“Góc khuất” của chiến tranh trong phim “Nơi ta không thuộc về”

Nơi ta không thuộc về” là bộ phim truyện được Điện ảnh Quân đội nhân dân lên kế hoạch sản xuất trong năm 2018, do Trung tá Đặng Thái Huyền biên kịch và đạo diễn. Là một nữ đạo diễn quen thuộc với khán giả trong các đề tài chiến tranh, hậu chiến. Trong bộ phim này, đạo diễn Đặng Thái Huyền đã cộng tác với đạo diễn hình ảnh Trịnh Quang Tùng, Phó giám đốc Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương để thực hiện tác phẩm điện ảnh mà chị dành nhiều tâm huyết. Chiến tranh và những góc khuất của chiến tranh là đề tài mà nữ đạo diễn này yêu thích.

Góc nhìn mới về thời hậu chiến qua những thước phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân
Cảnh trong phim “Nơi ta không thuộc về”. Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân
Góc nhìn mới về thời hậu chiến qua những thước phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân
Diễn viên Kim Tuyết trong vai nữ nhà báo Đông Hà. Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân

Là một nghệ sĩ sinh ra trong hòa bình nhưng đạo diễn Đặng Thái Huyền lại hứng thú với những bộ phim về chiến tranh và hậu chiến. Mang góc nhìn của một nghệ sĩ, chiến sĩ trong thời bình, phim của chị luôn có nét tươi mới, cảm thông với những mất mát, hy sinh của thế hệ cha ông và bi kịch do chiến tranh để lại.

Nội dung phim Nơi ta không thuộc về” kể về hành trình đi thực tế, sưu tầm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng để viết bài về Thung Ma – căn cứ bí mật cất giấu kho đạn thời chiến tranh của nữ nhà báo quân đội Đông Hà. Đông Hà muốn tìm hiểu về sự mất tích bí ẩn của tiểu đội coi kho sau trận không kích vào kho đạn năm xưa. Những giấc mơ kỳ lạ, những hiện tượng kỳ bí diễn ra hàng đêm từ khi Đông Hà đặt chân tới Thung Ma dẫn dắt nữ nhà báo lần tìm theo những dấu tích xa xưa. Nhờ sự giúp sức của Nam – một thanh niên sinh ra và lớn lên tại vùng đất này cùng các nhân chứng và chính quyền địa phương, Đông Hà đã dần tìm ra câu trả lời cho bí ẩn của quá khứ. Hài cốt các liệt sĩ sau hơn 40 năm bị chôn vùi trong lòng hang sâu đã được tìm thấy và đưa về quê hương. Nội dung phim truyền tải thông điệp: Dù trong cuộc sống thường nhật hay trong thế giới tâm linh, nơi đâu có tình yêu, có sự ấm áp, sẻ chia thì nơi đó sẽ tạo nên sức mạnh, niềm tin, sự cứu rỗi để ta vượt qua mọi khổ đau, mất mát, chia ly và là nơi ta mãi mãi thuộc về. Đó cũng là chân lý giúp những người lính năm xưa có thêm động lực và sức mạnh đối mặt với quân thù.

Bối cảnh phim là địa điểm còn hoang sơ ở một làng quê nghèo của tỉnh Ninh Bình. Đạo diễn Đặng Thái Huyền đã chọn quay bộ phim này ở nơi mà chưa có đoàn làm phim nào đặt chân đến đó là Thung Nắng. Đoàn làm phim phải di chuyển trong 1 giờ, vòng qua các hang thì mới đến địa điểm quay phim. Vì thế, khi xem phim, khán giả sẽ được mãn nhãn với bối cảnh thiên hùng vĩ.

Trong phim, diễn viên Kim Tuyết vào vai nữ nhà báo Đông Hà, siêu mẫu Đức Hải trong vai Nam; ngoài ra còn có sự tham gia của các diễn viên của miền Bắc như Thu Quế, NSND Trần Nhượng, NSƯT Dũng Nhi.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền muốn trong phim có diễn viên của cả miền Bắc và miền Nam bởi chị mong muốn phim phục vụ khán giả cả nước, có sự đan xen giữa diễn viên trẻ và diễn viên gạo cội thì người xem mới cảm thấy hài lòng.

Trong phim, nhân vật bà Hạ là vai diễn khiến đạo diễn trăn trở nhiều nhất, là nhân vật mất trí nhớ, mang diện mạo xấu nhưng lại đầy tâm trạng. NSND Thu Quế đã mang tới cho khán giả nhiều cảm xúc qua vai diễn này.

Mang tinh thần của những nghệ sĩ, chiến sĩ, đoàn làm phim “Nơi ta không thuộc về” đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ trong gần một tháng ghi hình ở Thung Ma.

“Chưtankra” - sợi dây nghĩa tình

Bộ phim “Chưtankra”, biên kịch, Đại úy Nguyễn Đức Thực; Thiếu tá Vũ Minh Phương đạo diễn. Bộ phim kể về những thương binh - cựu chiến binh của Trung đoàn 209 (được gọi là lính mũ sắt Hà Nội) hàng chục năm nay đi tìm kiếm hài cốt đồng đội đã hy sinh tại dãy núi Chưtankra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum trong chiến tranh chống Mỹ. Thông qua hành trình đầy gian nan nhưng cao cả và nhân văn ấy, bộ phim ca ngợi sự anh dũng chiến đấu và hy sinh của những người lính mũ sắt Hà Nội và nghĩa tình của những người còn sống đối với những liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho đất nước.

Góc nhìn mới về thời hậu chiến qua những thước phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân
Đoàn làm phim “Chưtankra” đang thực hiện một cảnh quay. Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân
Góc nhìn mới về thời hậu chiến qua những thước phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân
Bữa cơm trong rừng của đoàn làm phim và các thương binh - cựu chiến binh trong hành trình thực hiện bộ phim Chưtankra. Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân

Năm 1968, ở Chưtankra đã diễn ra một trận giao tranh ác liệt giữa những người lính mũ sắt Hà Nội, Trung đoàn 209 với quân đội Mỹ nhằm ngăn chặn bộ đội ta đánh vào một trung tâm huấn luyện thám báo biệt kích của chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Trong trận giao tranh đó, hơn 200 liệt sĩ của Trung đoàn 209 và các đơn vị phối thuộc đã hy sinh quanh các cao điểm và các cánh rừng bên rãy Chưtankra.

Những năm qua, nhiều gia đình liệt sĩ đã đi tìm mộ con em họ nhưng không biết cụ thể địa điểm hy sinh nên không thể tìm thấy hài cốt các liệt sĩ. Trước nỗi khát khao, niềm mong mỏi của thân nhân các gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh của Ban liên lạc Trung đoàn 209 đã bàn với nhau, quyết tâm trở lại chiến trường xưa để tìm thi hài đồng đội. Trong bộ phim Chưtankra, các nhà làm phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân đã tái hiện cho khán giả hành trình đi tìm đồng đội của những người lính mũ sắt Hà Nội.

Công việc đi tìm mộ của đồng đội sau 51 năm là công việc vất vả. Vậy mà 4 thương binh dù đã ngoài 70 tuổi vẫn miệt mài thực hiện trong suốt 10 năm qua.

Đại úy Nguyễn Đức Thực, biên kịch phim cho biết: Nội dung phim bám theo hành trình của nhân vật. Tôi thật sự ấn tượng về tình cảm của những chiến sĩ dành cho nhau và tình cảm của người còn sống với người đã khuất. Tôi luôn trăn trở và nghĩ rằng, những cựu chiến binh này đang chạy đua với thời gian để tìm đồng đội vì thời gian càng lâu thì những vết tích của đồng đội họ sẽ mất và sức khỏe của những cựu chiến binh không thể đáp ứng, cơ hội để đưa đồng đội về gia đình sẽ không còn nhiều.

Thiếu tá, đạo diễn Vũ Minh Phương cho rằng, công việc của các cựu chiến binh là công việc nghĩa tình đồng đội. Chính điều này đã lôi cuốn chúng tôi thực hiện bộ phim này. Tiếp theo đó là các tình nguyện viên, thế hệ con cháu đi tìm cha, chú, họ đi tìm hài cốt không chỉ một năm mà cả một thập kỷ. Đoàn làm phim có lợi thế là ghi lại diễn biến câu chuyện ấy. Trong khoảng gần 20 ngày, đoàn làm phim đã 3 lần lên xuống núi bởi bối cảnh quay diễn ra chủ yếu trong rừng và trên đỉnh núi.

Điều đặc biệt trong phim là ngoài 4 cựu chiến binh mũ sắt Hà Nội còn có sự xuất hiện của các cựu binh Mỹ. 51 năm trước trên đỉnh núi Chưtankra, họ đứng ở hai chiến tuyến, 51 sau cũng tại ngọn núi này, họ bắt tay làm bạn, làm cầu nối hòa bình giữa hai đất nước, đặc biệt là cùng thực hiện một nhiệm vụ cao cả, đó là đi tìm hài cốt đồng đội vẫn còn nằm lại đâu đó quanh đây. Trong số các cựu binh Mỹ có người sang Việt Nam đến 10 lần, có người chọn cách định cư tại Việt Nam để hỗ trợ các cựu chiến binh Việt Nam trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Thông điệp mà đạo diễn muốn nói trong phim chính là nghĩa tình. Mạch phim xuyên suốt là câu chuyện về nghĩa tình của các cựu chiến binh Việt Nam đã hàng chục năm tự bỏ kinh phí lặn lội từ vào Kon Tum, tay sách nách mang cho đồng đội đã khuất núi từ chiếc bánh cốm, phong kẹo lạc, bao thuốc lá...

Thời lượng 25 phút của phim không thể truyền tải hết tình cảm của những người lính dành cho nhau nhưng đã mang đến cho người xem một góc nhìn mới về thời hậu chiến...

Nguồn: QĐND (Khánh Huyền)