Thứ Tư, 25/05/2022 14:55

Gió Côn Sơn vi vút

Hôm vào triều cáo quan, Thái Thượng hoàng Trần Nghệ Tông - Trần Phủ xuống tận sân rồng, đỡ Đán dậy... (Truyện ngắn của TRẦN THANH CẢNH)

. TRẦN THANH CẢNH
 

Minh họa: Phạm Minh Hải

Tiết lập thu năm Ất Sửu (1385), quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán về trí sĩ.

Từ kinh thành Thăng Long về Côn Sơn, Đán xuống thuyền theo sông Thiên Đức, đến Kiếp Bạc. Đán vào thắp hương làm lễ Đức Thánh Trần rồi về phủ đệ cách đó chừng dăm dặm đường.

Hôm vào triều cáo quan, Thái Thượng hoàng Trần Nghệ Tông - Trần Phủ xuống tận sân rồng, đỡ Đán dậy, bảo: “Ta cũng muốn được như đệ lắm mà không biết làm sao. Đệ về núi tiêu dao tháng ngày vui vẻ, rồi có lúc ta sẽ xuống thăm”.

Đán ngẩng đầu, nhìn vào khuôn mặt nhăn nheo, mái tóc bạc trắng như cước của Phủ. Đôi mắt già nua mệt mỏi. Không thấy đâu một chút hào khí trên dòng Đại Lại năm xưa, khi anh em huynh đệ thủ túc họp nhau thề giành lại nước. Nhìn ông anh họ Thái Thượng hoàng rưng rưng đưa tiễn, những nỗi niềm trong lòng Đán dường như cũng vơi bớt đôi phần. Nhưng Đán không nói thêm điều gì, vòng tay bái biệt, lùi ra khỏi cung cấm.

*

*       *

Đêm tháng mười trên Đại Lại giang, năm Canh Tuất (1370).

Khi Phủ và Đán lên thuyền lớn giữa sông, Trưởng Công chúa Thiên Ninh đã đợi sẵn. Thi lễ xong xuôi, bà Trưởng Công chúa hoàng gia mời cả hai an vị thưởng trà. Thiên Ninh công chúa năm ấy đã ngoài bốn mươi tuổi, lại vừa bị cái nạn hai con chết dưới tay tên hôn quân Dương Nhật Lễ, nhưng từ phong thái dáng vẻ cho đến ánh mắt vẫn bừng bừng sức sống. Đán thầm nghĩ, bà này có lẽ là hậu duệ thác sinh của đức bà Linh từ Quốc mẫu Trần Nhị Nương xưa. Dòng họ nhà Trần vốn có truyền kì rằng, cả họ được vinh hiển nhờ vào bông sen tỏa sắc hương của nhi nữ. Đán vừa thưởng trà, vừa kín đáo ngắm bà chị họ nghĩ, lẽ nào câu chuyện “đẻ triều” của bà Nhị Nương xưa đang hiển hiện lại nơi bà Thiên Ninh. Để chữa bệnh liệt dương cho vua em Dụ Tông, mong có con trai nối dòng chính thống, bà đã từng bất chấp ráo, làm theo lời lang y Trâu Canh thông dâm với em trai. Hôn quân Nhật Lễ tiếm ngôi, bà lại cho hai con mang quân vào mưu sự phế bỏ. Sự không thành, bà mang gia nô chạy vào Đại Lại giang đóng trại mưu tiếp. Đán vừa thưởng trà vừa thầm gật gù thán phục, gái nhà Đông A xưa nay toàn liệt nữ lẫy lừng, coi những cái chuyện nhi nữ phòng the chỉ như người ta tắm mát một chầu hay uống chén rượu giải sầu mà thôi. Luôn coi việc lớn làm trọng, bà Linh từ Quốc mẫu Trần Nhị Nương khuấy đảo Lý triều, bà An Tư công chúa làm Thoát Hoan điêu đứng, bà Huyền Trân công chúa mang thân đi Chiêm Thành đổi về cho nước hai châu Ô, Lý mênh mông. Nay bà Thiên Ninh: vì ngôi cao dòng họ, thân không tiếc đã đành mà đến con ruột cũng sẵn sàng hi sinh kia. Thật xứng mặt con gái họ Trần…

Ba người cùng bàn chuyện chính sự. Chẳng là đức vua Trần Dụ Tông mất mà không có con nối dõi, bèn lấy con của ông anh Cung Túc Vương tên là Nhật Lễ nối vào. Nào ngờ người này không phải con đích, vốn gốc gác họ Dương, nắm được ngôi báu bèn quay mũi giáo giết hại tôn thất nhà Trần. Đã thế lại không màng chính sự, chỉ ham ăn chơi dâm dật, muốn đổi về họ Dương. Hoàng gia nhà Trần căm ghét lắm. Hai con của Thiên Ninh công chúa vào cung mưu giết Lễ không thành bị hại cả. Bà mẹ bèn chạy vào Đại Lại giang, triệu tập tôn thất hoàng gia mưu sự phế Lễ. Cho gọi Cung Định vương Trần Phủ và Chương Túc Quốc Thượng hầu Trần Nguyên Đán tới cùng bàn luận định liệu. Phủ lúc bấy giờ nắm chức Thái sư, nhân chuyện triều chính lộn xộn đã định lánh về mạn Đà giang không tới. Nhưng có người họ ngoại là Lê Quý Ly, môn khách dưới quyền nói: “Sao đại nhân lại không tới đó xem binh tình thế nào rồi lựa chiều tiến thoái sau. Cả họ nhà Đông A đang họp về đó, mình không có mặt chẳng phải là kém lắm ru?”.

Bởi vậy, khi nghe bà em Trưởng Công chúa Thiên Ninh bàn cách dẹp Nhật Lễ, Phủ theo mưu của Quý Ly giả vờ thủng thẳng: “Quốc thống là của trăm họ, đâu của riêng họ nào. Ngôi chí tôn ai có đức thì người đó giữ. Ngôi cao thì cũng lắm gièm, báu gì đâu mà cứ phải tranh giành chém giết?”.

Bà Trưởng Công chúa vung tay gạt bay cả bàn nước, khiến cho chén đĩa bay loảng xoảng ra sàn thuyền, trợn tròn mắt rít lên: “Huynh không được nói thế! Thiên hạ là của tổ tông nhà mình bao đời gây dựng nên, không thể vứt bỏ về tay kẻ khác được! Huynh phải đứng lên cầm cờ, muội sẽ mang bọn gia nô đi đánh dẹp thằng Lễ mang nước lại cho huynh!”.

Đán vội thêm lời: “Quả là tên Lễ vốn xuất thân con hát không đáng mặt giữ ngôi chí tôn. Đệ sẽ gọi quân bản bộ Vạn Kiếp cùng huynh tỉ đánh về Thăng Long, lập lại rường mối nhanh thôi!”.

Phủ như người tỉnh giấc mơ, nắm chặt tay Đán, mắt sáng rực lên: “Được lời của muội, đệ vậy thì Phủ này cũng quyết xông pha một phen, lấy lại nước về cho họ nhà ta”.

Thế rồi quân từ Đại Lại giang đánh ra. Quân từ Đà giang đánh xuống. Quân từ Vạn Kiếp đánh lên. Hôn quân Dương Nhật Lễ bị giết. Ngôi báu lại về họ Trần. Cung Định vương Trần Phủ được quần thần tôn lên làm vua.

Người trong nước ai cũng nghĩ, Phủ lên làm vua sẽ đưa ông em họ tài năng xuất chúng, trên thông thiên văn, dưới tường địa lí, lại có công đầu đánh dẹp hôn quân nắm việc triều chính. Nhưng không, Phủ phong cho Trần Nguyên Đán chức Tư đồ, một cái chức hữu danh vô thực trông coi việc bản đồ đất đai cả nước, nhưng hầu như không liên quan gì đến chính sự. Phủ bảo Đán: “Đệ vốn có máu lãng du phiêu diêu thoát tục, thích ngâm vịnh mây gió trăng hoa, giống đức ông Chiêu Minh vương xưa. Ta giao cho đệ việc này, tha hồ đi khắp non sông cho thỏa chí!”. Đán cũng không nói gì thêm, nghĩ mình dòng thứ mà cứ đòi hỏi ngôi cao dễ sinh mâu thuẫn trưởng - thứ như đã từng. Bèn quay sang đọc sách, nghiên cứu thế đất núi sông và ngắm tinh tượng trên trời. Phủ trọng dụng ngoại thích Lê Quý Ly trông coi việc triều chính. Từ đó trở đi, mọi việc trong triều do Ly định đoạt cả, hoàng gia tôn thất nhà Trần dần thất thế…

Minh họa: Phạm Minh Hải

Phủ đệ Côn Sơn do cha của Đán xây cất dưới chân núi từ lâu. Lại sai người trồng nhiều thông xung quanh, khơi suối, đục đá làm lối đi lên đến tận đỉnh, nơi có bàn cờ mà truyền thuyết rằng, vào các dịp đất nước yên hòa, trăng trong gió mát các bậc thần tiên trên giời hay xuống uống rượu, đàn sáo ca hát và phân tài cao thấp cùng nhau. Ngài còn lập động Thanh Hư để tu tiên, tìm lẽ trường sinh bất lão, thoát đời. Núi Côn Sơn đã thành một nơi thắng cảnh Đại Việt, danh sĩ trong cả nước mong được tới chiêm bái.

Đán về đến phủ đệ Côn Sơn, khoan khoái đứng ở sân ngắm núi. Đầu thu, rừng thông mã vĩ vẫn xanh ngắt vi vút reo như đón chào người cũ. Suối chưa cạn dòng, róc rách chảy mơ hồ trong khe nghe văng vẳng như tiếng đàn tiếng sáo. Chim chóc đang ríu rít bay chuyền trên lá hoa quanh nhà. Đán cảm thấy thoải mái. Trải qua lục thập hoa giáp, Đán hiểu lẽ đời. Sáu mươi năm cuộc đời con người ta coi như đã sống xong, những năm tháng sau như sự thêm vào, sống như ngọn đèn leo lét trước gió. Gió số phận nổi lên lúc nào là đèn tắt mà thôi. Nên vừa tròn lục thập, Đán vào cung, “Bẩm Thái Thượng hoàng, xin ngài cho thần về nghỉ để toàn tâm toàn ý chỉnh lí cho xong cuốn Bách thông thế kỉ thư, làm cái lưu lại cho đời sau. Ấy là tâm huyết cả đời đọc sách của thần vậy”. Phủ vỗ vai Đán nói: “Đệ cứ về viết sách, cần gì nói ta trợ giúp. Sách để lại cho đời sau là việc lớn cần làm. Có trước tác thi thư dày dặn lưu trong tàng thư các để con cháu muôn đời khảo cứu, mới ra một nước văn hiến chi bang. Không nhẽ cái gì cũng phải mở sách của Trung Hoa ra mà tra xét mãi?”.

Bách thông thế kỉ thư là cuốn sách Đán chắp bút từ lâu. Trong đó Đán đã chép lại tất cả các kì Nhật thực, Nguyệt thực và chuyển động của năm vì tinh tú: Thủy, Kim, Hỏa, Mộc, Thổ trên bầu trời nước Việt từ thời Hồng Bàng đến nay. Lại chép cả các hiện tượng mưa gió sấm chớp, động đất núi lở đá sụt bất thường, kèm theo luận giải của các bậc cao nhân và kiến giải của mình. Nay chí sĩ chốn núi cao rừng sâu, xa cách chỗ nhộn nhạo quan trường phố thị, Đán tập trung tinh lực nhuận sắc lần cuối cho xong cuốn sách. Đán mong những luận giải của mình sẽ để lại cho người đời sau những ý sáng về luật trời, việc người, ngõ hầu những kẻ cầm quyền nhìn sự xưa mà sửa việc nay, tránh cho con dân Đại Việt khỏi cảnh lầm than tao loạn, núi xương sông máu. Nhưng than ôi, nếu đã là ý của đấng thượng thiên muốn vậy, biết trước hỏi ích gì không?

Buông bút, Đán thong thả ra sân, hít thở sảng khoái. Thế là đã xong một việc đau đáu cả đời. Giờ chỉ còn thuê thợ khắc về làm mộc bản rồi in quyển đóng sách lưu lại mà thôi. Đán cảm thấy người mình nhẹ bỗng, phiêu diêu thoát tục. Đang đứng giữa sân phủ mà như bay trên trời cao. Đán thốt nhiên thấy mình thành đám mây trắng bông lửng lơ lang thang vô định, ngắm non sông cẩm tú…

“Bẩm ông!”.

Tiếng gia nhân bẩm báo khiến Đán giật mình: “Có việc gì gấp gáp sao mà phải cao giọng vậy?”.

“Dạ, bẩm ông, triều đình vừa sức đến phủ ta, mai Thái Thượng hoàng sẽ qua thăm ông ạ”.

Đán thở dài. Mới xong việc chữ nghĩa, định mấy hôm tiết thu nắng ráo đang đẹp, thong thả cùng mấy gia đồng vãn cảnh Ngũ Nhạc Linh Từ, Kiếp Bạc Lục Đầu giang, núi Phượng Hoàng cho thư thái mà tay Phủ kia lại đến quấy rầy! Chả biết triều đình có chuyện gì hay là rỗi rãi vô sự quá mà tới đây…

*

*       *

Trần Phủ là con thứ ba của vua Trần Minh Tông. Mẹ là bà Lê Thị, cô ruột của Lê Quý Ly. Phủ từ bé nổi tiếng thông minh đĩnh ngộ, năm mười tuổi đã ứng tác được bài thơ hay, khiến vua cha khen lắm. Phủ vốn tính tình nhã nhặn, ham thơ văn tiêu dao tháng ngày, không để ý đến chính sự. Càng không có ý dòm ngó ngôi cao. Vả lại Phủ biết thân phận mình là thứ, không đến lượt nên chỉ chăm chú chuyện rong chơi tháng ngày cho thỏa chí tang bồng. Bởi khi ấy nước nhà vô sự. Bên Bắc thì đang loạn lạc đánh nhau lộn bậy, đằng Nam thì Chiêm Thành ngoan ngoãn thần phục cống nộp đều. Mùa màng no đủ. Dân sung túc. Đến nỗi ngoài dân gian có nhiều kẻ sống đời lang thang nay đây mai đó cho khoái, chứ chẳng nhà cửa gia đình vợ con chi cho mệt. Có người tâu sự ấy với Minh Tông, muốn bắt ráo lại, nhốt phạt. Ngài bảo: “Ấy thế mới là đời thái bình thịnh trị! Bắt, nhốt chúng nó thì được cái việc gì?”.

Năm 18 tuổi, Phủ được bổ làm Phiêu kị tướng quân, trấn thủ Tuyên Quang.

Năm 33 tuổi thăng Hữu tướng quốc.

Năm 47 tuổi được phong Cung Định vương, Tả tướng quốc đứng đầu võ quan của vua anh Trần Dụ Tông.

Ngoại thích Dương Nhật Lễ lên ngôi cũng phong Phủ là Thái sư.

Trải mấy chục năm tham chính nắm ngôi cao, nhưng mọi việc hầu như Phủ giao cho cấp dưới, gia nhân, môn khách làm, còn mình chỉ vui thú thơ ca ngâm vịnh, đàn sáo tiêu dao sông núi tháng ngày mà thôi.

Đến lúc hôn quân Dương Nhật Lễ làm nhiều chuyện càn rỡ, lại định đem đổi họ Trần thành họ Dương, khiến cho hoàng gia phẫn uất, Phủ cũng định lánh đi cho xa khỏi chuyện thị phi. Nhưng dưới quyền Phủ khi ấy có Lê Quý Ly là một tay trẻ tuổi văn võ toàn tài, đương có nhiều khát vọng. Ly vốn gọi mẹ Phủ là cô ruột. Nhân một lần gặp gỡ, thấy Ly chăm chỉ cẩn thận, kiến giải sáng láng nhiều chuyện bèn thu nhận về dưới trướng. Ly tận tụy mọi việc, không sai sót, lại có tình anh em bên ngoại nên thành thân cận. Mọi việc xử lí quan trường bấy lâu hầu hết giao cho Ly chủ trì. Nghe nói Phủ định lánh đi, Ly bèn tới nắm chặt cương ngựa: “Trốn đời không phải là cái chí khí của bậc đại nhân! Ngài đang chẳng phải là Thái sư đương triều, giữa lúc chính sự rối ren này sao lại định bỏ đi?”. “Ta vốn không ưa chuyện chính trường rắc rối. Lòng chỉ muốn yên hưởng thái bình. Ta đi cho khuất mắt, kệ bọn họ muốn làm gì nhau thì làm, chán rồi!”. “Không được! Ngài có đi cũng chẳng khuất được! Nhật Lễ đang định lập triều họ Dương, phế bỏ luôn chữ Trần. Xong việc, nó để cho ngài ngồi yên mà hưởng gió trăng sao?”. “Thế ta phải làm sao?”. “Ngài phải vào Đại Lại giang theo hiệu triệu của Trưởng Công chúa, thống lĩnh quân sĩ quay về Thăng Long xử tên hôn quân họ Dương!”. “Cả đời ta tiếng có lúc đã là tướng quân nhưng thực chưa cầm cung kiếm ra trận bao giờ, chỉ đàn ca sáo thổi ngâm vịnh thơ phú! Nay ngươi bảo ta dẫn quân ra trận, khác nào đem gà dâng cáo, đem lợn đến miệng hùm?”. “Đại nhân chớ lo. Việc điều binh khiển tướng xông pha trận tiền, xin cứ giao cho Ly này. Ngài chỉ việc ngồi ghế cao, phất cờ chính thống mọi sự sẽ thành mà thôi”.

Nghe lời Ly, Phủ bèn quay vào Đại Lại giang họp với bà Thiên Ninh và Trần Nguyên Đán. Ngoài Thăng Long, Dương Nhật Lễ nghe tin, bèn cử đại binh triều đình do võ quan Thiếu úy Trần Ngô Lang cầm đầu tiến vào đánh dẹp. Nghe tin quân binh triều đình đến, cả bọn hốt lắm, vì quân ngũ mới tập hợp chưa có bao nhiêu. Đán bảo: “Đại huynh và đại tỉ chớ lo. Để Đán này ra trận tiền nói chuyện phải trái với Trần Thiếu úy. Quan quân triều đình vốn ăn lộc nhà Đông A nhẽ lại theo thằng phản phúc hết?”.

Đán đầu đội mũ vải, thân không giáp, tay không kiếm một mình một ngựa thong thả đi ra trận tiền, vòng tay thi lễ: “Chẳng hay Trần Thiếu úy lâu nay có mạnh khỏe không?”.

Trần Ngô Lang nhìn Đán lấy làm lạ. Chưa biết ý tứ ra sao, bèn vòng tay thi lễ đáp lại: “Cám ơn ngài. Lang này lâu không gặp, nay giữa chốn ba quân, chẳng hay có ý gì dạy bảo?”.

Đán nói: “Tên hôn quân ngoại tộc Dương Nhật Lễ đang làm việc phản nghịch. Nó định phế bỏ cả tên họ nhà Đông A ra khỏi tôn miếu hoàng gia. Tướng quân là người họ Trần, ăn lộc tổ tông bao đời xiết kể. Sao lại nhắm mắt theo lệnh của nó định bức hại họ nhà mình vậy?”.

Trần Ngô Lang vội tụt xuống ngựa dập đầu lạy: “Xin Chương Túc Quốc Thượng hầu về bẩm với Trưởng Công chúa và các vương mau tiến binh ra Thăng Long, Lang này xin làm nội ứng giúp một tay lập lại thế phả!”.

Ly đứng bên cạnh Phủ nhìn thấy, nói nhỏ: “Đán quả là một tay kiệt hiệt, có phẩm chất của một bậc đế vương”.

Thế rồi Dương Nhật Lễ cứ cử đạo binh nào đi vào Đại Lại giang đánh dẹp là đều ở lại theo quân khởi sự hết. Thanh thế nhanh chóng lẫy lừng, bà Trưởng Công chúa Thiên Ninh cùng Phủ, Đán kéo quân về Thăng Long, ba mặt đánh vào, bên trong lại có Trần Ngô Lang làm nội ứng nên bắt giết Dương Nhật Lễ trong chớp mắt. Cung Định vương Trần Phủ lên ngôi tại điện Thiên An ngày 15/11/1370 lấy hiệu là Thiệu Khánh, phong Lê Quý Ly làm Khu mật viện đại sứ, nắm giữ tất cả công việc hệ trọng của triều đình.

*

*       *

Đầu giờ Tỵ, Thái Thượng hoàng Trần Nghệ Tông đã tới phủ đệ Côn Sơn của Trần Nguyên Đán. Ngài đi đường thủy theo sông Thiên Đức từ nửa đêm qua. Sáng sớm đã tới Kiếp Bạc, bọn quân bay đón sẵn võng lọng đưa sang bên này. Đán lật đật chạy xuống sân định quỳ xuống lạy chào thì Phủ đã bước nhanh tới đỡ dậy: “Ta hôm nay về thăm đệ, chuyện trò tình thân họ tộc chứ không phải đi công chuyện. Miễn mọi lễ nghi đi”.

Trong hoàng gia họ Trần, Phủ thuộc dòng chi trưởng của đức ông mở triều Trần Thái Tông, còn Đán tổ phụ là đức ông Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, con thứ nên sau này con cháu ngài chỉ được phong hầu. Luật lệ dòng họ Đông A đến đời cha của Phủ là Trần Minh Tông đã phai nhạt nhiều nhưng mỗi khi không phải việc triều chính, họ vẫn cư xử, xưng hô với nhau theo thứ bậc họ hàng, khá thân tình.

Đán định đưa Phủ vào thư phòng thưởng trà, Phủ khoát tay: “Ta với đệ lên núi, đánh ván cờ. Nay ta muốn làm thần tiên cùng đệ một buổi!”.

Côn Sơn hôm ấy trời trong nắng vàng. Ấm áp. Phủ lệnh cho quân hầu bày đồ ăn thức uống xung quanh, rồi lui hết xuống dưới hai mươi trượng, ngồi canh đợi trong rừng thông, cấm tự tiện lên nếu không thấy gọi. Cờ được bày ra trên bàn đá, những quân cờ cũng bằng đá, khắc chữ đỏ. Đán mỉm cười: “Mời huynh đi trước”.

Phủ vào pháo đầu.

Đán lên mã.

Họ dàn quân theo thế cổ, mã nách canh pháo đầu. Tiến tốt ra xe hăng hái. Ghểnh sĩ lên tượng nhịp nhàng. Nhưng họ không chỉ đánh cờ. Phủ đến thăm Đán hôm nay không để ngắm trời xanh mây trắng. Phủ đang có bao điều bối rối trong lòng, chưa biết thổ lộ cùng ai. Phủ muốn hỏi ông em họ thông tuệ của mình xem có kiến giải gì cho cái thế cuộc này không. Đi được vài nước, Phủ với tay rót hai chén ngự tửu, một đưa cho Đán, tự mình nhấp một ngụm. Ngự tửu Phủ ưa thích là rượu nếp cái hoa vàng ướp cất cùng cúc hoa của làng Vân Hà bên xứ Kinh Bắc dâng tiến. Thơm dịu. Thêm một chén nữa. Uống cạn. Đán nhìn Phủ hơi ngạc nhiên. Đán biết Phủ thích rượu, nhưng chỉ nhâm nhi chứ không uống cạn luôn bao giờ. Dường như hơi rượu ngấm vào máu Phủ khiến cho cái ách nào đó trong lòng được cởi bỏ. Phủ nhìn thẳng vào mặt Đán: “Hôm nay trên núi này chỉ có ta và đệ. Bỏ qua thứ bậc triều chính, chỉ còn là họ hàng thân tộc. Đệ là người bao năm nay du ngoạn khắp nước, lại tinh thông thiên văn lí số. Hãy nói cho ta biết, tình hình nước Đại Việt hiện nay thế nào?”.

Đán cũng uống cạn chén rượu Phủ đưa, nhìn khuôn mặt ông anh họ đang nhìn mình chờ đợi, thong thả: “Nếu huynh đã muốn nghe thì đệ sẽ nói hết. Chỉ sợ huynh không chịu được sự thực mà thôi!”. “Không cần rào đón. Ta hôm nay muốn nghe sự thật!”. “Trước khi sang đây, huynh có vào đền Kiếp Bạc làm lễ Thánh không?”. “Dĩ nhiên là có. Nhưng ta xin quẻ ba lần đều không thành. Không biết Thánh có ý gì nữa. Đệ luận giải sự này thế nào?”.

Đán hơi mỉm miệng như cười. Với chiếc be rót tiếp một tuần rượu nữa cho cả hai, nhấp một ngụm. Người ta vẫn nói “rượu tam”, có lẽ là uống rượu đến tuần thứ ba là vừa đủ cho người ta mở lòng ra với nhau. Đán trầm giọng:

“Chuyện thánh thần phán bảo ra sao, chỉ có tâm người hầu lễ mới biết, người ngoài vô tâm biết gì mà nói. Còn chuyện thế sự, huynh muốn nghe chuyện dân hay chuyện quan trước?”.

“Chuyện dân đi. Dĩ dân vi bản. Ta muốn nghe sự thật cái bản gốc của nước nhà nay ra sao, lòng dân hướng về đâu”.

“Thưa huynh. Triều ta được lập vốn là do lấy được lòng người. Lòng dân Đại Việt khi đó chán ghét nhà Lý chính sự đổ nát, để muôn dân đói khổ lầm than. Đức ông Thượng phụ Quốc công Trần Thủ Độ đã nhân đó một tay gạt phăng mọi vướng cản, đưa Đức Thế Tổ lên ngôi, mở ra triều đại nhà Đông A hùng vĩ thịnh trị. Vẻ vang nhất là đã ba lần đánh tan quân Nguyên Mông. Được thế bởi khi đó triều ta đã cố kết được lòng dân Đại Việt về một mối. Vua quan, triều đình, dân chúng một lòng cùng đánh giặc, cùng xây đời thái bình thịnh trị. Dân no đủ, tiếng hoan ca rộn khắp nước. Thế nhưng đến dịp gần đây, vận nước suy thoái, mất mùa thiên tai xảy ra liền năm không dứt, nạn giặc cướp nổi lên như ong. Giặc Chiêm đánh phá vào tận Thăng Long mấy lần cướp giết. Dân gian đói khổ, tiếng oán thán muốn ngút trời xanh. Khắp sông hồ núi non âm u đầy tà khí. Lòng dân phẫn uất li tán mong sự đổi thay. Sự này đang như rơm khô củi nỏ, chỉ cần đốm lửa là cháy không ai dập được”.

“Cạch”.

Phủ uống nốt chỗ rượu trong chén, đặt hơi mạnh tay xuống bàn đá. Đán ngừng lại, nhìn Phủ. Phủ xua tay: “Ta nhỡ tay. Đệ nói tiếp đi, ta đang muốn nghe. Dân đã vậy còn quan thì sao?”.

“Thưa, đệ xin nói thật. Không trông mong gì được vào đám quan lại từ trên xuống dưới của triều đình nữa đâu. Tất cả là một lũ sâu mọt chỉ biết nhũng loạn dân đen, đục khoét của công làm giàu vinh thân phì gia. Trong bọn chúng không có đứa nào lo việc quốc gia, chỉ lấy việc vun vén tư gia làm chính, lấy việc hưởng thụ rượu ngon gái đẹp, sản vật lạ kì làm sang. Nịnh trên nạt dưới, ức hiếp dân lành. Đã thế thì tư chất hầu hết ngu độn, nên đầu óc âm u mê muội bấy lâu nay lại a dua theo đòi thờ phụng những cái tà thuyết lầm lạc, đề cao những kẻ đen tối bất nhân. Chính sự nước nhà đổ nát lắm rồi, có khác gì thời cuối triều Lý đâu!”.

“Còn binh tướng của ta thế nào?”.

Đán chợt cười thành tiếng: “Huynh bốn lần phải bỏ kinh thành chạy sang Đông Ngàn lánh giặc Chiêm, đủ biết tướng sĩ quân lính của triều đình ra sao còn phải hỏi đệ làm gì. Binh suy tướng thoái, ra trận thì sợ giặc như cọp chưa đánh đã chạy. Võ nghệ hèn kém, vũ khí cùn gỉ, chỉ giỏi uống rượu chơi gái. Vừa rồi may nhờ tổ tông linh thiêng ngầm giúp, Thượng tướng quân Trần Khát Chân mới giết được Chế Bồng Nga nên nước tạm yên. Nhưng huynh phải biết rằng, nhà Đại Minh mới lập quốc bên Trung Nguyên đang cơ hùng mạnh. Ấy mới là mối lo lớn nhất ngoài biên ải. Binh thế tướng thế, liệu cự nổi mấy tuần nếu họ mượn cớ nào đó phát binh?”.

“Lòng dân li tán, quan lại nhũng loạn, tướng sĩ hèn đụt… Ta trông cậy vào đâu đây? Còn các bậc thức giả trong nước đâu cả rồi mà không ai lên tiếng bày mưu tính kế cho triều đình?”.

“Kha kha kha…”.

Lần này Đán ngửa mặt nhìn trời cười thành tiếng. Đoạn quay sang rót rượu. Hai người lại cùng cạn chén. Thong thả, Đán bảo Phủ: “Kể từ khi Văn Trinh công Chu An đi ở ẩn rồi tạ thế, các bậc thức giả nước Đại Việt đã theo gương thầy quay lưng bỏ đi hết rồi. Trong triều ngoài nội chỉ còn lại đám hư học hư danh ăn theo nói leo kiếm miếng ăn tàn mà thôi. Làm gì còn ai học sâu biết rộng, kiến thức trí lự, tâm sáng lòng trong vì nước vì dân mà giúp nước giúp huynh nữa”.

Phủ trân trân nhìn Đán hồi lâu, thở dài:

“Nghe đệ nói toàn thấy những điềm mất nước hiển hiện! Vì sao mà đến nông nỗi này? Bây giờ ta phải làm sao để cứu cái cơ đồ này?”.

Đán cũng nhìn thẳng vào mắt Phủ, đanh giọng lại, không khoan nhượng:

“Xin cho đệ nói thẳng: cơ đồ của dòng họ Đông A nhà ta đang đến hồi kết thúc! Đó là luật trời: phàm cái sự gì có thịnh rồi cũng đến lúc phải suy! Như càn khôn bĩ rồi lại thái, nhật nguyệt hối rồi lại minh! Bên Trung Nguyên cũng vậy: Hán, Đường, Tống, Nguyên…lừng lẫy một thời rồi cũng đến lúc phải suy vong. Bên ta từ Triệu, Đinh, Lý đã từng nay tới Trần nhà mình. Cơ trời xoay chuyển là vậy, ai là người chống lại được? Cỗ xe thế sự đang lao dốc, sức người sao cản nổi?”.

“Vậy ta phải làm gì bây giờ?”.

“Huynh đang là người cầm cương cỗ xe thế sự nước Việt, giờ đây huynh chỉ còn mỗi việc là giữ cương cho xe lao hết dốc, khỏi lăn xuống vực vỡ tan hết cả, rồi trao lại cho người khác cầm, đưa xe lên dần, thế thôi. Làm được thế thì đấy là phúc phận của Đại Việt. Còn định cưỡng lại đà lao của cỗ xe, huynh hay bất kì ai đó trong họ nhà ta đều không được đâu. Không làm gì được đâu! Vận số của dòng họ Đông A đã hết! Giờ chỉ hi vọng người cầm cương tiếp theo có đủ tài đức để muôn dân đỡ khổ mà thôi”.

“Trần triều không còn cơ nào ư?”.

“Không! Huynh có cách gì làm cho nhật nguyệt ngưng xoay, các vì tinh tú trên giời không chuyển động?”.

Phủ nhìn trân trân vào mặt Đán. Nhìn mà không thấy gì. Vô định. Hồi lâu, Phủ nhìn xuống bàn cờ. Đán đã xoay thế thành “pháo đầu mã độn” từ lúc nào. Quá hiểm. Phủ định nhấc quân xe lên, thí xe đổi pháo, cứu nước hết. Nhưng Phủ lại buông thõng tay xuống. Chán nản. Không nhìn Đán mà hướng mắt ra phía xa. Xa xa là trập trùng núi non, xa nữa là Lục Đầu giang hào hùng một thuở vẫn ánh lên rực rỡ dưới nắng thu. Phủ nói nhỏ như chỉ cho mình nghe:

“Đệ đã đoán trước được mọi sự, sao không nói với ta một lời nào? Sao lại rũ áo về trí sĩ?”.

Đán cay đắng:

“Lời của đệ thì có ý nghĩa gì với huynh đâu? Bởi kể từ khi họp nhau trên sông Đại Lại tiến về Thăng Long dẹp tên hôn quân Dương Nhật Lễ, lên ngôi chí tôn rồi huynh có còn gặp, còn nghe đệ nữa đâu. Không một lời nào của đệ lọt đến tai huynh. Buồn thêm một nỗi, bá quan văn võ trong triều cũng chẳng ai lên tiếng tâu bày lẽ thiệt hơn về cái sự tồn vong của nước nhà. Đệ đã từng viết thư cho tất cả các đại nhân mong cùng lên tiếng. Mà có ai hưởng ứng đệ đâu. Đệ tuyệt vọng, đành về núi Côn Sơn viết cho xong quyển sách, sống nốt ngày tàn mà thôi”.

“À à… cuốn Bách thông thế kỉ thư. Đã xong chưa? Đệ viết những gì trong đó?”.

“Đệ vừa viết xong. Sẽ làm bản khắc in và mang đến Thăng Long kính huynh và tàng thư các của triều đình. Đó là cuốn sách đệ chép những chuyện đất trời nước Việt từ thuở Hồng Bàng đến nay cùng các luận giải”.

“Vậy đệ có tiên đoán gì về số phận họ tộc nhà ta sau đây thế nào không?”.

“Chuyện đó xin huynh hãy đọc cuốn sách của đệ, rồi tự mình luận giải. Xin cho đệ không phải nói vì thiên cơ bất khả lộ, phạm phải tuyệt diệt muôn đời. Xin huynh hãy để cho đệ dành chút phúc về sau cho con cháu”.

“Vậy đệ không còn lời gì nói với ta nữa sao?”.

“Vâng. Nhưng đệ muốn đọc hầu huynh nghe lại bài thơ Thị đệ tử của Thiền sư Vạn Hạnh”.

“Đệ đọc đi”.

Đán xoay người hướng mắt ra phía xa, cất giọng vừa đủ hai người nghe:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.” (1)

Đọc xong, Đán xoay người lại nhìn thẳng vào mắt Phủ. Thấy trong đó cả một biển trời những hoang mang, bấn loạn, yếm thế, bàng hoàng, sợ hãi, phẫn trí… tất cả hòa trộn vấn vít vào nhau khiến cho Phủ không còn là Trần Phủ - Thái Thượng hoàng Trần Nghệ Tông uy quyền trùm Đại Việt mấy chục năm nay nữa. Bế tắc. Tuyệt vọng. Bất lực. Phủ như một ông già cô đơn yếu ớt, bấy bá trước phong ba bão táp đang sầm sập bủa vây hầm hè đe dọa cuốn phăng tất cả. Đán cảm thấy có gì như thương xót Phủ. Không. Đó là nỗi đau đớn cào xé gan ruột chính mình. Khi tự thấy bất lực trước phong ba bão táp sắp đổ lên gia đình dòng họ của mình, lên con dân nước Đại Việt mà không có cách nào chống đỡ. Chống đỡ làm sao khi cơ trời đang xoay, vận nước sắp hết. Biết cũng chỉ đến thế mà thôi. Bởi càn khôn thay đổi đâu chỉ có một ngày, họa phúc đâu có đến từ một buổi. Giờ chì còn biết thuận theo cơn gió thế cuộc, lựa lấy chút gì khả dĩ cho hậu thế. Cay đắng. Hai người nhìn nhau hồi lâu. Nhìn mà như không. Đờ đẫn. Bất động. Không ai buồn nhìn xuống ván cờ đang dang dở nữa. Nắng trên núi Côn Sơn vẫn cứ vô tình vàng ruộm. Nắng trải trên những triền lá thông cuối thu bàng bạc, thành một màu như hoang đường. Lúc Phủ và Đán rời bàn cờ tiên xuống núi, một cơn gió từ đâu bỗng thổi về xao động, cả rừng thông ngân lên vi vút vi vút vi vút…

T.T.C

--------

1. Thân như bóng chớp, có rồi không

Cây cối xuân tươi, thu não nùng

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi

Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.

(Ngô Tất Tố dịch)