Thứ Tư, 07/11/2018 00:29

Hình tượng trẻ em trong tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh

Không giống như nhiều tên tuổi khác thường hướng đến đề tài phong cảnh, nông thôn, thiếu nữ thị thành hay chiến tranh cách mạng, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh ghi dấu ấn trong lòng người thưởng thức bằng mảng sáng tác về trẻ em trên chất liệu làm nên tên tuổi của ông: lụa. (THU SANG)

. THU SANG               
 
image005

Nguyễn Phan Chánh (1892 - 1984) là một trong những họa sĩ tiêu biểu của nền hội họa Việt Nam. Ông được coi là họa sĩ chiết trung phương pháp tạo hình phương Tây và họa pháp tranh lụa phương Đông. Không giống như nhiều tên tuổi khác thường hướng đến đề tài phong cảnh, nông thôn, thiếu nữ thị thành hay chiến tranh cách mạng, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh ghi dấu ấn trong lòng người thưởng thức bằng mảng sáng tác về trẻ em trên chất liệu làm nên tên tuổi của ông: lụa. Mặc dù ra đời muộn hơn nghệ thuật tranh lụa ở các nước khác (Trung Quốc, Nhật Bản…) nhưng tranh lụa Việt Nam - với sự sáng tạo, kết hợp tính dân tộc và hiện đại, tinh hoa nghệ thuật phương Đông và nghệ thuật phương Tây - đã tạo ra cho mĩ thuật Việt Nam một loại hình nghệ thuật mang đặc trưng riêng. Các tác phẩm tranh lụa Việt Nam đều được vẽ trực tiếp trên nền lụa căng trên khung, bằng phương pháp nhuộm màu lên vải. Màu được vẽ từ nhạt đến đậm, màu nhạt chồng lên nhau nhiều lần thành đậm, hoặc vẽ chồng lên nhau bằng các màu khác nhau để pha màu. Cứ thế vẽ đi vẽ lại nhiều lần và khi màu đã khô, họa sĩ sẽ rửa nhẹ cho sạch những chất bẩn nổi lên bề mặt để màu ngấm vào từng thớ lụa. Những mảng hình, mảng màu không tách bạch mà rung rinh, mềm mại đầy cảm xúc. Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh được đào tạo bài bản theo chương trình châu Âu nhưng qua các tác phẩm tranh lụa của ông, chúng ta thấy con người Việt, tâm hồn Việt không bị mờ nhạt hay đồng hóa. Công chúng yêu hội họa sẽ còn nhắc đến những bức tranh lụa vẽ thiếu nhi của ông như Chơi ô ăn quan (1931), Em bé cho chim ăn (1931), Ba mẹ con (1956), Nhóm trẻ hợp tác (1959), Bữa cơm vụ mùa thắng lợi (1960), Chiều về tắm cho con (1963), Sau giờ trực chiến (1967)… Trong số những tác phẩm kể trên, Chơi ô ăn quan có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Phan Chánh. “Cơ duyên” sáng tác bức tranh này được ông tâm sự trong nhật kí: “Một lần, tôi tới làng Kim Liên, một làng ở phía đông nam Hà Nội, cách Hà Nội chừng một cây số từ đường xe hỏa đi vào. Đường làng lát gạch đi thẳng vào chùa Kim Liên… Thường tôi lấy kí họa các chị em ngồi chơi hoặc các bà, các chị qua lại. Có lần thấy các em ngồi chơi “ô ăn quan”, tôi tò mò đứng xem và lấy phác thảo. Tôi nhờ bà mẹ nói với cô con gái nho nhỏ xinh xinh ngồi cho tôi làm mẫu vẽ” (Nguyễn Phan Chánh, Nhật kí những bức tranh– Nxb Kim Đồng, 2016). Trên nền lụa mịn màng, họa sĩ đã khắc họa hình ảnh bốn đứa trẻ chăm chú với trò chơi dân gian một cách rất tự nhiên. Tranh mang lại một cảm giác cổ điển, bình lặng, không gợn một xáo động nào bởi nhân vật được xây dựng trong hình chữ nhật rất chắc chắn, đúng như bài thơ tác giả đề:

Ngây thơ chưa biết mùi son phấn
Xóm mạc muôn màu xuân láng lai
Bắt bướm tranh hoa vui chúng bạn
Mây mưa mặc kẻ chốn Dương đài.


Tranh có bốn người chia làm hai phe: một cô bé khoảng hơn mười tuổi ngồi một phía, ba cô ngồi phía còn lại. Cô bé nhỏ nhất mặc áo nâu, quần xanh đen, tay đang cầm xoan đánh đầu. Em ngồi gần giữa, mặc áo xanh quần trắng, là về phe cùng với em nhỏ nhất, mắt cũng đang rất tập trung nhìn như đã hội ý với nhau từ trước. Phe còn lại gồm hai cô bé lớn tuổi hơn, tầm mười lăm, một quàng khăn mỏ quạ để hở một phần mặt và một chít khăn nâu cũng đang theo dõi cuộc chơi. Nguyễn Phan Chánh vẽ lụa kĩ càng, tỉ mẩn đến nỗi người xem có thể thấy được từng sợi tóc, từng mi mắt của nhân vật. Tranh của ông không nhiều màu, chủ yếu là gam màu nâu trầm đặc trưng của trang phục vùng Kinh Bắc xưa. Dù gam màu chủ đạo là ấm nóng nhưng người xem vẫn thấy đâu đó có những mảng màu xanh lạnh đan cài. Sự sắp xếp màu sắc hài hòa, đậm nhạt trung gian dàn trải cân bằng trên mặt tranh cũng là cách diễn tả không gian riêng mang dấu ấn cá nhân của Nguyễn Phan Chánh.

 
image002
Nhóm trẻ hợp tác (1959)
Lụa 51 * 72 cm

Cách tạo hình nhân vật trong tranh của Nguyễn Phan Chánh cũng rất riêng. Ông khéo léo kết hợp một cách hài hòa có chủ đích giữa bố cục phương Tây và phong cách tạo hình phương Đông. Sự kết tinh của phương pháp mảng hình lớn cùng đường nét nhỏ và nghiên cứu hình thể với cách thể hiện tả thực của ông tạo nên sự khác biệt so với các họa sĩ đương thời. Qua bức tranh, chúng ta thấy sự tìm tòi sáng tạo, chắt lọc về cử chỉ, dáng điệu rất kĩ của họa sĩ dựa trên những nghiên cứu hình họa từ đơn giản đến phức tạp. Ông chỉ gợi tả và lấy những nét điển hình trên khuôn mặt, trang phục, hình thể của trẻ em nhưng vẫn cho người xem thấy được đầy đủ các đặc điểm và tính cách của từng nhân vật. Các đặc điểm chân dung, trang phục đã nói lên sự quan sát tỉ mỉ của họa sĩ với từng độ tuổi của trẻ em nhằm khai thác triệt để nét thuần khiết, ngây thơ, trong sáng của các em nơi nông thôn Việt Nam.

Bức tranh Sau giờ trực chiến (1967) có chủ đề tình mẫu tử. Đây là tác phẩm rất có ý nghĩa với Nguyễn Phan Chánh. Trong những ngày kháng chiến chống Mĩ, họa sĩ đến khu lao động An Dương tá túc trong một gia đình công nhân. Ở đây, ông gặp lại những cô thiếu nữ ngày trước nay đã trở thành nữ dân quân, thành người mẹ. Những bâng khuâng ấy đã khơi nguồn cảm hứng cho ông sáng tác. Bức tranh vẽ một chị đeo súng từ nơi chiến địa trở về, đang đứng trên phiến đá để rửa chân. Vừa lúc ấy, một chị giữ trẻ bế một cháu bé chừng hai, ba tuổi bước ra. Cháu bé tỏ rõ sự vui mừng qua hành động giơ tay trái lên đòi khi nhìn thấy mẹ. Chi tiết khẩu súng đeo sau lưng và bao đạn bên tay phải người mẹ cho thấy ở thời điểm đó cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt. Để diễn tả tình mẫu tử, có lẽ gam màu chủ đạo là gam nóng mang sở trường của Nguyễn Phan Chánh. Chân, tay nhân vật được tác giả pha thêm một chút sắc lạnh để giúp cân bằng thị giác. Chất liệu lụa nhẹ nhàng, huyền ảo tôn thêm cho làn da của em bé sự mịn màng, sáng trong. Trong tranh lụa, màu trắng chính là nền lụa. Nguyễn Phan Chánh rất thích để nguyên màu nền lụa, chính điều đó giúp tranh của ông mang một sắc thái rất riêng.

Đường nét trong tranh Nguyễn Phan Chánh rất thống nhất và xuyên suốt qua các thời kì sáng tác. Nét và mảng màu trong các tác phẩm của ông chỉ có sự chênh lệch chút ít về sắc độ. Ông sử dụng nét để diễn tả các chi tiết điển hình như nếp gấp quần áo, nếp da bàn tay bàn chân, hay bao quanh một mảng hình. Điều đó được thể hiện rõ ở bức tranh Nhóm trẻ hợp tác (1959). Trọng tâm bức tranh được dồn về bên trái nơi có bốn em nhỏ với những độ tuổi khác nhau, bên phải là người bà vấn khăn mỏ quạ biểu lộ sự vui vẻ đang đóng cúc áo cho một em nhỏ khác. Ở người bà, tác giả sử dụng nhiều nét tạo nên làn da nhăn nheo của người có tuổi, còn ở trẻ em thì sử dụng các nét cong căng nhỏ. Bức tranh cho người xem thấy khung cảnh nhà trẻ nhờ chiếc giường nằm bằng gỗ ở bên phải phía trên. Áo bà cụ và áo hai em ở trước đều là màu nâu nhưng có sự chuyển độ nhẹ nhàng khác nhau giữa nâu già và nâu non. Các em còn lại do ở phía sau nên gam màu có chuyển sắc lạnh hơn để biểu thị độ xa gần. Tranh nào cũng vậy, những gam màu nâu đậm, thô mộc, thôn dã luôn là phong cách tạo nên chất “Chánh” riêng biệt của ông.

Cách diễn tả không gian ánh sáng trong tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh chính là sắp xếp các mảng màu đậm nhạt trung gian dàn trải cân bằng trên mặt phẳng tranh; khối trong tranh cũng chỉ mang tính gợi tả mà vẫn tạo được không gian sâu. Với tất cả các bức tranh của họa sĩ, chúng ta đều thấy ông không diễn tả ánh sáng thực của bản thân sự vật mà hoàn toàn chủ động trong việc phân bố các mảng đậm nhạt trung gian (khác với nghệ thuật phương Tây là diễn tả không gian ánh sáng bằng luật phối cảnh). Màu sắc ông sử dụng thường là trắng cho các mảng hình mặt và chân tay; màu trang phục cũng đơn giản với nâu, đen, xanh rêu, đôi khi là đỏ phù hợp với lứa tuổi, giới tính. Màu nâu, đen được sử dụng nhiều nhưng không mang lại cảm giác nặng nề. Tất cả tạo nên cho tranh ông sự bình dị mà đong đầy tình cảm chân thành. Xem tranh ông, mọi người cảm nhận được sự nhẹ nhàng, bay bổng, trầm ấm và vô cùng thanh thoát.

Nếu trẻ em trong tranh họa sĩ Mai Trung Thứ ngây thơ, trong sáng, nghịch ngợm mà lãng mạn, yêu kiều, mang yếu tố dân gian với rực rỡ sắc màu đỏ, cam, tím biếc; trong tranh họa sĩ Lê Phổ quý phái, đài các, mong manh, dịu mát với sắc xanh lơ, ghi, mang hơi hướng thời Phục hưng cổ điển thì trẻ em trong tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh lại mang đậm hình ảnh, tâm hồn con người Việt với mảng màu nâu sậm. Có thể nói tranh thiếu nhi là một trong những yếu tố làm nên “thương hiệu” Nguyễn Phan Chánh với dòng tranh lụa đặc sắc của mình.    

T.S