Thứ Sáu, 10/02/2023 13:32

Dựng câu thơ thành cột mốc chủ quyền

Biển nói với người Việt rất nhiều ở đất nước trên ba nghìn cây số duyên hải, lãnh thổ mặt nước lớn gấp ba lần lục địa. Biển còn nói riêng với tôi về kí ức thường ngày với sóng vỗ, với một chân trời bí ẩn và khai phóng.

NGUYỄN THANH MỪNG

Trại viết Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Cục Chính trị Quân chủng Hải quân tổ chức năm 2008 ở Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân phía Nam đã gây hứng khởi cho tôi từ địa điểm tập trung đến cách thức thâm nhập thực tế, giao lưu và sáng tác. Ở trại viết cũng khoảng thời gian mà tôi luôn thấy tưng bừng và lắng đọng, như nghe được cả hương vị đại dương đang lan tỏa khắp hành trình chữ nghĩa của mình.

Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng. Ảnh: NVCC

Nhớ những ngày giữa tháng 6 năm 2008, tôi đã làm thơ như lên đồng. Bài thơ dài 108 câu có tên Hào phóng thềm lục địa đã được tôi viết trong âm vọng từ chuyến thâm nhập thực tế ở Lữ đoàn 171. Những câu chuyện kì vĩ và lay động của người lính, khiến tôi cứ nghiền ngẫm suốt thời gian ở Bộ Tư lệnh Hải quân tại TP Hồ Chí Minh. Tôi có cảm giác là anh linh các chiến sĩ hi sinh trong lòng biển thềm lục địa của đất nước đã chở che và nâng đỡ cho chính trang viết của mình. Cảm giác bừng thức khi tôi trình bày một câu chuyện và các tình tiết có thật trong đời sống, qua bài thơ này. Khi bắt gặp luồng không khí thanh khiết giữa cõi tục lụy, tôi muốn ôn lại một tư tưởng vừa cổ xưa vừa tươi mới rằng: “không tình yêu Tổ quốc nào cao cả hơn tình yêu của người dám hiến dâng sinh mạng mình cho Tổ quốc”. Từ đó, tôi muốn đối sánh một phần mặt trái, phía phù du ảo vọng ràng rịt theo một hoạt động cao cả là văn chương mà bản thân tôi cũng dự phần. Đó, vừa như một biện pháp nghệ thuật, vừa là một nhu cầu thanh tẩy khi đứng trước những linh hồn cao thượng. Tôi bắt gặp được một mạch thơ như "đá nổi mây chìm", đi hết lòng mình trong suy tư và cảm xúc, còn sự chia sẻ của người đọc đến đâu là vinh hạnh của mình đến đó.

Biển nói với người Việt rất nhiều ở đất nước trên ba nghìn cây số duyên hải, lãnh thổ mặt nước lớn gấp ba lần lục địa. Biển còn nói riêng với tôi về kí ức thường ngày với sóng vỗ, với một chân trời bí ẩn và khai phóng. Với tôi, mỗi người lính biển, mỗi ngư dân là kí tự thịt da mang tên cột mốc sống chủ quyền của bài thơ Tổ quốc giữa đại dương. Dựng câu thơ thành cột mốc chủ quyền là âm hưởng chủ đạo mà tôi tự xác lập cho mình.

Tổ quốc nhìn từ Trường Sa. Ảnh: Lê Bá Dương

Một trại viết đầy ý nghĩa, có thể nói, đó là tình cảm và sự chia sẻ, của Ban Biên tập Tạp chí, của Ban Giám khảo cuộc thi thơ và truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2008-2009. Khi bước lên bục nhận giải thưởng, tôi có phát biểu rằng tình cảm của những nhà văn trong ngôi nhà số 4 - Lý Nam Đế và những tấm lòng tri âm của người đọc đối với tôi là cao hơn hết, nói mãi cũng khôn cùng. Tôi cũng không nhớ hết bài thơ Hào phóng thềm lục địa sau đó đã được in bao nhiêu lần trên các sách báo và những cuộc phỏng vấn, hỏi chuyện của các báo, đài với tác giả. Ngoài ra là các cuộc giao lưu với những đơn vị Hải quân Vùng II, III, IV hoặc các đơn vị bộ đội biên phòng duyên hải, các trường học... Hàng trăm bức thư, email, điện thoại chia sẻ rất cảm động, từ những vị tướng lĩnh của Học viện Lục quân, Học viện Hải quân, Viện Kiểm sát Quân sự… đến những người lính trẻ… Ngoài ra, suốt hơn một thập kỉ sau đó, khi tôi làm công tác quản lí nhà nước trên lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện. Mỗi lần tổ chức phối hợp với lãnh đạo các huyện thị thành phố thuộc các tỉnh khu vực duyên hải, triệu tập ngư dân để cấp phép tần số cho tàu cá đánh bắt xa bờ hoặc thị sát các đài bờ nắm bắt và cung cấp thông tin cho các ngư trường, khi tôi được giới thiệu danh tính, nhiều người đã ồ, à nhắc đến Hào phóng thềm lục địa. Có người cho biết họ biết đến qua Tạp chí Văn nghệ Quân đội, cũng có người biết qua Báo Văn nghệ, Báo Quân đội Nhân dân hoặc Tạp chí Đất Võ của Hội Đồng hương Bình Định tại TP. Hồ Chí Minh… Nhiều nhất là số người biết bài thơ này qua sê-ri phim Ký sự biển đảo (do báo Biên phòng phối hợp với Ban văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam thực hiện) trên sóng VTV1 hoặc trong phim Quyến rũ Cù Lao Xanh năm 2016 của VTV9, tôi được mời nói về nguồn cảm hứng đại dương và Hào phóng thềm lục địa.

Một tín nghĩa trong đời là Văn nghệ Quân đội đã cho tôi cảm giác như được "về nhà" khi mỗi lần ghé thăm Nhà số 4. Đó không chỉ là cảm xúc của riêng tôi mà là tâm trạng của nhiều người viết, các thế hệ mà tôi được tiếp xúc. Sau Hào phóng thềm lục địa, tôi luôn trăn trở với đề tài người lính nói chung và người lính biển nói riêng. Tôi tin ngoài chân trời đại dương, ngoài chân trời lãnh thổ, còn một diệu vợi khác là chân trời của sáng tạo. Khi ngòi bút nào đủ nợ duyên và tâm huyết thì trang giấy sẽ lột xác cùng gió sóng, chữ nghĩa sẽ hứng năng lượng kình ngư và bản lĩnh của loài chim báo bão...

N.T.M