Thứ Sáu, 19/07/2019 09:19

Giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh: Phải đi mới thành đường

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành cho rằng, hoạt động giám định là nhu cầu thực tế, cần thiết để xác định tính nguyên gốc của tác phẩm, bản quyền tác giả trong các hoạt động mua bán kinh doanh...

Phát biểu tại hội thảo “Công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh - Thực trạng và giải pháp” sáng 18.7, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành cho rằng, hoạt động giám định là nhu cầu thực tế, cần thiết để xác định tính nguyên gốc của tác phẩm, bản quyền tác giả trong các hoạt động mua bán kinh doanh khi chúng ta tham gia thị trường chung và luật chơi của thế giới.

Nhiều trở ngại

“Tôi từng nghe nhiều phản hồi từ phía khách hàng trong nước và quốc tế, họ đặt ra các câu hỏi về tác giả và bộ sưu tập của họ. Từ đó, chúng tôi tìm ra tiêu chí và cách làm để không bị yếu tố tranh giả tác động đến. Điều đầu tiên là lựa chọn những họa sĩ mà ngọn lửa cống hiến, nhân cách của họ mạnh hơn việc đi chép tranh của người khác. Chúng tôi tập trung giới thiệu các bộ tranh, công việc sáng tác của họa sĩ trong một giai đoạn bằng những triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm. Đấy chính là cơ hội để công chúng có thể nhìn tổng thể năng lượng sáng tạo của tác giả, giá trị của tác phẩm. Đấy cũng chính là những câu chuyện, thế giới nghệ thuật của nghệ sĩ. Nói theo nhiều nhà phê bình, đó chính là con đường, cách giám định chân xác nhất chúng tôi muốn mang đến cho công chúng”.

Dương Thu Hằng, đại diện Hanoi Studio Gallery

Ông Vi Kiến Thành thừa nhận, công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh ở Việt Nam đang đứng trước những khó khăn lớn, trong đó thiếu các quy định pháp luật về hoạt động giám định tác phẩm nghệ thuật, nếu có cũng sơ sài, chung chung, khó áp dụng. Tâm lý nghi ngờ, không tin tưởng, không muốn công nhận khả năng của người khác, không công nhận “trọng tài” đang đè nặng nhiều người. Bên cạnh đó, máy móc, trang thiết bị khoa học kỹ thuật chuyên dụng để thực hiện kiểm tra kỹ thuật hiện hoàn toàn nhờ vào Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an…

Trước tình trạng nhiều tác phẩm nghệ thuật bị vi phạm bản quyền, Hội đồng giám định tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh (Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) đã ra đời, nhưng theo nhà lý luận, phê bình, thành viên Hội đồng giám định Nguyễn Thành, công tác giám định tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh thật không dễ dàng. “Không có thì thiếu. Bởi mỗi khi có chuyện “đạo”, “nhái” là xã hội lại nổi lên bàn cãi. Đến khi có lại cảm thấy thừa, vì rất ít tổ chức, cá nhân nhờ tới do vướng mắc về kinh phí”.

Ông Nguyễn Thành cho biết, tại Việt Nam giám định tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, nhiếp ảnh đang gặp nhiều khó khăn, vì bên cạnh đội ngũ chuyên gia, thiết bị kỹ thuật, khoa học - công nghệ, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quản lý nhà nước, lý lịch tác phẩm, bản quyền tác giả… Trong khi đó, hiện tượng tranh chấp bản quyền là vấn nạn khó giải quyết, nhiều vụ việc bị bế tắc. “Dù tập trung nhiều người có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, nhưng cơ hội được tiếp xúc với nhiều thế hệ nhà sáng tác, hiểu ngôn ngữ, bút pháp, chất liệu của từng nghệ sĩ, cũng mới dựa vào cảm nhận, kinh nghiệm, sự hiểu biết cá nhân, thiếu luận chứng khoa học có tính thuyết phục cao”, ông Nguyễn Thành nói.


Bức tranh “Phố đêm” (trái) của họa sĩ Đào Hải Phong và bức tranh giả được treo tại một nhà hàng do họa sĩ vô tình phát hiện và chụp lại
Ảnh: Đào Hải Phong

Xây dựng hồ sơ nghệ sĩ

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu băn khoăn, giám định tác phẩm là việc xác định đó là bản gốc hay bản sao chép, xác định chữ ký, phong cách sáng tác, bút pháp…; và xác định việc sao chép, sử dụng toàn phần hoặc một phần tác phẩm gốc là cả một vấn đề. Còn đối với nhiếp ảnh, mọi thắc mắc nhìn chung xoay quanh giá trị tinh thần nhiều hơn giá trị kinh tế. Do đó, để tránh bị “nhái”, giả mạo tác phẩm, phải xây dựng hồ sơ nghệ sĩ.

Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Bùi Thị Thanh Mai nêu ý kiến, một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều bức tranh bị giả mạo là do không có đủ tài liệu chứng minh đó là bản gốc; đồng thời Việt Nam cũng chưa có phòng thí nghiệm để phân tích, giám định tính xác thực của các tác phẩm nghệ thuật. Thêm vào đó, trong một thời gian dài, các nghệ sĩ thường ít quan tâm đến cách tham gia, bảo đảm giá trị các tác phẩm nghệ thuật của mình. Việc thiếu thông tin xuất xứ sẽ làm tăng nguy cơ tác phẩm giả mạo. Điều đó cho thấy, tài liệu về nguồn gốc tác phẩm có vai trò quan trọng trong việc thiết lập tính xác thực, là bước đầu tiên phải tiến hành trong công việc giám định tác phẩm mỹ thuật.

Bà Bùi Thị Thanh Mai cho rằng, cần xây dựng hồ sơ nghệ sĩ với ý nghĩa như một kho lưu trữ cung cấp các dữ liệu để mọi người có thể dễ dàng tra cứu thông tin về tác giả, tác phẩm. “Việc quan tâm, chú trọng xây dựng hồ sơ nghệ sĩ không chỉ là một cách để bảo đảm tài sản, trí tuệ, mà còn là sự tiếp cận quảng bá tới công chúng một cách hữu hiệu về công việc nghệ thuật của các nghệ sĩ, giúp họ hưởng lợi trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ, cũng như hình ảnh của mình theo cách thức chuyên nghiệp, như các nghệ sĩ trên thế giới đã, đang thực hiện”.

Giám tuyển Nhà đấu giá Chọn Nguyễn Sơn Trường cũng cho biết, khi chúng ta đã tham gia thị trường thế giới, các nhà đấu giá quốc tế luôn yêu cầu cung cấp thông tin về tác giả trước khi tìm hiểu tác phẩm. Nhất là nhiều năm nay, tác phẩm trong nước bị mạo danh nhiều, tập trung ở thế hệ họa sĩ Đông Dương. Cùng với việc minh bạch hóa thị trường mỹ thuật, công tác lập hồ sơ nghệ sĩ giúp cho quá trình giám định tác phẩm các họa sĩ được nhanh chóng, thuận tiện và chính xác hơn. “Đó cũng là lý do chúng tôi đầu tư, xây dựng một website nghệ sĩ có địa chỉ vanlangcentre.com.vn, gồm hồ sơ của 432 họa sĩ Việt Nam, với những quy định về thông tin một cách nghiêm ngặt. Ở đó có đầy đủ email, địa chỉ của tác giả, cũng như các vấn đề xung quanh tác phẩm như chất liệu, giá cả, kích thước…”.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Hương Sen)