Thứ Hai, 13/03/2023 08:45

Họa sĩ Lê Tiến Vượng đưa phố và quê lên giấy báo

Lê Tiến Vượng chia sẻ, là một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ông thích vẽ về phố phường thủ đô với bề dày văn hóa hàng nghìn năm.

 Triển lãm cá nhân của họa sĩ Lê Tiến Vượng đang diễn ra tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội đến hết ngày 15.3.2023 với hơn 60 bức tranh là những sáng tác trải dài trên 40 năm.

Triển lãm có chủ đề “Sắc màu Phố Quê” là cuộc thứ ba trong vòng 10 năm của Lê Tiến Vượng. Trong hơn 60 bức vẽ với những gam màu tươi sáng, lạc quan, có nhiều tác phẩm được thể hiện trên nền giấy báo cũ. Họa sĩ sinh năm 1961 chia sẻ, ông vẫn thích vẽ trên toan, tuy nhiên giấy báo cũ mang lại cảm giác đặc biệt. Từng là một họa sĩ thiết kế báo, ông chọn chất liệu giấy báo như là một cách hồi cố về nghề nghiệp yêu thích mà bản thân đã gắn bó suốt nhiều năm.

Họa sĩ Lê Tiến Vượng tại triển lãm.

Lê Tiến Vượng cho biết ông sáng tác tranh khi 19 tuổi với bức “Sớm sương sông Hồng” cũng xuất hiện tại trưng bày. Từ năm 1982 - 1986, Lê Tiến Vượng tham gia quân đội. Đơn vị ông đóng quân ở Chợ Mới (Bắc Kạn), cuộc sống miền núi, tình quân dân vì thế mà đi vào các sáng tác của ông rất đỗi tự nhiên.

Triễn lãm “Sắc màu Phố Quê” có những mảng đề tài như phố cổ Hà Nội, chùa chiền, hoa quê… Đặc biệt là đề tài về cuộc sống miền núi nơi ông gắn bó trong thời gian quân ngũ và những chuyến đi. Trong đó có những sáng tác đáng chú ý lấy bối cảnh về những làng bản ở Hà Giang, mùa xuân vùng cao, chợ tết của người miền núi.

Lê Tiến Vượng chia sẻ, là một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ông thích vẽ về phố phường thủ đô với bề dày văn hóa hàng nghìn năm. Ông cũng dành mối quan tâm với những nét đẹp của làng quê Bắc Bộ, những ngôi chùa, hoa lá quen thuộc của miền đồng bằng. Sau những chuyến đi làm từ thiện đến các vùng miền núi phía bắc, ông lại có những sáng tác như là để “trả nợ” với đồng bào đã cưu mang mình trong những năm quân ngũ.

Lê Tiến Vượng cho biết thêm, trong thời gian tới họa sĩ sẽ tiếp tục trung thành với chất liệu giấy báo vốn không nhiều người theo đuổi. “Những nét trên mặt báo cũng được tôi dùng như là đối tượng để tạo sự đậm nhạt trong không gian nghệ thuật.”

MỘT SỐ TÁC PHẨM TRƯNG BÀY TẠI TRIỂN LÃM:

HỮU VI