Thứ Bảy, 25/04/2020 13:18

Hoài niệm xanh

Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Đường Lâm là đơn vị hành chính cấp xã. Trong xã Đường Lâm có chín làng: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Lâm, Đoài Giáp, Cam Thịnh…

.Bút kí. HÀ NGUYỄN HUYẾN

Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Đường Lâm là đơn vị hành chính cấp xã. Trong xã Đường Lâm có chín làng: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Lâm, Đoài Giáp, Cam Thịnh… Đây là vùng đất cổ nằm bên hữu ngạn sông Hồng. Làng tôi, bên những ngôi nhà truyền thống vài trăm năm tuổi còn có những khu vườn, trại nổi tiếng. Mặc dù chỉ trong phạm vi một xã nhưng tính tiểu vùng “địa khu vực” đã mang lại sự khác biệt về thổ nhưỡng. Chính nguyên nhân này làm nên những đặc sản riêng cho từng nơi.

Cho đến tận bây giờ, đặc sản do những khu vườn trại ấy vẫn còn vang vọng. Tôi có một người chị lớn, về làm dâu trong một gia đình nề nếp của làng Cam Lâm (nơi sinh ra hai vị anh hùng dân tộc Phùng Hưng và Ngô Quyền). Gia đình chị ở xóm ngoài, xóm có tên Đông Thịnh, cái tên này đến giờ ít người nhớ được, bởi sau năm 1945, xóm Đông Thịnh được sáp nhập với làng Đoài Giáp vì liền thổ thành thôn Cam Toàn. Vào năm 1970 và đặc biệt là 1980, chính quyền địa phương vận động các chủ vườn, trại nhập đất đai bằng đủ mọi cách. Sau khi thu hồi, họ di dân các làng khác đến ở nên hiện nay xóm có tên Đoàn Kết.

Xóm Đông Thịnh tọa lạc trên một quả đồi thấp, quả đồi này rộng mấy chục mẫu Bắc Bộ, nhưng từ năm 1945 đến 1980 chỉ do sáu gia đình quản lí. Anh rể tôi bảo đến đời anh là đời thứ mười sáu định cư ở đây, đó là một con số chính xác bởi được ghi chép rất mạch lạc trong gia phả dòng họ. Còn trước đấy lịch sử vùng đất có từ thời cụ Phùng Hưng, Ngô Quyền. Bằng chứng là năm 1945, ông Ngô Văn Xe, hậu duệ của cụ Ngô Quyền mới đi khỏi xóm. Cụ Ngô Thị Pháo là em gái ruột ông Xe, người mang họ Ngô cuối cùng còn ở lại làng đến năm 2005 thì tạ thế, thọ một trăm linh năm tuổi.

Chị hơn tôi mười hai tuổi, mười tám tuổi chị đi lấy chồng tôi còn niên thiếu. Song ấn tượng về những ngày ấy không bao giờ nhạt phai. Ngày ấy, vào mùa nhãn, mỗi lần anh chị về làng, bao giờ chúng tôi cũng được quà là một chùm nhãn to. Chẳng biết có phải do tính tôi tò mò nên đã đi khắp mọi ngóc ngách khu vườn. Vườn trại rộng mênh mông, căn cứ vào nơi ở của gia đình anh chị là một ngôi nhà cổ mà các khu có những cái tên rất nôm na: vườn Trong, vườn Ngoài, vườn Trước, vườn Sau… Cây trồng trong vườn chủ yếu là nhãn và ổi, ngoài ra còn một số cây rất độc đáo được đưa từ nơi khác về. Việc trồng trọt này chỉ để tăng thêm hương vị. Những gia đình có vườn trại đa số không làm ruộng, vậy nên hoa lợi trong vườn thực sự là hàng hóa.

Anh tôi kể ra ngoài giêng, xóm Đông Thịnh biến đổi như một phép màu. Nếu trong tết cả xóm được bao phủ một màu xanh trầm mặc thì lúc này, trên những vòm cây màu hồng phơn phớt loang rộng ra từng ngày. Sau đó như một cái trở mình, cả quả đồi mang tên xóm Đông Thịnh tràn ngập một màu vàng nhạt. Đã bắt đầu vào mùa hoa nhãn. Hoa nhãn là món quà đặc biệt mà thiên nhiên kì vĩ ban tặng cho muôn loài. Ong bướm và côn trùng kéo nhau về đây. Trong nắng xuân, xóm đã vắng lại càng thêm vắng bởi chỉ có tiếng rù rì vỗ cánh nặng nề của đàn ong tải phấn hoa về tổ. Những năm như thế nhãn được mùa lắm.

Làng cổ Đường Lâm - Ảnh: ST

Từ xa nhìn lại, xóm Đông Thịnh trập trùng chỉ có nhãn và nhãn. Nhãn đóng quả nâu cả vùng đồi thì cũng là lúc những người buôn ở huyện Phúc Thọ (hiện là một huyện ngoại thành của thủ đô) kéo đến. Họ là khách quen của vùng đất bao đời nay. Cha truyền con nối, gia đình họ thu mua hoa lợi trong các địa phương của xứ Đoài rồi xuôi Hà Nội… Những hôm ấy, xóm nhộn nhịp khác thường. Những mâm rượu quê được dọn ra, chuyện trò râm ran cởi mở như vừa gặp lại người quen. Cả người mua và người bán quá hiểu nhau, không phải mặc cả, các “lái” chỉ dạo một vòng là giá cả đã được quyết định, họ đặt tiền cọc rồi đi. Người bán hỉ hả vì một năm thu hoạch thắng lợi, người mua cũng yên tâm vì không thể thua lỗ.

Những ngày sau đó, trong vườn xuất hiện ánh đuốc bập bùng của trẻ con, kèm theo tiếng đập sào vang lên lẻ loi trong đêm…

Nguyên do ở đây, trước khi đi, các nhà buôn cho trẻ mỗi đứa mấy hào bạc trắng để đuổi dơi. Song, có lẽ không phải vì tiền mà đó cũng là cái thú. Vào mùa nhãn, những đàn dơi từ mãi chân núi Ba Vì đánh hơi thấy mùi quả chín bay về. Những con dơi sải cánh ba, bốn mươi phân, mình phủ lông vàng óng như tơ. Thịt của chúng săn chắc và thơm chứ không hôi như loài dơi muỗi - đó cũng là đặc sản của xóm Đông Thịnh.

 

*

* *

Xóm Đông Thịnh tuy ít người nhưng có một ngôi cổ miếu, đây có lẽ là ngôi miếu quan trọng nên vào ngày tế lễ, cả làng Cam Lâm từ xưa đến nay vẫn thường có mặt đông đủ. Vậy mà đến năm 1980 ngôi miếu bị phá bỏ. Cũng may trong xóm vẫn có người nhớ được văn tế, nội dung có đoạn: Kỵ tả biên điện, bộ hạ Đỗ tướng công giáng lâm tinh tự. Hữu biên điện, bản thổ linh thần, Đoài phương xứ, Ngô bác quốc, đại nguyên soái tướng quân giáng lâm hiến hưởng… và đặc biệt là đôi câu đối. Nội dung đôi câu đối như sau: Tây thổ hữu thần sơn bất lão/ Đông thôn vô dạng thụ trường sinh. Lược dịch ra là: Ở phía tây có thần núi non trẻ mãi/ Xóm (thôn) Đông Thịnh không có hình thù mãi bình yên như hàng cây cổ thụ này.

Căn cứ vào những dữ liệu trên có thể khẳng định, miếu này một bên thờ Ngô Bác Quốc. Ngô Bác Quốc là ai hiện các nhà nghiên cứu chưa có một nhận định nào. Lịch sử mới chỉ ghi chép đến “Lăng Ngô Vương Quyền” trong làng Cam Lâm, như chúng ta hiện vẫn chiêm bái (lăng này được xây dựng vào triều Tự Đức, có thể là để vọng niệm). Bên còn lại thờ tướng công Đỗ Anh Hàn - một mưu sĩ của Phùng Hưng.

Vấn đề vừa nêu ở trên, dòng họ Ngô và các nhà nghiên cứu đang rất quan tâm, trong phạm vi bài viết nhỏ này xin được đề cập đến ba chữ “thụ trường sinh”.

Ở đây, trước năm 1975, xóm Đông Thịnh cây cối xanh tốt, rậm rạp, tre đan kín lũy xóm. Muông thú quần tụ, chim cò đủ loại bay về xây tổ, trăn lớn vẫn thường xuất hiện. Nghe nói đầu thế kỉ hai mươi hổ vẫn còn mò vào xóm bắt lợn. Cây nổi tiếng trong xóm là nhãn, đủ loại nhãn. Nhãn nước, nhãn gừng, nhãn lồng già, lồng khô, lồng cúc… Nổi bật là hai hàng nhãn trồng dọc ngôi cổ miếu. Trải năm tháng thời gian, nhiều cây đã bị gió bão quật đổ. Từ năm 1975 trở về trước, hai bên miếu vẫn còn mười cây nhãn cổ, mỗi bên năm cây. Không biết cây được trồng từ bao giờ mà cây nào cũng cao lớn, thân hình cổ quái. Cây nhỏ nhất, gốc cây ba bốn người ôm không xuể. Chẳng thấy ai chăm bón thuốc men gì nhưng cây nào cũng xanh tốt và cho quả đều đặn. Gia đình anh chị tôi, tiền nhân căn cứ vào hình thù, đặc điểm mà đặt cho mỗi cây một cái tên.

Đằng sau miếu có một cây cao vút, dáng cây đẹp, cho quả màu da đồng. Mỗi lần có gió thổi đến cây như reo mừng vẫy gọi, cây này có tên Nhà Trò. Hai cây khác đứng hai bên cửa miếu, cây bên trái xòe như chiếc lọng, cây bên phải thấp lùn, tán cây rườm rà xõa xuống sát đất. Hai cây này có tên: Nhãn Chầu. Trong số cây còn lại có một cây rất to, nghiêng về một phía như một con voi chiến. Cây này có tên Nhãn Tiến. Cách đó không xa là cây nhãn Vàng Anh, là cây chín sớm nhất vườn và nhất vùng, chẳng biết vì sao chim vàng anh chỉ bay về cây nhãn này làm tổ, trong khi vườn trại bạt ngàn mà chim không chọn chỗ nào. Xa ngoài cùng sau miếu có một cây nhãn cao to sừng sững, tán rộng như một cây đa, cây có tên Lồng Già. Ai đến gần, đứng dưới gốc cây cũng dâng trào một cảm xúc khó cắt nghĩa. Cây nhãn này xứng đáng đứng đầu hàng nhãn cổ, thật là Nhãn Thần. Năm 1947, Pháp tấn công lên Sơn Tây, du kích địa phương đã lập chòi canh trên cây này. Trèo lên bổng có thể nhìn ra một vùng rộng lớn, nhìn rõ quốc lộ 11 (nay là quốc lộ 32), quân Pháp hành quân lên Trung Hà phải đi qua đây…

Ấy thế mà rồi hàng nhãn cổ bị bức tử. Anh tôi bảo không ai trong xóm nhận làm việc này, lại phải nhờ đến những người buôn nhãn xưa của xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ mạo hiểm động thủ. Những hôm ấy xảy ra việc rất lạ, không ai bảo ai, hễ chặt đến cây nhãn cổ thuộc địa phận nhà ai, nhà ấy đều mang lễ ra tạ trước cây, rồi mếu máo trốn chạy vì không muốn chứng kiến một sự việc đau lòng.

 

*

* *

Xã Đường Lâm có hai xóm là xóm Hè và xóm Phan. Hai xóm tự cổ sơ đến nay thuộc địa phận hành chính của hai làng Mông Phụ và Đông Sàng. Người lạ đến đây không thể nào phân biệt được đâu là xóm Hè, xóm Phan. Hai xóm lại chung nhau một sống đất rất đặc biệt là đất vàng hoàng thổ. Hai xóm cũng có hai loại cây chỉ trồng ở đây mới cho quả ngon mà các nơi trong xã không thể sánh được.

Xóm Hè nổi tiếng về cây mít. Mít có hai loại mít mật và mít dai. Cả hai loại mít trồng ở đây đều xứng danh đặc sản. Mít mật quả không to nhưng nây, tròn. Múi mít to như nắm tay trẻ con. Khi bổ mít, hầu như không có xơ mà toàn là múi con. Múi con không có hạt ăn còn khoái hơn múi to. Mít mật cho múi khô ráo như mít dai nhưng ăn thì mọng nước. Tôi đã từng được ăn mít mật mỡ gà từ tuổi hoa niên, mấy anh em quây quần bên cái sàng mẹ bày trên mặt gạch nền nhà, mồm miệng đứa nào cũng lem nhem mật mít chảy dài xuống tận cằm. Mít dai cũng rất đặc biệt, có thể lấy dao gọt bỏ gai là đã lộ ra màu mít đỏ như đu đủ. Mít dai toàn xơ cái, ăn giòn sần sật. Khi cắn ngang múi mít, ở đầu mỗi múi, mật mít sánh mịn chảy ra trong veo và ngọt lịm.

Và kể cả những năm tháng đói kém gian khổ nhất là thời kì chiến tranh chống Mĩ và hợp tác hóa mẹ cũng cố lo cho chúng tôi một năm ăn được hai bữa mít mật và mít dai. Mẹ bảo chẳng đâu có những thức quý thế này, ăn cho nó biết mùi vị của làng quê mình. Sau nhiều năm, tôi mới hỏi mẹ sao không thấy quả mít dai nào của xóm Hè nguyên vẹn. Mẹ im lặng, lúc lâu mới nhỏ nhẹ nói, với tôi hay với chính mẹ: “Hoa quả ngon thế thì cũng phải dành cho các loài khác thưởng thức chứ”.

Mẹ đã rời xa chúng tôi mấy chục năm, những quả mít mật và mít dai xóm Hè cũng không còn nữa. Những vườn mít này cũng phải nhường chỗ cho dân nơi khác đến ở. Đó là khoảng những năm 1980, tôi ngậm ngùi nhìn những người thợ cưa nhằm ngang gốc mít. Những thân mít mấy trăm năm tuổi, lõi mít tràn ra ngoài vỏ, khẽ động mũi dao vào thân cây, một màu vàng như nghệ già của lõi mít lộ ra. Xưa kia, nếu chùa chiền nào hưng công tạc tượng, có khi dân cả vùng phải nói với chủ vườn mãi. Và nếu không phải là việc công thì chẳng ai dám đụng đến những ông mộc này. Thế mà những thân mít của xóm Hè được mang ra đóng tủ búp phê, sa lông cải tiến cho ít người giàu xổi. Vì chỉ có mấy năm sau, những thứ này trở thành trò cười của đời sống. Tủ thì quá xấu mà làm trạn bát thì không tiện. Cả ghế sa lông nữa, để ở phòng khách thì nhem nhuốc, xộc xệch mà đem xuống bếp thì chật chội, không tiện cho sinh hoạt.

Mỗi lần đi qua xóm Hè tôi lại mủi lòng nhớ đến những vườn mít xưa. Tôi nhớ một bà già chủ vườn có tên là Lai nháy vì một bên mắt bà bị tật. Mẹ tôi năm nào cũng dặn từ đầu vụ, hôm nào có mít chín bà Lai mang xuống tận nhà, nói giá nào mẹ tôi trả ngay tiền, không bao giờ mặc cả. Sau khi lật cái vỉ buồm, một quả mít không còn nguyên vẹn lộ ra. Bà Lai đã cẩn thận khoét bỏ chỗ mít bị sầu…

Không giống với xóm Hè, xóm Phan hầu như chỉ có một loài dâu da đất. Dâu da đất là cây rụng lá vào mùa đông. Sang xuân, trên những cành cây khẳng khiu xơ xác bỗng lấm tấm một màu xanh mơ màng. Khi đất trời đã hong hanh nắng thì cũng là lúc ngàn vạn chồi tơ bật ra. Chẳng mấy chốc lá dâu da đất đan dày, cũng là lúc trên những thân cây rêu mốc nảy ra những chồi đỏ tím. Cái chồi vươn dài, đó chính là lúc dâu da đất trổ hoa. Hoa dâu da đất phớt hồng và nhỏ li ti. Chớm hạ, nếu ai đi vào xóm Phan sẽ như lạc vào một vòm trời rộng lớn, râm mát.

Tuy khác nhau về loài nhưng mít và dâu da giống nhau ở chỗ đều đậu quả ở thân cây. Ai đó bảo mít năm nay sai như ốc bu cọc cầu ao, thì dâu da được mùa quả sẽ chồng đống từ gốc lên đến chỗ phân cành.

Đã có những chủ vườn cầm tay một đứa trẻ mục đồng đến một cây dâu da, bảo: “Cháu ạ, cả vườn chỉ có cây này là dâu da đường, cứ thong thả đợi chín hẵng trẩy”. Đấy là chủ vườn dỗ và hứa với trẻ con để chúng khỏi phá. Nếu không biết điều, vào một hôm nào đó, chúng lẻn vào, trèo lên lưng lửng cây rồi tụt xuống thì gốc dâu da đó chỉ có đổ bỏ. Dâu da rất dễ rụng gãy và lúc còn xanh không thể ăn được…

 

*

* *

Một năm nào đó sau 1980, tôi về quê đi lang thang khắp làng, rồi bất ngờ lạc vào xóm Phan, xóm Hè. Kí ức sum xuê xưa giờ chẳng còn lại gì cả. Thay cho hàng tre gai ken dày bờ lũy là những tường gạch pa panh đóng vội và xây ẩu. Gió khô xác xơ chạy dọc theo những bờ tường nghiêng ngả, đây đó mấy tàu chuối nhô lên bị gió đánh cho tả tơi. Cả một làng quê trù phú bình yên mà chỉ nhảng có ít năm số cây cổ thụ đếm không đủ các ngón hai bàn tay. Cả xã Đường Lâm chỉ còn lại sáu cây đa và hàng duối Voi ở lăng Ngô Quyền. Hàng duối này thỉnh thoảng lại có một “ông” hóa, nếu không trồng dặm vào thì nguy cơ biến mất cũng tiềm tàng trước mắt.

Từ xa nhìn về làng không còn một màu xanh miên man như trước nữa. Ngày ấy, lũy tre làng ken dày mà người Pháp ví von rất hình tượng là một cái thắt lưng tre bao quanh làng. Nhô cao lên, đây là cây đa cổng làng Mông Phụ, kia là cây gạo cổng làng Cam Thịnh, Đông Sàng. Tròn trịa như một lọng xanh giữa cánh đồng là cội Đa Gươm…

Anh rể tôi rươm rướm nước mắt kể, mấy chục năm qua đi, như một chu trình sinh hóa vĩ đại của Tự Nhiên, đến mùa chim xây tổ, vàng anh vẫn bay về… Có lẽ trong tập tính bao đời nay mà tổ tiên chúng di truyền lại, vùng đất này vẫn là một nơi bình yên đối với một loài chim quý và khó tính. Không còn cây nhãn tổ có tên Vàng Anh, những con chim xào xạc vỗ cánh đâu đó rồi ngẩn ngơ hót vang trước khi bay đi.

Tôi nghe, hối anh trước nhất phải trồng lại nhãn trên mảnh đất này. Dẫu cho không được bằng cây nhãn Vàng Anh và hàng nhãn cổ, song chúng sẽ lớn lên trong tình thương yêu của mọi người sau rất nhiều suy ngẫm. Và đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ đón những lứa Vàng Anh tiếp theo như tổ tiên chúng vẫn chọn đất này để sinh sôi.

Để màu xanh không còn là hoài niệm…

H.N.H