Thứ Năm, 10/12/2020 15:01

Dứa mặn

Mỗi lần về quê với bố mẹ, nhất là những ngày hè ngập tràn nắng lửa và tiếng ve kêu đến nhức nhối sốt ruột này, khi đi ngang qua vùng Quán Cháo Đồng Giao...

1. “Ai qua Quán Cháo, Đồng Giao
Má hồng để lại, xanh xao đem về”

Mỗi lần về quê với bố mẹ, nhất là những ngày hè ngập tràn nắng lửa và tiếng ve kêu đến nhức nhối sốt ruột này, khi đi ngang qua vùng Quán Cháo Đồng Giao, nơi tiếp giáp giữa 2 tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, chỗ có Nông trường dứa Hà Trung, nhìn 2 bên đường Quốc lộ, từng đống dứa chín vàng ruộm, chất chồng, lại thấy u uẩn buồn một nỗi thương quê…

Mẹ kể, Nông trường Hà Trung được thành lập từ lâu lắm, trồng chủ yếu là dứa. Vùng đất Bắc Trung bộ heo hút toàn đồi núi khu Quán Cháo Đồng Giao khô cằn, nắng xối nhưng có thổ nhưỡng lại hợp với loại quả đặc biệt, gai góc mà ngọt lịm này. Càng nắng, đất càng sỏi đá cằn cỗi, cây càng còi cọc thì quả dứa chín càng ngọt ngào đến mê muội. Kết thúc chiến tranh, những chị những cô đã cống hiến những năm tháng tuổi trẻ cho Tổ quốc, đã để lại quãng đời thanh xuân rực rỡ nhất bên những hố bom mịt mù khói lửa điêu tàn, bên những vạt rừng già cô quạnh trên dãy Trường Sơn thăm thẳm, bên những dòng suối róc rách đầy lá mục hoang hoải tiếng tác của con nai con hoẵng lạc đàn đêm cô liêu đến rợn người; bỏ lại những dòng tóc xanh óng ả đen mượt nhức nhối trở nên trơ trụi sau những trận sốt rét rừng, bỏ lại ngực căng mông mẩy da trắng dáng xinh rơi xuống đại ngàn rừng già trăm năm như gió thoảng…

Họ trở về khi đã xấp xỉ tuổi trung niên, được Nhà nước phân cho vào làm trong Nông trường dứa. Những ngôi nhà từa tựa doanh trại bộ đội, nơi chốn đi về của những người đàn bà “quá lứa lỡ thì”, cựu chiến binh chẳng phải, cán bộ công nhân viên chức Nhà nước cũng không, những khuôn mặt hiền lành đến nhẫn nhịn, lầm lũi sáng đi chiều về lặng lẽ, cam chịu. Cô nào chị nào đủ dũng cảm, đủ cá tính thì "xin" được đứa con, chịu bao nhiêu tủi nhục đấu tố, bị khép tội “hủ hóa”, bị kỷ luật bêu riếu đàm tiếu xa lánh, đôi khi là đánh ghen vặt tóc cạo đầu (vì bị vợ con nhà người ta nghi ngờ “tằng tịu”), vượt qua những ngày đói khổ nước mắt chan rau má luộc thay cơm mà nuôi con thành người thì lúc xế bóng chiều tà đỡ khổ. Nhưng khi con lớn lên, là gái chẳng may phải lòng người phương xa theo chồng về quê khi Tết đến, là giai mà đến lúc dòng giống nhà người ta nhận cha con họ hàng, thì sau nụ cười lúc tiễn con đi, rồi quay vào quệt nước mắt nằm sõng soài ra chiếc chõng tre khô lạnh đến rợn người.

Rồi đêm Giao thừa hay lúc mưa tuôn, lại tìm đến những chị, những cô ngày xưa là bí thư hay phó bí thư chi bộ (đã từng tham gia kiểm điểm hay đấu tố mình), là lao động tiên tiến hay điển hình kiểu mẫu năm giỏi ba đảm gì gì đó… cũng một mình khô lạnh đến nửa đời người, bấu víu vào nhau, thì thào trò chuyện. Cùng nhau nấu cơm sắp bát thắp hương rửa chén, ôn lại ngày xưa tôi như này bà như kia con kia nó thế nọ, đến lúc đấy sẽ là giỗ chị này… Xao xác buồn như vạt ruộng dứa chiều Đông heo hút gió bấc về sắt se, buốt giá…

Có năm về ăn Tết, tôi chưa kịp mua đào Nhật Tân cho bố, ra gần đó chọn một cành. Kỹ càng đi vào sâu chọn đúng được cây trông tạm ổn, tiện mua thêm vài chậu đồng tiền kép, buộc xe máy đi về được một đoạn thì cây cành gần tuột hết. Đi xuyên ruộng dứa vào nhà gần đó hỏi xin dây buộc, gặp một bác trạc cỡ 65 – 70 tuổi đang ngồi hong tóc. Bà nhiệt tình tìm dây lớn dây bé chằng buộc cẩn thận lại cho tôi, lại còn chỉ cách buộc sao cho cây đỡ bị gió tạt, bọc thêm giấy báo vào những nơi có nhiều nụ hoa dễ bị rụng. Xong xuôi bà mời tôi vào nhà ngồi uống nước.

Đã 29 Tết mà nhìn căn nhà cấp bốn vẫn trống huơ trống hoác, tôi buột miệng hỏi. Đưa tôi cốc trà xanh còn nghi ngút khói, bà thì thầm kể: Quê bà không phải ở đây, bố mẹ đã khuất núi cả, có hai em thì người Bình Phước người Gia Lai đi kinh tế mới từ lâu. Chồng con chả có, giờ có vạt dứa và ngôi nhà này để đi ra đi vào cùng bà con chòm xóm và con mèo mun, con chó mực.

Tôi hỏi bà đi dân công hỏa tuyến chiến dịch nào?

“Khe Sanh, rồi đường 9 Nam Lào đó cháu”.

Mắt bà chợt ánh lên một tia chói ngời. Rồi vụt tắt.

2. Gần đây, Nhà nước đã có những chính sách đền đáp nhất định đến lực lượng dân công hỏa tuyến năm nào. Như mẹ tôi, sau khi lấy bố cũng được huy động đi dân công Thượng Lào một thời gian rồi về. Dịp trước về thấy cụ khoe, làm hồ sơ xong nộp lên theo từng đợt, đợi mãi rồi cũng nhận được mấy triệu. Số tiền ít ỏi chẳng đáng là bao so với công sức, thời gian cống hiến, nhưng cũng an ủi phần nào vì Nhà nước đã ghi nhận công lao những người đã bao năm tưởng chừng bị lãng quên, chịu bao khó nhọc, tủi hờn.

Cứ mỗi lần về quê, đi qua những đống dứa chín chất cao như gò bãi ven đường quốc lộ. Không có thời gian nên tôi xuống xe lựa tạm, lúc thì vài chục quả, lúc thì nguyên bao tải mang ra Hà Nội chia cho anh em bạn bè. Có những lúc mua được dứa rẻ lắm, một quả chín mọng, to tròn, thơm nhức nhối giá chỉ vài nghìn đồng. Mua được hàng rẻ mà lại thấy xót xa. Cô bán dứa nói, nếu có thời gian anh vô tận ruộng mà chọn làm quà ra biếu, dứa còn ngon nữa, mà giá chỉ một nghìn đồng một quả…

Người ta cứ đổ oan cho con gái xứ Thanh “đanh đá cá cày”, chứ có ai bán hàng mà thật thà đến thế này không? Nhớ hồi xưa, cậu bạn học Hà Nội gốc lần đầu tiên vào Thanh Hóa chơi, vừa vào buổi đầu đã hối hả gọi cho tôi (khi đó đang mãi Vũng Tàu) khoe mỗi một câu như Christopher Columbus phát hiện ra châu Mỹ: “Gái Thanh Hóa quê mày đẹp nhỉ, vừa cao vừa trắng vừa xinh!”.

Đem ra cả tải dứa tặng mà dăm thì mười họa tôi mới được ăn vì… không biết gọt. Ngồi trước đĩa dứa mật thơm lừng, ngọt lịm lại nhớ những mái nhà bình dị bên vườn dứa xao xác với những người đàn bà gầy se sắt sống lầm lụi bên vách núi cùng những ngày tháng trôi qua mà không biết hy vọng vào điều gì phía trước…

Nhưng mà, như có ai đó đã viết:

“Hãy sống như một trái dứa: đầu đội vương miện, dáng đứng hiên ngang, bên ngoài gai góc nhưng bên trong ngọt ngào”.

Dù chẳng có gì mà mong đợi thì họ vẫn sống tử tế thế thôi.

Mong cho Đồng Giao Quán Cháo, cho Hà Trung quê tôi năm nay được mùa dứa chín, và bán được giá. Đừng chỉ vài nghìn một quả. Để đừng quên đi những cay xè của khói lửa bom đạn ngày xưa, và mặn mòi mồ hôi nước mắt bên ruộng dứa hôm nay…

Thanh Hóa, những ngày đổ lửa
LÊ HỒNG LAM