Thứ Tư, 08/05/2019 16:03

Đi viện

Những tháng cuối năm 1972, mặt trận Trị Thiên vô cùng ác liệt. Tiểu đoàn 19 Sư đoàn 304 của tôi liên tục bổ sung quân mà lúc nào cũng thiếu... (Truyện kí của THÁI CHÍ THANH)

Truyện kí. THÁI CHÍ THANH

 

Những tháng cuối năm 1972, mặt trận Trị Thiên vô cùng ác liệt. Tiểu đoàn 19 Sư đoàn 304 của tôi liên tục bổ sung quân mà lúc nào cũng thiếu. Hồi ấy, tôi rất nản, thậm chí có lúc hoang mang đến cực độ. Nhất là sau khoảnh khắc bạn bè, đồng đội vừa hi sinh, địch lại nống ra, chiếm hết chỗ này đến chỗ khác. Lính tráng cứ nẫu hết cả người, chỉ mong sao thoát khỏi chiến trận. Ai bị thương, dù cụt tay, cụt chân hay bị vào đâu đó đều được mọi người khen “thơm thịt” vì được ra tuyến ngoài điều trị, hi vọng còn sống sót sau chiến tranh.

Tôi trụ mãi từ đầu chiến dịch cho đến lần bị dính mảnh pháo. Liền đó là trận sốt rét ác tính kinh hồn khiến tôi mê man suốt đêm, đến nỗi chuột gặm cả ngón chân cái mà không biết. Sau trận sốt đó, tôi như người khác, ngửi mùi cơm, mùi thịt hộp là chực nôn, mùi thuốc lá, thuốc lào ai hút cứ như mùi phân bò. Anh em khiêng tôi giao cho trạm y tế tiền phương của sư đoàn. Họ chữa sơ sơ rồi cho tôi nhập vào đoàn thương bệnh binh ra tuyến ngoài điều trị. Lúc tập trung điểm danh, tôi rùng mình vì mới tháng trước khiêng anh em bị thương lên đấy, thấy bao nhiêu huyệt đào sẵn quanh viện, nay đã lấp kín, phải đào sấn sang mấy đồi xung quanh... Vì tôi băng quấn đầy bụng, người lẩy bẩy nên được hai cô thanh niên hỏa tuyến khiêng. Đoàn bắt đầu hành quân, tôi mê mệt trên võng, mặc cho người lắc lư nghiêng ngả. Khi qua một con suối sâu, nước tràn vào võng, tôi bị sặc, suýt làm hai cô ngã. Hai cô sợ hãi khi thấy máu thấm đỏ ra băng. Tôi nói, không sao đâu, rồi lẳng lặng lên võng, tiếp tục hành trình. Nước ngấm vào người, vào vết thương làm tôi tỉnh táo. Đang nằm nhìn trời và những cánh rừng xơ xác ven đường, chợt thấy có mùi hương thoang thoảng, tôi hít hà và mãi mới nhận ra hương bồ kết từ mái tóc đen mượt của cô gái khiêng phía trước bị xõa ra. Mái tóc cứ bập bồng theo nhịp bước, thấp thoáng cái cổ thon nhỏ trắng ngần... Tôi ngoái nhìn cô gái khiêng phía sau, cô không xinh lắm nhưng còn rất trẻ. Mồ hôi trên mặt chảy thành dòng, phảng phất mùi con gái ngầy ngậy... Thấy hai cô gái phì phò thở dốc, liên tục đổi vai, tôi thấy ái ngại, liền đề nghị.

- Hay là... hai o để tui đi bộ một đoạn...

- Can chi mô - Cô gái khiêng sau cắt ngang lời tôi - Tụi tui quen rồi.

Cô khiêng trước cũng lên tiếng, vẫn cái giọng Quảng Bình như bạn cô:

- Khiêng chú là sướng nhứt đó, đây là lần tải thương hên nhứt của tụi ni.

Cô khiêng sau, lấy tay vén mớ tóc bết vào mặt, vừa thở vừa nói:

- Khiêng chú vừa nhẹ, không có mùi thúi của vết thương, lại không kêu gào, chứ những lần trước, sợ lắm.

Minh họa: Bùi Quang Đức

Rồi hai cô kể, chuyến tải thương đầu tiên của mình là đợt địch tấn công đầu chiến dịch. Các tử sĩ đều bó kín trong lớp tăng võng có phiếu ghi tên tuổi, đơn vị gắn kèm. Hai người phải băng rừng chuyển ban đêm, vì không quen nên bị tụt dần lại, hãi bom đạn thì ít, hãi ma thì nhiều. Một lần trong lúc đổi vai, cáng lắc mạnh, cả hai đều loáng thoáng nghe như có tiếng người ợ, rồi liên tiếp tiếng phù phù thở ra từ bao xác. Cả hai sợ chết đứng, nhưng không dám thả cáng chạy. Trấn tĩnh lại, hai người phỏng đoán hay là người trên cáng vẫn còn sống... May vừa lúc anh đại đội trưởng quay lại đôn đốc. Nghe kể, anh giải thích, đó là do hơi khí của liệt sĩ khi bị di chuyển phát ra.

- Nhưng thương nhất là chuyến hai đứa tụi ni khiêng một anh bị thương vào cột sống anh ạ.

Chuyến đó, lúc đầu, hai cô rất mừng vì anh thương binh vừa đẹp trai, trắng trẻo, lại có chiếc đài bán dẫn thu được của địch, nói hát oang oang, vui lắm. Nhưng được nửa đường thì anh bị liệt, bắt đầu là chân, rồi tay cứ thõng xuống. Biết sắp chết, anh nghẹn ngào kể thương vợ con, bố mẹ. Anh bảo, tưởng là chuyến ni ra Bắc điều trị, được về thăm nhà, sẽ tặng gia đình cái đài này, ai dè... Rồi anh nấc lên. Đến khi giao cho viện thì tắt thở...

- Lại cũng có anh, được đi viện mà cứ rũ rượi buồn, vì xấu hổ...

- Làm chi mà phải xấu hổ? - Tôi hỏi.

- Vì anh nứ quá khiếp đảm bom đạn nên tự bắn vô chân mình.

- Làm sao hai o biết anh ấy tự thương?

- Thì lúc tụi ni nhận chuyển, họ bàn giao “ca đặc biệt” ấy, mà cả đoàn thương bệnh binh đó, ai nỏ biết...

Chuyện tự thương như hai cô kể, tôi có nghe, nhưng toàn ở đâu đâu chứ đơn vị tôi chưa có ai, nói đúng ra là có một người, nhưng bị oan. Đó là thằng bạn thân của tôi, quê Hải Phòng, rất đẹp trai, hát hay, lại lém lỉnh, mồm mép lúc nào cũng như tép nhảy, rất vui tính nên ai cũng quý. Bạn tôi bị điếc do khối bộc phá chính mình áp vào chân cây cầu nhỏ trên đường Một. Khi giật nụ xòe rồi chạy, hắn bị vướng hàng rào ngã. Do gần quá, sức ép bộc phá làm hắn tức ngực, tai rỉ máu, ù đặc. Thường thì ù tai do bom pháo chỉ một vài hôm sẽ nghe rõ dần, nhưng lần ấy, hắn bị điếc hẳn, đến đạn pháo rít, bom rơi cũng không có phản xạ. Bạn tôi vẫn khỏe như vâm, nhưng mỗi khi muốn nói với hắn phải ra hiệu hoặc viết chữ lên đất. Anh em bảo thế càng hay, đi đánh trận có khi lại dũng cảm vì “điếc không sợ súng”. Tất nhiên, không ai bắt hắn đi tập kích hay trinh sát, nên chỉ ở “kiềng” - chỗ trú quân của mặt trận, làm hậu cần hay đào sẵn huyệt phòng có người nào hi sinh mang được xác về. Bạn tôi quyết tập nghe mọi người nói bằng việc nhìn miệng. Chuyện thật như đùa, vì chúng tôi nói, phải cho nhìn thấy miệng, hắn lập lại khẩu hình rồi trả lời đúng phóc. Ban đêm ai chửi gì hắn cũng mặc, chỉ khi rọi đèn pin vào miệng người hỏi, hắn mới trả lời được. Ấy thế mà vẫn có người nghi ngờ, cho là bạn tôi vờ vịt, “tự thương” tai để khỏi đánh trận. Tôi cũng tức thay, bạn tôi đâu có hèn. Tôi tìm cách chứng minh, bảo mọi người cứ hỏi, cho thấy khẩu hình của mình để hắn nhái lại, nhưng tuyệt nhiên không để phát ra một âm nào. Tôi thấy mặt bạn tôi đỏ lên, giận dữ và không đáp lại bất cứ câu gì. Chẳng lẽ... Đến khi tôi buột miệng văng câu chửi “Tiên sư thằng hèn. Làm tao tưởng...”, tức thì hắn xông lên giằng cổ áo tôi, mắt long sòng sọc: “Mày về chửi cả họ mày ấy! Đến mày cũng không tin tao!”. Hắn chỉ anh em đang kinh ngạc đứng quanh: “Chúng mày câm hết rồi à? Toàn những thằng cùng tao vào sống ra chết còn thử!”. Hắn cú thực sự, nhưng mọi người thấy nhẹ lòng và ai cũng sửng sốt, quá bất ngờ vì trình độ nhại tiếng quá siêu, chỉ mấp máy môi mà hắn hiểu hết. Tôi cũng bị bất ngờ. Sự bất ngờ đó ám ảnh tôi mãi cho đến tận bây giờ. Sau lần ấy, bạn tôi chuyển ra tuyến sau rồi bặt tin mãi đến gần đây, anh em cựu chiến binh chúng tôi lần tìm đến thăm. Hắn không hề điếc một chút nào, vẫn như xưa, bô lô ba la, nói năng liến thoắng. Hỏi lí do, chính hắn cũng không biết, chỉ bảo khi ra tuyến sau, tai nghe rõ dần mới lạ.

Trở lại chuyến đi viện của tôi, khi đến bờ nam sông Mỹ Chánh, tuy không sâu nhưng nước chảy rất xiết, tôi quyết không chịu nằm võng.

Một cô cười, trêu:

- Răng rứa, chú lại sợ tụi ni cho đi tàu lặn như khi sáng, hỉ?

Tôi gật đầu:

- Đúng thế! Thôi, để ba chúng ta cùng bám vào đòn khiêng rồi dìu nhau qua, chứ không chủ quan được đâu.

Mỹ Chánh là con sông ranh giới giữa Quảng Trị và Thừa Thiên, tôi cùng đơn vị qua khá nhiều lần. Bình thường, có thể lội bộ, nhưng vào mùa mưa nước sông dâng cao, cuồn cuộn rất hung dữ. Thì mới tháng trước, khi tôi cùng anh em trong đơn vị ra Quảng Trị lấy đạn và lương thực, chứng kiến một cảnh rất đau lòng trên khúc sông này. Khi ấy, toàn bộ anh em thương bệnh binh chuyển ra tuyến ngoài đều nằm ứ lại bờ nam sông. Công binh nối các sợi dây song lại, vắt qua sông để thương bệnh binh bám mà sang. Sợi dây được căng khá cao, nhưng vẫn bị kéo chìm xuống vì sức nước mạnh và người quá đông. Thương nhất là những cáng thương binh bị ngập, vùng vẫy trong võng, làm trôi cả bông băng, loang máu đỏ sông. Lúc đấy, pháo địch bắt đầu bắn cấp tập làm đoàn thương bệnh binh trở nên hỗn loạn. Không hiểu do tuột múi nối hay pháo địch làm đứt dây, chớp mắt, cả đoàn thương bệnh binh bị cuốn phăng trong lũ. Lúc đó, chúng tôi đang đứng bờ nam, cùng mấy người lính công binh, giao liên, vội cuống cuồng, không quản đạn pháo nhào ra vớt nhưng chẳng được bao nhiêu vì nước cuốn mạnh, phút chốc đã mất hút...

- Chú mần chi mà ngẩn người đi rứa?

Một cô hỏi tôi khi cả ba đã vượt sang bờ bắc con sông.

Tôi không dám kể chuyện buồn mình đang nhớ lại, e các cô lại lo khi qua đây, bèn nói sang chuyện khác:

- Dứt khoát tôi không nằm võng nữa. Đoạn này hay có pháo địch, các o lại vứt võng chạy thì tôi có mà gãy xương.

Cả hai cô đều cười, đồng ý dìu tôi bước theo đoàn thương bệnh binh, tuy vết thương ở bụng có nhức nhưng thoải mái và nhất là được lúc bá vai, lúc ôm lưng hai cô, điều chỉ mới hôm qua, tôi có nằm mơ cũng không dám. Nhiều người trong đoàn còn đùa, bảo tôi tham, một lúc ôm vai hai cô đẹp nhất đoàn, mà chẳng nhường cho họ...

Lúc nghỉ để ăn lương khô, một cô nhìn tôi mãi rồi bật cười, hỏi:

- Chú đi bộ đội lâu lâu rồi hỉ?

Đoán là hai cô đang hỏi dò tuổi vì họ nghĩ tôi già lắm, tôi bèn hỏi:

- Các cô đoán coi?

Một cô nhìn kĩ lại rồi bảo:

- Có khi chú chưa đến... bốn mươi...

Trời đất ơi, thảo nào nhiều người gọi là chú. Đến khi tôi tự thú cũng trạc tuổi hai cô, mười chín đôi mươi, họ cười ngất, đấm lưng nhau thùm thụp. Thú thực, lúc ấy tôi cũng chẳng quan tâm, gọi gì chẳng được, nhưng khi đến viện, họ kiểm tra “đầu vào” ba tám cân và hai triệu bảy hồng cầu thì tôi hoảng hốt. Đến soi dưới suối thì quả không nhận ra mình nữa, mặt vêu vao, nhầu nhĩ, xám ngoét như trái táo khô. Chẳng thể ngờ được khi sắp vào mặt trận mình cường tráng với sáu chục cân có lẻ mà giờ như thế. Tất nhiên là hai cô bạn đổi cách xưng hô, dù thỉnh thoảng nhìn trộm tôi, cười rinh rích.

*

* *

Trạm đón tiếp của Viện 301 (thực ra là một bộ phận của Bệnh viện 103, nhưng đổi tên để giữ bí mật), thương bệnh binh nằm la liệt trong những ngôi nhà dân ở làng Bảng Sơn (xã Cam Chính, huyện Cam Lộ). Nhiều người băng kín, khóc gào vì đau đớn, mùi hôi thối của vết thương lẫn mùi cồn, mùi ête xông nồng nặc. Họ đều là những thương binh rất nặng, đang được cấp cứu, sơ chữa và chờ xe chở ra ngoài Bắc điều trị.

Tôi được bố trí ở trong nhà bà Hoạt làng Mai Lộc mấy hôm, chờ bệnh viện có chỗ. Đây là một làng được giải phóng từ đầu chiến dịch, rất trù phú và đông vui, cánh lính chúng tôi hay gọi là thủ đô của lính.

Ai là lính trận hồi ấy mới thấy hạnh phúc vô cùng khi được sưởi ấm trong lòng dân. Gia đình bà Hoạt chăm sóc tôi như con, nhưng cũng tếu lắm. Buổi tối, tôi cùng cả nhà thường ngồi bên bếp lửa sưởi, bà bảo tôi tập hát “bài miền Bắc” cho cả nhà. Khi tôi tập đoạn Người Vân Kiều có tấm lòng trong trắng, mọi người thuộc rồi, bà bắt đầu xuyên tạc có cái l... to lắm khiến tôi cười rũ làm vết thương thấm máu ra cả băng...

Viện 301 nằm ở Khe Gió, gần căn cứ Tân Lâm, nơi đầu chiến dịch ta bắt sống cả lữ đoàn trưởng cùng trung đoàn pháo 175 li “vua chiến trường”. Tôi cùng hai người nữa nằm chung một hầm, đều không phải thương binh nặng nên rất vui. Lính tráng là thế, chỉ cần đỡ một tí là nghịch, phá quấy chứ loanh quanh trong hầm bức bối lắm. Một lần, ba chúng tôi rủ nhau sang một trại quân mình vừa chuyển đi. Ở đó có rất nhiều đạn, lựu đạn bỏ lại. Bọn tôi tò mò rồi học du kích miền Nam, ra chân dốc rút chốt lựu đạn, bỏ vào ống nứa, xem ai vút xa nhất. Tôi và một người vút được rất xa, nhưng có một cậu lính trẻ bị thương trên đường vào, lớ quớ thế nào lại vung nó lên trên dốc ngay gần đó. Lựu đạn lăn xuống nổ. May mà ba đứa kịp nhào xuống hố gần đó. Cậu ném quả đó nhào sau cùng vừa lúc lựu đạn nổ nên mông bị miểng đạn sượt qua, máu đầm đìa, về nói dối bác sĩ là đi bắt cá bị đỉa cắn.

*

* *

Hồi ấy, tình hình chiến trường rất nản, Hiệp định Paris cứ hoãn đi hoãn lại, 30/10 rồi 31/12 cũng chưa được kí kết. Hà Nội lại bị B52... Tâm tư lắm. Đêm, tôi hay lên chỗ Ban chỉ huy Bệnh viện vì Bệnh viện trưởng là đồng hương để nghe đài BBC, rồi về thông báo cho anh em. Một bữa, tôi lần mò dọc chiến hào, đếm các cửa hầm để về hầm mình. Không ngờ rẽ sai ngách hào nên nhào vào một cửa hầm mà cứ tưởng đã về tới. “Có tin mới... Có tin mới đây...”. Miệng oang oang, tay sờ soạng thấy mấy đôi chân trên sạp liền ào vào. Bỗng tiếng phụ nữ ré lên làm tôi hoảng hồn. Chết cha, nhầm hầm phụ nữ rồi. Diêm bật lên soi rõ ba cô thanh niên xung phong đang ôm chầm lấy nhau đề phòng tôi. Tôi xin lỗi nhưng họ không cho tôi về, bắt nói tin đài BBC vừa nghe. Tôi nói xong, cũng không được về mà phải ở lại kể chuyện, vì trước đó lỡ miệng bảo, căn hầm các cô ở có một thương binh mới bị chết. Các cô thanh niên hỏa tuyến là chúa sợ ma. Đã thế tôi bèn kể cho toàn chuyện ma, làm cả toán cứ rú lên, đến nỗi các hầm khác phải chạy sang. Thế là đêm ấy, hầm các cô chật ních lính và dân công hỏa tuyến cười vui, chuyện trò rôm rả. Cũng từ đó, căn hầm của mấy chị em trở thành “câu lạc bộ” của chúng tôi, hết đánh bài “tiến lên” lại cải thiện rau cỏ, kể chuyện, hát hò... Phải công nhận, ba cô gái người Quảng Trạch, Quảng Bình, dân công hỏa tuyến cực kì vui tính, lại xinh nữa. Trong đó, có cô tên Hoa rất hay pha trò, cười chết thôi, còn một cô tên rất không đẹp, nhưng nhan sắc hiếm thấy ai bằng, là Vẫn.

Cho đến một hôm, trời đã về chiều, bọn chúng tôi đang đánh bài ngoài hầm thùng (dù ở viện nhưng đi lại sinh hoạt vẫn trong các hầm hào) thì một tốp máy bay ào đến, sau khi tọa độ đánh tan nát một đơn vị bộ đội đóng quân gần viện còn thả mấy quả bom bi nổ chậm. “Bom bi mẹ” nổ trên không, đúng địa bàn bệnh viện nên tất cả đều không được ra ngoài bởi “bom bi con” rơi khắp nơi và phát nổ bất kì lúc nào nguy hiểm vô cùng. Buồn nhất là một cô đang đi hái rau rừng, không về kịp. Mãi đêm ấy, các y bác sĩ tìm thấy cô đã hi sinh trong khi đang lấy măng... Hai cô Vẫn và Hoa cùng xuất viện với tôi dịp sát tết. Chia tay thật bùi ngùi, chúng tôi lấy địa chỉ của nhau, hẹn ngày chiến thắng dù chẳng thể biết ngày ấy ai còn, ai mất.

*

* *

Sau ngày toàn thắng, tôi trút bỏ áo lính. Khi đoàn xe chở chúng tôi về quê, dừng nghỉ đêm cách Phà Ròn hai chục cây số, tôi cùng một người bạn quyết định chạy bộ đến Quảng Trạch, mong gặp hai cô gái hỏa tuyến năm nào, tặng mỗi người một chiếc khăn voan để kỉ niệm tình bạn thời khói lửa. Nhưng đến bờ sông Ranh, hỏi ra còn gần chục cây số nữa, sợ quay lại không kịp giờ, nên đành nhờ một người tình cờ gặp, quê gần xã của hai o cầm hộ quà và lá thư viết vội...

Cho đến giờ, tôi cũng không biết món quà có đến được tay hai cô gái hỏa tuyến đó không...

T.C.T