Thứ Năm, 04/04/2019 16:08

Hồn dân tộc trong cuộc sống hiện đại

Buổi giao lưu và triển lãm về tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân Việt Nam qua các thời kì.

Với mong muốn lưu giữ và phát triển văn hóa dân tộc, nhóm bạn trẻ của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức triển lãm và tọa đàm mang tên Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ phủ - Nét đẹp từ văn hoá đến nghệ thuật. Chương trình diễn ra ngày 3/4 tại số 2 Trần Thái Tông, Hà Nội.

Sự kiện là kết quả của chuỗi hoạt động dự án “Mau.” - tuyên truyền thông tin Đạo Mẫu của nhóm bạn tới công chúng đặc biệt là giới trẻ. Từ đó giúp mọi người có cái nhìn tổng quan nhất về tín ngưỡng dân gian của Việt Nam.

Buổi tọa đàm có sự góp mặt của hai diễn giả là ông Nguyễn Đức Hiển – thanh đồng đã tham gia các giá đồng trong 16 năm và bà Đàm Lan – người quản lý dự án phim Mẹ Việt đồng thời cũng là nhà nghiên cứu về Đạo Mẫu.

Hai diễn giả tại sự kiện

Bản chất của Đạo Mẫu là sự đơn giản trong nhân sinh quan của con người Việt Nam

Khác với các dân tộc trên thế giới, tín ngưỡng của người Việt Nam coi trọng hình tượng người phụ nữ chỉ đơn giản bởi trọng trách của họ quá lớn lao: mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng con người. Cao hơn nữa, khi gặp khó khăn, người phụ nữ - đặc biệt là người mẹ, luôn ở bên cạnh, che chở chúng ta. “Tập tục thờ hình tượng người mẹ của người Việt đã có từ rất lâu, từ thời chúng ta săn bắt hái lượm. Người phụ nữ đóng vai trò chủ đạo trong gia đình. Một đứa trẻ cần được nuôi nấng bởi người mẹ. Một người chồng săn bắt không thành phải nhờ người phụ nữ hái lượm” – Thanh Đồng Nguyễn Đức Hiển chia sẻ đôi lời về nguồn gốc của tín ngưỡng.

Ngay cả khi các tôn giáo khác du nhập vào Việt Nam, thì những quan điểm của các tôn giáo đó không những không tác động tới Đạo Mẫu mà thậm chí bị tác động ngược lại để phù hợp với quan điểm người Việt. Thiên Chúa Giáo ở Việt Nam ngoài chúa Giê-su còn thờ cả Đức mẹ Đồng Trinh, Phật giáo thì lấy hình tượng Phật Mẫu Man Nương làm đức tin của con người. Không thần, không thánh, chỉ xuất phát từ những hành động đơn giản đã dẫn đến việc tôn thờ hình mẫu người phụ nữ. Khi tư tưởng người Việt phát triển, tín ngưỡng thờ mẫu đã trở thành Đạo Mẫu bởi xuất hiện những truyền thuyết như Lạc Long Quân, Âu Cơ, các nữ tướng có thật trong lịch sử.

Trang phục thực hiện nghi lễ hầu đồng

Đạo Mẫu thời hiện đại

Bà Đàm Lan chia sẻ “Tín ngưỡng có một sức mạnh vô hình mà sự hấp dẫn của nó không phụ thuộc vào việc bạn có thể nhìn thấy hay sờ thấy. Tâm đến đâu sẽ linh đến đấy...Không một tôn giáo hay Tín ngưỡng nào trên thế giới có thể truyền tải các giá trị giống như Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ của người Việt. Nó còn là công cụ để bảo tồn và lan tỏa nét đẹp văn hóa Việt…”

“Tâm linh chỉ mang ý nghĩa tâm linh khi bạn tin vào đó, nghệ thuật mang ý nghĩa nghệ thuật khi bạn tin vào đó. Đạo Mẫu phát triển theo tâm linh hay nghệ thuật đều dựa vào quan điểm của bạn” – Đây là quan điểm đồng nhất của cả hai diễn giả.

Con người bây giờ thường chỉ biết những mặt tối của hiện tượng, quan điểm. Việc có quan điểm sai lệch như buôn thần bán thánh hay dùng những chiêu trò gì lừa đảo để chiếm đoạt tài sản đang xuất hiện ngày càng nhiều. Đó là biến tướng của nghi lễ hầu đồng (dùng các loại chất kích thích, lễ nghi không có trật tự,…), biểu hiện qua trang phục, phá bỏ khuôn phép như có những ngoại phục: áo khoác, áo độn trong, độn ngoài,… người bình thường khó có thể nhận biết thanh đồng đó đang hầu giá nào.

Không phải ngẫu nhiên mà UNESCO lại công nhận di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại 21 tỉnh thành của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 1/12/2016. Giữa những biến tướng và mượn danh Đạo Mẫu còn tồn tại, buổi tọa đàm và triển lãm giúp công chúng có cái nhìn tổng quan và cụ thể hơn về một tín ngưỡng chứa đựng cả tính nghệ thuật.

Tứ phủ là khái niệm thường được đi liền với tam phủ - hệ thống ba vị mẫu đệ nhất, đệ nhị, và đệ tam (không bao gồm mẫu đệ tứ). Có tài liệu cho rằng hệ thống tứ phủ được xây dựng từ tam phủ cộng thêm mẫu Liễu. Tuy nhiên, do các tín ngưỡng Việt Nam hầu như chỉ được gìn giữ từ đời này sang đời khác qua hình thức truyền khẩu mà không có tài liệu rõ ràng và ít được nghiên cứu. Do đó có sự đa dạng tùy theo từng vùng, và được giải thích theo nhiều hướng khác nhau.

Tứ phủ bao gồm:

Thiên phủ (miền trời): mẫu đệ nhất (mẫu Thượng Thiên) cai quản bầu trời, làm chủ các quyền năng mây mưa, gió bão, sấm chớp.

Nhạc phủ (miền rừng núi): mẫu đệ nhị (mẫu Thượng Ngàn) trông coi miền rừng núi, ban phát của cải cho chúng sinh.

Thuỷ phủ (miền sông nước): mẫu đệ tam (mẫu Thoải) trị vì các miền sông nước, giúp ích cho nghề trồng lúa nước và ngư nghiệp.

Địa phủ (miền đất): mẫu đệ tứ (mẫu Địa) quản lý vùng đất đai, là nguồn gốc cho mọi sự sống.

THANH TÙNG