Thứ Tư, 29/01/2020 09:52

Hà Nội - bụi, hoa và Việt Nam năm 2019

Văn hóa của từng vùng đất là đề tài chính của tản văn đương đại. Trong những vùng miền văn hóa, nổi bật là tản văn viết về Hà Nội. Đây là mảnh đất nghìn năm, vừa lưu giữ văn hóa, lịch sử truyền thống

Văn hóa của từng vùng đất là đề tài chính của tản văn đương đại. Trong những vùng miền văn hóa, nổi bật là tản văn viết về Hà Nội. Đây là mảnh đất nghìn năm, vừa lưu giữ văn hóa, lịch sử truyền thống, vừa có nhiều thay đổi trong xu thế hội nhập tất yếu. Thật ra, Hà Nội là nguồn cảm hứng bất tận đã dệt thành những trang văn mãi còn vang bóng, nhưng chỉ với tản văn, Hà Nội mới thật sự trở thành vùng thẩm mĩ của văn chương. Trong “hành trình một thế kỉ” của thể loại, tản văn góp phần làm rõ đặc thù văn hóa của một vùng đất, đồng thời, đóng góp không nhỏ trong việc làm mới, mở rộng mảng đề tài về Hà Nội.

Viết về Hà Nội nếu không khéo sẽ giẫm mãi lên lối mòn. Nhưng vẫn còn đó những nhà văn “đi ngang Hà Nội”, “đi dọc Hà Nội”, “đi xuyên Hà Nội” (Phạm Ngọc Tiến) không hề mỏi mệt. Vượt qua những cái bóng văn chương về Hà Nội, các nhà văn đương đại tìm một hướng khác: vừa hoài niệm những giá trị cũ, vừa hoài nghi những giá trị mới từ/bằng cảm quan thời đại. Tản văn về Hà Nội khá đa dạng, tập hợp được nhiều thế hệ nhà văn với những phong cách riêng, từ các nhà văn lớn lên ở vùng đất cổ (Băng Sơn, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, Nguyễn Trương Quý, Di Li...) đến những tác giả gắn bó máu thịt với Hà Nội (Đỗ Bích Thuý, Phong Điệp, Lữ Mai, Uông Triều…) và những người con xa xứ thả niềm riêng vào những trang viết ngắn (Lê Minh Hà, Hoài Hương…).

Với tản văn - ngắn, nhanh và phi hư cấu, Hà Nội muôn vẻ kết tụ thành hình nét, âm thanh, mùi vị… Tất cả thẩm thấu thành hồn cốt Hà Nội, không thể pha lẫn với bất kì vùng thẩm mĩ nào trong văn chương. Neo đậu ở mảnh đất Hà Nội, va đập kí ức và hiện tại, những trang tản văn ngày càng khắc họa đa dạng hơn về một thế giới xanh, về một Hà Nội bốn mùa ít nhiều đã bị tước đoạt, bị xâm lấn bởi văn minh đô thị. Sự cách đoạn các miền không gian địa lí và không gian tâm tưởng khiến hoài niệm trở thành vùng cảm xúc trong hầu hết tản văn. Đồng thời, đối mặt với mảnh đất từng ngày từng giờ môi sinh bị đe doạ, điểm gặp gỡ giữa các nhà văn là nỗi âu lo sinh thái. Nỗi nhớ niềm đau đó được mã hóa qua những biểu tượng đặc thù của một Hà Nội xưa và nay: hoa và bụi.

 

Hà Nội… hoa

“Trái đất xanh lơ như một quả cam” (Paul Éluard). Nhiều trang tản văn làm sống lại hồn thiêng sông núi Việt Nam. Hà Nội với những di tích nghìn đời. Hà Nội với “những người muôn năm cũ” vừa hội nhập vừa níu giữ hồn xưa.

Hà Nội xanh sông, xanh hồ, xanh những hàng cây. Trong cảm hứng sáng tạo của nhà văn, hoa luôn tương hợp, đi liền với những biểu tượng sinh thái. Hoa gắn liền với Hà Nội, nên trong miền nhớ của tản văn, nỗi nhớ chìm sâu nhất là nhớ bốn mùa hoa. Đào phai, cúc xuân vàng rực, đỏ phượng hè, hoa gạo đỏ chói, cúc họa mi, cơm nguội thay lá cuối thu, “hoa sưa nhỏ li ti, tinh khôi cứ trắng xóa một không gian đất trời” (Uông Triều). Trên những bức tranh Hà Nội, hoa điểm xuyết, vừa tươi tắn vừa lãng mạn hóa nỗi hoài nhớ về mảnh đất ngàn xưa. Qua cái nhìn nữ giới, tản văn Đỗ Bích Thúy chạm đến một nơi nào thật bình dị mà thẳm sâu trong lòng Hà Nội (Đến độ hoa vàng). Trong những trang viết của Hoài Hương, cùng với hoa là hàng cây ven đường, là sấu chín, là mưa bụi, kể cả một cơn gió cũng làm nên cồn cào nỗi nhớ: “Trong tiếng gió như hơi thở nhẹ phả cái lạnh lướt bên má, bỗng nghe tiếng đàn piano từ căn gác nhỏ phố cổ Hà Nội, từng nốt nhạc rơi xuống phố vắng. Vô thức xòe bàn tay hứng lấy âm thanh kia… Hình như cả một dòng hồi ức những khúc nhạc mùa đông Hà Nội ùa về” (Hà Nội heo may). Đỗ Phấn nhớ những hàng cây trong miền kí ức còn tươi rói: “Lại nhớ đến những hàng phượng vĩ chứa chan sắc đỏ tháng năm trên đường Lý Thường Kiệt. Nhớ đến hai cây hồng xiêm ở cuối đường Trần Hưng Đạo. Nhớ những gốc xà cừ khổng lồ cuối đường Bà Triệu. Nhớ những buổi sáng mùa đông mịt mờ hơi sương run rẩy trên từng nhánh hao gầy hàng cây cơm nguội cuối đường Yên Phụ” (Nhớ về cây).

Cảnh sắc bốn mùa là chủ đề phổ biến trong tản văn. Với ngòi bút “phong tình”, các mùa được Nguyễn Việt Hà nhìn, miêu tả rất nồng nàn: “Mùa xuân là mùa yêu, là mùa thăng hoa của những xuân nữ nồng nàn khát khao rạo rực” (Du xuân). Đặc biệt, Tết và hoa đào là cặp song trùng, hòa kết, biểu tượng riêng cho mùa xuân, xuất hiện với tần suất cao trong tản văn Hà Nội. Từ góc nhìn văn hóa, trong ý nghĩa tượng trưng của hoa đào, cảm nhận của các nhà văn hướng về chủ đề nguồn sống. Đỗ Phấn mê đắm với sắc đào phai (Hoa đào năm ngoái). Chất thơ của đất trời, thơ trong lòng người hoài niệm đan hòa trong những con chữ đọng thơ: “Bồi hồi nghe tiếng chuông chùa Trấn Quốc lan man trên sương khói hồ Tây. Lại được ngước mắt nhìn lên những vòm cây ào ạt gió…” (Chầm chậm ngày xuân). Nhành đào Nhật Tân trong sử sách, chứng tích của chiến công và tình yêu, được vua Quang Trung tự tay lựa chọn để trao tặng Ngọc Hân nhằm báo tin thắng trận, trở thành huyền thoại lấp lánh tự hào tình quê, tình đất nước. Qua những con chữ tài hoa của Nguyễn Tuân, rừng đào Nhật Tân từng bị chặt ngang, những thân hoa khô gầy ứa máu, ám ảnh, day dứt. Chính vì vậy, trong những trang hoa, hoa đào trở thành biểu tượng của phôi pha và nuối tiếc. Cái màu hoa “y cựu tiếu đông phong”, cái “tương ánh hồng” lấp lóe trong tiếng thở dài giễu nhại của Nguyễn Việt Hà: “Màu đào đã không còn nồng nàn thắm thì đương nhiên má của mấy thiếu nữ đứng bán hoa đào dọc theo hai bên đường đê Yên Phụ cũng tai tái vắng sắc hồng” (Màu của Tết). Nhà văn rưng rưng nhớ sắc hoa xưa: “…màu của Tết, mùi của Tết. Đấy là cái màu nóng ấm của hồng đào phảng phất tinh hoa từ những người Tràng An muôn năm cũ” (Một chỗ xuân Hà Nội). Trong tản văn đương đại, hoa-đào-năm-ngoái trở thành biểu tượng cảm hoài. Nay, Tết Hà Nội vắng dần những cành đào Nhật Tân sắc thắm, thuở còn “mênh mông trùng trùng điệp điệp gốc đào chưa bị đám bê tông cốt thép hung bạo lấn dần”. Mượn cách nói của Nguyễn Tuân, người ta đã đè ngửa những cánh hoa mỏng manh để phết vào đó những sắc màu nhân tạo. Thèm lắm một Hà Nội xưa, nên trên những trang văn là day dứt về một màu thời gian đã phôi pha. Nhớ lắm một Hà Nội cũ, nhà văn tìm lại chút dấu xưa qua bốn mùa hoa, qua những âm thanh đời thường vọng từ kí ức tuổi thơ - một tiếng guốc rao đêm, một tiếng ve trưa, một trăng nước Hồ Tây, một leng keng tàu điện, một tiếng chim vườn cũ… “Nhớ những tiếng chim sẻ lành hiền trên những ngọn cây khế, nhớ những hạt bụi vàng li ti trong cái nắng mật ong, nhớ cả ngọn gió mệt mỏi len qua phố phường chật hẹp” (Đến độ hoa vàng - Đỗ Bích Thúy). Quá khứ và hiện tại đồng hiện, song hành trong một khoảnh khắc vọng về âm thanh tiếng chim trong chiều nhạt nắng: “Con chim rẻ quạt chiều nào cũng về. Luồn lách trong đám lá chò tối sẫm. Cất tiếng rít khan bảng lảng mê hoặc”. Qua nỗi nhớ không gian là nỗi buồn sinh thái. Con chim rẻ quạt với “tiếng hót mảnh như sợi tơ căng ra tít tắp” chẳng biết về đâu. Liệu có về lại khu vườn cũ “căng giọng hát hân hoan trong chiều nhạt nắng? Chẳng ai biết cả” (Tiếng chim vườn cũ - Đỗ Phấn). Những câu hỏi như một vu vơ nhưng đáp án thì có nguyên nhân: “Vườn tược đất đai xáo trộn vì rất nhiều dự án đào xới? Hay vì nhịp sống mỗi ngày một thêm bận rộn lòng người chểnh mảng với thiên nhiên?” (Nhạt tiếng ve trưa - Đỗ Phấn).

Giữ được hồn hoa, dẫu có va chạm văn hóa vẫn giữ được hồn cốt Hà Nội. Từ một cành đào ngày Tết đến một mùi hoa sữa vu vơ, từ những hoài niệm thơ trẻ đến những khát khao sinh thái, các nhà văn đã truyền dẫn và khơi lại những ước mơ xanh. Qua hình ảnh Hà-Nội-hoa, các nhà văn đã làm một phép biện chứng về cái được và mất của quá trình đô thị hóa từng ngày từng giờ diễn ra trên mảnh đất văn vật nghìn năm.

 

Hà Nội… bụi

Từ một góc nhìn, có thể nói, Hà Nội đang ô nhiễm phố, không khí, ẩm thực; tiêu hủy môi trường xanh; ô nhiễm nhân cách… Tất cả những vấn nạn môi trường nhức nhối đều được tản văn dự báo và cảnh báo. Bằng sức mạnh của văn chương, các nhà văn đã trao gửi thông điệp về mối quan hệ hài hòa giữa con người và Mẹ tự nhiên.

Những ngõ phố cổ là không gian quán xuyến toàn bộ những trang tản văn viết về Hà Nội. Không có những ngõ phố, Hà Nội trong văn chương chỉ còn là mô hình chết. Cứ ngỡ “Hà Nội ba sáu phố phường” đã là những tường thành kiên cố, độc chiếm Hà Nội xưa qua diễn ngôn của những tên tuổi “vang bóng một thời”. Khác người xưa, viết về phố, ngoài nét đẹp hoài cổ kiểu “phố Phái”, đa phần tản văn đều thiên về va chạm văn hóa. Trong sự cưỡng bức văn hóa - mặt khác của văn minh đô thị, Hà Nội phố mịt mờ khói bụi, vắng thiên nhiên, thiếu tình người. Nỗi nhớ… phố kết tinh thành một hệ thống nhan đề trong tản văn Đỗ Phấn (Thương nhớ vỉa hè, Hà Nội dốc, Vẫn lạ phố một năm sau, Hà Nội lạc phố, Ngõ phố ngõ làng, Con đường vắng, Lạ phố…). “Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên” khiến Nguyễn Việt Hà giễu mà xót: “Người ở phố bây giờ không những không biết nhà nàng ở cạnh nhà tôi mà còn không biết chửi nhau, kể cả khi họ bị đau đớn nhất là tranh chấp vài milimet vuông xây dựng”. Thế giới ngày càng phẳng hơn. Khoảng cách địa lí không còn ranh giới, nhưng khoảng cách tâm hồn ngày càng trống hoác. Con người đô thị che chắn cho mình đủ loại mặt nạ, khẩu trang. Ẩn sau những lớp mặt nạ là những khuôn mặt nhàu nhĩ hoặc vô cảm. Cư dân phố góp phần làm nên văn minh đô thị, nhưng bi kịch kèm theo là luễnh loãng tình người. “Em ơi… Hà Nội phố” thành tiếng kêu thảng thốt trong nhiều tản văn. Những “mùi hoàng lan”, những “tóc xõa vai mềm” chỉ còn trong hoài niệm. Thay vào đó là bê tông hóa. Tắc đường. Ô nhiễm âm thanh. Bầu khí quyển ngột ngạt. Những đám đông che mặt. Và bụi…

Các nhà văn vừa đối kháng vừa dung hòa văn hóa khi miêu tả những ngõ phố, đường phố, quán xá trong cảnh quan chung Hà Nội. Nỗi lo âu chuyển thành niềm hoài nhớ về nét đẹp truyền thống dân tộc. Đỗ Phấn hoài vọng cảnh quan văn hóa Thăng Long. Nhà văn lắng nghe những cái đang vơi vắng dần dẫu Hà Nội hôm nay cứ đầy tràn dần (Hà Nội thì không có tuyết). Có lúc nhà văn miêu tả sự đầy lên để nói về thiếu hụt, mất mát. Sự phì đại của đám đông càng khiến nhà văn thấy Hà Nội rỗng không: “Hà Nội đang vắng đi một cái gì đó tựa như… Hà Nội” (Hà Nội vắng). Vắng tiếng còi tầm Nhà hát Lớn, vắng tiếng chuông leng keng tàu điện, vắng những người “tinh tế khắt khe với ẩm thực”. Có lúc nhà văn miêu tả sự thiếu vắng để tô đậm sự nhốn nháo của đám đông: “Cuối cùng thì cái thiếu thốn và thèm khát nhất của người thành phố là ngắm nhìn vào chỗ không người” (Chơi Tết). Như một tất yếu, đám đông càng phình ra thì không gian sống càng thu hẹp. Không gian khép kín, không gian căn phòng trở thành phổ biến: “Ở những chung cư cao tầng. Mỗi đứa một ngăn. Như những vỏ trứng mới. Mong manh. Cô độc. Lửng lơ giữa trời… Đã thấy rác rưởi bừa bãi trong thang máy. Vài cái bếp than tổ ong vất ở hành lang. Tiếng nhạc rock-metal lùng bùng sau những bức tường bên cạnh” (Hồng hoang thuở nào). Không gian đồ vật phình ra, lấn át con người: “Chui vào thang máy… Mở mắt ra đã thấy cánh cửa nhà bạn ở ngay trước mặt. Đủ các loại khóa chìm, khóa điện. Thư từ, báo chí nằm lăn lóc trước lối ra vào. Khoảng không trước cửa quá bé để cho muỗi và ba người chúng tôi có mặt” (Hà Nội lạc phố). Kể cả dòng sông ngỡ như rộng bao la cũng bị thu hẹp lại bởi “nước ngầu đỏ cồn cào mang theo rất nhiều rác rến và củi rều”, bởi mô hình quy hoạch thành phố với “những đường thẳng hoang mang dò dẫm cắt chia dòng sông thành những con phố” (Mưa nước lên). Với Nguyễn Việt Hà, phố xá là nơi chốn còn níu giữ được hồn xưa, đặc biệt là qua một thế hệ phong lưu - đại diện cho một lớp “người muôn năm cũ” (Con giai phố cổ). Giễu nhại thâm trầm, nhà văn nuối tiếc “mưa xuân ở Hà Nội đang mất dần vị ngọt”, bởi “màu của đời thường hớt hải trọc phú đã xô bồ đè nhòe cái màu hiếm hoi thong thả của ngày Tết” (Màu của Tết). Trong tản văn Uông Triều, sự đối kháng không quá mạnh, nhà văn hòa vào Hà Nội nay trên cái nền xưa một cách tự nhiên. Uông Triều tỉnh táo nhìn thấy hai mặt được mất của quá trình đổi thay. Không quá chìm đắm trong quá khứ, nhưng trên những trang văn của tác giả vẫn đậm nhạt nỗi lo Hà Nội ngày càng phai nhạt dấu xưa: “Sự náo nhiệt, sôi nổi có lợi cho phát triển nhưng dễ xói mòn những trầm tích văn hóa” (Hà Nội, quán xá phố phường). Nhẹ nhàng nữ tính, phố trong hoài niệm của Lê Minh Hà vừa thơ mộng vừa chân thực, là “phố của những bầy chim se sẻ, phố của xe bò kéo than khổ ải, phố của những xe đẩy đồng dạng cửa hàng mậu dịch một thời”. Nhà văn nhìn nhận: “Phố phường tuy khang trang, đông đúc hơn nhưng cái sự sang trọng và hào hoa trước kia đã không còn. Phải chăng, cuộc sống giờ đây quá tấp nập và bon chen nên cái sự hào hoa và sang trọng của trước kia đã bị cuốn vào dĩ vãng” (Thương thế, ngày xưa).

Một trong những lớp trầm tích văn hóa Hà Nội là ẩm thực. “Món ngon Hà Nội” đã từng làm người đọc háo hức qua từng con chữ của Vũ Bằng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân… lại đầy thêm qua những trang văn về Hà Nội ngày nay. Các nhà văn gặp gỡ nhau ở quan niệm ăn uống là một hành vi văn hóa. Nhưng xã hội ngày càng nhốn nháo thêm vì ăn uống, và liên quan đến nó là giết hại và tàn phá - giết hại động vật và suy thoái nhân cách. Trân trọng Mẹ thiên nhiên, tản văn Nguyễn Văn Học là tiếng kêu thảng thốt trước sự cách đoạn giữa hoang sơ và hỗn độn, giữa mầm sống và hủy diệt do bàn tay con người: “Ở ngoài kia, đất lành… chim chết. Những chú chim bị săn đuổi, bằng nhiều cách”; “Tiếng chim cứ bị vắng dần. Biết bao loài trở nên tuyệt chủng” (Thiên nhiên dạy những điều kì diệu). Thờ ơ trước những khủng hoảng môi sinh, thống trị, hủy diệt tự nhiên khiến con người thành tội đồ sinh thái, đồng thời là nạn nhân của những thảm họa thiên nhiên. Là nhà văn trăn trở nhiều về ô nhiễm, về những dòng sông chết, Nguyễn Văn Học khao khát “chạm cốc với dòng sông”, “cưới dòng sông”.

Đạo đức sinh thái là vấn đề các nhà văn quan tâm. Thời đại 4.0 ngày càng tách con người ra khỏi thiên nhiên, thậm chí “hạ nhục thiên nhiên”. Hành trạng trái quy luật này để lại nhiều hậu quả khôn lường. Sự phát triển của văn minh đô thị tỉ lệ nghịch với đạo đức sinh thái. Sự xuống cấp về văn hóa và lối sống là điều làm các nhà văn trăn trở. Đằng sau những giọng giễu nhại, cảm hoài, phê phán là cay đắng nhận ra có một Hà Nội xô bồ đến thế. Những giá trị cũ đã bị mai một, những giá trị mới đang hình thành còn nhiều bất ổn, chông chênh. Đan xen những hoài niệm buồn là những câu hỏi day dứt, có lúc chẳng thể trả lời. Câu hỏi đau đáu trên những trang văn là làm gì để giữ gìn bản sắc văn hóa Hà Nội, văn hoá dân tộc trong xu hướng hội nhập.

“Tất cả đều tốt đẹp trong bàn tay của tạo hoá bước ra, tất cả đều thoái hoá đi trong bàn tay của con người” (Rousseau). Có một Hà Nội xô bồ lai tạp và cũng có một Hà Nội trầm mặc trong những trang viết ngắn. Giữa những ngổn ngang phố phường, sau những bụi bặm xô lệch, những trang viết ngỡ như quen thuộc nhưng từ góc nhìn sinh thái vẫn gợi những rung cảm thẩm mĩ tươi mới. Qua những trang tản văn về Hà Nội, có niềm hoài vãng về một miền kí ức trong veo, có nỗi lo âu về những vẻ đẹp văn hoá đang ngày một phôi pha trước sức xâm thực ghê gớm của đời sống văn minh đô thị, có tâm huyết của những nhà văn luôn mong mỏi cuộc sống ngày càng hài hòa giữa con người và tự nhiên trên nền tảng của bề dày văn hóa dân tộc.

 

L.T.H