Thứ Hai, 06/05/2019 15:23

“De Gaulle và Việt Nam” - một lịch sử vinh quang và cay đắng

Người đọc cảm nhận được tình yêu, lòng tự hào của một sử gia viết về con người và đất nước mình một cách thuyết phục và khoa học. Công trình này truyền cảm hứng cho bất kì ai đọc nó.  

Thiết thực kỉ niệm 65 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019), nhằm tiếp tục phát triển Tủ sách Sử học và thực hiện các dự án hợp tác quốc tế trong xuất bản sách, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm (Hà Nội) ra mắt ấn bản De Gaulle và Việt Nam (1945 - 1969) của tác giả Pierre Journoud. VNQĐ Online giới thiệu bài viết của GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia Sử học và Quan hệ quốc tế về cuốn sách này.

Được xuất bản năm 2011, trên cơ sở luận án tiến sĩ sử học đã bảo vệ thành công tại Đại học Paris I Panthéon-Sorbonn, De Gaulle và Việt Nam (1945 - 1969) là công trình của GS.TS Pierre Journoud - hiện là giáo sư của Đại học Paul-Valéry Montpellier III, lúc đó còn là nghiên cứu viên ở Viện Nghiên cứu chiến lược, Trường Đại học Quân sự Pháp, đồng thời cũng là cộng tác viên nghiên cứu của Trung tâm Lịch sử châu Á hiện đại.

Với nguồn tài liệu vô cùng phong phú được khai thác ở các trung tâm lưu trữ của Pháp, Mĩ, Canada..., công trình này vinh dự được trao giải thưởng Jean-Baptiste Duroselle - giải thưởng dành cho những luận án xuất sắc nhất về lịch sử quan hệ quốc tế.

Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, cuốn sách được cấu trúc thành 7 chương lần lượt như sau: 1) Sự hiểu lầm khởi thuỷ (1945 - 1957); 2) Sự chín muồi (1958 - 1962); 3) Bước ngoặt (1963 - 1964); 4) Bất lực (1964 - 1965); 5) Hoà giải (1965 - 1967); 6) Sáng kiến (1967 - 1969); 7) Cay đắng (1969).

Bằng phương pháp sử học kết hợp với phân tích chính trị quốc tế, giáo sư Pierre Journoud đã tái dựng một giai đoạn lịch sử vô cùng quan trọng và phức tạp của thế giới, đặc biệt là quan hệ giữa Pháp và Việt Nam thông qua phân tích quan điểm và đường lối của de Gaulle từ năm 1945 đến khi ông từ chức vào năm 1969.

Nói một cách khái quát là quan điểm và đường lối của de Gaulle đối với Việt Nam đã có sự biến đổi theo chiều hướng tích cực. Nếu như vào giai đoạn đầu (1945 - 1966), de Gaulle vẫn tiếp tục mang nặng đầu óc thực dân và chỉ có mục đích duy nhất là bảo tồn đế quốc Pháp, thông qua những chính sách canh tân dưới cái vỏ Liên hiệp Pháp, thì đến giai đoạn cuối, ông đã bày tỏ quan điểm thân thiện hơn. Phải đợi đến năm 1966, trong chuyến thăm Campuchia, de Gaulle mới có sự thay đổi về cơ bản, khi cho rằng các dân tộc phải có quyền tự quyết định vận mệnh của mình. Sự thay đổi quan điểm của de Gaulle đối với Việt Nam trên thực tế đánh dấu sự chấm hết của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn cầu.

Quá trình thay đổi nhận thức của de Gaulle về Việt Nam không hề dễ dàng và nhanh chóng. Năm 1945, de Gaulle thậm chí đã đặt hi vọng vào “giải pháp Hoàng thân Vĩnh San” để đưa nước Việt Nam ra khỏi chế độ thực dân. Tuy nhiên, hi vọng này ngay lập tức bị dập tắt bởi sự ra đi của Hoàng thân Vĩnh San vào ngày 26/12/1945 trong vụ tai nạn máy bay ở một khu rừng nhiệt đới thuộc nước Cộng hoà Trung Phi ngày nay. Cái chết bất ngờ của Hoàng thân Vĩnh San đã làm tan vỡ hi vọng của de Gaulle về một giải pháp chính trị cho Đông Dương. Theo hồi kí của tướng de Boissieu (con rể của de Gaulle), thì đó cũng là một trong những nguyên nhân làm de Gaulle từ bỏ chức vụ lần đầu vào ngày 20/1/1946.

Tác giả Pierre Journoud (trái) kí tặng sách cho GS.TS Phạm Quang Minh

Cũng giống như bất kì quan chức nào của chính quyền Pháp thời đó, de Gaulle vẫn nuôi hi vọng là khi chủ quyền Pháp được tái lập ở Việt Nam, Pháp sẽ có thể đàm phán trên thế mạnh. Trong một cuộc thăm dò ý kiến hồi tháng 9/1945, vẫn có tới 63% người dân Pháp muốn Pháp giữ Đông Dương. Để có thể thực hiện được ý đồ chính trị của mình và bảo vệ nó ngay cả khi rời bỏ chức vụ, de Gaulle đã kiên quyết bênh vực đô đốc d’Argenlieu, Cao uỷ kiêm Chỉ huy trưởng quân đội Pháp tại Đông Dương, trong cuộc chiến tái thiết lập chế độ thuộc địa của Pháp ở Đông Dương.

Ngày 19/12/1946, sau nhiều cố gắng vãn hồi hoà bình, một cuộc chiến tranh chống sự quay lại của Pháp vẫn diễn ra. De Gaulle đích thân tán thành cuộc chiến tranh và nghĩ là quân đội Pháp sẽ mau chóng làm chủ tình thế.

Tháng 4/1947, de Gaulle đã lập ra Đảng Tập hợp nhân dân Pháp, dứt khoát từ bỏ chính sách đồng hoá có từ thời Cộng hoà 1848. Lấy cớ là cần phải bảo vệ Liên hiệp Pháp và chống Việt Minh, de Gaulle đưa ra chính sách liên kết các xứ và ủng hộ đô đốc d’Argenlieu trong việc tách Nam Kì ra khỏi Việt Nam. Mặc dù vẫn nghi ngờ Bảo Đại, cuối cùng de Gaulle cũng phải ủng hộ nhân vật này bởi vì không còn lựa chọn nào khác, nhất là trong bối cảnh đối đầu Chiến tranh lạnh. Mãi đến năm 1953, sau khi Stalin qua đời, thế giới chuyển sang giai đoạn hoà hoãn và ảnh hưởng của Pháp ngày càng suy giảm, de Gaulle mới nghĩ đến chuyện đàm phán với Chính phủ của Hồ Chí Minh. Nhưng với đầu óc của một người bảo thủ lại thêm tâm lí thất bại, de Gaulle vẫn cho là nên đặt ưu tiên thương lượng với Trung Quốc và Mĩ. Tháng 3/1954, khi chiến tranh đi vào giai đoạn cuối cùng ở Điện Biên Phủ, de Gaulle mới tin là Pháp không thể giữ được Đông Dương lâu hơn nữa, Đông Dương không còn là của Pháp nữa, và cách tốt nhất là tìm kiếm một kết cục đỡ buồn. Vì thế mà, đối với de Gaulle cũng như đối với tuyệt đại đa số nghị sĩ Pháp, Hiệp định Genève được xem là là một văn bản thoả thuận tốt hơn mong đợi.

Sau khi chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) và chiến tranh Đông Dương (1946 - 1954) kết thúc, de Gaulle mới chính thức thay đổi hẳn đường lối bằng cách muốn kết nối với các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á và nghĩ đến chuyện công nhận nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. De Gaulle muốn nước Pháp có một đường lối chính trị độc lập ở châu Á và đóng một vai trò xây dựng trong tiến trình thống nhất Việt Nam. Phải hiểu sự thay đổi này là một quá trình không dễ dàng, nhưng không thể đảo ngược chịu tác động của các yếu tố bên trong và ngoài nước Pháp. Khi đọc cuốn Lịch sử một cơ hội hoà bình bị bỏ lỡ của J. Sainteny, de Gaulle đã thẳng thắn thừa nhận mình đã sai lầm và công nhận Sainteny đã có lí. Mặc dù đã kí Hiệp định Genève buộc phải chấm dứt chiến tranh, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, song de Gaulle vẫn tiếp tục thể hiện mong muốn nước Pháp có một vai trò nào đó. Trong chuyến thăm Campuchia năm 1966, de Gaulle đã lên tiếng chỉ trích gay gắt sự can thiệp của Mĩ vào Đông Dương. Bài phát biểu này đã gây ra những phản ứng khác nhau. Trong khi đa số người Pháp ủng hộ quan điểm của de Gaulle, thì nhiều chính khách, nhà báo, nhà ngoại giao lại cho rằng de Gaulle cần khách quan hơn, không chỉ lên án Mĩ, và nên đến thẳng Hà Nội, Bắc Kinh hay Washington nếu nước Pháp thực sự muốn đóng vai trò trung gian hoà giải. Nhưng bài phát biểu của de Gaulle tại Campuchia năm 1966 thực sự là bước ngoặt trong quan điểm của ông về vấn đề Đông Dương. Cần nhớ rằng, trước đó vào ngày 21/2/1966, Pháp đã chính thức tuyên bố rút khỏi tổ chức quân sự NATO. Lí do được de Gaulle đưa ra là thế giới đã thay đổi nên chính sách đang được thực thi trong khuôn khổ NATO đi ngược lại quyền lợi của nước Pháp. Nước Pháp không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột mới. Nước Mĩ phải tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác. De Gaulle đã buộc Mĩ phải rút tất cả các Bộ Chỉ huy quân sự của NATO ra khỏi lãnh thổ Pháp, rút quân đồng minh và xoá sổ tất cả các căn cứ quân sự nước ngoài.

Liên quan đến vấn đề Việt Nam, một trong những người Pháp được de Gaulle tin cậy là Sainteny, Tổng trưởng Bộ Cựu chiến binh trong Nội các của Pompidou từ năm 1962 đến năm 1966. Ngày 24/2, de Gaulle đã trao cho Sainteny một bức thư để chuyển cho Chủ tịch Hồ Chí Minh với mong muốn được gặp trực tiếp. Lá thư của de Gaulle cũng như những cuộc tiếp xúc giữa Sainteny với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thực tế đã không đưa ra được một giải pháp ngoại giao nào, mà chỉ góp phần làm cho hai bên hiểu biết nhau hơn. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Pierre Journoud, Sainteny đã chứng tỏ khả năng đàm phán và nước Pháp vẫn đóng một vai trò trung gian nào đó. Một trong những thông tin quan trọng mà Mĩ đã thu thập được là “Bắc Việt Nam sẽ ngừng xâm nhập miền Nam, nếu Mĩ ngừng ném bom miền Bắc”. Ít ra là Pháp đã lấy lại được lòng tin của Mĩ, sau bài phát biểu chỉ trích sự can thiệp của Mĩ vào Đông Dương của de Gaulle.

Bên cạnh “đường dây Sainteny”, nước Pháp còn có một kênh liên lạc nữa với Chính phủ Hồ Chí Minh là đường dây Pennsylvania. Đó là mật mã của một đường dây bí mật có tên của hai người Pháp là Hebert Marcovich và Raymond Aubrac. Marcovich là một nhà vi trùng học thuộc Viện Pasteur Paris, Aubrac là chuyên viên cao cấp của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO). Aubrac là một cựu binh và từng biết Hồ Chí Minh. Hai sứ giả Pháp được Henri Kissinger nhờ nhắn tin với Hà Nội là Chính phủ Mĩ sẵn sàng ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam với điều kiện là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngừng tăng cường thâm nhập vào miền Nam Việt Nam. Nhưng cuối cùng đường dây này cũng thất bại vì không có sự tin cậy giữa hai bên.

Tháng 10/1967, Manac’h nhận lời của Chính phủ Mĩ đóng vai trò trung gian không chính thức giữa Sứ quán Mĩ ở Paris và Tổng đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Kết quả của sự tiếp xúc rất khả quan khi hai bên khẳng định Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ mở cuộc đàm phán ngay khi việc ngưng ném bom được thực hiện.

Ngày 20/1/1968, Giáo sư Roussel, Chủ tịch Hội Y học Việt - Pháp, được mời tới điện Élysée để de Gaulle trao cho một nhiệm vụ bí mật là thăm dò phản ứng của Thủ tướng Việt Nam về quan hệ Việt - Pháp và về sáng kiến của de Gaulle là mở những cuộc hội đàm sơ bộ về hoà bình ở Paris. Khi được tiếp kiến, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu thẳng thắn với Manac’h là Việt Nam sẵn sàng đón nhận mọi ý kiến của Pháp và quyết định thuộc về de Gaulle, kể cả việc Paris có thể được lựa chọn là nơi tổ chức một hội nghị về hoà bình của Việt Nam.

Mặc dù không thể chia sẻ một số quan điểm, đánh giá của tác giả về những vấn đề của Việt Nam (ví dụ: nguyên nhân của cuộc chiến tranh giữa Pháp và Việt Nam; đánh giá về vai trò của Hồ Chí Minh...), nhưng vẫn phải thừa nhận rằng công trình của giáo sư Pierre Journoud thật xuất sắc. Một giai đoạn vô cùng phức tạp của lịch sử thế giới, quan hệ Việt - Pháp, Pháp - Mĩ, Mĩ - Việt, trong đó de Gaulle nổi lên như một hiện thân của lịch sử đầy hào quang nhưng cũng cay đắng, đã được thể hiện một cách nhẹ nhàng, tinh tế, sâu sắc. Người đọc cảm nhận được tình yêu, lòng tự hào của một sử gia viết về con người và đất nước mình một cách thuyết phục và khoa học. Chính vì thế mà công trình này cũng đã truyền cảm hứng cho bất kì ai đọc nó.

Ngày 24/4/1969, lấy cớ không được tín nhiệm trong một cuộc trưng cầu dân ý, tướng de Gaulle đã quyết định từ chức. Nhưng người ta vẫn nhớ đến de Gaulle, không chỉ với tư cách là một chính trị gia của Pháp, mà còn là người kiến tạo cho hoà bình thế giới khi ông đã tìm cách ngăn chặn sự can thiệp quân sự của Mĩ vào Đông Nam Á, là cầu nối mở ra các cơ hội đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa này. Quan điểm về thế giới đương đại của de Gaulle là hiện thân của quá trình hoà giải giữa các dân tộc trong một giai đoạn đối đầu căng thẳng của Chiến tranh lạnh. Từ một vị tướng mang nặng đầu óc thực dân, quyết tâm bảo vệ quyền lợi của Pháp ở Đông Dương, de Gaulle đã trở thành một biểu tượng đấu tranh cho sự bình đẳng, các giá trị chung giữa các nền văn minh. Thách thức lớn nhất là nhận ra những sai lầm của chính mình. Nhưng hơn thế, de Gaulle còn tìm cách rút ra những bài học để vượt lên chính những sai lầm đó. Phải là một nhân cách rất đặc biệt mới dám chấp nhận sự bi kịch của lịch sử để làm nên lịch sử. De Gaulle là một người như thế.

PHẠM QUANG MINH