Thứ Hai, 12/05/2025 17:50

Đức Anh: Tôi rất nhanh tự thấy chán bản thân mình

 

 

- “Không nên sống quá êm đềm”, Nhà văn Tô Hoài từng nói như thế trong lần trò chuyện cởi mở về công việc sáng tác của mình. Anh có thấy sự tương quan của câu nói này với với con đường sáng tạo của một nhà văn?

+ Nhà văn Tô Hoài là một nhà văn lớn, câu nói của ông hẳn ẩn nhiều triết lí mà tôi chưa thể nhìn ra. Nhưng có lúc tôi nghĩ rằng, câu nói ấy hợp và đúng cho những người đã trải qua một đời sóng gió và nhìn lại, tổng kết được và mất. Về tự nhiên, con người không ai có cuộc đời êm đềm cả. Có lẽ đó là lẽ tự nhiên, con người luôn đi tìm thử thách.

Nếu đặt trong bối cảnh hẹp là làm nghề văn, chúng ta có thể hiểu là nhà văn không nên an tâm với những gì mình có, chọn con đường dễ đi. Có điều, không ai biết đâu là đường dễ và đường khó. Đôi khi ta không kiểm soát được bản năng đâu: ta cứ tưởng mình đã dấn thân lắm rồi đấy, nhưng thật ra bản năng khôn khéo đã đèo ta lách qua hết mọi chướng ngại lúc nào không hay. Tôi tự nhìn chính tôi và nghiệm ra như thế. Tôi nghĩ chọn lựa của nghề sáng tạo luôn hóc hiểm ở chỗ dám bỏ (một cách hoàn toàn) những con đường khác mà ta hằng phân vân. Lắm khi tôi không dám đâu. Nếu tuyệt đối không có cái này, cái kia, ta có làm được không, có sống vui được không? Đó là câu hỏi cho nhà văn, và cho tôi.

Thế nên nhiều khi những người chọn viết văn một cách nhẹ nhàng, bình thản, ít dấn bước, lựa chọn những đề tài lối viết phù hợp, đôi khi vẫn là lựa chọn dũng cảm. Tôi tôn trọng họ. Vì họ đã bỏ những đường khác và lấy đời sống của mình để bảo lãnh cho lựa chọn ấy. Không phải cứ không êm đềm mới là hay. Tôi nghĩ trên đời vẫn tồn tại cái gọi là “dám sống êm đềm”.

Ở một khía cạnh khác, cũng có nhiều cây bút quan niệm cứ phải đi nhiều, làm nhiều nghề, đôi khi bê bối tình ái một chút để có cảm xúc mà viết. Chẳng nghề nghiệp nào bắt con người ta cứ phải quăng ném bản thân như vậy. Văn chương là nghề cao quý, tuy đáng để hi sinh nhưng nó căn bản là một cách tu thân để ta sống lành mạnh hơn. Khi ta huy động hết toàn bộ sức mạnh tinh thần, năng lực làm việc, óc hài hước và sự nhạy cảm trong trái tim để đặt vào một đối tượng, kiểm định một nhân sinh quan, thì tức là ta đã sống hết mình, sống dấn thân cho văn chương rồi đấy. Chẳng cần phải đi phượt trên núi hay sống thử ở chợ đêm làm chi.

- Lựa chọn đề tài, lối viết vốn là cách để nhà văn tìm ra sở trường của mình để mà trụ lại và đi đến cùng, để truyền tải tới người đọc thông điệp mà anh ta ấp ủ, hình dung về con người, đời sống?

+ Đúng vậy. Nhưng ở đây tôi cũng cần bổ sung thêm. Người ta thường dễ dàng nói rằng văn học phải đứng về phía con người, viết cho con người. Ở xứ ta, cứ khi nào nói về một văn chương nào đó mà bí ý, là y rằng sẽ nói về “phận người”, bởi “phận người” vừa mơ hồ, vừa an toàn, vừa dễ làm mủi lòng. Tôi nghĩ nhân văn và nhân bản là những điều tối thiểu của văn chương, không cần phải nói nhiều về nó. Đề tài và lối viết mới là mục đích sau khi đã xác định được những gì căn bản. Hãy nhìn xem, những tác phẩm lớn đều là những tác phẩm nói về một cái gì cụ thể, đạt được chân lí phổ quát một cách tinh tế và hài hước qua việc thám cứu một tình thế, một chi tiết, một địa điểm, một lĩnh vực cuộc sống, tưởng như chỉ có văn chương mới cụ thể được đến thế. Kiếm được một đề tài, đeo đuổi nó là một hạnh phúc. Tìm được một lối viết của mình, phù hợp với tác phẩm, là công việc hằng ngày của người viết văn.

- Có người viết ngay từ khi sáng tác đã tìm ra được vùng thẩm mĩ của họ, có người phải trải qua cả một quãng dài đào xới, vật lộn mới định hình được hướng đi của mình. Một cách khách quan, anh thuộc về kiểu nào?

+ Tôi nghĩ tôi có một chút của việc đã có vùng thẩm mĩ riêng, nhưng phần nhiều vẫn thuộc kiểu “đào xới và vật lộn”. Vì tôi bắt đầu viết khi còn ít tuổi. Dù trông hơi thư sinh, tôi cũng là tay lang bạt kì hồ với tuổi thơ không êm đềm, được có may mắn quan sát những thứ lạ, đánh bạn với nhiều dạng người ở chốn chợ đời. Từ nhỏ tôi sống với ông bà ngoại, tôi rất tự hào vì điều này nhưng quả thực không có ai sát sao chỉ bảo tôi thế nào là đúng hay sai trong đời. Thế nên khi bắt đầu, quả thực tôi không biết phải viết cái gì trước. Tôi cứ viết đại một cuốn trinh thám tâm lí coi sao. Cũng may tôi viết nhanh và nhiều, đâm ra nó giúp tôi có kinh nghiệm. Trong cả công việc và đời sống, tôi đều là kẻ vấp ngã xong mới nhận ra bản thân.

Thế nên mấy cuốn tiểu thuyết của tôi khác nhau hoàn toàn. Điều này là bạn đọc của tôi ở các cộng đồng mê trinh thám nhận xét. Nhưng xâu chuỗi đến bây giờ thì tôi chợt nhận ra mình có thể làm gì tiếp theo. Tôi là người thực tế và lí trí. Cái lí trí mang dáng hình toan tính đó đôi khi không tạo được đồng cảm với một số bạn viết. Nhưng viết tiểu thuyết thì ta phải là cùng một lúc bốn kẻ: một tay bồi bàn, một nhà quản lí, một nhà ảo thuật đường phố và một thiếu phụ đa cảm. Không khác được. Dần dần ta phải quen với nó và rồi sẽ tìm ra hướng đi.

- Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời sự thay đổi trong bút pháp có phải là điều anh quyết định theo đuổi?

+Tôi cũng phải nói ngay, ở thế hệ 9x, có nhiều người viết tiểu thuyết. Họ đã khởi động sự nghiệp của mình với những cuốn sách hấp dẫn về các đề tài trinh thám, dã sử, kinh dị, viễn tưởng, fantasy… phù hợp với đông đảo độc giả trẻ. Thời gian qua đi, những cây bút ngày càng trưởng thành và lên tay. Nhưng tôi âm thầm có một chọn lựa khác. Trước hết, tôi cho rằng văn chương sẽ đi được bền vững nếu khai thác được hiệu quả một ngôn ngữ, vì đó là cách để văn học giữ được chỗ đứng trước điện ảnh hay đa phương tiện. Ngôn ngữ làm nên khí quyển và quyết định sức sống của tiểu thuyết do nó đánh động đến tiềm thức. Và ngôn ngữ cũng là thứ duy nhất quyến rũ được những độc giả lớn - điều cực kì quan trọng. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói đại loại kẻ viết cần có hệ thống từ vựng của mình, nhưng quan trọng hơn, không chỉ có ta mà bản thân các từ ngữ ấy cũng cần thời gian để trưởng thành.

Người ta thường cố tình “làm văn” (điều không hiếm thấy ở một số nhà thơ) bằng cách gieo những từ thật là kêu, so sánh thật là nhiều toan tính, hòng tỏ ra sâu sắc. Nhưng quên mất rằng bút pháp là tổng thể cân bằng của nhiều yếu tố. “Bút pháp” ở đây theo tôi hiểu, là độ hoà quyện của tiết điệu, âm hưởng chung của ngôn ngữ tự sự, với các phương pháp tu từ và cấu trúc. Một từ bị xoá đi đôi khi quan trọng hơn một từ thêm vào. Cốt truyện kể một câu chuyện, nhưng bút pháp thì kể một chuyện khác: những từ ngữ được bày bố trong một cuốn tiểu thuyết có câu chuyện của riêng nó.

Tôi viết Đảo Bạo Bệnh rất dễ dàng trong hai mươi mấy ngày. Khi viết cuốn Nhân sinh kép… tôi cầm chắc là khó bán hơn. Nhưng mình phải chọn. Chọn lựa cũng tạo ra cơ hội: nếu mình viết một cách say đắm, theo đúng kiểu mình thích, ra được đúng giai điệu mình muốn, rồi độc giả sẽ nhận ra cái tâm đó và đón nhận tác phẩm thôi. Quả thật có độc giả đã rời đi và có độc giả đã đến.

Tôi thích đọc những tác phẩm có một thứ tiếng Việt đẹp đẽ, tôi thường say mê một liên tưởng so sánh, một khoảng hụt đi của một từ bị xoá, một sắp đặt để một chữ được vang lên đúng lúc, một hiệu ứng không ngờ từ một chữ thứ yếu trong câu… Khi bắt đầu viết, tôi tự nhắc mình rằng cần viết theo cách mình muốn đọc, vào những vấn đề cụ thể nhất, đừng vu khoát, đừng viết những câu ai cũng viết được.

- Có sự thật là nhà văn nói theo cách của mình với độ trung thực và rung cảm thật sự, đối mặt với vấn đề chứ không bóp méo hay nắn tròn nó. Nhưng một số người viết dường như rất hay nhầm lẫn sáng tạo với việc cố tình xô lệch hiện thực?

- Đúng là sáng tạo và bịa đặt là hai anh em song sinh. Tuy nhiên tôi cũng xin nhấn mạnh, ta có nhiều loại hiện thực, thậm chí hiện thực luôn là sự đan chéo của nhiều thế giới khác nhau. Một hôm ngồi ở một quán cafe, tôi bỗng nhận ra đã gặp hình ảnh này ở đâu rồi, mùi thuốc lá Đức dậy lên một kỉ niệm mù mờ. Tôi như sống lại rạo rực tuổi mười sáu, như nghe được lại tiếng gầu múc trong chiếc chậu dĩ vãng và nhớ một cái mũi hếch của bạn xưa. Kỉ niệm tìm đến: nhưng ở khoảnh khắc đó không còn đúng y nguyên, chỉ là những nét phác không trung thực trộn lẫn cả những áp đặt của suy nghĩ bây giờ. Như vậy trong mười lăm phút, ta sống với nhiều loại hiện thực.

Với đời sống này, chưa cần làm nghề văn chương, một người bình thường cũng buộc phải nhìn nhận cuộc đời bằng những giác quan và trải nghiệm hạn chế của họ. Tiểu thuyết có tham vọng phá vỡ những hạn chế này, bằng cách chỉ ra rằng có nhiều loại hiện thực xung quanh một hiện thực tưởng là duy nhất. Hiện thực trong tiểu thuyết là một ước mơ của con người về một thế giới tròn trịa, toàn vẹn, có hệ thống ký hiệu, có quy luật riêng. Và trong một hiện thực cũng có nhiều góc cạnh khác nhau nên tiểu thuyết lớn thường cố gắng tái hiện đầy đủ một đối tượng. Điều này ở tiểu thuyết khác với thi ca và hội hoạ - là những mảng nghệ thuật bắt lấy cái vĩnh cửu trong một khoảnh khắc.

Song không phải lúc nào ta cũng có cơ may đọc những cuốn tiểu thuyết “đọc được”, tức là có những điều tối thiểu trên. Không ít tác phẩm chỉ là khoác chiếc áo tiểu thuyết để xả một ẩn ức. Chuyện viết văn để bôi đen, tô hồng, bêu riếu là chuyện vẫn thường thấy ở mọi nơi trên thế gian này. Tôi không có vấn đề gì với việc đó, chỉ là hơi tiếc. Nếu bên trong chúng ta một con người văn chương và một con người của đời sống, đừng để bên nào đối xử bất công với bên nào.

- Nhân sinh kép... với cái kết mở ấy rất có thể sẽ được khai thác thêm ở một biên độ khác?

+ Khi tôi nói với độc giả về bản thảo này, họ bảo rằng sẽ rất trông đợi cái giả tưởng ấy sẽ được thực thi như thế nào. Chắc là cũng phải bốn trăm, năm trăm trang. Tôi phải tìm kiếm rất kĩ xem trên thế giới, ít nhất các vùng văn học - điện ảnh mà ta tiếp cận được, có ý tưởng nào tương tự. Cuối cùng tôi đưa ra hai quyết định: một là tôi sẽ phải đẩy ý tưởng đó đi xa nhất có thể, bằng một câu chuyện cụ thể; và hai là sẽ viết ngắn thôi, chừa lại các khoảng trống để độc giả suy tư giùm.

Giờ này có một số độc giả mong muốn đọc tiếp phần triển khai. Điều đó sẽ không dễ chút nào: một mặt những gì bí hiểm của “nhân sinh kép” dường như đã khai thác khá đầy đủ, liệu ta còn có góc nào bỏ ngỏ? Vì không thể dùng một thông điệp đến hai lần. Mặt thứ hai, cuốn tiểu thuyết nếu có phần nữa, phải cực kỳ giải trí, lôi cuốn và mạnh mẽ hơn phần đầu rất nhiều. Nhưng tôi tin rằng Nhân sinh kép cần có một phần nữa vì nó vẫn còn những khoảng chờ đợi của độc giả. Cũng có thể tôi sẽ triển khai phần tiếp theo bằng ngôn ngữ khác, hướng đến độc giả ngoài nước. Đó là chuyện xa. Còn giờ đây tôi đang chuẩn bị cho một dự án mới, tôi đảm bảo là tham vọng hơn, với những vấn đề nhân sinh cực kì gần gũi cho ngày hôm nay nhưng chưa chắc ta đã nhìn nó đủ nghiêm túc.

- Bước qua mình, ra khỏi vùng an toàn vốn không dễ dàng gì với người viết và những người làm nghề đúng nghĩa. Anh nghĩ gì về điều này?

+ Đúng. Nghề nào và việc nào cũng vậy thôi. Ngoài kia, xung quanh chúng ta, vẫn có những người đang bứt ra khỏi vùng an toàn, cũng có những người chọn sự an toàn. Tôi tôn trọng tất cả những lựa chọn. Miễn là khi chọn thì phải quyết và không nên đứng núi này trông núi nọ.

Tôi nghĩ nhà văn, nhà thơ hay nhà phê bình nào khi viết một tác phẩm mới, dù lập lại chính mình hay không, nó vẫn là việc dũng cảm, chẳng dễ dàng gì. Bản thân sự sáng tạo vốn vẫn là bứt khỏi vùng an toàn theo nghĩa nào đó. Thậm chí cả sự đọc - tưởng dễ - mà cũng đòi hỏi rất nhiều phép tính tinh thần. Nhưng có lẽ, các nhà văn có tham vọng thì luôn luôn quyết liệt hơn, và cố gắng sử dụng hết sự tinh tường của bản thân (cũng như sự giúp đỡ của cộng sự) để nhận định đâu là vùng an toàn và thực sự ta đang bước ra chưa. Quãng này khá nhiều lầm tưởng.

Dường như đời tôi luôn là đi khỏi vùng an toàn. Bẩm sinh tôi rất sợ cái gì nhàm chán, và tôi rất nhanh tự thấy chán bản thân mình. Không biết khi nào tôi mới đủ trưởng thành để vượt qua được cảm giác ấy. Nếu bạn bè và độc giả kì vọng tôi sẽ viết gì đó bùng nổ, khác đi hoàn toàn thì hơi khó cho tôi. Tuy nhiên hiện tại, tôi sẽ không “thừa thắng xông lên” mà sẽ tìm những thử thách mới. Ít nhất tôi muốn viết như một người đã có thêm nhiều khoảng tĩnh lặng và chiêm nghiệm, một người rất thích đùa với nhân loại. Tôi nhìn vào những góc thất bại nhiều hơn là thành công để đặt cho mình mục tiêu khác. Thực tế trên cuộc đời, ngày hôm nay, trong khoảnh khắc này, đang có rất rất nhiều chủ đề mà văn chương cần chạm đến và chỉ có sứ mệnh của văn chương mới làm được.

- Cám ơn những chia sẻ của anh

NGUYÊN PHƯƠNG thực hiện