Thứ Năm, 21/11/2019 09:38

Diễn ngôn thân thể trong Người tình và Người tình Hoa Bắc của M.Duras

Diễn ngôn thân thể là một trong những lí thuyết quan trọng, cơ bản của chủ nghĩa nữ quyền. Diễn ngôn thân thể trở thành phương diện tất yếu và quan trọng tạo thành một không gian biểu đạt gắn liền với tính cách, khát vọng của con người.

.HOÀNG THỊ HƯỜNG

Diễn ngôn thân thể là một trong những lí thuyết quan trọng, cơ bản của chủ nghĩa nữ quyền. Diễn ngôn thân thể trở thành phương diện tất yếu và quan trọng tạo thành một không gian biểu đạt gắn liền với tính cách, khát vọng của con người.

Trong văn học nghệ thuật, từ xa xưa, thân thể đã trở thành một đối tượng được miêu tả, thể hiện. Có điều, phải đến chủ nghĩa nữ quyền, vấn đề thân thể mới thực sự trở thành đối tượng trung tâm, thành phương thức nghệ thuật đặc thù, thậm chí, thành một lối viết - lối viết thân thể. Không phải ngẫu nhiên mà chủ nghĩa nữ quyền kêu gọi nhà văn nữ viết về/bằng thân thể. Bởi vì, theo các nhà nữ quyền, thân thể là nơi thể hiện rõ nhất căn tính phụ nữ, là nơi người phụ nữ được là mình nhất. Một số nhà văn, nhà thơ đương đại ý thức rất rõ về tầm quan trọng của thân thể, đã chú tâm kiến tạo thân thể trong sáng tác văn học như một đối tượng trung tâm, một phương thức nghệ thuật.

Trong hai tiểu thuyết mang đậm dấu ấn tự thuật là Người tìnhNgười tình hoa bắc của Marguerite Duras, lớp ngôn ngữ thân thể được sử dụng với mức độ cao. Điều này bắt nguồn từ những ẩn ức, vô thức sâu kín bởi những chấn thương của nhà văn. Khởi đầu là chấn thương tinh thần của cô bé do bị người mẹ chối bỏ. Người mẹ căm ghét xứ sở thuộc địa, chối từ bản sắc của người da vàng, dẫn đến việc chối bỏ thân thể cô bé, bởi đứa con này mang đặc điểm của người da vàng. Cùng với đó là mặc cảm thân phận bị bỏ rơi của một kẻ lưu vong không bản sắc trên mảnh đất thuộc địa dẫn đến sự huyễn tưởng bù đắp về sự hòa nhập giữa thân thể cô bé với người bản xứ. Sống trên xứ thuộc địa, Marguerite Duras thương yêu, gắn bó với mảnh đất này, nhưng đồng thời dòng máu của người da trắng không cho phép cô trở thành một phần trong cộng đồng người da vàng. Thân phận của những người da trắng là thân phận chênh vênh trên hai bờ vực văn hóa, chủng tộc. Sau này, Duras quyết định rời bỏ mảnh đất An Nam để trở về Pháp, chuyến đi này càng tăng thêm mặc cảm trong tâm trí bà. “Duras nghĩ rằng mình đã phạm tội trên hai phương diện: không đoàn kết với người dân bản xứ và đã phản bội họ khi vĩnh viễn rời bỏ mảnh đất Đông Dương”(2). Đó chính là sự mặc cảm với mảnh đất mà mình sinh ra. Từ đó dẫn đến ước muốn hòa giải bằng cách tự nhận mình thuộc về chủng tộc mà mình đã từ bỏ.

Do vậy, trong các tiểu thuyết của mình, Marguerite Duras luôn chú ý miêu tả thân thể của cô bé da trắng. Đó là một cơ thể gầy gò, bộ ngực lép- biểu tượng cho thân thể của người dân thuộc địa. Cơ thể gầy gò là một tiêu chí phân định giữa những thành viên trong gia đình cô bé. Nếu người mẹ và người anh cả có cơ thể vạm vỡ, da trắng thuần chủng - biểu tượng cho “mẫu quốc”, thì người anh thứ và cô bé lại gầy gò, yếu đuối - biểu tượng của người da vàng. Cơ thể của người anh thứ và người tình của cô bé giống nhau - đều là biểu tượng của thuộc địa nhược tiểu: “Thân hình gầy gò, không sức lực, không cơ bắp, có thể anh đã từng bị ốm, đang trong thời kì hồi phục, anh không có râu, không có gì nam tính ngoài bộ phận sinh dục, anh rất yếu ớt”(3). Có lẽ “vẻ đẹp kì diệu”, sự hấp dẫn của người tình da vàng đối với cô bé da trắng nằm ở chính sự yếu đuối đó. Bởi thế, sự ân ái giữa cô bé da trắng với người tình không chỉ là sự ân ái giữa hai thân thể cá biệt, mà còn thể hiện khát vọng của cô bé được hòa nhập với người da vàng. Cho nên, trong khi ân ái với người tình, cô bé luôn tưởng tượng đến thân thể của người anh thứ.

Nếu như việc miêu tả sự gầy gò của thân thể trong Người tình chỉ hiện lên thoáng qua, thì trong Người tình hoa bắc được lặp đi lặp lại, trở thành biểu hiện cho sự huyễn tưởng của nhà văn, thể hiện khát vọng vẽ nên dấu hiệu thân thể cô bé thuộc về bản sắc da vàng. Thân thể cô bé và người tình được miêu tả bởi những dấu hiệu lai chủng. Trong khi cô bé da trắng có “làn da nước mưa như đàn bà Á châu”, thì người tình của cô có “làn da trắng của người Hoa Bắc”. Bản thân cô là người da trắng, nhưng lại mang dấu hiệu của người da vàng. Ngược lại, người tình của cô là người da vàng, nhưng lại mang dấu hiệu của người da trắng. Thông qua sự miêu tả thân thể “lai”, nhà văn thể hiện khao khát được chấp nhận, khao khát giảm trừ sự khác biệt giữa người da vàng và người da trắng - điều cấm kị trong xã hội thuộc địa lúc bấy giờ.

Ngược lại với thân hình gầy gò của cô bé, cô bạn Hélène Lagonelle của cô được miêu tả như biểu tượng thuần chủng của người da trắng. Hélène Lagonelle là người bạn da trắng duy nhất của cô bé tại kí túc xá Lyautey. Khát vọng “lai” trong cô bé dẫn đến ham muốn đồng tính: “Tôi muốn ăn bộ ngực của Hélène Lagonelle như anh đã ăn bộ ngực của tôi trong căn phòng của phố Tàu... Tôi bủn rủn người vì thèm muốn Hélène Lagonelle”(4). Marguerite Duras miêu tả thân thể của Hélène Lagonelle mang đặc trưng của người da trắng, gợi cảm, gợi tình, khiến cô bé trong tâm tưởng đặt Hélène Lagonelle vào chính chỗ của mình trong vòng tay người tình. Thông qua thân thể người bạn gái, nhà văn muốn thỏa mãn huyễn tưởng về sự phối ngẫu lai, đã hiện diện phần nào trong mối quan hệ giữa cô và người đàn ông Trung Hoa (mà thân thể của cô quá gầy gò, không mang bản sắc của người da trắng). Cô huyễn tưởng đến sự ái ân của hai kẻ đại diện cho hai nòi giống, và cảm thấy khoái lạc trước cảnh khoái lạc của tấm thân phụ nữ da trắng và tấm thân đàn ông da vàng. Hélène Lagonelle là phiên bản của cô bé được Tây hóa: trắng hơn, to cao hơn, tiêu biểu hơn cho người da trắng, đồng thời đối lập hơn với thân thể của người tình da vàng; chính sự khác biệt này tạo nên sự khoái cảm vô song. Khát vọng lai của nhà văn tạo nên sự phân thân - cô bé đã hoang tưởng và quy chiếu chính mình trong vô thức.

Trong tiểu thuyết của Marguerite Duras, thân thể không còn là phạm trù của phàm tục, tội lỗi phải che giấu mà được biểu hiện tự nhiên, kiêu hãnh. Thân thể hiện ra trong tất cả vẻ đẹp tự thân đầy cám dỗ. Ở Người tìnhNgười tình hoa bắc, tác giả thể hiện sự hưởng thụ và chủ động hưởng thụ khoái cảm của nhân vật nữ như là cách khẳng định nữ quyền, cách xác lập bản thể riêng của mình. Ngôn ngữ thân thể của nhân vật người tình thể hiện sự bị động, yếu ớt: “Tay anh run run. Có sự khác biệt về chủng tộc, anh không phải là người da trắng, anh cần phải vượt qua sự khác biệt này, vì thế mà anh run”(5). Ngược lại, ngôn ngữ thân thể của cô bé da trắng thể hiện sự chủ động, khát vọng chiếm đoạt và khao khát tận hưởng khoái lạc: “Và cô, chậm rãi, kiên nhẫn, cô kéo anh lại về phía mình rồi cô bắt đầu cởi quần áo anh. Mắt nhắm lại, cô làm việc đó. Chậm rãi”(6).

Trong các trang có cảnh ái ân, Marguerite Duras luôn miêu tả cụ thể thân thể của hai giới, sự khoái cảm khi đụng chạm xác thịt. Đó chính là cảm xúc si mê đầu đời vẫn còn nguyên vẹn trong kí ức của nhà văn. Những cử chỉ vuốt ve, âu yếm, hôn nhau... được miêu tả tỉ mỉ. Duras đã đề cao và ca ngợi vẻ đẹp của thân xác như cách vượt lên những cấm kị trong xã hội lúc bấy giờ. Chính trong căn phòng riêng của hai người, cô bé và người tình mới có thể thoát khỏi những tổn thương từ những mặc cảm thân phận. Hai cơ thể gắn liền nhau, đam mê không rời. Sự đụng chạm xác thịt, sự mơn trớn vuốt ve… là cách để những tâm hồn thương tổn hòa vào nhau, xoa dịu cho nhau. Khao khát của cô bé là khao khát chiếm đoạt và được chiếm đoạt, được trở thành một vật sở hữu, được xác lập bản thể là thứ-thuộc-về, để thoát khỏi mặc cảm vô danh trong thân phận lưu vong trên đất thuộc địa. Khi được chiếm đoạt là khi thân thể của cô đã “biến đổi”, biến thành sở hữu của chủng tộc da vàng, nghĩa là không còn thân phận bơ vơ, lạc loài nữa: “Cái đau đến trong thân thể cô bé... Nỗi đau đớn rời khỏi thân thể gầy gò. Thân thể vẫn mở ra với ngoại giới. Nó đã vượt qua được, nó chảy máu, nó không đau đớn nữa”(7). Như vậy, lớp ngôn ngữ thân thể được tác giả đặt trong nhiều tương quan khác nhau, vừa tạo bề nổi của góc độ phản ánh, vừa gửi gắm những bề chìm của thông điệp như là những ẩn ức nghệ thuật, mang chở những chấn thương, những khao khát thầm kín của nhân vật.

Diễn ngôn thân thể luôn gắn liền với vấn đề tính dục trong tác phẩm văn học. Trong tiểu thuyết của Marguerite Duras, sex hay thân thể được xem là nơi thể hiện vẻ đẹp, tài năng và khẳng định bản thể nữ. Nếu phụ nữ muốn bình đẳng về thân xác, tình dục lẫn tinh thần thì “người nữ phải được tiếp cận với thế giới nam giống như người nam tiếp cận với thế giới nữ”(8).

Với ý nghĩa đó, người đọc có thể thấy rằng, sự đam mê dục tính là điều mà Duras muốn nhấn mạnh trong tác phẩm của mình. Miêu tả thân thể và vấn đề tính dục là cách nhà văn khẳng định bản thể nữ giới. Nhà văn không khước từ thân thể, mà phô bày tất cả đường nét của thân thể cũng như những khoái cảm tính dục nữ. Mười lăm tuổi, cô bé da trắng đã “có khuôn mặt của lạc thú tuy chưa biết lạc thú”. Để rồi, mười lăm tuổi rưỡi, cô đã dám đi đến “tận cùng ý tưởng” với một người đàn ông Trung Hoa hơn cô mười hai tuổi. Người mẹ suốt một đời khắc khổ của cô cũng tự thú, hối hận: “Mẹ đã nghiêm túc quá lâu, quá trễ, thành thử mẹ đã mất đi cái sở thích về lạc thú của mình”(9).

Miêu tả thân thể và đưa vấn đề sex vào văn chương như thế nào để không trở nên thô tục, để tính dục trở thành “mĩ học tính dục”, thành phương tiện chuyển tải tư tưởng chủ đề và tăng tính thẩm mĩ của tác phẩm… là điều không dễ dàng.

Tính dục trong tiểu thuyết của Marguerite Duras trước hết được miêu tả như một nhu cầu tự nhiên, một phần tất yếu của cuộc sống, động lực thúc đẩy con người hướng về điều tốt đẹp. Tính dục phản ánh tính cách con người. Hành vi tình dục không chỉ gói gọn ở phạm trù xác thịt mà còn là kết quả của tình yêu đẹp đẽ. Từ không gian gợi tình đưa đẩy, đến những biểu hiện gợi tình của giới tính, tất cả hiện lên thật hài hòa trong Người tìnhNgười tình hoa bắc. Nhà văn đã khéo léo miêu tả cảnh ái ân và vẻ đẹp thân thể như để tôn vinh sự hòa điệu giữa xác thịt. Ngòi bút của nhà văn dẫn độc giả tránh khỏi cảm giác khó chịu, khi miêu tả những chi tiết tưởng như dữ dội, táo bạo, sa đà nhưng thực ra chừng mực, vừa phải, tiết chế. Những cảnh sex trong tác phẩm của Duras hiện lên chân thực mà gợi cảm, phản ánh sinh động những trải nghiệm tính dục đầu đời của người phụ nữ.

Duras đã thành công trong việc tạo không khí, nhịp điệu, cảm giác, hình ảnh… để miêu tả thân thể và cảnh ái ân của các nhân vật một cách tinh tế, tượng hình, biểu cảm. Cách sử dụng ngôi kể phân thân trong Người tình và kĩ thuật dán ghép điện ảnh trong Người tình hoa bắc, cùng với ngôn ngữ đẫm chất thơ giúp nữ văn sĩ có thể miêu tả những cuộc ái ân tỉ mỉ, chi tiết nhưng không gợi dục vọng tầm thường mà mang lại những cảm xúc đầy ám ảnh. Các tác phẩm của Duras là một hồi ức đẹp về tình yêu đã mất. Sự hòa quyện thân thể, bản hoan ca của xác thịt còn là ám dụ để nhà văn thể hiện những đối thoại về văn hóa, về bi kịch của con người.

Qua diễn ngôn thân thể nữ giới và cách xử lí vấn đề tính dục của Marguerite Duras, chúng ta có thể nhận thấy, nhân vật nữ trong tác phẩm của bà đi từ khách thể dục tính đến chủ thể dục tính. Tính dục của giới nữ đi từ quan niệm “như là nghĩa vụ và thiên chức” (làm mẹ) đến “như là đam mê và quyền lực” (cái đẹp). Vai trò người tình cũng chuyển hoá từ kẻ thống trị và chiếm đoạt thành một đối tác, thậm chí, là một công cụ. Tính dục từ chỗ ép xác khổ hạnh do bị cấm kị bước ra trở thành một ân sủng của tạo hoá. Với “lối viết thân thể” như vậy, tác phẩm của Marguerite Duras là một lời đối thoại về quyền năng nữ giới

H.T.H

-----------

1. Marguerite Duras (1914 - 1996) là nữ nhà văn và đạo diễn phim người Pháp, sinh ra tại Gia Định, Sài Gòn. Cha mẹ bà là giáo viên, rời bỏ nước Pháp sang Đông Dương khi mới lấy nhau. Mẹ bà từng là hiệu trưởng trường École de jeunes filles (nay là trường tiểu học Trưng Vương) ở thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Trải qua thời niên thiếu ở Việt Nam, những kỉ niệm ở đây đã gợi nhiều cảm hứng và in đậm trong các tác phẩm của bà. Năm 18 tuổi Duras trở về Pháp.

Tác phẩm của Duras gồm khoảng bốn mươi tiểu thuyết và mười vở kịch, trong đó có Người tình (L’Amant, 1971) và Người tình hoa bắc (Agatha, 1981). Năm 1984, bà đoạt giải thưởng Goncourt (giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp) với Người tình (L’Amant), cuốn tiểu thuyết viết về cuộc tình giữa bà với Huỳnh Thủy Lê - chàng công tử con một điền chủ người Việt gốc Hoa giàu có tại Sa Đéc. Người tình là một thành công lớn, được dịch ra hơn 40 thứ tiếng và được dựng thành bộ phim cùng tên (khởi quay tại Việt Nam năm 1986, ra mắt năm 1992).

Hiện nay, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là một di tích, một điểm tham quan của khách du lịch khi đặt chân đến thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ngoài giá trị kết hợp giữa hai lối kiến trúc Đông - Tây, ngôi nhà cổ còn nổi tiếng bởi liên quan tới “cuộc tình không biên giới” của nữ nhà văn Pháp. (Chú thích của BBT).

2. Catherine Bouthors - Paillart, Duras - người đàn bà lai, Hoàng Cường dịch, Nxb Văn học, 2008.

3, 4, 5, 6, 9. Marguerite Duras, Người tình, Lê Ngọc Mai dịch, Nxb Hội Nhà văn, 2017.

7. Marguerite Duras, Người tình hoa bắc, Lê Hồng Sâm dịch, Nxb Lao Động, 2015.

8. Simone de Beauvoir, Giới nữ, Nguyễn Trọng Định và Đoàn Ngọc Thanh dịch, Nxb Phụ nữ, 1996.