Thứ Sáu, 25/09/2020 00:18

Đi dưới trời xanh

Nếu thơ là một con đường thì con đường thơ Trương Anh Tú đi dưới bầu trời xanh. Ở đấy ta thấy sự trong trẻo của thiên nhiên, của lòng người... (PHÚC NGUYỄN)

. PHÚC NGUYỄN

(Đọc Những mùa hoa anh nói, tập thơ của Trương Anh Tú, Nxb Hội Nhà văn, 2018)

Nếu thơ là một con đường thì con đường thơ Trương Anh Tú đi dưới bầu trời xanh. Ở đấy ta thấy sự trong trẻo của thiên nhiên, của lòng người. Đến cả cảnh lão ăn mày đi trong đêm cũng đẹp, cũng mộng như một người thơ dạo gót dưới trăng: Nhẹ những bước chân/ Chìm trong phố vắng/ Đêm rơi thầm lặng/ Trăng rơi trong trăng (Lão ăn mày trong phố cổ).

Có thể coi bài Giấc mơ tuổi thơ như là một tuyên ngôn về thơ của Trương Anh Tú - thơ dưới bầu trời xanh. Trong không gian dưới bầu trời xanh của mình, thi sĩ nhặt gió, nhặt nắng, nhặt những bông hoa, cánh lá... Cả khi thi sĩ nhỏ lệ thì giọt lệ ấy cũng trong trẻo, ấm nồng như những giọt sương của đất, của trời: Tôi giàn giụa bên những giọt sương/ Những giọt nước mắt ấm nồng của đất/ Chỉ có bầu trời là mãi trong xanh. Đọc thơ Trương Anh Tú, nếu ta có bất chợt gặp một cơn giông, một cảnh đời bất hạnh, ví như cuộc đời nghèo khổ của người đàn bà nơi nước Mĩ (Phiên tòa), hay gặp cái bi trong bầu trời thơ Phùng Cung Thuyền/ Thuyền về đâu/ Người/ Người về đâu/ Không bến đỗ/ Không tiếng gọi đò (Ngủ đi trái tim ơi), thì sau cuối cái đọng lại vẫn là những tầng nấc, những cánh cửa của bầu trời mở thông vào sâu rộng văn hóa, nhân văn: Vượt qua cơn lũ/ Là trời xanh thôi (Cơn lũ).

Trời xanh, màu xanh như định mệnh đeo bám vào hồn thơ Trương Anh Tú. Phần lớn những bài thơ hay của anh đều tựa vào trời xanh mà cất cánh. Cây bút bình thơ Đỗ Quyên đã tỉ mẩn đếm được 90 từ xanh và 30 từ hát trong tổng số 90 bài trong tập thơ Những mùa hoa anh nói. Nhưng đếm chỉ là để thống kê con số của cái nhìn thấy, còn cái không nhìn thấy, cái tình yêu sâu thẳm với trời xanh đến “bạc tóc” thi nhân thì đếm làm sao: Thương trời xanh bạc tóc/ Anh hoá thành mùa thu (Trời xanh bạc tóc).

Khác với phần lớn thơ của thi sĩ hải ngoại khi viết về trời xanh thường gắn với mùa thu - mùa vàng rực rỡ kì ảo nhất dưới nền trời xanh châu Âu, trong thơ Trương Anh Tú trời xanh không có mùa. Nó là thi ảnh mang đôi cánh lãng mạn có thể xuất hiện bất cứ ở đâu, lúc nào khi khát vọng tình yêu trong đôi mắt thơ của anh cần đến: Anh mượn trời xanh/ Cho hoa em nở/ Anh mượn biển xanh/ Cho buồm em nhớ (Giấc xanh).

Thể thơ Trương Anh Tú hay dùng là ngũ ngôn - câu ngắn, vần nhịp không gò bó. Có lẽ vì câu thơ ngắn khó diễn giải được hết những biến đổi phức tạp, tinh vi của sự việc, của tâm hồn con người, nên người viết thường lấy hình ảnh mang tính tượng trưng để chuyển tải ý thơ của mình. Biển xanh, mây trắng, ánh trăng, ngôi sao, dòng suối, giọt sương, giọt nắng, bông hoa... đi một cách tự nhiên vào thơ Trương Anh Tú, là nguồn cảm hứng bất tận dưới bầu trời xanh của thi nhân.

Cái mới cái riêng ở đây là, những thi liệu quen thuộc này trở nên sống động, lấp lánh bởi những liên tưởng, so sánh, ví von lãng mạn đến từ những rung động chân thành của tác giả trước vẻ đẹp thiên nhiên, con người: Mẹ cha cho đôi mắt/ Đã bao la bầu trời/ Cỏ hoa trên mặt đất/ Bay vào đôi mắt tôi (Đôi mắt); Em trong như giọt nước/ Mà lung linh sắc màu/ Em mong manh như cỏ/ Mà động cả đêm thâu (Xanh mùa trong nhau); Tình yêu là ánh mắt/ Nghiêng trên mặt hồ xanh/ Gieo vào muôn con sóng/ Nổi giông bão trong anh (Lời tình yêu); Kìa em xuân đang đến/ Trong veo như giọt sương/ Kìa em xuân đang đến/ Bừng lên những con đường (Trời xanh giấc vô thường).

Có những câu thơ vượt qua những hình ảnh hay sự ví von so sánh thông thường, chúng mang một nỗi niềm ẩn đằng sau con chữ: Nhặt một thoáng mắt trong/ Vương trên vai giọt nắng/ Ngan ngát cõi nhân gian/ Như chưa từng cay đắng (Lời trái tim). Bài thơ Những mùa hoa anh nói gợi triết lí nhân sinh về thiên đường thắm sắc đượm hương hiện tồn ngay giữa cuộc đời thực sống: Đẹp sao những loài hoa/ Đã một lần thật sống/ Để đi hết bầu trời/ Của tận cùng sự sống// Tôi yêu những mùa hoa/ Nhựa căng từ lòng đất/ Hương được hong từ gió/ Sắc được hái từ mây/ Cả hoa và cả lá/ Từ giọt sương vơi đầy.

Bài Nhớ bà mặc dù hình ảnh thơ không mới nhưng sự nhớ đến từ những ảo ảnh thoáng ẩn thoáng hiện khắp đất trời làm cho cả bài cứ mang mang một hơi thơ buồn: Bà tôi như cơn gió/ Thoảng về núi xanh rồi/ Bóng bà bên bậu cửa/ Chỉ còn trong mơ thôi// Bà đi nơi chín suối/ Xa xôi nơi chín đèo/ Nhớ bà gầu giếng khóc/ Im lìm nước trong veo// Ngỡ bà trong trời đất/ Thầm lặng như đất trời/ Ngỡ bà trong dáng núi/ Ngỡ bà trong mưa rơi (Nhớ bà).

Đọc bài thơ này tôi nhớ đến câu thơ của Trúc Thông: Lá ngô lay ở bờ sông/ Bờ sông vẫn gió người không thấy về (Bờ sông vẫn gió). Nỗi nhớ với hình tượng ngôn ngữ giàu chất dân gian làm cho cả hai bài thơ trở nên gần gũi, giàu sức lay động lòng người.

Với thơ, ý phải ẩn chứ không lộ thiên. Người xưa nói thơ “ý ở ngoài lời” là như vậy. Trong bài Cảm xúc, Trương Anh Tú đã dùng lối chơi chữ ở hai từ da thịt và con gái, nhằm minh bạch hóa một cảm trạng tinh thần thanh cao, vượt trên cõi hiện hữu để đến với sự giao cảm vô hình. Đây là một cách nói mới trong thơ, thi vị hóa tình yêu bằng một hình tượng lạ, ám ảnh và phi vật chất - không “da thịt”: Tôi đi giữa cánh đồng/ Cánh đồng thơm con gái/ Những chồi non thơ dại/ Run rẩy với hồn tôi// Tôi đi giữa cánh đồng/ Không mang theo da thịt/ Mình tôi với cánh đồng/ Cánh đồng thơm con gái// Tôi dùng ngôn ngữ riêng/ Ngôn ngữ không da thịt/ Trò chuyện với cánh đồng/ Cánh đồng thơm con gái.

Trương Anh Tú sinh năm 1967 trong một dòng họ đã rất nhiều đời ở một làng hoa ven hồ Tây nội thành Hà Nội. Đấy là một dải đất tuyệt đẹp, gồm các làng hoa Ngọc Hà, Đại Yên, Hữu Tiệp, Vĩnh Phúc... thuộc “Thập tam trại” là vùng đất cùng làm nên Thăng Long xưa. Ở “làng trong phố” như thế, chỉ mấy bước chân đã đến hồ Tây, phố cổ mà vẫn tràn ngập thiên nhiên, với ao hồ, hoa, cây cảnh và bạt ngàn ruộng lúa ngay bên huyện Từ Liêm ngoại thành Hà Nội ngày ấy...

Có thể đây là điều may mắn để thơ Trương Anh Tú đậm chất hồn quê. Có những câu thơ của anh như vẽ vào trời xanh cảnh sắc thiên nhiên, con người mĩ lệ, hiện thực mà siêu thực: Đám trẻ chạy vu vu trên đồng/ Chúng gom bầu trời trong những cánh diều cao vút/ Bỏ quên nắng đã tắt sau lưng/ Trên chiếc áo hoàng hôn đỏ lựng (Những đứa trẻ).

Thơ Trương Anh Tú thuần Việt, bám rễ vào mảnh đất quê hương để kết trái. Đọc tập thơ Những mùa hoa anh nói, ít người nghĩ rằng anh sống ở Đức đến nay đã gần ba mươi năm. Thiên nhiên trong thơ anh không có cảnh đặc trưng của xứ sở ngoại quốc. Chẳng hạn, cảnh trong bài Chú ếch và mùa thu thì rõ là cảnh Việt: ánh trăng và mùa thu, chú ếch và mảnh ao nhà... Một không gian tinh sạch mang chở khoảnh khắc giao thoa tuyệt đẹp của đất trời, khiến sự sống cũng phải giật mình: Ánh trăng mỏng như dải lụa/ Trong veo mặt nước ao nhà/ Chú ếch giật mình sợ ngã/ Vào lòng mùa thu bao la.

Thơ Trương Anh Tú thuộc dòng thơ trữ tình lãng mạn. Đặc biệt là hình ảnh trong thơ anh bao giờ cũng đẹp, trong sáng, nhiều khi trong vắt như một bức họa, làm nhòa đi cả câu chữ trong bài. Vần, nhịp cũng rất thanh thoát, giàu chất nhạc, nhiều bài như khúc hát của tuổi xuân, phơi phới niềm tin yêu cuộc đời.

Cũng vì thế tính tư tưởng, tính triết lí trong thơ anh có phần hồn nhiên, và thường hòa quyện, cộng sinh cùng cảm xúc của một hồn thơ thanh bạch: Để trời xanh em ơi/ Đã bao đời mây trắng/ Để biển xanh em ơi/ Sóng ngàn năm vẫn sóng (Có bao giờ). Đây là cách Trương Anh Tú lí giải cho hòa bình, cho cái sự không còn chiến tranh trên trái đất này, khi anh đứng bên khẩu súng bị bẻ quặt nòng, bên những lá cờ của các nước, trước ngôi nhà trụ sở Liên Hợp Quốc: Hãy nhìn trời cao/ Mây không biên giới/ Những cánh chim cũng không biên giới bao giờ/ Hãy nhìn đôi mắt trẻ thơ/ Bao nhiêu sao sáng thắp bờ nhân gian (Thơ viết bên những lá cờ ở Liên Hợp Quốc).

Từ những năm 90 của thế kỉ trước, Trương Anh Tú đã được trong nước biết đến không chỉ là một nhà thơ mà còn là một nhạc sĩ. Hình ảnh quen thuộc bạn bè văn chương thường thấy trên trang cá nhân của anh là một Trương Anh Tú phiêu bồng lãng tử vác cây đàn guitar đi giữa cánh đồng hoa, phía trên là bầu trời xanh ngát. Anh quan niệm, thơ ca và âm nhạc là giấc mơ, là tiếng vọng khát khao của cái đẹp trên dòng sông đời người. Đi dưới trời xanh cũng có nghĩa con đường thơ Trương Anh Tú đi dưới một bầu trời đẹp, đi cùng cái đẹp: Thênh thang trong cõi vô thường/ Lẫn trong dâu bể... con đường màu xanh (Con đường màu xanh).

Chemnitz - CHLB Đức, 11/2019
P.N