Thứ Bảy, 01/06/2019 23:08

Đọc để kháng cự lại quán tính đọc

Đọc cuốn tiểu thuyết Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình của nhà văn Peter Handke để bạn đọc Việt Nam kháng cự lại quán tính đọc, thay đổi não trạng đọc, nâng cao trình độ đọc.

Chiều ngày 1/6/2019, tại Cà phê thứ Bảy Hà Nội (3 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm) diễn ra buổi gặp gỡ và đối thoại với dịch giả Nguỵ Hữu Tâm về cuốn sách Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình của nhà văn Peter Handke, với sự điều phối của nhà văn Trần Nhương.

Dịch giả Nguỵ Hữu Tâm (phải) và nhà văn Trần Nhương tại sự kiện

Tại sự kiện, dịch giả Nguỵ Hữu Tâm đã giới thuyết sinh động về nhà văn Peter Handke và cuốn tiểu thuyết lừng danh - cuốn tiểu thuyết nhuốm một sắc thái lạnh lùng, phóng chiếu một châu Âu già nua, đánh mất cảm giác sống đã mang về cho Peter Handke giải Franz Kafka năm 2009.

Peter Handke sinh năm 1942, là nhà văn, nhà soạn kịch, dịch giả người Áo. Ông là chủ nhân của nhiều giải thưởng văn học danh giá như: Georg Buchner (1973), Vilenika International Literary (1987), Brothers Karie Award (2000), America Award (2002), Grober Literaturpreis der Bayerischen Akademie der Schonen Kunste (2008), Franz Kafka (2009), Mulheimer Dramatikerpreis (2012), International Ibsen Award (2014), Nestroy-Theaterpreis (2018)… Peter Handke là nhà văn thứ 9 nhận giải Franz Kafka, sau những cây bút như: Philip Roth, Ivan Klima, Peter Nadas, Elfriede Jelinek, Harold Pinter, Haruki Murakami, Arnost Lustig… Nữ nhà văn người Áo Elfriede Jelinek khi được trao giải Nobel văn chương năm 2004 cho tác phẩm Tình ơi là tình đã cho rằng Peter Handke là nhà văn xứng đáng hơn bà để nhận giải thưởng cao quý này. Peter Handke hiện tạm cư tại Chauville, kế cận thủ đô Paris, Pháp.

Nhà văn Peter Handke

Tiểu thuyết Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình của Peter Handke kể câu chuyện một dược sĩ sống ở Taxham với sở thích đặc biệt là nghiên cứu các loại nấm, ghẻ lạnh với vợ con và với chính ngôi nhà nhỏ của mình. “Họ sống tách biệt, mỗi người có khu vực riêng; khi sang khu vực kia phải gõ cửa; ngay cả ở những không gian chung, chẳng hạn như lối vào, hầm, vườn vẫn có những vách ngăn hữu hình và vô hình, và ở những nơi mà điều đó khó thực hiện - chẳng hạn như trong bếp - họ sống lệch pha nhau...”

Và vào một đêm tối trời, trong cuộc gặp gỡ tình cờ tại quán rượu với một cựu vô địch Thế vận hội và một nhà thơ trước đây cũng nổi tiếng, ba người họ dấn thân vào một cuộc hành trình xuyên châu Âu để đến Alps. Dược sĩ đột ngột bị mất tiếng nói bởi cú ra đòn từ một người phụ nữ lạ mặt - người mà ngài tài xế-câm lặng tìm kiếm mãi hoài sau đó.

Và để kết thúc cho hành trình bí ẩn của các nhân vật, nhà tiểu thuyết Handke đã thực hiện như nhân vật dược sĩ của mình - bằng cách “cứ để nó treo lơ lửng như vậy”, mà chẳng tuân theo một quy tắc thời gian và không gian nào cả.

Cuốn sách do Nguỵ Hữu Tâm dịch, Domino Books & Nxb Đà Nẵng ấn hành 2019

Nhà văn Trần Nhương cho rằng: Peter Handke viết văn như kiểu nhảy xuống một dòng sông, bơi cùng nhân vật một quãng, sau đó một mình lặng lẽ lên bờ, còn nhân vật của mình lên bờ như thế nào thì bỏ ngỏ/lửng.

Tuy câu chuyện kể trong cuốn tiểu thuyết này có một số điểm chung với Taxham gần Salzburg, thế nhưng nó lại ít hay hoàn toàn chẳng liên quan gì đến một chủ nhà thuốc hay bất cứ người đương thời nào ở đấy cả. Sự vĩ đại của văn tài Peter Handke chính là ở chỗ đó.

Có mặt tại sự kiện, giáo sư Trần Đình Sử, giáo sư Trần Ngọc Vương, nhà văn Hoàng Minh Tường và nhiều cử toạ khác đã thảo luận rất sôi nổi. Ý kiến của các cử toạ cơ bản đi đến gặp gỡ, thống nhất: Peter Handke là một nhà văn độc đáo, có chỗ đứng biệt lập, vững chắc trên văn đàn thế giới, là đại diện tiêu biểu của văn chương hậu hiện đại. Tiểu thuyết Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình không chỉ kể câu chuyện như đã kể. Tác phẩm kiến tạo một khí quyển linh thiêng huyền bí hư huyền, bên ngoài chủ nghĩa duy lí Đức. Đây là một cuốn sách rất khó đọc, nhưng là cuốn sách mà bạn đọc Việt Nam hôm nay cần thiết phải đọc. Đọc để thoát khỏi ngôi nhà tịch mịch của mỗi người, để nới giãn đường viền của cuộc sống, để kháng cự lại quán tính đọc, để thay đổi não trạng đọc, để nâng cao trình độ đọc.

ĐĂNG HOÀNG