Thứ Tư, 03/07/2019 11:16

Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ các tác phẩm thơ viết về Bác

Đó là hình ảnh Hồ Chí Minh với những vẻ đẹp bình dị, gần gũi và có sức truyền cảm mãnh liệt trong mỗi công việc, mỗi cuộc đời người dân Việt Nam - và đó chính là niềm tự hào, niềm kính yêu vô hạn của mỗi người Việt Nam đối với vị lãnh tụ của mình... (NGUYỄN TRỌNG HOÀN)

 

. TS. NGUYỄN TRỌNG HOÀN

Cách mạng Tháng Tám thành công đã mở ra một thời đại mới của dân tộc Việt Nam: thời đại Hồ Chí Minh! Từ đây nở rộ một dòng thơ ca viết về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và hình ảnh độc đáo của vị lãnh tụ kính yêu đã có sức lan toả và truyền cảm mãnh liệt trong đời sống của người dân Việt Nam.

Ở các thời kì khác nhau, trong các tác phẩm của đông đảo đội ngũ các thế hệ nhà thơ - từ Tố Hữu với Hồ Chí Minh, Sáng tháng Năm, Bác ơi, Theo chân Bác,...; Chế Lan Viên với Người đi tìm hình của Nước, Người thay đổi đời tôi - Người thay đổi thơ tôi, Trong lăng và bên ngoài, Đọc văn Người, Di chúc Người, Nếu quên thanh gươm ta chẳng hiểu Người...; Xuân Diệu với Thơ dâng Bác Hồ; Huy Cận với Bác Hồ ơi... - trong thơ ca Việt Nam hiện đại, hình tượng Hồ Chí Minh đã trở thành một hình tượng trung tâm, vô cùng thiêng liêng và được khắc hoạ từ nhiều góc độ, rất sinh động và giàu sứcgợi, làm nổi bật vẻ đẹp vĩ đại của tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc, một chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế.

Có thể nói: về đề tài độc đáo này, Tố Hữu là nhà thơ có tác phẩm viết sớm nhất - trong bài "Hồ Chí Minh" (26/8/1945), với hình ảnh:

Hồ Chí Minh

Người lính già

Đã quyết chiến hy sinh

Cho Việt Nam độc lập

Cho thế giới hoà bình!

 

Người đã sống nǎm mươi nǎm vũ bão

Vì nhân loại

Người quyết dâng xương máu

Vì giang sơn

Người quyết dứt gia đình!

Đó là một hình ảnh về vị lãnh tụ của cách mạng Việt Nam có tính khái quát. Nhưng đến bài thơ "Sáng tháng Năm", nhà thơ Tố Hữu đã có những khắc hoạ một cách rõ nét:

Bác kêu con đến bên bàn

Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ...

 

Ôi cái tên kính yêu Hồ Chí Minh!

Trong sáng lòng anh du kích

Nửa đêm bôn tập diệt đồn

Vững tay người chiến sĩ nông thôn

Bắt sỏi đá phải thành sắn gạo

Anh thợ, má anh vàng thuốc pháo

Cánh tay anh dày sẹo lửa gang

Ôi những em đốt đuốc đến trường làng

Và các chị dân công mòn đêm vận tải!

Các anh chị, các em ơi, có phải

Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh

Môi ta thầm kêu Bác: Hồ Chí Minh!

Đó là hình ảnh Hồ Chí Minh với những vẻ đẹp bình dị, gần gũi và có sức truyền cảm mãnh liệt trong mỗi công việc, mỗi cuộc đời người dân Việt Nam - và đó chính là niềm tự hào, niềm kính yêu vô hạn của mỗi người Việt Nam đối với vị lãnh tụ của mình. Trong thơ Tố Hữu, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là hiện thân của một tấm gương hi sinh cao cả vì hạnh phúc của dân tộc và của cả loài người tiến bộ:

Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi

Nǎm canh bớt nặng nỗi thương đời

Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông, mọi kiếp người.

...

Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già

Đó cũng là một tấm gương trong sáng, giản dị, thanh cao, liêm chính, chí công:

Bác để tình thương cho chúng con

Một đời thanh bạch, chẳng vàng son

Mong manh áo vải hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

Chính vì thế, năm 1970, khi Bác đi xa một năm, trong bài "Tuổi 25", Nhà thơ Tố Hữu viết:

Thưa Bác

Một năm Bác đi xa

Nhìn lại:/ Đất nước có buồn

Nhưng mỗi chúng con

Mang hồn Bác

Vâng lời Bác dạy

Càng lớn khôn.

 

Nhà vắng cha thường vậy:

Cùng đùm bọc, thương nhau

Anh trước em sau

Lo toan, gánh vác...

Lí tưởng của Người luôn được nhân dân lấy làm kim chỉ nam cho mọi hành động - "Trong chói lọi của ngọn cờ lý tưởng" của nhà thơ Tế Hanh "Con đường rợp bóng Hồ Chí Minh":

Trung với Đảng, hiếu với dân. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào cũng đánh thắng

Cháu khắc sâu trong tim lời Bác dặn

Nguyện sống theo lời Bác trọn đời mình

Trên con đường rợp bóng Hồ Chí Minh

Cuộc sống, con người của Bác đã kết tinh thành lẽ sống trong mỗi người dân. Sự nghiệp vĩ đại của Người làm thay đổi vận mệnh của cả dân tộc, thay đổi từng số phận cá nhân. Phải chăng vì thế, nhà thơ Chế Lan Viên trong bài "Người thay đổi đời tôi, Người thanh đổi thơ tôi" đã viết:

Tôi đến Nha Trang ngắm trời bể đẹp

Có hay đâu hang Pác Bó gió lùa

Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép

Mảnh áo chàm Bác mặc quá đơn sơ

 

Đất nước sắp đổi thay rồi mà tôi chẳng biết

Người thay đổi đời ta đã về kia, ta vẫn không hay

Tôi vẫn khép phòng văn hì hục viết

Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày...

Khi cả dân tộc còn chìm đắm trong lầm than của ách đô hộ của thực dân, Bác đã ấp ủ một khát vọng vô cùng lớn lao - đó là "Tìm đường đi cho dân tộc theo đi" - như nhà thơ Chế Lan Viên thể hiện trong "Người đi tìm hình của Nước" một thức nhận sâu sắc:

Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con

Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp

Một mái nhà yên r bóng xuống tâm hồn

Chính nhờ thức nhận ấy, nhà thơ có cơ hội để tái hiện một hình ảnh cao đẹp về đức hi sinh của Bác trên hành trình tìm đường cứu nước:

Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc

Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa

Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây?

Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?

Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ

Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?

Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?

Nụ cười sẽ ra sao?Ơi độc lập!

Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc

Khi tự do về chói ở trên đầu...

Tư tưởng đạo đức, phẩm chất cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành ánh sáng diệu kì chiếu rọi và thức tỉnh từng góc khuất tâm hồn về tấm gương hi sinh cao cả của Bác - như nhà thơ Vũ Quần Phương viết trong bài "Thấm trong Di chúc":

Quá thương đời và lo nỗi dân đau,

Bác cố tránh nói những lời ly biệt

Mượn câu thơ để khuây lòng thương tiếc.

Ôi lòng Người đo sao hết mông mênh

 

Nghĩ việc gì Bác cũng nghĩ từ dân

Nói về Đảng cũng vì dân mà nói

Nước còn giặc, dân còn khi lạnh đói

Bác đắng lòng trong mỗi miếng cơm ăn

 

Thắng quân thù dẫu phải mấy mươi năm

Nhưng hạt thóc rụng giữa đồng Bác tiếc.

Nguồn biển lớn uống muôn đời không hết

Vẫn kính nhường từng hạt nước trong sông

 

Bác Hồ ơi! Vị muối mặn con ăn

Đã kết đậm bao tình thương của Bác

Manh áo ấm con mặc khi trở rét

Đã dệt vào trăm mối Bác lo toan.

 

Phút giã từ trong ánh mắt đăm đăm

Nỗi ưu ái lại trào lên lần chót:

Hãy giữ đức cho trong, giữ lòng cho khiết

Sống kiệm cần, tương kết tương thân...

Cảm nhận về cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của Bác, nhà thơ Việt Phương trong bài Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương tái hiện:

Bác thường để lại đĩa thịt gà mà ăn trọn mấy quả cà xứ Nghệ

Tránh nói chữ to và đi nhẹ cả trong vườn

Tim đau hết nỗi đau người ở chân trời góc bể

Đến bên Người ta thở dễ dàng hơn

Bác trường tồn trong tâm khảm mọi người, như một lời tâm nguyện trong bài Chúng cháu canh giấc Bác Hồ ngủ, Bác Hồ ơi... của nhà thơ Hải Như:

Hỡi ai đó, xiết chặt thêm đội ngũ

Người vẫy ta kia, môi Bác mỉm cười

Bác giữa Ba Đình rực rỡ nắng tươi

Trong tim óc chúng ta, Người vẫn sống

Bác dẫu ngủ, kẻ thù đừng hy vọng

Ánh sáng Hồ Chí Minh mãi mãi soi đời

Bác thức tỉnh ta: giữ lấy kiếp người

Ta thức tỉnh, nguyện bên Người vĩnh viễn...

Bác chăm lo cho dân từ những sinh hoạt đời thường nhất trong bài thơ Giếng nước Bác Hồ của Phan Thị Thanh Nhàn:

Làng con nghèo, ở ngoại ô

Một chiều vui được Bác Hồ tới thǎm

Bác xem chỗ ở chỗ ǎn

Đến bên giếng đất, ân cần Bác khuyên:

Làng ta rồi phải sạch hơn

Giữ cho đôi mắt như gương trong ngần

Bác về, gửi gạch tặng dân

Giếng đầu tiên ấy ở sân đình làng

Tròn xoe dưới một tán bàng

Ôi gàu nước mát đầy tràn thương yêu

Lòng Cha chia khắp xóm nghèo

Thẳm sâu mạch nước trong veo giếng này...

Cảm nhận về công ơn trời biển trong bài Gửi lòng con đến cùng cha của Thu Bồn:

Hỡi Người những đất cùng hoa

Tấm thân hai cuộc xông pha trường kì

Hàng cây Bác đã xanh rì

Bóng râm toả mát đường đi loài người

Bác gieo giống bốn phương trời

Một ngòi bút cũng sáng ngời lưỡi lê

Bác nằm lòng trải ven đê

Quả tim khuya sớm đi về miền Nam

Bác đi dưới rặng dừa lam

Bác đi tóc trắng vườn cam chín vàng

Cầu treo lắt lo Bác sang

Bác bước nhẹ nhàng như thuở còn trai

Bác như ánh nắng ban mai

Chiếu soi bãi rậm truông dài con đi

Cảm nhận tấm gương về giản dị mà vĩ đại của Ban trong bài thơ Con viết bài thơ dâng Bác của Giang Nam:

Con nghe nói năm xưa Bác ra mặt trận

Cũng ruột nghé gạo đầy, cũng ống muối, ba lô

Giữa Hà Nội tươi vui đẹp màu áo sắc cờ

Bác vẫn giản đơn như cuộc đời bộ đội

Vẫn đôi dép cao su bốn mùa không thay đổi

Vẫn bộ đồ ka-ki quen thuộc, bạc màu

Mẹ hiền ơi! từng hạt thóc cọng rau

Nuôi con lớn thuở nước non còn nô lệ

Mẹ có biết đâu ngày nay con có Mẹ

Yêu thương con hơn máu mủ ruột rà

Mẹ không còn nhưng con mẹ đẻ ra

Đã lớn lên do tay Người dìu dắt

Con nhớ như in từng lời của Bác

Tiếng nói quê hương trong tiếng nói một người!

Đó cũng là những ước nguyện trong bài thơ Những quả tim chung nhịp đập Bác Hồ của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải:

Biết là sẽ chẳng thể nào khắc tạc được chân dung

Chúng con tạc chân dung Người trong ý thức

Làm thật tốt 6 điều răn của Bác

Trong mỗi quả tim luôn khắc tạc lời Người.

Tấm gương tận tuỵ hi sinh vì nhân dân, vì độc lập tự do của Tổ quốc đã trở thành biểu tượng của niềm tin và niềm kính trọng của mỗi người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Điều này được thể hiện trong bài Bức tượng đồng trong rừng sâu của nhà thơ Liên Xô Pa-ven An-tô-côn-xki cùng một lời đề từ có độ dài hiếm thấy: "Một lần kia tôi đến chơi nhà hai vợ chồng họa sĩ ở Hà Nội. Chồng, Phạm Vǎn Đôn - vợ, Nguyễn Thị Kim cả hai đều có huân chương và đều tham gia trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Anh là họa sĩ, chị là người nặn tượng, tôi chú ý đến một tác phẩm của Nguyễn Thị Kim. Bức tượng lớn nửa người bằng đồng này có một lịch sử. Trong những nǎm kháng chiến, bức tượng được chôn giấu cẩn thận ở một nơi trong rừng, người ta bảo vệ nó như bảo vệ quân trang, quân dụng, máy móc in và những khuôn chữ in bí mật. Sau chiến thắng của nhân dân, người ta đào bức tượng lên, trông ra bức tượng lại già hơn người được tạc. Bức tượng này tạc hình Chủ tịch nước Việt Nam, đồng chí Hồ Chí Minh", với những vần thơ thể hiện ngưỡng mộ:

Chị Nguyễn Thị Kim đem vào rừng giấu kịp

Bức tượng bằng đồng. Và chỉ tưởng như

Dưới lòng đất sâu giống Phật Thích Ca

Bức tượng đó ngầm lóe lên bao dấu vết...

 

Chị nhớ lại ngày với lưỡi dao nghệ sĩ

Chị đã lướt qua vầng trán làn da

Chị gọi Người bằng tiếng "Cha" thân ái

Và bức tượng đồng đáp lại tiếng ngân nga...

Và tưởng như chính Người đang khích lệ

Người nữ cán bộ nằm vùng và người lính trung kiên

Chị cúi xuống hôn bức tượng đồng yêu quí

Mà tay chị ngày nào đã kính cẩn tạc nên.

Bác Hồ không chỉ dành được sự kính trọng đặc biệt của người dân Việt Nam mà còn giành được sự ngưỡng mộ của rất nhiều bạn bè quốc tế. Ánh sáng tư tưởng về sự bình đẳng, quyền sống hoà bình từ áng Tuyên ngôn độc lập (1945) đã lan toả, được quốc tế hoá khắp hành tinh. Nhà thơ Chi-lê Vích-to Ha-ra trong bài Quyền sống hoà bình đã viết về Người:

Nhà thơ Hồ Chí Minh

đưa quyền sống hoà bình

từ Việt Nam

ra toàn nhân loại...

 

Bác Hồ

là bài ca của chúng ta

là ngọn lửa tình yêu trong sáng

là chim bồ câu trắng

là cành ô-liu

là tiếng hát của toàn thế giới

là chìa khoá mở ra chiến thắng cho quyền sống hoà bình.

Người đã đi vào cõi vĩnh hằng cách nay nửa thế kỉ, nhưng viết về Bác là một nguồn cảm hứng vô tận, đó là nguồn tiếp sức niềm tin vào sức mạnh vô song của tinh thần yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường và chủ nghĩa nhân văn cao cả trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kỉ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ trong bài Năm mươi năm ấy, lời Người, đã khái quát:

Nhớ lời Bác, phải sửa mình hơn nữa

Đạo đức đề cao, văn hóa đi đầu

Lũ sâu mọt, củi tươi hay củi ướt

Ném vào lò, xanh sạch những mùa sau

 

Làm theo Bác, mỗi việc làm, to nhỏ

Yêu con người, thương núi thẳm, rừng xa

Mắt đằm thắm và tay ấm nóng

Hồ Chí Minh-Việt Nam mãi vang xa.

Đó là những bài học tu dưỡng suốt đời, và "Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn/ Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi..." là tình cảm và nguyện ước của mỗi chúng ta.

Đà Lạt, 18/7/20/2019
N.T.H