Thứ Sáu, 26/07/2019 15:24

Hội thảo “Văn hóa ứng xử trong trường học”

Sáng ngày 26/7/2019, tại trụ sở Đại học Huế (3 Lê Lợi, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc gia “Văn hóa ứng xử trong trường học”. (KIM VƯƠNG)

Sáng ngày 26/7/2019, tại trụ sở Đại học Huế (3 Lê Lợi, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc gia “Văn hóa ứng xử trong trường học”.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham gia của các đại biểu đến từ Bộ GDĐT, TW Đoàn, các Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục đại học, các tỉnh, thành Đoàn, các chuyên gia nghiên cứu trong ngành giáo dục.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội; là cơ sở hình thành nhân cách cá nhân. Văn hóa ứng xử là hệ giá trị, tư tưởng, nhận thức về quan hệ ứng xử của mỗi người hoặc cộng đồng người đối với môi trường xã hội, tự nhiên và với bản thân, được thể hiện qua trang phục, thái độ, hành vi, ngôn ngữ theo những chuẩn mực văn hóa, đạo đức được xã hội thừa nhận. Văn hóa ứng xử trong trường học là hệ giá trị, tư tưởng, nhận thức về quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong nhà trường với các sự vật, hiện tượng xung quanh và với chính bản thân mỗi người, được thể hiện qua thái độ, hành vi, ngôn ngữ theo những chuẩn mực văn hóa, đạo đức được xã hội thừa nhận và được nhà trường quy định.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học sẽ tạo ra văn hóa học đường và động lực để phát triển, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, trí tuệ và lối sống tốt đẹp của nhà giáo, HSSV; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó nêu rõ quan điểm “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học…; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội” và Nghị quyết số 33-NQ/TW về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong đó yêu cầu “Xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lí tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ”.

Thực hiện nhiệm vụ tại QĐ số 1042/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn II (2016-2020), Bộ GDĐT đã trình TTg Chính phủ ban hành Quyết định số 1299/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” trong đó đã chỉ rõ mục tiêu “Tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lí, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.

Hội thảo “Văn hóa ứng xử trong trường học” được tổ chức nhằm đánh giá quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”; quán triệt các nhiệm vụ, giải pháp trong Quyết định số 1506 ngày 31/5/2019 ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” của ngành giáo dục, đánh giá việc triển khai Thông tư số 06/2019 ban hành quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên. Thông qua đó, Hội thảo đánh giá thực trạng, kết quả triển khai công tác xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học từ thực tiễn tại từng địa phương, đơn vị; những mô hình, cách làm hiệu quả cũng như những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới; trên cơ sở đó, Bộ GDĐT nhân rộng các mô hình văn hóa ứng xử trong trường học để góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng việc xây dựng văn hóa học đường nói chung và văn hóa ứng xử trong nhà trường nói riêng, tạo ra sự thay đổi nghiêm túc, đồng bộ về văn hóa học đường trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận xung quanh 5 vấn đề trọng tâm sau:

1. Vai trò của văn hóa học đường đối với việc hình thành nhân cách học sinh, sinh viên;

2. Thực trạng và giải pháp trong xây dựng văn hóa học đường hiện nay;

3. Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học;

4. Phát huy vai trò của người đứng đầu trong hướng dẫn, thực hiện văn hóa ứng xử;

5. Công tác phối hợp của các tổ chức đoàn thể thông qua các phong trào thi đua, cuộc vận động của Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Hội Đồng đội các cấp, sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa học đường và văn hóa ứng xử.

KIM VƯƠNG