Chủ Nhật, 19/06/2022 06:52

Đưa hình ảnh người lính vào trang viết

Đây là dịp để 25 nhà văn, nhà thơ khắp mọi miền đất nước, trong đó có những tác giả trên địa bàn Quân khu 9, khám phá về mảnh đất, con người Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ngày 16/6, tại TP. Cần Thơ, Cục Chính trị Quân khu 9 phối hợp với Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) tổ chức Trại sáng tác văn học đề tài LLVT và Chiến tranh cách mạng năm 2022. Đây là dịp để 25 nhà văn, nhà thơ khắp mọi miền đất nước, trong đó có những tác giả trên địa bàn Quân khu 9, khám phá về mảnh đất, con người Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) trong chiến tranh cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kì mới.

Trung tá Đoàn Phước Lộc, Nhân viên Câu lạc bộ, Phòng Chính trị (Sư đoàn 330), bắt đầu sáng tác văn học - nghệ thuật từ năm 1990. Hơn 30 năm hoạt động, anh dàn dựng biểu diễn gần 40 kịch ngắn, vở cải lương và trên 100 ca khúc. Bên cạnh đó, nhiều bài thơ, truyện ngắn của anh Lộc được giới thiệu trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Anh Lộc chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi tham gia Trại sáng tác do Tạp chí VNQĐ tổ chức. Tôi cố gắng hoàn thành 3 bài thơ và 2 truyện ngắn. Nội dung các tác phẩm về LLVT Quân khu 9 bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia".

Dự trại sáng tác là dịp để các tác giả tìm hiểu về đất và người Đồng bằng Sông Cửu Long hôm qua và hôm nay.

Đến từ tỉnh Hải Dương, nhà thơ Vũ Ngọc Thư, 78 tuổi, sáng tác từ năm 1967 khi chiến đấu ở miền Đông Nam bộ. Chính những vần thơ tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, thấm đẫm tình yêu đất nước, nghĩa đồng đội giúp ông vượt qua gian khổ trên chiến trường và trong cuộc sống. Trong 15 năm gần đây, nhà thơ thương binh 2/4 này xuất bản 7 tập thơ: "Lắng đọng thời gian", "Lá nhặt", "Tiếng mưa", "Mùa trăng cháy", "Lục bát cõng mưa", "Thơ lục bát Vũ Ngọc Thư", "Xương rồng không gai". Năm 2010, ông đạt giải 3 Cuộc thi Thơ lục bát do Tạp chí VNQĐ tổ chức. Ông Thư cho biết: "Tôi làm thơ không chuyên, kiểu như "Hồn làng quyện đất phù sa/ Chắt từ rơm rạ để mà... thành tôi". Tham gia Trại sáng tác này, tôi sẽ viết về bộ đội Quân khu 9; đặc biệt là đồng đội tôi ở miền đây từng sống và chiến đấu với tôi ở miền Đông Nam bộ".

Với nhà văn Trần Thị Tú Ngọc, giáo viên Trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh, tuy chưa từng là quân nhân nhưng các tác phẩm của chị viết về đề tài "LLVT và Chiến tranh cách mạng" đều thành công. Tiêu biểu như truyện ngắn "Ngụ ngôn tháng Tư" tạo cho chị cảm xúc khi viếng nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc (An Giang), đạt giải 3 Cuộc thi "Lửa mới" do Tạp chí VNQĐ tổ chức năm 2018-2019. Chị Ngọc chia sẻ: "Khi viết về chiến tranh và người lính, tôi vừa xúc động vừa day dứt, có lúc nước mắt tôi rơi trên trang viết. Tôi nghĩ về những người lính hy sinh, chúng ta nợ họ rất nhiều. Vì vậy, đến với Trại sáng tác này, tôi viết về trận đánh đầu tiên của Tiểu đoàn Tây Đô năm 1965 trở thành trang sử vẻ vang".

Một số tác giả tham dự trại sáng tác đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng tại Quân khu 9.

Trong các cuộc kháng chiến, Quân khu 9 vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương chiến lược; quân và dân đoàn kết anh dũng chiến đấu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc miền Tây Nam bộ. Thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, LLVT Quân khu 9 tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều thành tích quan trọng trên các lĩnh vực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện phát triển KT-XH vùng ĐBSCL, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của đất nước. Thiếu tá, nhà thơ Đoàn Văn Mật, Trưởng Ban Thơ (Tạp chí VNQĐ), cho biết: "Miền Tây Nam bộ với 12 tỉnh, thành có đặc trưng văn hoá rất riêng - những đặc trưng ấy cùng với đời sống nhân dân và cán bộ, chiến sĩ nơi đây tạo cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ có những tác phẩm chất lượng".

Dự và phát biểu chào mừng các nhà văn, nhà thơ dự Trại sáng tác văn học đề tài "LLVT và Chiến tranh cách mạng", Thiếu tướng Hồ Văn Thái, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Quân khu 9, khẳng định: "Đây là sự khích lệ, cổ vũ tinh thần cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu hăng hái thi đua lập thêm nhiều thành tích. Đồng thời, là dịp để chúng tôi giới thiệu rõ hơn hoạt động của LLVT Quân khu; về tình đất, tình người ĐBSCL và lịch sử truyền thống, những giá trị văn hoá tốt đẹp của vùng đất Chín Rồng".

Nhà thơ Vũ Ngọc Thư (thứ 2 từ trái sang) chia sẻ với các trại viên quá trình sáng tác.

Trong 15 ngày, ngoài tập trung sáng tác, 25 nhà văn, nhà thơ thực tế một số đơn vị tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ; tham quan di tích lịch sử, văn hoá. Qua đó, sáng tạo nhiều tác phẩm văn học chân thật, sinh động, giá trị, bổ sung vào kho tàng văn học Quân đội, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội, góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

TRUNG KIÊN - HOÀI TÂM