Thứ Tư, 21/07/2021 19:22

Hồng hạc bị đe dọa

Trong ảnh là xác một con hồng hạc bị chết và chôn vùi dưới bùn tại hồ Tuz, Thổ Nhĩ Kỳ. Đó chỉ là một trong hàng nghìn con đã bị chết tại đây trong hai tuần qua.

Trong ảnh là xác một con hồng hạc bị chết và chôn vùi dưới bùn tại hồ Tuz, Thổ Nhĩ Kỳ. Đó chỉ là một trong hàng nghìn con đã bị chết tại đây trong hai tuần qua. Điều này làm đau lòng bất cứ ai từng bị vẻ đẹp bề ngoài cũng như tập tính sinh hoạt của loài chim này mê hoặc.

Mỗi năm có khoảng 10.000 con hồng hạc sinh sống tại hồ Tuz, hồ nước mặn lớn ở tỉnh Konya, miền trung Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là vùng sinh sản tự nhiên lớn nhất của hồng hạc trên thế giới. Nhưng số lượng hồng hạc ở đây đang bị giảm đi đáng kể. Năm nay chỉ có 5.000 quả trứng hồng hạc nở trong đàn và hầu hết hồng hạc con chết xuất phát từ nguyên nhân thiếu nước khiến hồ Tuz trở nên khô cạn.

Cảnh quay và những bức ảnh từ máy bay không người lái trên hồ Tuz cho thấy những con hồng hạc chết nằm la liệt, vùi trong lớp bùn khô. Người ta nghi ngờ rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng hồng hạc chết hàng loạt là từ hệ thống tưới tiêu nông nghiệp dẫn đến hạn hán nhưng quan chức địa phương cho rẳng không có căn cứ về điều này. Còn các nhà môi trường cho rằng đó là kết quả của biến đổi khí hậu. Theo họ, các hoạt động canh tác cùng với biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến hạn hán, khiến nhu cầu nước trong khu vực vượt xa nguồn cung đến 30% vào năm ngoái.

Hồ Tuz Gola là hồ lớn thứ hai tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có nhiều tảo đỏ có tên Dunaliella sinh sống khiến cho nước hồ có màu đỏ. Đây cũng là nơi tập trung nhiều chim hạc, và chim hạc ở đây có màu hồng được cho là do ăn tảo đỏ. Việc bị mất nước khiến cho độ mặn của hồ tăng cao, giết chết nhiều loại sinh vật ăn tảo đỏ trong đó có hồng hạc. Nước mất đi cũng khiến loài tảo này phát triển nhanh khiến màu nước trong hồ chuyển sang đỏ sẫm như máu.

Năm 2000, Hồ Tuz trở thành khu vực được bảo vệ đặc biệt, nhằm mục đích bảo vệ sự đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của Thổ Nhĩ Kỳ.

Phương Linh dịch tổng hợp