Thứ Năm, 22/09/2022 07:46

Hồ Chí Minh – Vị sứ giả văn hóa

Cây xanh khẳng khiu còi cọc như nhà văn non bấy chỉ có những trang viết nhợt nhạt vì thiếu dưỡng chất văn hóa và không có tư tưởng... (NGUYỄN THỊ TUYẾT THU)

. PGS.TS NGUYỄN THỊ TUYẾT THU


Văn học cổ điển cả phương Đông lẫn phương Tây đều gọi những nhà văn lớn là “đại thụ”, chắc từ một sự liên hệ là cây xanh thì bao giờ cũng phải cắm rễ sâu vào đất để hút dinh dưỡng và vươn cao lá cành để quang hợp ánh sáng. Cây đại thụ văn học cũng vậy, cắm những nhánh rễ khỏe khoắn vào mảnh đất văn hóa truyền thống và được quang hợp ánh sáng tư tưởng của thời đại. Cây xanh khẳng khiu còi cọc như nhà văn non bấy chỉ có những trang viết nhợt nhạt vì thiếu dưỡng chất văn hóa và không có tư tưởng. Một tác phẩm văn học lớn bao giờ cũng là sự tích hợp các vỉa tầng văn hóa truyền thống và hiện đại, rộng hơn của phương Đông và phương Tây. Điểm tựa để người ta phác thảo ra chân dung con người văn hóa nhà văn là các khái niệm mới của triết học văn hóa: đối thoại văn hóa, nhân học văn hóa, tiếp biến văn hóa…Nhà văn viết văn là một cách tham gia đối thoại sâu sắc nhất, với văn hóa truyền thống, với cuộc đời, với nhân vật, với độc giả (trong nước, ngoài nước) và với cả chính mình…Mà để có thể đối thoại thì phải có điều kiện đầu tiên là hiểu biết. Càng hiểu biết nhiều càng có cơ hội mở rộng lĩnh vực quan tâm và làm sâu các vấn đề đối thoại. Cho nên phẩm chất trước hết của nhà văn thời hội nhập là giàu có tri thức. Vì là sứ giả văn hóa trong cuộc đối thoại toàn cầu nên nhà văn không chỉ hiểu biết rộng về văn hóa đương đại mà phải hiểu sâu văn hóa truyền thống dân tộc. Có vậy anh ta mới nắm chắc được bản sắc văn hóa (một số ngôn ngữ thông dụng hiểu là căn cước văn hóa) của đất nước mình để tham gia vào cuộc đối thoại chung. Nếu không có điều này thì chẳng có gì để nói, vì người ta chỉ muốn biết cái nét riêng đặc sắc của nước anh. Đồng thời nhà văn phải giỏi ít nhất một ngoại ngữ chính (tiếng Anh) để biết thế giới nghĩ gì, cần đối thoại gì… và để dịch chính tác phẩm của mình (mà anh ta nắm rõ nhất tư tưởng, ý đồ nghệ thuật) đến với bạn đọc ngoài nước.

Nhà văn phải sống trong nhiều môi trường văn hóa, để so sánh, để học hỏi thì trang viết mới sâu, vì ngoài lượng thông tin bạn đọc còn chờ đợi ở tác giả sự gợi dẫn về cách đánh giá, lý giải ở nhiều góc độ khác nhau. Phải suốt đời rèn luyện vốn sống, phải nhập thân vào đời sống, phải ngụp lặn xuống tận đáy dòng sông cuộc đời may ra mới viết đúng được bản chất vấn đề. Một lần về tát nước chống hạn ở Hà Đông, thấy một nhà báo ăn mặc chải chuốt, Bác Hồ nói: “Nhà báo của nông dân thì phải biết lao động như nông dân thì viết mới đúng được”[1].Đây là phương châm rèn luyện không của riêng người cầm bút nào.

Đối thoại giữa các nền văn hóa càng cần đến bình đẳng, vì xét từ bản chất thì tiếp biến văn hóa là lẽ tự nhiên. Không có nước lớn về văn hóa mà chỉ có sự đặc sắc về văn hóa, nhờ có sự đặc sắc ấy mà tạo nên ảnh hưởng. Truyện cổ “Trầu cau” không chỉ có ở một Việt Nam mà có ở hầu khắp các nước Đông Nam Á. Motip chàng Thạch Sanh hay cô Tấm cũng có ở nhiều nước trên thế giới…Ngày nay người ta thấy thật dễ hiểu khi vở kịch “Hămlét” của Sếchxpia có gốc gác từ Đan Mạch hay “Truyện Kiều” chịu ảnh hưởng cốt truyện từ Trung Quốc…Triết học văn hóa hiện đại không chấp nhận tư tưởng sôvanh văn hóa, tư duy kẻ cả trong văn hóa cho rằng chỉ có văn hóa nước mình mới là “trung tâm” mới là “nhất”…

Vì không độc quyền chân lý nên không coi trọng kết luận cuối cùng mà nhiều khi gợi mở ra để mời gọi tiếp tục đối thoại. Sự quan tâm chú ý của các bên tập trung vào sự mới mẻ, hấp dẫn của vấn đề, sự chính xác của dữ liệu, là cách lập luận, luận chứng, cách phản biện…của nhau. Người ta quan tâm tới quá trình đối thoại hơn là kết quả đối thoại. Do vậy phải thật sự trí tuệ, phải thật hiểu vấn đề, và nhất là phải thật sự giỏi ngoại ngữ.

Bình đẳng được coi là điều kiện thứ nhất trong tiếp nhận văn học, vì là quá trình khám phá hình tượng nên rất cần đến nhiều con đường liên tưởng, tưởng tượng, do vậy nếu có sự áp đặt cách hiểu tức là bóp nghẹt các con đường tư duy ấy. Trước một hình tượng văn học, nhờ vốn sống, hiểu biết, tính khí…mà mỗi người hiểu một cách. Cần tôn trọng các cách hiểu thẩm mỹ vì chúng sẽ làm giàu thêm ý nghĩa cho hình tượng. Trước khi có cách hiểu hồn nhiên mà không kém phần sâu sắc của một cậu bé bảy tám tuổi thì bạn đọc Nga vẫn thường hiểu nhân vật ông lão trong truyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng” là người hiền lành phúc hậu, nên lấy đó làm gương. Nhưng cậu bé kia thì hiểu ngược lại cho rằng ông lão đần độn đến ngu xuẩn, có gì đáng học vì đã xin con cá được nhiều thứ thế mà không nghĩ ra được xin thay bà vợ tử tế hơn cho đỡ khổ…Nhiều khi cách hiểu hồn nhiên mới nói đúng về chân lý mà câu chuyện ngụ ngôn “Bộ quần áo mới của hoàng đế” là ví dụ sinh động. Vì quen là nô lệ cho thói nịnh hót, bợ đỡ mà chẳng ai dám nói lên sự thật, chỉ có cậu bé ngây thơ kêu toáng lên về cái hiện trạng thảm hại, đã giật phăng cả cái mặt nạ giả dối khổng lồ làm trơ ra cái đáng cười đau đớn…Các tác giả (Puskin và Anđecxen) thực sự là những nhà văn hóa vĩ đại vì có công xây dựng những hình tượng nghệ thuật bất hủ cho người đời sau còn đối thoại mãi với nhau để cùng hướng về cái trong sáng tốt lành!

Cần có cái nhìn văn hóa trước các hiện tượng văn hóa gây tranh luận, không cực đoan bảo thủ khẳng định đó là truyền thống tốt đẹp, cũng không phủ nhận sạch trơn. Phải phân tích, cắt nghĩa lí giải một cách hệ thống, cụ thể để giữ lấy cái lõi nhân văn, gạt bỏ cái lỗi thời. Văn hóa là con người, hãy để chủ thể con người nơi đó nói lên tiếng nói của văn hóa nơi họ đang sinh tồn. Và hãy quan sát, suy ngẫm, đối sánh, gợi mở cho chủ thể văn hóa điều chỉnh hành vi văn hóa cho phù hợp với thời đại mới. Mọi áp đặt hoặc can thiệp thô bạo là không phù hợp với tinh thần mềm mại, uyển chuyển, tinh tế của văn hóa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất, đi trước thời đại khi chính mình là người thể hiện văn hóa biết lắng nghe người khác, đặc biệt hơn nữa là lắng nghe tiếng nói của trẻ em. Đồng chí Lê Duẩn nguyên Tổng Bí thư Đảng ta nhiều lần nhắc nhở cán bộ học tập Bác Hồ thì trước hết là học tình yêu thương con người ở Bác từ những việc cụ thể. Ví như một lần đồng chí trực tiếp chứng kiến một đêm mưa rét Bác nghe thấy tiếng rao bán bánh của một đứa trẻ, đang nằm Người ngồi bật dậy, thế rồi suốt đêm trằn trọc thao thức, chắc là Người thương lắm những số phận còn đang phải chịu nhiều vất vả khổ đau...Giáo sư Hoàng Xuân Sính nhớ mãi một kỷ niệm, khoảng năm 1945-1946, khi nước nhà vừa mới Độc lập, Bác Hồ đến thăm trường nữ trung học ở Hà Nội. Bác vào lớp dự giảng một tiết tiếng Anh. Vì hồi hộp nên cô học trò Sính phát âm không chuẩn. Bác đến gần đọc lại những câu trong bài, Sính đọc theo vẫn không đúng. Bác kiên trì chữa lại từng âm.Người nhẹ nhàng nói: “Cháu đọc thế này mới đúng”. Và câu chuyện “Chiếc vòng bạc” trong sách phổ thông thì ai cũng nhớ. Một lần ông Ké (tức Bác Hồ) được nghe một cháu bé ao ước có một cái vòng bạc. Năm sau ông Ké trở về đưa cho cháu bé ấy cái vòng bạc mà cháu hằng ước ao. Ai cũng có thể hình dung ra sự sung sướng vô bờ của cháu bé ấy và sự cảm phục kính trọng vô ngần của dân bản về một hành động tuy nhỏ mà ý nghĩa cực lớn. Bác Hồ của chúng ta là thế. Bác đã chứng minh chân lý: phải là một tâm hồn giàu yêu thương, giàu lòng trắc trắc ẩn, khoan dung và luôn tôn trọng con người mới có thể biết lắng nghe lòng con trẻ …

Biết lắng nghe là một hành vi văn hóa cao thượng trong xã hội hiện đại vì nó thể hiện rõ nhất tinh thần dân chủ, bình đẳng giữa người với người. Thế giới khâm phục ông Xukhômlinxli, nhà giáo dục nổi tiếng nước Nga cho rằng văn hóa là năng lực biết nhìn và nhìn thấy người bên cạnh. Thế giới kính trọng nhà bác học lỗi lạc Likhachốp, cũng người Nga khi khẳng định văn hóa là biết lắng nghe người khác. Cả thế giới nghiêng mình trước một Hồ Chí Minh kiệt xuất, vì trên cả sự lắng nghe trẻ em nói là sự thực hành điều trẻ em muốn, mà hình ảnh chiếc vòng bạc, là cách rèn phát âm cho trẻ đã dẫn ở trên là những ví dụ cụ thể nhất.

Nhưng biết lắng nghe là cả một năng lực văn hóa bởi về bản chất đấy là một quá trình tiếp nhận, do vậy phải có vốn sống, vốn tri thức, chính trị…để phân tích, tiếp nhận, loại bỏ, phản biện. Cho nên từ cổ xưa người phương Đông sâu sắc dồn triết lý ấy vào con chữ tượng hình, chữ “Thính” trong tiếng Hán có nghĩa là “nghe” được cấu thành (chiết tự) bởi các chữ mang các ý nghĩa: Vương (coi người nghe mình như vua); Nhĩ (khi nghe phải lắng tai chăm chú); Nhãn (khi nghe phải nhìn người nói thể hiện sự chú ý, tôn trọng); Tâm (nghe bằng cả tâm trí); Nhất (cả người nói và người nghe phải đồng nhất, đồng hướng). Ngày nay thế giới coi một biểu hiện của khoan dung hòa giải văn hóa là biết lắng nghe nhau!

Nhà thơ nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi kể trong không khí bừng sôi thắng lợi của Đại hội Tân Trào tháng 8-1945 đã hát rất say sưa để “cố gắng nhằm truyền cảm mạnh nhất đến toàn thể các đại biểu. Tôi hát to: “Gươm đâu, gươm đâu, thời cơ đang đến! Tiến lên, tiến lên, theo cờ Việt Minh!”. Tôi hoàn toàn không biết rằng Hồ Chủ tịch đang chăm chú lắng nghe tiếng hát của tôi.Khi vừa hát xong, tôi bỗng nghe rõ tiếng Hồ Chủ tịch: “Bây giờ mà chú còn hát gươm đâu, gươm đâu thì thật không hợp với tình hình! Chú nên hát gươm đây, gươm đây!”[2].

Ví dụ này cho thấy phải có một nhãn quan chính trị cực kỳ sắc bén mới có một phát hiện vỏ âm thanh của ngôn từ dù nhỏ nhưng ý nghĩa biểu hiện lại rất lớn.

Thống kê trong Hồ Chí Minh toàn tập (2011) Bác Hồ dùng 34 lần hai chữ “lắng nghe”, trong đó 03 lần dùng để phê phán chủ nghĩa thực dân đế quốc, 01 lần khuyên bảo Khải Định, còn lại 29 lần Bác dạy cán bộ đảng viên, có thể là nói trực tiếp, có thể là gián tiếp qua hình tượng thơ văn.

Ngay từ năm 1919, ngày 04/9, trên báo Le Populaire Nguyễn Ái Quốc có bài viết Đông Dương và Triều Tiên kêu gọi nhân loại phải “lắng nghe” tiếng nói của các dân tộc thuộc địa ở châu Á: “Thế giới sẽ chỉ có nền hoà bình cuối cùng khi tất cả các dân tộc tự mình thoả thuận với nhau cùng tiêu diệt con quái vật đế quốc chủ nghĩa ở khắp mọi nơi mà họ gặp nó. Trong khi chờ đợi ngày đó, hiện nay họ còn là nạn nhân của con quái vật ấy, đòi hỏi một cách nghiêm khắc, nhân danh nguyên tắc của dân tộc được quyền tự quyết và họ rất xứng đáng để lưu ý tiếng nói của họ phải được lắng nghe với tình cảm đậm đà trong nhân dân các nước châu Âu và châu Mỹ”[3]. Chúng ta chú ý câu đầu rất quan trọng: “Thế giới sẽ chỉ có nền hoà bình cuối cùng khi tất cả các dân tộc tự mình thoả thuận với nhau cùng tiêu diệt con quái vật đế quốc chủ nghĩa ở khắp mọi nơi mà họ gặp nó”. Ý tứ rất rõ ràng, mạnh mẽ: chỉ có hòa bình khi cùng nhau tiêu diệt chủ nghĩa đế quốc. Muốn vậy thì phải: “tất cả các dân tộc tự mình thoả thuận với nhau”. “Tự mình” là tự lực cánh sinh không trông chờ vào ai, không để ai chi phối. Để có “thỏa thuận với nhau” thì phải lắng nghe nhau để hiểu nhau rồi đoàn kết cùng nhau. Đấy là thì tương lai, còn hiện tại, “tiếng nói của họ phải được lắng nghe”. Như vậy hai chữ “lắng nghe” phải được coi là yếu tố đầu tiên để các dân tộc đoàn kết chống lại chủ nghĩa đế quốc áp bức bóc lột!

Trong truyện Lời than vãn của Bà Trưng Trắc (6/1922) có lời của nhân vật giả định đậm tính huyền thoại: “Ta là Trưng Trắc, năm 391 đã cùng em gái ta là Trưng Nhị và đồng bào đánh đuổi bọn xâm lăng, trả thù chồng, giải thoát quê hương. Đừng có run lên như thế, con ơi! Mà phải lắng nghe lấy lời mẹ bảo! Chẳng hay mi có biết rằng, theo tập tục nghìn năm của nước Nam ta xưa cũ thì Hoàng đế là chịu mệnh trời để trị dân, vì thế mà được coi là con của trời, cha mẹ của dân?”[4]. Đặt ý tứ lời nói này trong chủ đề, bối cảnh chung của truyện sẽ bật ra ý, vì trước đó, “mi” chưa “lắng nghe” nên mới thành ra kẻ nô lệ yếu hèn như vậy. Ngoài lắng nghe tiếng vọng của lịch sử còn là sự làm theo, viết tiếp truyền thống yêu nước, anh hùng. Còn Khải Định thì lạc loài...

Truyện Đồng tâm nhất trí (9/1922) có hai nhân vật chính là anh Hai và anh Ba bàn về chuyện “đồng lòng” cùng nhau làm việc: “Nghe này, người anh em! - Ba nói. - Tai tôi đang lắng nghe lời anh dạy - Hai đáp”[5]. Chỉ một hội thoại này cũng cho thấy vấn đề để “đồng tâm nhất trí” được thì trước hết là phải biết “lắng nghe” nhau!

Bài văn vần Hãy yêu thương nhau và cùng nhau đoàn kết được Nguyễn Ái Quốc viết tại Quảng Châu in trên báo Thanh Niên (số 9) ngày 23/8/1925 có hai cặp câu ở vị trí mở đầu và kết thúc bài thơ: “Hãy yêu thương nhau, cùng nhau ta đoàn kết/ Hãy lắng nghe câu hát từ đáy lòng tôi/... Hỡi đồng bào yêu quý hãy lắng nghe tôi hát/ Rồi học thương yêu nhau và đoàn kết cùng nhau”[6]. Vị trí hai chữ “lắng nghe” trong hai dòng thơ rất ý nghĩa, như cái bản lề của cặp phạm trù nhân – quả: “Yêu thương nhau”, “đoàn kết” hãy/thì “lắng nghe” nhau (hai dòng đầu); “yêu quý” nhau hãy/thì “lắng nghe” để “thương yêu nhau và đoàn kết cùng nhau” hơn nữa. Có thể hiểu một cách phổ quát là “lắng nghe” là nền tảng của sự yêu thương, đoàn kết. Đó cũng là chân lý thông thường: không lắng nghe nhau thì làm sao có thể hiểu nhau mà yêu thương nhau?!

Trong Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Nguyễn Ái Quốc chép lại một đoạn bức thư của phái đoàn Xyri-Palextin gửi Hội nghị Lôdannơ “trần tình” về việc Hội nghị bàn về hòa bình ARập nhưng chính tiếng nói người ARập lại chưa được lắng nghe. Lời bình luận đậm tính mỉa mai: “Giữa lúc người ta đương cố hàn gắn những lỗ hổng mà Hiệp ước Xevơrơ đã khoét ra trong vấn đề Cận Đông và giữa lúc dân tộc Arập đang phải chịu đựng, so với mức hy sinh tự nguyện của mình, những điều tai hại trực tiếp nhất do hiệp ước đó gây ra, thì ở hội nghị của các ngài, hội nghị tổ chức ra với mục đíchthiết lập một nền hoà bình vững chắc và lâu dài, tiếng nói của các đại biểu dân tộc Arập ở các khu vực khác nhau vẫn chưa được lắng nghe[7]. Bật ra cái mâu thuẫn nực cười: bàn về hòa bình của người ARập mà không đếm xỉa gì đến tiếng nói người ARập. Thì ra phải hiểu ngược lại: “các ngài” (các nước thực dân đế quốc) họp với nhau không vì “hòa bình” mà là họp để chia nhau quyền lợi ở xứ ARập!

Ngày nay bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để phù hợp với hội nhập văn hóa toàn cầu ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng, các điều kiện của đối thoại văn hóa, trong đó phẩm chất biết lắng nghe càng đòi hỏi cao hơn, sâu sắc, tinh tế hơn. Học lại trước tác Hồ Chí Minh càng thấy Người đi trước thời đại cả trăm năm (từ 1919 đến nay) để đặt nền tảng cho đối thoại văn hóa hôm nay.

Cũng cần thấy “lắng nghe” là sự đòi hỏi mang tính phổ quát của nhân tính, của nhân loại trước nay. Nó là điều kiện đầu tiên phải có để con người đến với nhau, hiểu nhau, cùng nhau hợp tác, sẻ chia, hữu nghị. Như ta thấy, ở Hồ Chí Minh điều này đã trở thành thuộc tính và nhất quán suốt cuộc đời góp phần tạo nên một phong cách, một con người Hồ Chí Minh vừa bình thường giản dị vừa phi thường lớn lao, rất đời thường nhưng cũng rất vĩ đại. Đây cũng là tiền đề của cấu trúc một tâm hồn nghệ sĩ: lắng nghe bước đi của thời gian, sự chuyển mình của không gian để rung cảm trước sự đổi thay, thấu cảm được bản chất đời sống để từ đó có được những khát khao sáng tạo nghệ thuật. Rất có thể điều này cũng góp phần tạo nên ở Hồ Chí Minh - một nghệ sĩ lớn!

Có nhiều trường hợp các lãnh tụ chính trị, nhất là các vua chúa thời phong kiến, khi đã ở trên đỉnh cao quyền lực thì thường bị cô đơn bởi một lý do dễ thấy là không có đối thoại, không được đối thoại, lời ông ta phát ra là chân lý. Người “đối thoại” với ông ta không bao giờ được bình đẳng nên lời hội thoại giữa họ luôn mang tính bất bình đẳng sâu sắc. Ông ta có thể nghe (và không nhất thiết phải nghe) người khác (cận thần) nói – những lời nói ít khi xuất phát từ cái tâm chân thật mà thường từ lý trí tỉnh táo, có khi đúng nhưng phần nhiều là lựa chiều, cơ hội...Những điều đó lập nên hàng rào ngăn cách đối thoại. Nếu không có sức mạnh tinh thần và lý trí làm chủ dần dần ông ta sẽ có tính cách của bạo chúa, chuyên quyền, độc đoán và tàn bạo. Hồ Chí Minh hoàn toàn ngược lại, là lãnh tụ nhưng gần dân nên bình dân, biết lắng nghe nên rất hiểu đời và thấu cảm với đời. Thế nên Hồ Chí Minh là hiện tượng hiếm thấy trên thế giới trước sau (dù trên cương vị cao nhất rất lâu) vẫn giữ được niềm kính yêu vô hạn của người dân, bạn bè, đồng chí. Đấy cũng là một phương diện vĩ đại và kiệt xuất của Người.

N.T.T

----------

Tài liệu tham khảo chính

(1) Nhiều tác giả (2010) - Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ,văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh (10 tập), Nxb Hội Nhà văn.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập (15 tập), Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.

(3) PGS.TS Phạm Văn Đức, PGS.TS Đặng Hữu Toàn (đồng chủ biên) (2007), Triết học trong kỷ nguyên toàn cầu, NXb Khoa học Xã hội.

(4) J.Brecher (1993), Global visions beyond the new world order, Boston.

(5) Thomas L.Friedman (2005), The world is flat: a brief history of the twenty-first century, http: //www. Thomaslfriedman.com/worldisflat.htm.

(6) Nguyễn Thanh Tú (2019), Đối thoại văn hóa. Nxb Quân đội Nhân dân.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Sđd, tr 126,127.