Thứ Hai, 14/10/2019 10:44

Dịch người khác, để thành chính mình

Vừa qua, Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Huế đã tổ chức buổi seminar về chủ đề “Hội ngộ Đông - Tây: Ảnh hưởng của châu Á lên thơ ca Hoa Kỳ thế kỉ XX”; diễn giả là giáo sư Shannon Gramse đến từ Trường Đại học Alaska Anchorage, Hoa Kỳ

Vừa qua, tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế đã tổ chức buổi seminar về chủ đề “Hội ngộ Đông - Tây: Ảnh hưởng của châu Á lên thơ ca Hoa Kỳ thế kỉ XX” (Looking East and West at Once: Asian Influence on American Poetry of the 20th century); diễn giả là giáo sư Shannon Gramse đến từ Trường Đại học Alaska Anchorage, Hoa Kỳ

Giáo sư Shannon Gramse tại sự kiện

Chủ đề của buổi seminar vô cùng thú vị khi diễn giả cho rằng thơ ca Hoa Kỳ đương đại mang ơn Lý Bạch nhiều hơn là William Shakespeare. Bài nói chuyện của giáo sư Gramse lần theo dấu vết từ hiện tượng xuất bản các bản dịch “sáng tạo” (dịch sai) của Ezra Pound về các bài thơ cổ điển Trung Quốc trong tác phẩm Cathay cách đây hơn 100 năm cho đến thơ Phật giáo giữa thế kỉ XX. Đồng thời, giáo sư cũng phân tích sự ảnh hưởng của quan điểm mỹ học châu Á đối với các nhà thơ ở Alaska hiện nay. Từ đó, giáo sư cho rằng trong mỗi trường hợp, các nhà thơ ở một mức độ nào đó đã “hiểu sai” về một truyền thống văn học nước ngoài được phản chiếu qua tầm nhìn nghệ thuật của riêng họ.

Cuộc thảo luận rất thú vị, bổ ích khi giáo sư Gramse chỉ ra những khả năng và giới hạn của văn bản dịch, đặc biệt đối với thể loại thơ. Cách tiếp cận của giáo sư đã làm nổi bật “sự bất lực của ngôn ngữ” trong việc chuyển tải thông điệp nghệ thuật của tác phẩm văn chương. Bởi ngôn ngữ là thông tin, nhưng ẩn sâu bên trong nó là kinh nghiệm, sự trải nghiệm của một cộng đồng về văn hóa, mỹ học, lịch sử, xã hội… Văn bản dịch, vì vậy chỉ cố gắng để truyền đạt được thông tin (yếu tố gần với tính xã hội) chứ kinh nghiệm văn hóa, lịch sử (yếu tố có tính chất riêng tư của một cộng đồng) thì rất khó để chuyển tải. Sự tiêu hao và mất mát này vừa tạo nên tính đa dạng của bản dịch nhưng đồng thời cũng đánh mất vẻ đẹp đặc trưng của văn bản nguồn.

Cán bộ, giảng viên, sinh viên Khoa Ngữ văn - Trường ĐHSP Huế tại sự kiện

Buổi seminar cùng với giáo sư Shannon đặc biệt lôi cuốn cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế khi diễn giả quan niệm rằng mỗi chúng ta đều có khả năng là một người sáng tạo nên thơ ca Hoa Kỳ thông qua việc “tái tạo”, “viết lại” các bài thơ đó. Thông qua việc dịch người khác, chúng ta trở thành chính mình.

Giáo sư Shannon Gramse là người sáng lập nên Khoa Viết - Trường Đại học Alaska Anchorage (Hoa Kỳ) vào năm 2007. Cho đến nay, giáo sư đã có khoảng 18 công trình và bài báo xuất bản trên các tạp chí quốc tế.

HƯƠNG DIỄM