Thứ Sáu, 16/11/2018 08:49

Giải Goldsmiths 2018: tôn vinh nhà thơ Scotland

Bằng tiểu thuyết đầu tay có tựa The Long Take, nhà thơ Robin Robertson đã vượt qua hai tác giả Rachel Cusk và Olivia Laing, giành giải Goldsmiths trị giá 10.000 bảng (tương đương 350 triệu đồng).

logo - Bằng tiểu thuyết đầu tay có tựa The Long Take (tạm dịch: Cảnh quay dài), nhà thơ Robin Robertson đã vượt qua hai tác giả Rachel Cusk và Olivia Laing, giành giải Goldsmiths trị giá 10.000 bảng (tương đương 350 triệu đồng).

Cuốn sách với cách viết cộng hưởng giữa văn xuôi và thơ, đã cho thấy nước Mĩ sau chiến tranh từ góc nhìn một thân phận người. Nhân vật chính là Walker, một cựu chiến binh bị thương trở về sau cuộc chiến, phải trải qua hành trình đầy chông gai để tìm kiếm cho mình một cuộc sống mới ở New York, Los Angeles và San Francisco.

Trước đó, The Long Take cũng từng lọt vào danh sách tranh giải Man Booker 2018.

 
40955474
Bìa cuốn tiểu thuyết The Long Take

Chủ tịch Ban giám khảo, giáo sư văn học Adam Mars-Jones nói, tác phẩm là “một cuốn phim bằng tiểu thuyết đầy ánh sáng rực rỡ mà không thiếu bóng tối, kĩ thuật viết điêu luyện, chứa nhiều giá trị và đem lại những xúc cảm mãnh liệt cho độc giả ngay từ ban đầu”.

Nhà thơ Robin Robertson chia sẻ, ông coi The Long Take như một bài thơ dung lượng lớn có cốt truyện, chứ không phải một cuốn tiểu thuyết. Ông muốn thách thức bản thân mình bằng cách viết một tác phẩm mới lạ, dung lượng lớn hơn, chứa được nhiều điều không thể giải quyết ở những bài thơ riêng lẻ. Cuộc sống của con người tại thành phố nước Mĩ sau cuộc chiến là đề tài khiến ông quan tâm, trăn trở.

 
4351
Nhà thơ Robin Robertson - Ảnh: Chris Close

Robin Robertson đã xuất bản năm tập thơ và đã được tôn vinh bằng nhiều giải thưởng thơ ca danh giá, tiêu biểu là Huân chương từ Học viện Nghệ thuật Quốc gia Mĩ và ba giải Forward. Ông cũng được bầu làm Ủy viên của Hội Văn học Hoàng gia Anh.

Được thành lập từ năm 2013, Goldsmiths là giải thưởng dành cho thể loại tiểu thuyết của các tác giả thuộc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland có phong cách viết sáng tạo “phá vỡ những khuôn mẫu và mở rộng những khả năng của thể loại tiểu thuyết”. Năm ngoái, chiến thắng thuộc về Nicola Barker với tiểu thuyết có tên gọi độc đáo: H(a)ppy.

NGỌC HIÊN theo The Guardian