Thứ Ba, 05/10/2021 07:50

Hai nữ ứng viên của Nobel văn chương 2021

Và nếu khoanh vùng lại theo tiêu chí đó, chẳng còn ai khác ngoài Tàn Tuyết và Lyudmila Ulitskaya là có nhiều khả năng nhất.

Dễ thấy với xu hướng "vào rừng đốn cây" gần đây, các thành viên của Viện Hàn Lâm Thuỵ Điển dường như vẫn yêu thích những tài năng kém nổi bật hơn là những tên tuổi nổi tiếng toàn cầu. Và nếu khoanh vùng lại theo tiêu chí đó, chẳng còn ai khác ngoài Tàn Tuyết Lyudmila Ulitskaya là có nhiều khả năng nhất.

Tàn Tuyết và Lyudmila Ulitskaya - Hai nữ ứng viên sáng giá của Nobel văn chương 2021.

Thứ năm, ngày 7/10, chủ nhân mới nhất của giải Nobel văn chương 2021 sẽ được công bố, và những cái tên nổi bật lại tiếp tục xuất hiện ngay lúc này như những ứng cử viên nặng kí, mà được biết đến phần nào thông qua đề cử của Nhà cái Nicer Odds. Nếu năm ngoái mảng thơ đã có chiến thắng đầy bất ngờ với nữ thi sĩ người Mĩ Louise Glück; thì năm nay, mảng tiểu thuyết được dự đoán sẽ lại vươn lên như điều hiển nhiên.

Với làn sóng nữ quyền hay phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng suốt những năm qua; và trên thực tế là trong lịch sử chỉ mới có 17 phụ nữ trong số 117 cá nhân từng được xướng tên chiến thắng, thì một đế chế những nhà văn nữ cũng được cho rằng sẽ được dựng lên, sau hai gương mặt gần đây nhất là Olga Tokarczuk của Ba Lan và Louise Glück của Mĩ.

Nhìn lại những tên tuổi được đặt cuợc suốt nhiều năm nay, có thể thấy đều là những gương mặt quen thuộc và được yêu thích ở nhiều thị trường đọc trên thế giới. Nếu mấy năm trước Anne Carson - nữ thi sĩ người Canada - từng được dự đoán sẽ có nhiều khả năng chiến thắng, thì thành công mới nhất của Louise Glück dường như đã cản trở khả năng này.

Ở mảng tiểu thuyết, Annie Ernaux cũng là cái tên được dự đoán có khả năng thắng lớn. Tuy nhiên phong cách sáng tác của bà được nhiều người cho rằng khá tương đồng Alice Munro, nên khả năng đó vẫn là không cao. Ngoài ra đó còn là Margaret Atwood, Haruki Murakami, Milan Kundera, Don DeLillo… nhưng dễ thấy với xu hướng "vào rừng đốn cây" gần đây, các thành viên của Viện Hàn Lâm Thuỵ Điển dường như vẫn yêu thích những tài năng kém nổi bật hơn là những tên tuổi nổi tiếng toàn cầu. Và nếu khoanh vùng lại theo tiêu chí đó, chẳng còn ai khác ngoài Tàn Tuyết Lyudmila Ulitskaya là có nhiều khả năng nhất.

TÀN TUYẾT

Nữ nhà văn Trung Quốc Tàn Tuyết.

Là một nhà văn đương đại Trung Quốc, Tàn Tuyết tên thật là Đặng Tiểu Hoa, sinh năm 1953 nguyên quán ở Lỗi Dương, Hồ Nam. Bắt đầu sáng tác từ năm 1985, Tàn Tuyết có một gia tài đồ sộ các truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết cũng như các bài bình luận văn học. Cùng với Mạc Ngôn Diêm Liên Khoa, bà là nhà văn Trung Quốc được chuyển ngữ và in nhiều nhất tại thị trường nước ngoài.

Nói về Tàn Tuyết, các đặc trưng trong phong cách sáng tác của bà là không thể không nhắc đến. Các nhà phê bình trên thế giới gọi bà là nhà văn thể nghiệm tiên phong, nhưng cũng trong một bài bình luận, bà cho rằng, văn chương của mình chỉ đơn giản là thuần túy, vì nó cá nhân hóa một cách triệt để và là sự nhận thức tự giác của con người đối với bản chất của mình.

Ngay từ tác phẩm đầu tay, Hoàng Nê Phố, có thể thấy Tàn Tuyết đã để lại một dấu ấn vô cùng ấn tượng trong cách sáng tạo những thế giới song song, với con người, ma quỷ, động vật; với các yếu tố siêu nhiên và tâm linh ma quái. Chính thế giới này như tấm gương phản ánh đời sống nội tâm của con người hiện đại, mà bà luôn khao khát đào sâu và cố chạm tới.

Khá nhiều tác phẩm của Tàn Tuyết đã được dịch ra tiếng Việt.

Văn chương của Tàn Tuyết rất gần với khuynh hướng bạo lực, và hầu như trong mọi tác phẩm của mình bà đều dùng những chi tiết có phần tiêu cực cùng các hình tượng mạnh mẽ, máu lạnh; để nói về cái nồi hơi đang sôi sùng sục trong thế lưỡng nan của tình thế làm người. Văn chương của bà độc diễn nhưng đa nghĩa, tầng tầng lớp lớp ẩn du chồng chéo lên nhau, và hẳn nhiên, tuy cố tình không mang dấu ấn địa phương, nhưng những cảm quan về Trung Quốc vẫn hiện lên một cách vô cùng rõ ràng.

Ngoài ra tính nữ cũng là một dấu ấn quan trọng khi nhắc đến bà. Tính chất này hiếm khi được phát hiện và hầu như chỉ luẩn quẩn mơ hồ trong các truyện dài. Truyện ngắn Hẹn Yêu và cuốn tiểu thuyết được đề cử giải Booker Quốc tế 2019, Love in the New Millennium (tạm dịch: Chuyện tình thế kỉ mới) có thể nói là hai đại diện tiêu biểu nhất cho sự đào sâu vào tâm tính phụ nữ. Cuốn tiểu thuyết trên cũng sắp được chuyển ngữ và ra mắt độc giả Việt Nam.

Với những độc đáo trên, Tàn Tuyết từ lâu được nhận định là “một trong những nhà văn sáng tạo nhất trong văn học Trung Quốc kể từ giữa thế kỉ XX trở lại đây”. Susan Sontag thì nói: “Tàn Tuyết là nhà văn hay nhất Trung Quốc”. Trong khi đó Goran Malmqvist thì cho rằng bà là “Kafka của Trung Quốc”.

Mùa giải 2019, 2020 bà đều được dự đoán sẽ chiến thắng Nobel văn chương, khiến giá sách điện tử của bà tăng đến 3 lần. Thế nhưng, dường như Nobel và bà là cuộc "đồng mộng dị sàng", hoặc cả hai đều tìm đến nhau, hoặc sẽ không bao giờ chung đường. Tàn Tuyết là nhà văn lớn, viết về tương lai, của những khám phá và tự sự giải mã thế hệ mới, rất nên giải Nobel rất có thể điểm tên bà. 

LYUDMILA ULITSKAYA

Nữ nhà văn Nga Lyudmila Ulitskaya.


Là nữ nhà văn không chỉ được yêu thích ở riêng nước Nga, mà độc giả trên toàn thế giới cũng đánh giá cao những tác phẩm của bà. Lyudmila Ulitskaya đã đươc trao tặng nhiều giải thưởng quốc tế như Giải văn học Medichi của Pháp (1996), Giải Dzhuzeppe Atserbi của Ý (1999), Giải Buker của Nga (2001).

Văn nghiệp của bà trải dài suốt các thể loại: từ kịch, truyện vừa đến tiểu thuyết. Tuy nhiên, thực ra bà vốn là một nhà sinh vật học với chuyên ngành di truyền. Tên tuổi bà bắt đầu phổ biến vào những năm 80 - 90 của thế kỉ trước thông qua các bộ phim được dựng theo kịch bản bà viết. Bà chỉ thật sự trở nên nổi tiếng với truyện vừa Sónecka được ra mắt năm 1992.

Trong các tác phẩm của bà, điều nổi bật nhất vẫn là cái đẹp. Từ giọng văn, số phận nhân vật, nội dung chính cho đến kết cấu và các thủ pháp nghệ thuật sử dụng. Lyudmila Ulitskaya thừa hưởng và tiếp tục dấn bước theo đường hướng của các nhà văn vĩ đại nước Nganhư Nikolai Gogol, như Dostoyevski, như Chekov trong việc phơi bày số phận con người còn nhiều bất công và các thử thách đời sống.

Các truyện ngắn của bà thường tập trung vào những thân phận nhỏ bé nhưng có tính đại diện, đó có thể là những người phụ nữ đam mê yêu đương, cũng có thể là những con người lưu vong trong một đời sống còn nhiều thiếu thốn. Các mối gắn kết trong các tác phẩm này thường chứa một tầng sâu nhất định của những yếu tố rất con người, khiến cho độc giả mang nhiều suy ngẫm và khó có thể để chúng trôi qua dễ dàng.

Tình yêu trong các tác phẩm của bà đầy thao thức, nó gắn liền với cảnh chia li, hợp tan; mà ẩn đằng sau là các lí do của sự hi sinh cao cả, vì tình yêu, vì tình thân và hơn hết là vì tình người. Các nhân vật mà bà khắc họa cũng đồng thời phản ánh một bối cảnh đầy biến động của xã hội Nga đương thời, với những tri thức bị chôn vùi tài năng vì bối cảnh thời đại, với những số phận lưu vong trong mối gắn kết vô tình thiết tha với quê hương xứ sở.

Tác phẩm "Sónecka" của Lyudmila Ulitskaya.

Tác phẩm Sónecka nổi bật của bà từ lâu đã được chuyển ngữ và giới thiệu tại Việt Nam, tuy nhiên những tác phẩm khác dường như vẫn còn xa lạ với độc giả nước nhà. Hi vọng trong thời gian tới, nhiều tác phẩm của bà sẽ được ra mắt tiếp tục và giới thiệu rộng rãi hơn nữa, vì bà là tiếng nói thiết tha và đầy độc đáo của những thức tỉnh nhân quần trong cõi hỗn mang, rất mới lạ và đáng trân trọng.

Có thể thấy dù là Tàn Tuyết với giọng văn sắc, lạnh, đanh, người đi sâu vào trong bản thân nội tại, vào cái lõi cá nhân và vào hạt nhân trung tâm của mỗi một người, để tự nhận thức, để hiểu rõ và để trở về bản nguyên hay Lyudmila Ulitskaya với sự tinh tế, nét từng trải, thấu hiểu cũng như một nỗi đồng cảm nhân văn cho cõi nhân quần đã quá lộn xộn chiến thắng thì đều là một sự ghi nhận rất xứng đáng cho văn nghiệp của cả hai người, của những ai đã lặn sâu, tìm tòi và phô bày cái đẹp từ trong bản chất.

NGÔ MINH