Thứ Bảy, 19/04/2025 10:42

"Giải mã" cuộc đời riêng của Edna O’Brien

Sau gần một thế kỉ sống và viết, nữ văn sĩ huyền thoại người Ireland đã mở cánh cửa cuối cùng – những trang nhật kí chưa từng công bố.

Sau gần một thế kỉ sống và viết, nữ văn sĩ huyền thoại người Ireland đã mở cánh cửa cuối cùng – những trang nhật kí chưa từng công bố, gây sốc nhưng cũng lấp lánh cảm hứng.

Edna O'Brien vào năm 1971.

Cuối đời, nhà văn Edna O'Brien để lại một tin nhắn thoại cho đạo diễn Sinéad O’Shea:

“Sinéad, cô phải đọc nhật ký của tôi. Những điều trần trụi nhất đều ở trường Emory, Georgia.”

Lời nhắn ấy đã mở ra hành trình khám phá những ghi chép cá nhân sâu kín – những dòng nhật ký chưa từng công bố, chứa đựng cả đau thương, lẫn thiên tài.

Ban đầu, Edna khá do dự tham gia dự án phim tài liệu. Khi ấy bà đã 92 tuổi và đang điều trị ung thư. Nhưng sau khi xem một đoạn video cũ ghi lại hình ảnh mình bên cha mẹ, bà bật thốt:

“Tôi trông thật sợ hãi, đúng không?”

Ngay sau cuộc gặp ấy, bà nhập viện, nhưng kể từ đó, bà bắt đầu mở lòng, thường xuyên để lại những tin nhắn thoại dài cho nhà sản xuất Barbara Broccoli – người cũng đang chăm sóc bà.

Khi tiếp cận các cuốn nhật ký, O’Shea phát hiện xen lẫn những dòng chữ viết tay không phải của Edna – hóa ra là của chồng cũ, Ernest Gébler, đầy giễu cợt và cay độc. O'Brien xác nhận điều đó, và cả con trai của Gébler cũng nhận ra chữ của cha mình.

Đôi khi tôi sợ cuộc sống cá nhân và nhật kí của tác giả có thể làm mất đi những thành tựu văn chương xứng đáng - điều thường xảy ra với các nghệ sĩ nữ. Thế nhưng chiến lược của tôi khi thực hiện bộ phim này đó là chú ý đến cả hai mặt của bà.

Thủ bút của Edna O'Brien khi nói về chồng mình.

Trong cuốn nhật kí, có thể thấy thói quen của Edna khi còn trẻ, là thường xuyên học từ mới, điều không dễ dàng trong một ngôi nhà mà chỉ có sách cầu nguyện và tài liệu về nhân giống ngựa. Ngôn ngữ là đam mê lớn của bà, dù từng bị cha mẹ coi thường.

The Country Girls (tạm dịch: Những cô gái quê) tiểu thuyết đầu tay, ra đời sau chuyến thăm cha mẹ năm 1958 – được ca ngợi nhưng cũng bị cấm ở Ireland vì quá “trần trụi”. Một người phụ nữ từng kể rằng mẹ cô đã bắt cô đốt cuốn sách trong vườn nhà.

Thành công của O'Brien khiến Gébler tức giận và ông bắt đầu tin mình mới là người viết tác phẩm đó. Bà từng có lúc phải đưa tiền bản quyền cho ông để đổi lấy khoản trợ cấp. Cuối cùng họ li hôn và có một cuộc chiến để giành quyền nuôi con. Sau li hôn, ông tiếp tục lan truyền những điều không hay về người vợ cũ trong suốt quãng đời còn lại, âm thầm phá các dự án phim chuyển thể, giả danh người đại diện để giành quyền kiểm soát. O’Brien, dù vậy, vẫn viết những cuốn sách tuyệt vời trong cô độc, và cả đau khổ.

O’Brien từng có thời gian qua lại với bác sĩ tâm thần RD Laing. Năm 1970, họ cùng nhau dùng LSD (chất gây ảo giác) gây nên những trải nghiệm “kinh hoàng” trong ý nghĩ của bà.

Có lúc, bà bị cuốn vào một mối tình ám ảnh với một chính trị gia đã có vợ, mà bà đặt biệt danh “Lochinvar”. Bà ngừng viết tiểu thuyết, dành hàng nghìn trang nhật kí để giãi bày tội lỗi và khao khát. Khi mối tình tan vỡ, bà gần như sụp đổ, phải bán căn nhà ở Chelsea – thứ từng là biểu tượng cho thành công của mình.

Ở đỉnh cao danh vọng, O’Brien từng tiệc tùng với Paul McCartney và Công chúa Margaret, được Marlon Brando và Richard Burton theo đuổi. Nhưng bên trong, bà vẫn là cô gái Ireland nhỏ bé bị cha mẹ từ chối thừa nhận.

Giai đoạn sau, bà bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến chính trị, từng bảo lãnh cho Dolours Price – một nhân vật nổi bật của IRA. Những tác phẩm như The House of Splendid Isolation (tạm dịch: Ngôi nhà cô đơn lộng lẫy; 1994) hay The Little Red Chairs (tạm dịch: Những chiếc ghế đỏ nhỏ; 2015) đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ và sâu sắc của bà, cho thấy ngọn lửa sáng tạo chưa từng tắt.

Bà mất năm 93 tuổi, sau một đời sống, yêu và viết như thể không có gì để mất – và giờ, qua những trang nhật kí, thế giới mới thực sự nhìn thấy Edna O'Brien: đầy tổn thương, nhưng cũng kiêu hãnh, không hối tiếc.

NGÔ MINH dịch từ The Guardian