Chủ Nhật, 13/02/2022 10:28

Hoàng Cầm - Mắt của thời gian

Về Kinh Bắc dựng lên một không khí, một thế giới ảo thực, cổ xưa, hiện đại, âm dương, ẩn hiện, giao hào. Cái còn lại và sống mãi của thơ Hoàng Cầm sẽ là truyền thống văn hoá.

 Tối 12/2/2022 Viện Pháp tại Hà Nội đã tổ chức buổi toạ đàm ra mắt sách Hoàng Cầm Về Kinh Bắc kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Buổi toạ đàm với sự tham gia của các khách mời như: nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán…

Nhà thơ Hoàng Cầm (1922 - 2010) là tác giả văn học nổi tiếng và được mến mộ trong văn học Việt Nam hiện đại. Ông đã được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là tập thơ Về Kinh Bắc, một sử thi trữ tình về miền Kinh Bắc, vùng văn hoá cổ điển của Việt Nam xưa.

Nhà thơ Hoàng Cầm.

Nhà thơ Hoàng Hưng, người rất gắn bó với nhà thơ Hoàng Cầm chia sẻ: Con người Hoàng Cầm cũng là một bí mật cần được khám phá của sự dung hợp giữa tính duy cảm và lí trí, tính đại chúng và tính tinh hoa, tính truyền thống và tính sáng tạo, con người chiến sĩ và con người nghệ sĩ… Đó cũng là một bí mật của thành công nghệ thuật trong thời kì bước vào nghệ thuật hiện đại của Việt Nam.

Kỉ niệm 100 năm ngày sinh Hoàng Cầm, chúng tôi chọn tái bản Về Kinh Bắc vì đây là tập thơ tiêu biểu nhất của ông. Về tình ý, tâm sự, giọng điệu, thi pháp… đây là tác phẩm toàn bích và cũng nổi tiếng nhất của ông vì nó gắn với những huyền thoại về cuộc đời, về nghiệp thơ, phận thơ, mệnh thơ của tác giả. Về thi pháp, tập thơ đã thể hiện nhất quán rõ rệt nhất một lối thơ Hoàng Cầm nhất, một âm điệu, một lối tạo hình kiểu dẫn dắt tuyến thơ, một ngôn ngữ riêng của Hoàng Cầm.

Về Kinh Bắc dựng lên một không khí, một thế giới ảo thực, cổ xưa, hiện đại, âm dương, ẩn hiện, giao hào. Cái còn lại và sống mãi của thơ Hoàng Cầm sẽ là truyền thống văn hoá. Đặc biệt Về Kinh Bắc sẽ là một sử thi trữ tình độc nhất vô nhị về Kinh Bắc văn vật cổ xưa và cái nôi của văn hoá Việt. Có thể gọi đó là bảo tàng phi vật thể về văn hoá Kinh Bắc. Hoàng Cầm có những bài thơ kinh điển, ẩn chứa sự bí mật, vừa là tâm sự khó nói ra về lịch sử thời đại, vừa mang màu sắc huyền thoại tâm linh.

Cuốn sách gồm tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm; những bài viết chọn lọc của các tác giả: Hoàng Hưng, Nguyễn Thuỵ Kha, Đỗ Lai Thuý, Chu Văn Sơn, Phạm Xuân Nguyên, Trần Thanh Cảnh, Nguyễn Đức Tùng, Lê Thị Thanh Tâm, Lê Hồ Quang; và một số tư liệu quý về thơ Hoàng Cầm.

Các khách mời tham dự buổi toạ đàm.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ: Hoàng Cầm là thi sĩ đặc biệt. Những lớp bụi thời gian phủ lên những tác phẩm giá trị như thơ Hoàng Cầm sẽ được gạt ra để hiển lộ những vẻ đẹp đích thực; người viết, người đọc tin rằng mọi giá trị đích thực của thơ ca sẽ toả sáng; cho chúng ta niềm tin trong sáng tạo nghệ thuật. Hoàng Cầm đã gặp những khó khăn, những phức tạp trong đời viết của mình, trong những lúc đó ông vẫn sống và viết thuần khiết nhất. Hôm nay chúng ta hưởng thụ những vẻ đẹp trầm sâu của Kinh Bắc mà ông là người đã mở ra cho chúng ta.

Với Hoàng Cầm Về Kinh Bắc lần đầu tiên bạn đọc có cơ hội tiếp cận tập thơ Về Kinh Bắc được tổng hợp từ các dị bản năm 1959, 1960, 1982 và phiên bản được xuất bản qua các năm từ 1994 đến 2011. Đặc biệt, các tác phẩm hội hoạ, tranh ảnh và âm nhạc, tài liệu quý được tuyển chọn kĩ lưỡng nhằm tôn vinh sự hoà quyện của thơ ca văn học và nghệ thuật đương đại.

Nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha, người tuyển chọn cuốn sách ví thơ Hoàng Cầm như một điệu quan họ: Vọng lại một đời sống đã vắng xa của vùng Kinh Bắc. Nhay nhức mãi những tình yêu như hư ảo, quá khứ của dân tộc. Đấy là giai điệu, nhịp điệu thơ Hoàng Cầm. Hoàng Cầm là một nghệ sĩ quan họ. Ông vừa là sự kết tinh, vừa là sự biểu hiện văn minh Kinh Bắc.

Hoàng Cầm là một trong ít thi sĩ đích thực. Trong đời sống ông cũng sống như một thi sĩ. Trời sinh ra Hoàng cầm đã là thi sĩ. Hoàng Cầm sống và viết để đào sâu vào những vỉa tầng Kinh Bắc. Năm 1992 Hoàng Cầm đã viết về tập thơ Về Kinh Bắc với những lời da diết, sâu lắng thể hiện rất rõ con người thi sĩ của ông:

“… Vâng, đúng là năm Kỷ Hợi 1959, từ khi chiếc lá bàng trước cửa nhà rụng xuống báo tin thu (lá bàng chứ không phải lá ngô đồng), hồn tôi cứ chìm dần, chìm sâu, chìm và lắng thật sâu vào vùng quê tôi ngày xưa, thời tôi còn nhỏ dại, với biết bao bóng dáng, đường nét, mầu sắc, hương vị đã quá xa, đã đi đâu, về đâu tôi không thể biết nhưng cả một thời, từ khi vào tuổi bước đầu nhận thức được cõi đời này đến khi rời quê ra Hà Nội học tiếp rồi vào hẳn thế giới văn thơ (1938) nghĩa là cái khoảng thời gian 12 năm thơ trẻ ấy của tôi thì sống lại, và ngày đêm thầm thì nói chuyện với tôi về quê hương, về tình yêu, với những nỗi buồn, niềm cô đơn, nỗi xa cách, nỗi li biệt cứ tầng tầng lớp lớp úp xuống hồn tôi như một đại dương trập trùng sóng gió, miên man xanh một màu huyền - diệu - dĩ - vãng rồi xẻ ngang, vạch chéo vút cao, xoáy sâu không biết bao nhiêu những nét rung động, có khi võ vàng, gầy mảnh, có khi tươi tắn, ngỡ ngàng, lúc như ai oán, lúc như mơ mộng nhưng vui ít buồn nhiều, cái đau của những thuyền tình không đến bến, những nguyện ước không thành, những mộng đẹp tan vỡ, những men say nửa chừng, những con mắt mĩ nhân đã khép, những tiếng hát người yêu đã tắt, những làn da mịn màng người gái quê Kinh Bắc đã nhăn nheo, những sợi tóc xưa óng ả nay đã úa bạc. Tất cả... tất cả... tôi bơi, chìm trong tất cả da thịt quê hương, hồn phách quê hương. Quê hương Kinh Bắc. Và lời mở đầu cho tập thơ là một lời cầu khẩn từ đáy tâm linh thơ dại: Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc.”

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận định: Có một chiếc cầu văn hoá Hoàng Cầm muốn nối lại, bắt lại trong tập Về Kinh Bắc. Hơn cả thơ, Về Kinh Bắc là một tư liệu văn hoá. Kinh Bắc qua Hoàng Cầm để trở thành thơ, thành nhạc và những trầm tích văn hoá được neo giữ lại. Đừng đi tìm thời cuộc trong thơ Hoàng Cầm. Ông hiện tại hoá quá khứ và quá khứ hoá hiện tại. Đôi mắt thời gian trong thơ Hoàng Cầm nhìn xuyên qua những địa tầng văn hoá Kinh Bắc. Nhà thơ còn đưa dắt chúng ta, chúng ta còn theo ông để về Kinh Bắc như về một vùng văn hoá…

Một góc trưng bày những bức ảnh về Hoàng Cầm.

Cũng trong không gian của Viện Pháp tại Hà Nội, 22 bức ảnh về chân dung nhà thơ Hoàng Cầm cùng những bạn bè văn chương của ông đã được trưng bày. Đây là số ít trong rất nhiều bức ảnh được nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chụp lại và lưu giữ. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chia sẻ, Hoàng Cầm là thi sĩ mà ông trọng nể cả tài năng và nhân cách sống.

HOÀI PHƯƠNG