Thứ Năm, 21/10/2021 16:17

Đôi điều về văn hóa giữ nước của ông cha

Có thể nói về văn hóa giữ nước của ông cha ta hay không? Nội hàm của khái niệm đó là gì? Nói về văn hóa giữ nước liệu có phải là chuyện “vẽ rắn thêm chân” hay không?... (PHẠM QUANG LONG)

. PHẠM QUANG LONG
 

Có thể nói về văn hóa giữ nước của ông cha ta hay không? Nội hàm của khái niệm đó là gì? Nói về văn hóa giữ nước liệu có phải là chuyện “vẽ rắn thêm chân” hay không?

Xin nói ngay là “không”, bởi có thể gọi tên khác nhau nhưng tinh thần yêu nước, lòng yêu nước, chủ nghĩa yêu nước hay văn hóa yêu nước là một khái niệm có thật, có nội hàm của nó, mang những đặc điểm chung và riêng của từng dân tộc. PGS.TS Nguyễn Hải Kế cho rằng: “Nhân loại từ khi hình thành các quốc gia, cộng đồng, dân tộc, thì bản năng gắn bó và bảo vệ không gian sinh tồn của sinh học đã vận động, phát triển thành tinh thần yêu nước/văn hóa yêu nước thương nòi. Yêu nước không phải là độc quyền của bất kì cộng đồng, một giai tầng, một thế hệ nào. Mà, yêu nước là thuộc tính phổ biến mang tầm nhân loại”.

Hồ Chí Minh nói đến “làn sóng” yêu nước có thể đưa dân tộc vượt qua nguy hiểm khó khăn, “nhấn chìm bè cũ cướp nước và lũ bán nước”. Trần Hưng Đạo cũng đã từng khẳng định: “Vua tôi đồng tâm, anh em hòa thuận, cả nước góp sức” thì có thể đánh thắng giặc ngoài, giữ yên bờ cõi.

Với tư cách là một nhà thơ, Chế Lan Viên viết về tình cảm gắn bó với Tổ quốc và thái độ sẵn sàng hi sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc của người Việt: Ôi Tổ quốc, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông. Ở đây, dù là theo cách nói của văn chương, bằng hình tượng, nhưng rõ ràng, khái niệm Tổ quốc không phải là cái gì trừu tượng, chung chung mà nó được đặt ở vị trí của những gì gần gũi và thân thuộc nhất của mỗi con người.

Từ sau khi Đại Việt được thành lập, tư tưởng này ngày càng được chú ý nhiều hơn. Trong lĩnh vực đời sống tinh thần, từ văn học dân gian, lễ hội, tín ngưỡng, thờ cúng tổ tiên, tôn giáo, những giá trị đạo đức xã hội đều nhấn mạnh đến vai trò của những người đã bỏ mình vì nước, đã dành cả đời mình phấn đấu, hi sinh vì lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia. GS. Nguyễn Duy Hinh cho rằng: Khảo sát 382 Thành hoàng làng ở 15 tỉnh ở phía Bắc để đánh giá tính chất của tín ngưỡng người Việt, ông phát hiện ra một điều cực kì thú vị và cũng hết sức đặc biệt là gần như tuyệt đại đa số các Thành hoàng làng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ đều là những anh hùng cứu nước, vì cộng đồng. Họ có thể là nhân thần, là phúc thần nhưng tất cả họ đều hi sinh cho sự tồn tại của cộng đồng dân cư ấy hoặc là những người đã bỏ mình trong những cuộc chiến đấu chống xâm lược, chống giặc cướp, chống thiên tai, nghĩa là họ là những tấm gương trung nghĩa, biểu tượng cho sự hi sinh vì nghĩa cả. Số còn lại là những người đã có công tạo lập một vùng đất, dạy cho dân làng ấy một nghề nghiệp nào đó, nói tóm lại xét ở góc độ nào, họ cũng vẫn là những người đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ của một công dân.

Khảo sát những đền thờ rải rác ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Sơn Tây, Hà Đông, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa… chúng ta thấy các đền thờ những Linh Lang Đại Vương, Nam Hải Đại Vương có rất nhiều và điều không làm chúng ta ngạc nhiên là họ - những phúc thần hoặc các đại vương ấy, bên cạnh những chiến công chống lụt, chống bão lũ còn có nhiều chiến công bảo vệ dân làng vùng đó chống lại nhiều thứ giặc, thậm chí cả giặc ngoại xâm, giặc cướp cho đến các giặc dịch bệnh gây hại cho dân làng. Nghĩa là, những nhân vật được thờ cúng ở đây, xét về mặt tâm thức của dân gian, vẫn là những người có công với cộng đồng. Nhân dân biết ơn và thờ cúng họ là do họ là những người đã che chở, bảo vệ nhân dân. Sau này, trong dân gian có câu ca: Vì dân, dân lập đền thờ/ Hại dân, dân đái ngập mồ, thối xương. Hai thái độ kính trọng, biết ơn và xem thường, không tôn trọng các “đấng bậc” trong tâm thức dân gian rất rõ ràng, có nguyên tắc mà nguyên tắc lớn nhất vẫn là người đó cống hiến vì dân, cho dân hay phản dân, hại dân.

Để văn hóa giữ nước trở thành nền tảng tinh thần của quốc gia, các triều đại đã chăm lo nhiều cho việc này. Tư tưởng “ngụ binh ư nông”, “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”, cách thu phục nhân tâm, khơi dậy sức mạnh toàn dân để chống giặc, cách ứng xử sáng suốt trước giờ phút vận mệnh quốc gia như chỉ mành treo chuông... lại là những bài học vô giá truyền đời. Ở tất cả các vùng quê Việt Nam ở phía Bắc còn lại rất nhiều dấu tích về những làng đánh giặc, “làng kháng chiến” như cách gọi sau này, về một đơn vị phòng thủ mang tính cộng đồng, được tổ chức chặt chẽ và có ý nghĩa như những đơn vị chiến đấu địa phương. Bình thường, những đơn vị ấy vẫn tổ chức lao động sản xuất, rèn luyện những kĩ năng để bảo vệ cộng đồng và khi quốc gia lâm sự sẽ được điều động như những đơn vị dự bị cho quân chính quy đánh giặc. Những làng tổ chức theo kiểu này thể hiện thái độ cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu của ông cha ta trước yêu cầu chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc và trong thực tế, nó đã phát huy hiệu quả trong các cuộc chiến đấu chống xâm lược.

Nguyễn Trãi là người đầu tiên nói tới cội nguồn của văn hóa giữ nước: “Việc nhân nghĩa cốt để yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” “Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược/ Có nhân, có trí, có anh hùng”. Nguyễn Trãi có lẽ là nhà tư tưởng đầu tiên đã nói lên sâu sắc và đầy thuyết phục tố chất văn hóa là nền tảng cho tư tưởng yêu nước, là cơ sở quan trọng để hình thành nên lí thuyết về văn hóa giữ nước: Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông, bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc, Nam cũng khác/ Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên làm đế một phương/ Tuy mạnh yếu nhiều lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có. Rõ ràng Nguyễn Trãi đã coi văn hóa quốc gia - dân tộc là những dấu hiệu/tiêu chí thuyết phục về địa vị pháp lí của dân tộc. Nó là văn hiến, cương vực, phong tục, tập quán, là chiều dày lịch sử do các triều đại ngang bằng với các hoàng đế Trung Hoa xây dựng và hiền tài bao giờ cũng là cốt lõi cho mỗi triều đại. Đây là điều đối phương không thể xem thường, là “cái vốn” để chúng ta “ăn nói” sòng phằng với đối tác. Điều này hơn 400 năm sau được Nguyễn Huệ khẳng định lại trong Chiếu xuất quân: Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để răng đen/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng tri hữu chủ. Đó không phải là một hành động quân sự bình thường. Mục tiêu bắt kẻ thù phải hiểu ra rằng đất nước này không phải sân sau, ao nhà chúng, mà là một quốc gia có văn hóa, chủ quyền. Đó là cái đích của động binh. Đó là một đỉnh cao của văn hóa giữ nước.

Hồ Chí Minh từ tầm cao tư tưởng của mình đã bổ sung thêm nhiều đóng góp mới cho văn hóa giữ nước của dân tộc. Tư tưởng Tổ quốc trên hết, Tổ quốc tối thượng là nền tảng tư tưởng yêu nước ở Người, là chân lí “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến” là sự tiếp tục, bổ sung thêm truyền thống của ông cha trong thời đại mới. Hồ Chí Minh là một nhân cách lớn, một hiền tài nên sử dụng nhiều hiền tài cho sự nghiệp giữ nước. Khi ở Trường Sa, tôi đã nghe những người lính kể rằng: Lúc tàu địch vây kín bốn bề, đồng chí chỉ huy tàu đã ra lệnh kéo cờ Tổ quốc lên cột đài chỉ huy, mở hết tốc lực cho tàu lao lên bãi cạn, biến con tàu thành cột mốc biên giới giữa trùng khơi. Các anh đã chọn cái chết về mình khi Tổ quốc cần để đất nước trường tồn. Đó là một biểu hiện của văn hóa giữ nước trong thời đại mới, là chìa khóa để chiến thắng và cũng là bản lĩnh của văn hóa Việt.

P.Q.L

Ảnh: QĐND