Thứ Tư, 30/04/2025 09:19

Hình tượng người lính trong trường ca Thanh Thảo

Cảm hứng sử thi vốn là một chất liệu nghệ thuật được tiếp nhận từ những bản sử thi đích thực... (NGUYỄN THỊ ÁI THOA)

. NGUYỄN THỊ ÁI THOA

 

Ở Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược là một cuộc chiến mang tầm vóc sử thi. Nó khác với những cuộc chiến tranh trong thời kỳ phong kiến trước đó. Từ một nước nhỏ, chúng ta đã chiến thắng đội quân xâm lược hùng mạnh bậc nhất thế giới. Phải chăng đó là âm vang, là tầm vóc sử thi của một thời đại anh hùng và những cá nhân anh hùng mang trong mình ý thức xả thân, tinh thần hào sảng và lòng yêu nước nồng nàn của cha ông ta thuở trước? Giờ đây, người lính ra đi mang theo một lý tưởng, hoài bão và trách nhiệm công dân đối với tổ quốc, với dân tộc. Nền văn học chống Mỹ thể hiện sâu sắc và sinh động điều này nhưng tập trung nhất vẫn là ở thể loại trường ca. Bởi bản thân nó mang những nét đặc thù, chuyển tải được chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời chiến qua việc triển khai xung đột, tính hùng tráng và bi tráng, tính sử thi của lịch sử. Trường ca Thanh Thảo cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó.

Cảm hứng sử thi vốn là một chất liệu nghệ thuật được tiếp nhận từ những bản sử thi đích thực. Dù tồn tại trong một vỏ hình thức mới, một thể loại mới hay một phương thức biểu hiện mới thì cảm hứng sử thi vẫn được bộc lộ rõ nét qua âm hưởng chủ đạo của tác phẩm. Đó là hướng đến việc ngợi ca phẩm chất các nhân vật anh hùng- những đại diện tiêu biểu và ưu tú của cộng đồng, của thời đại với những chiến công và khát vọng mang tầm vóc lịch sử lớn lao. Quy mô và tầm vóc của cuộc chiến được phản ánh cũng vì vậy mà trở nên rộng lớn, hoành tráng. Những sự kiện lịch sử xảy ra đều có tính quyết định đối với số phận của cả dân tộc. Tuy nhiên, cảm hứng này cũng chịu sự quy định của lịch sử. Nếu như trong thời công xã nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ hay phong kiến, người ta chỉ chú trọng đến cái hùng thì trong chiến tranh hiện đại, người ta còn xem cái bi là một cảm hứng nhằm khắc họa tính cách và số phận con người ở một góc nhìn hoàn thiện hơn.

Ở trường ca Thanh Thảo, sử thi là nguồn cảm hứng và cũng là biện pháp nghệ thuật để nhà thơ viết nên những bản trường ca bi tráng về một thời chinh chiến, khốc liệt nhưng oai hùng. Yếu tố sử thi được Thanh Thảo sử dụng như một biện pháp nghệ thuật và trở thành cảm hứng xuyên suốt trong trường ca của anh. Chính vì vậy, nó có ý nghĩa và khả năng ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành tác phẩm, ở phương diện hình thức cũng như nội dung phản ánh. Nhìn từ sự chiếm lĩnh hiện thực và cuộc sống con người, cảm hứng sử thi được biểu hiện khá cụ thể và sinh động qua những chủ đề trung tâm và hệ thống hình tượng trong đó nổi lên hình tượng người lính

Tiếp cận thế giới trường ca Thanh Thảo, người đọc dễ dàng nhận ra hình tượng người lính tồn tại xuyên suốt ở trong đó. Điều này bắt nguồn từ sự quy định của đặc trưng thể loại. Bởi, trường ca vốn gắn liền với những chấn động mang tính lịch sử của dân tộc, thường là chiến tranh và mang âm hưởng ngợi ca. Và người anh hùng trở thành hình tượng trung tâm. Ở họ, hội tụ tất cả những phẩm chất cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng, đại diện cho cộng đồng và cho thời đại. Những phẩm chất này cũng mang tính quan niệm và thay đổi theo lịch sử. Riêng trong trường ca hiện đại Việt Nam, dũng cảm, bất khuất, kiên cường, mưu trí, có tinh thần đồng đội, yêu nước và yêu dân chính là những biểu hiện làm nên hình tượng người lính. Trường ca Thanh Thảo cũng xây dựng hình tượng người lính như thế.

Người lính trong trường ca Thanh Thảo phong phú, đa dạng. Họ có thể đã hay chưa được nhắc tên, còn hay mất, nhưng họ đã làm nên một đặc trưng nổi bật trong trường ca Thanh Thảo, đó là chất người của lính. Lẽ tất nhiên, chất người này cũng tồn tại ở những trường ca của các tác giả khác, dù nhiều hay ít. Chất người là biểu hiện của chất công dân, của chủ nghĩa yêu nước và rộng hơn hết là chủ nghĩa nhân văn. Thanh Thảo đã hơn một lần đề cập đến vấn đề này: Tôi yêu/ Chất người đầu tiên/ Những giọt sương lặn vào lá cỏ/ Qua nắng gắt qua bão tố/ Vẫn giữ lại cái mát lành đầy sức mạnh/ Vẫn long lanh bình thản trước vầng dương (Bùng nổ của mùa xuân).

Vậy chất người mà Thanh Thảo quan niệm là gì? Trong Thử nói về hạnh phúc, Thanh Thảo trả lời: Chúng tôi không muốn chết vì hư danh/ Không thể chết vì tiền bạc/ Chúng tôi xa lạ với những tin tưởng điên cuồng/ Những liều thân vô ích/ Đất nước đẹp mênh mang/ Đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt/ Chỉ riêng cho Người, chúng tôi dám chết!/ Đêm nay ai cầm tay vào tiệc cưới/ Ai thức trắng lội sình/ Ai trả nghĩa đời mình bằng máu/Màu đỏ thật không ồn ào/ Máu lặng lẽ ướt đầm ngực áo. Người lính quý trọng vô ngần sinh mệnh của bản thân. Họ luôn rạo rực khát khao về tình yêu tuổi trẻ, trăn trở về hạnh phúc của cuộc đời. Ý thức được sự hữu hạn của thời gian, của tuổi trẻ mong manh như cỏ, nhưng trong tâm thế của người lính, họ chợt nhận ra, ý chí chiến đấu của họ cũng sắc như cỏ. Yếu mềm và mãnh liệt, dữ dội và âm thầm, bất khuất và hiền hòa, cỏ tượng trưng cho chất người trong trường ca Thanh Thảo:

Những dấu chân lùi lại phía sau

Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất

Mười tám, hai mươi sắc như cỏ

Dày như cỏ

Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ

(Những người đi tới biển)

Họ sẵn sàng xả thân trong lặng lẽ, trong âm thầm. Không phải vì vinh quang, cũng chẳng do cuồng tín, họ hy sinh vì tiếng gọi của tổ quốc, của quê hương, để trả nghĩa đời mình bằng máu. Đó là phẩm giá, là sức mạnh tồn tại ở họ. Khát vọng trả nghĩa đời mình luôn gắn liền với khát vọng hiến dâng Cơn gió lạ một chiều không rõ rệt/ Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất/ Nơi đó nhất định mùa xuân sẽ bùng lên/ Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc thì còn chi Tổ quốc/ Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em? (Những người đi tới biển).

Bước chân vào chiến trường là đồng nghĩa với việc dấn thân vào lao khổ. Sống ở Trường Sơn, họ ngủ trong những chiếc võng mục, phải ăn những nắm cơm thiu, những củ mài để chống chọi cơn đói, phải trú trong những lán hầm nửa đêm mưa xối xả, chịu đựng những cơn sốt rét ác tính giữa rừng già. Ngay cả một hớp nước trong bi đông, họ cũng phải sẻ chia cùng đồng đội:

Ngày sinh nhật bắt đầu bằng cơn sốt

Cổ đắng khô ngồi thở trên đỉnh dốc

Bạn mở bi đông nhường hớp nước cuối cùng

Hớp nước cuối cùng giữa cơn sốt đầu tiên

Ngày sinh nhật tuổi 25 mình được uống

(Những người đi tới biển)

Giữa những tháng ngày thiếu thốn, gian khổ ấy, họ thèm biết bao bát canh hoa lý, nhớ biết bao hạt cơm thơm dẻo từ quê nhà, khát khao biết bao bữa canh chua mắm tép dưa cà và mái nhà xưa vui vầy, yên ấm. Nỗi nhớ hậu phương, nhớ quê hương, nhớ mẹ hiền và người yêu bé bỏng luôn hiện diện ở người lính trên suốt dọc đường hành quân. Kìa mắt mẹ hiền đang nhìn con đăm đắm, dịu dàng, sâu lắng và làm dịu những cơn đau Lòng trẻ thơ mơ trái chín trên cành/ Trong gió bấc mắt mẹ nhìn đăm đắm/ Miếng trầu cay bền bỉ suốt mùa đông/ Con sẽ về rát bỏng bàn chân/ Vầng trán mẹ giờ này lặng sóng/ Sau cơn bão mía ngọt dần lên ngọn/ Vẫn ướt chỗ mẹ nằm đất nước mình ơi! (Những người đi tới biển). Hình ảnh “vẫn ướt chỗ mẹ nằm” gợi lên bao ý nghĩa. Đó là sự hy sinh trong lặng lẽ, âm thầm của bao bà mẹ Việt Nam. Người lính đã tự soi mình vào đó và như được tiếp thêm sức mạnh để đứng dậy bước đi tiếp trên cuộc hành trình.

Và kia, bóng em yêu gần gũi, thân thương luôn được người lính trân trọng, giữ gìn nơi miền ký ức. Tình yêu trong họ làm nỗi nhớ mãi đong đầy:

Anh nhớ em

Quân thù không thể biết

Anh nhớ em

Trường Sơn có bao nhiêu cây xanh

Chót vót trên kia thắm một vòm lá đỏ

Nỗi nhớ anh dâng lên tới đó…

Ôi mái nhà cành sấu xòe ngang

Cơn mưa

Những đường phố miên man như ý nghĩ

Ánh mắt em buổi chiều bên sông ấy

(Những người đi tới biển)

Nơi núi rừng Trường Sơn khắc nghiệt với bao nguy hiểm, thiếu thốn và gian lao, người lính vẫn có những phút giây thăng hoa và lãng mạn. Đó là lúc bao kỷ niệm tình yêu hiện về, nối dài thêm niềm thương nỗi nhớ, làm da diết, cồn cào và rạo rực trái tim yêu:

Ôi sao Hôm! Thương nhớ gửi về xa

Ngọn lửa em cháy suốt đời nguyên vẹn

Qua những tháng năm dài đi kháng chiến

Phút giây nào chẳng mang bóng em theo

(Những người đi tới biển)

Nhưng dù đắm say, thiết tha và đầy luyến nhớ, họ vẫn đặt tình yêu tổ quốc cao hơn hạnh phúc cá nhân. Người lính khiêm nhường xem tình yêu của mình là những điều nhỏ nhoi bình lặng nhất và đem soi vào đất nước bằng ngọn lửa riêng bền bỉ suốt đời mình. Tình yêu lứa đôi và tình yêu đất nước, tình yêu quê hương trong anh hài hòa làm một Em muốn ta là đôi lứa cuối cùng còn xa cách/ Nhưng em ơi, bao người anh đã gặp/ Mỗi mảnh đời mang một nét hy sinh/ Mỗi gương mặt bình thường như thổ lộ cùng anh/ Rằng sức chịu đựng của con người là vô tận (Những người đi tới biển).

Và thật diệu kỳ, cao quý biết bao khi những người lính ở tuổi đôi mươi tự nguyện biến tình yêu thành chất men, thành nguồn sống tinh thần để mình trở nên vững vàng, trưởng thành vượt qua thử thách chiến tranh và dâng tặng những chiến công cho tổ quốc:

Ta sẽ vượt trên đầu năm tháng

Để làm nên những sự tích lạ kỳ

Dõi theo từng bước anh đi

Tình yêu em hóa thành lá đỏ

Suốt bốn mùa cháy hoài ngọn lửa…

(Những người đi tới biển)

Có lẽ vì vậy nên trong hoàn cảnh chiến trường ác liệt, người lính vẫn tỏa sáng tinh thần lạc quan và niềm tin chiến thắng. Chính ánh mắt đằm thắm của mẹ, tình sâu nặng của em yêu và biết bao ký ức về quê hương ruột thịt đã làm nên ngọn nguồn sức mạnh và nghị lực trong họ:

Chúng tôi đi rung người ngày lặng gió

Dấu dép thường hằn đỉnh dốc mây buông

Chuyện tiếu lâm làm khuây nỗi nhớ

Ngọn lửa trên bàn tay soi tìm đến ngọn nguồn

(Những người đi tới biển)

Và trên thực tế những thăng trầm bao năm tháng chiến khu vẫn không dập nổi ngọn lửa đằm trong mắt. Thanh Thảo đã rất thành công khi đặt hình tượng cỏ bên cạnh người lính như một cặp hình tượng song trùng. Bởi, theo hình dung của nhà thơ, cỏ là một hiện thân gần gũi của chất người. Đồng thời, cỏ còn là biểu trưng cho sức sống. Cỏ len lỏi trên mọi nẻo đường, che lấp lối mòn. Dù nắng cháy mưa giông, dù bị giẫm nát hay vùi dập thì cỏ vẫn tái sinh và vươn lên bằng khát khao mãnh liệt:

Đáng lẽ cỏ đã xanh lối mòn thuở ấy

Cỏ không kịp mọc

Cỏ phải chết đi sống lại

(Bùng nổ của mùa xuân)

Cỏ gắn bó với cuộc đời người chiến sĩ. Khi thì cỏ dưới bàn chân mọc lại bao lần, lúc khác, người lính phải vuốt cỏ để xóa dấu chân. Đặc biệt, cỏ hàn gắn mọi vết thương, trả lại cho cuộc sống sự nguyên sơ, toàn vẹn của buổi ban đầu, ươm vào lòng người màu xanh của niềm tin và ước vọng:

Cỏ âm thầm mọc dưới trời sao

Đã phủ lấp lối mòn năm trước

Cỏ trùm lên những chiếc M.113 đang rữa nát

Thành những gò đống lang thang

(Những người đi tới biển)

Người lính cũng vậy. Tuổi hai mươi vốn đổi thay tâm trạng như một thoáng mây, nhiệt tình, bồng bột, chóng nhớ và dễ quên, mau giận hờn và cũng nhanh tha thứ. Thế nhưng người lính trong trường ca Thanh Thảo không chỉ có thế. Họ già dặn, sâu sắc và có một đời sống nội tâm biến động hơn nhiều. Họ trẻ như cỏ, dày như cỏ, yếu mềm như cỏ và cũng mãnh liệt như cỏ. Họ nhìn hiện thực cuộc sống và hiện thực cuộc đời mình bằng cái nhìn chiêm nghiệm, triết lý với bao suy ngẫm. Ngay từ lúc chuẩn bị hành trang để bước vào đời, họ đã tự nguyện tìm cho mình một lối đi, mang theo ý thức công dân với trách nhiệm lớn lao:

Không ai chọn để được sinh ra

Chúng tôi đã chọn cánh rừng phút giây năm tháng ấy

(Những người đi tới biển)

Bởi những gì họ nhận ở quê hương còn lớn lao hơn thế. Họ được mẹ cho một hình hài, được sung sướng, nghẹn ngào vì là “con của mẹ” và bây giờ, họ được ra trận những năm tháng đất nước mình khốc liệt. Với họ, cuộc đời có ý nghĩa nhất trong thời gian được cống hiến và chiến đấu Những năm/ Một chiếc áo có thể sống lâu hơn một cuộc đời/ Rồi tới lúc chúng con thay áo khác/ Nhưng khi cởi áo ra/ Con không còn gì thay được (Những người đi tới biển).

Và như vậy, sự hy sinh của họ đồng nghĩa với việc bảo vệ giá trị của một người dân tự do, chẳng phải vì huân chương, tước vị hay bạc tiền. Còn người du kích Ba Tơ tìm đến với cách mạng như tìm đến tương lai, bỏ lại sau lưng những tháng ngày tăm tối, tủi nhục và đắng cay của cuộc đời nô lệ. Hơn lúc nào hết, qua bao lần chết đi sống lại, giờ đây họ đã nhận ra:

Không phải cái cuốc

Không phải cái đinh

Không phải thân trâu nhẫn nhục kéo cày

Ta nhất định làm người

(Bùng nổ của mùa xuân)

Người lính sinh ra trong thời đại Hồ Chí Minh có một hiện thực tâm trạng đa chiều hơn. Nếu như ở hai trường ca Bùng nổ của mùa xuân, Trẻ con ở Sơn Mỹ thể hiện cái tôi nhập cuộc, cái tôi hóa thân thì ta bắt gặp trong trường ca Những người đi tới biển cái tôi từng trải, cái tôi chứng kiến. Trên đường hành quân, người lính (xưng “tôi”) đã đi qua không biết bao nhiêu vùng đất. Từ cánh rừng Trường Sơn bạt ngàn đến vùng Tây Nam của Tổ quốc, nơi nơi đều in dấu chân của họ. Những người lính chỉ biết để lại dấu tích qua vết khắc bằng mũi dao găm trên từng thớ gỗ. Họ đã gặp bao nhiêu con người, bao nhiêu mảnh đời, kịp hoặc chưa kịp biết tên. Họ đã từng dùng “ngón tay run run” để “được chạm tới củ mài” trong sự hành hạ của cơn đói hay được ăn những bữa cơm bình dị nhưng ngon nhất trong đời. Họ chứng kiến bao niềm hạnh phúc và cũng chứng kiến bao mất mát, hy sinh của những cuộc đời chưa bao giờ yên nghỉ và bao người đã đi qua hay vô tình chạm mặt trên suốt cuộc hành trình. Hầu hết là sự trải nghiệm rướm máu của người lính. Mỗi một sự kiện, một mảnh đất, một con người đều gợi lại trong họ bao nhiêu cảm xúc; lúc hạnh phúc dạt dào Tôi sung sướng được làm thằng em út/ Được hát thật lòng những điều mình tha thiết/ Được cùng bạn bè bắt cá dưới hố bom/ Ăn nắm cơm mà chị Sáu chia đều…/ …Đất nước này ôi tất cả đời ta, khi lại đớn đau tiếc thương người đã khuất Ôi phút này tôi xin được cầu mong/ Về trong hồn tôi các chị các anh/ Những người đã đi qua con đường nhỏ.

Và đọng lại là thân phận con người trong cuộc chiến tranh gian khổ và khốc liệt. Đằng sau những chiến công là ranh giới mỏng manh của phút giây sinh tử:

Những người đã đi qua con đường nhỏ gài lựu đạn

Một người hai người ba người…

Chẳng phải họ hàng cật ruột

Trên con đường gài lựu đạn

Một khoảnh khắc một bước chân có thể tôi còn, anh mất

(Những người đi tới biển)

Dằn vặt là thế, đớn đau là thế, day dứt là thế nhưng trước sau, người lính vẫn sống kiên định với lý tưởng của mình. Đó là tâm thế kiêu hùng của hình tượng người lính. Để rồi, nếu không may phải gửi mình nơi chiến địa, đem theo cả những ước mơ, khát vọng mãnh liệt của tuổi trẻ và cả những điều chưa nói vào lòng đất mẹ bao dung thì họ lại hóa thân vào dáng hình Tổ quốc, thanh thản và yên bình. Họ sẽ sống mãi trong sự tưởng nhớ và biết ơn của đồng đội, đồng bào và của bao thế hệ mai sau.

Có thể nói, hình tượng người lính trong trường ca Thanh Thảo được xây dựng khá sinh động. Họ vừa anh dũng, kiêu hùng, kỳ vĩ, vừa có chiều sâu nội tâm rất thực, rất người. Phải chăng, chính điều này đã làm nên sức sống cho trường ca Thanh Thảo khi anh phác họa nên những gương mặt ngẩng lên lấp lánh chất người.

N.T.A.T