Thứ Ba, 30/10/2018 20:57

Đỗ Doãn Quát "hí lộng"

Cứ theo thơ thì mối tình thật có dư vị, cái yêu, cái hờn của tuổi hồi xuân không thể tha thiết mãnh liệt như hồi tuổi trẻ, mà nó phải pha một chút tự trào mới là chân thực.

TRẦN CHUNG
(Nhân đọc tập thơ “Huynh muội”, NxB Hội Nhà văn, 2018)

Xem thêm: Cuộc hành trình từ cõi người tới chốn hình nhân 

Nhà văn Đỗ Doãn Quát sinh năm 1947, lúc trẻ hào hoa, yêu thích văn chương lãng mạn Nga và tinh thần cuộc khởi nghĩa tháng Chạp ở Nga (1825) trong thơ Puskin, Lermontov... Tinh thần đó ít nhiều còn phảng phất trong trong một vài bài thơ của ông ở tập vừa in này:
"Trên chuyến tàu mệt mỏi
Đầy ắp khách thập phương
Nàng thì mải thêu gối
Tôi thì mải ngắm nàng...
...
Rồi đến một ga tắt
Nàng lặng lẽ xuống tàu".

(Chuyện vu vơ)

Nhưng rồi với phần lớn cuộc đời làm ông thầy lang ở chốn quê nhà (làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội), ông chịu ảnh hưởng của cái thực tế nông thôn lúc nào chẳng hay. Và cái thực tế ấy hóa ra rất phù hợp với bản chất của ông, vì cơ bản ông là người cực kỳ thực tế, với đầu óc phong phú, hóm hỉnh. Nhưng ông không thích điều đó, ông không thừa nhận mình có chất “hiện thực phê phán” hay "hiện thực huyền ảo", mà cứ nhất định khép mình vào khuynh hướng lãng mạn trữ tình.
 
unnamed


Trong suốt thời trai trẻ và trung niên, ông vẫn gắng lái ngòi bút của mình theo hướng lãng mạn, nhưng về cơ bản là thất bại. Những bài thơ trữ tình lãng mạn của ông (với nàng, chàng), trở nên rất bình thường như những bài thơ trong ba lô của các anh bộ đội hay trong nhật ký của các cô cậu học sinh trường huyện.

Ngay trong tập “Huynh, muội” cũng vậy. Hễ khi nào ông làm thơ tình một cách nghiêm túc (chàng, nàng) thì đọc lên lại thấy nhợt nhạt. Chỉ ở những bài thơ phát tiết ra đúng chất con người ông  - không có chàng, nàng mà chỉ có hai đại từ xưng hô vừa cổ lỗ, kiếm hiệp vừa bình dân, tếu táo là "huynh", "muội" - thì mới đầy sinh thú.

Cái sinh thú của người đàn ông, tầm tuổi U60 - 70, khi sức khoẻ còn tốt, đầu óc còn thanh niên, và đời sống nhàn hạ thì thường chẳng có gì ngoài hồi tưởng "tình xưa, nghĩa cũ" hay lang bang tình già "đong đưa". Cái sự tình củm trong tình già của Đỗ Doãn Quát có một dư vị rất riêng, mà trai tơ, gái tơ không thể đọ lại được. Khi ông phát tiết cái tình củm đó thì bài thơ rất tuyệt.

"Dòng xe thác loạn lòng đường
Để huynh lai muội, phố phường lâm li
Nhớ nơi ta chả là chi
Nhưng ai cũng chả là gì với ta"

(Nhớ lắm kinh kỳ)

Đọc thơ, nhiều người phỏng đoán tác giả... phải lòng một bà trên miền ngược (Thứ nhất là con đại gia/ Thứ nhì con Nghệ/ Thứ ba con Miền). Cứ theo thơ thì mối tình thật có dư vị, cái yêu, cái hờn của tuổi hồi xuân không thể tha thiết mãnh liệt như hồi tuổi trẻ, mà nó phải pha một chút tự trào mới là chân thực. Hỏi thì ông chối rằng đó chỉ là cảm hứng trữ tình để làm thơ. Cảm hứng ấy giúp ông có những bài hí lộng đặc sắc mà ngẫm ra cực kỳ tình củm, đúng cái tình già:

"Thuyền tình san sát Bến Hoa
Sàn tình nhịp bảy, nhịp ba thậm thình
Sao mà muội nỡ để huynh
Bờ Nam hóng gió một mình chiều nay"

(Sao mà Muội nỡ) 

"Tìm em, em mãi trên phây
Em rừng rực giữa trùng vây đặc người
Người gì càng ngắm càng tươi
Em phây phây mãi, anh hơi hơi chờn"

(Tìm em trên phây)

"Đã cam mất trắng vụ chiêm
Rồi dây dưa lại mất thêm vụ mùa
Tôi tìm em khắp thành đô
Cạn tiền, đành đến bờ Hồ hát rong"

(Tìm em)

Chỉ tiếc là đôi bài hí lộng hơi giống giọng của nhà thơ dân gian Bảo Sinh: "Thơ phây được bạn bè khen/ Cho dù giật giải Nobel sao bằng/ Bồ ban hai chữ ga lăng/ Tấm huân chương ấy ta hằng khát khao" (Chàng Đông-ki-sốt – thơ Đỗ Doãn Quát). "Nghe phò đọc thuộc thơ ta/ Sướng hơn đoạt giải gọi là Nô-ben" (thơ Bảo Sinh).

Cái lối của Bảo Sinh là hí lộng cuộc đời nói chung, mà tác giả đứng ở trên, trong khi chất của Đỗ Doãn Quát là phải hí  lộng chính bản thân (tự trào) thì mới thành công:
"Người gì càng nói càng gàn
Tháng ngày thơ phú lan man nhì nhằng
Khùng khùng như cuội cung trăng
Khư khư ôm lấy chữ “thằng” mà thôi"

(Người gì)

"Trẻ thì chả ái chả ân
Già rồi mới bảo muốn gần gụi nhau
Trắng đen nham nhở mái đầu
Ái ân, thôi khất kiếp sau hoạ là"

(Khất kiếp sau)

Hoặc chí ít là cảm khái về những chuyện người thật việc thật như chuyện đời của cô cháu gái gần nhà, chứ không phải triết lý xa vời từ văn hoá Nga:
"Em tôi bỏ đại học văn
Theo chồng ra mở quán ăn bờ hồ
Lòng đường thêm chiếc ô tô
Kinh kỳ mất nữ nhà thơ đa tình"

(Được, mất)

Nhưng dù sao cũng đã già rồi. Với vốn văn hoá vừa uyên bác vừa hóm hỉnh sống động (như đã thể hiện qua Bến lú, Sang vàn ba (tập truyện ngắn), Hình nhân thụ huyết (tiểu thuyết)..., chắc rằng “Huynh muội” chỉ là ngã rẽ dối già của Đỗ Doãn Quát trong đời cũng như trong văn. Hãy nghe tâm sự đậm chất tự trào để khép lại tập thơ này:
"Thu sang nắng gió nhạt dần
Tiệc nồng cũng đã tới tuần phôi pha
Một chân thì vẫn la đà
Một chân đã hướng về nhà - bai bai"

(Bai bai)

Có thể Đỗ Doãn Quát cũng sẽ sớm "bai bai" cái nguồn cảm hứng tình già để trở về với vốn sống bề thế mà mình đã trải nghiệm và cho ra đời những tác phẩm tiếp theo.
                                                                       
T.C