinh oanh liệt của các nhân vật và sự kiện anh hùng. Trong chiến tranh, đội ngũ những nhà làm phim đã trưởng thành đi qua thực tế cuộc chiến đấu của dân tộc, đề tài chiến tranh được thể hiện xuất sắc, chân thực qua từng tác phẩm và được các nghệ sĩ điện ảnh coi như một sự báo đáp tinh thần, lòng tri ân đối với đất nước, những người đã ngã xuống, hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Phim đề tài chiến tranh là một phần rất quan trọng trong di sản điện ảnh cách mạng Việt Nam, đã chứng minh được giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật với thời gian, cũng như những đóng góp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên chiến tuyến, từ đó hàn gắn vết thương chiến tranh, tăng cường hợp tác hữu nghị…

Viện Phim Việt Nam là đơn vị lưu trữ điện ảnh lớn nhất cả nước. 18 trên 22 bộ phim truyện chiến tranh đặc sắc, được sản xuất từ năm 1977 đến nay và lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam, đã được Ban Tổ chức DANAFF III lựa chọn trình chiếu tại nhiều rạp ở Đà Nẵng dịp này.
Hội thảo đã nghe nhiều tham luận chuyên sâu, đa dạng góc nhìn về phim chiến tranh, đến những cuộc đối thoại mới với quá khứ trong dòng phim cách mạng sau 1975; chia sẻ của các đạo diễn, diễn viên về kỉ niệm làm phim chiến tranh, hay góc nhìn của các nhà làm phim, đạo diễn trẻ…
Đây là dịp để nhìn lại chặng đường 50 năm của dòng phim chiến tranh Việt Nam, đánh giá vai trò, định hướng phát triển trong bối cảnh điện ảnh không chỉ là nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp văn hóa quan trọng. Phim chiến tranh sau ngày thống nhất không chỉ là tư liệu lịch sử, mà còn là công cụ giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước và giá trị của hòa bình.
DƯƠNG THUỲ CHI