Thứ Năm, 02/12/2021 11:00

Họp báo giới thiệu hội thảo về Chiến dịch Hòa Bình

Sáng 2/12/2021, tại 84 Lý Thường Kiệt, Hà Nội diễn ra Họp báo giới thiệu hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng kỉ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (10/12/1951-10/12/2021).

Sáng 2/12/2021, tại 84 Lý Thường Kiệt, Hà Nội diễn ra Họp báo giới thiệu hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng kỉ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (10/12/1951-10/12/2021).

Tới dự Hội thảo có các đại biểu: Đại tá Trần Ngọc Anh, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị); Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; bà Nguyễn Thị Minh Thuận – Phó trưởng ban tuyên giáo tỉnh Hòa Bình. Ba đơn vị đồng chủ trì cuộc họp báo.

Đại tá Trần Ngọc Anh, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn – Tổng cục Chính trị phát biểu tại buổi họp báo, giới thiệu đại biểu và nêu ý nghĩa về việc chuẩn bị hội thảo khoa học kỉ niệm Chiến thắng Hòa Bình.

Chủ đề của Hội thảo là “Chiến thắng Hòa Bình – Thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược của Đảng và bài học lịch sử” được thực hiện ở quy mô Bộ Quốc phòng.

Đại tá Trần Ngọc Anh nhấn mạnh, Hội thảo nhằm khẳng định và làm rõ: Bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế, đặc biệt là tình hình ba nước Đông Dương, âm mưu, thủ đoạn tiến công chiếm đóng và xây dựng hệ thống phòng thủ của thực dân Pháp ở khu vực Hòa Bình- Sông Đà – Đường 6; Hội thảo còn nhằm chỉ ra những nét đặc sắc, độc đáo về nghệ thuật chỉ đạo và điều hành chiến tranh của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh trong Chiến dịch Hòa Bình; sự phát triển của nghệ thuật quân sự, vai trò, đóng góp của lực lượng vũ trang và nhân dân trên cả mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch trong Chiến dịch Hòa Bình; Hội thảo cũng nhằm khẳng định tầm vóc, ý nghĩa, những kinh nghiệm và bài học lịch sử, vận dụng và phát huy những bài học kinh nghiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ quốc phòng tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai công tác chuẩn bị cho Hội thảo. Cùng với đó, Viện cũng xây dựng chủ đề, thu thập các bài tham luận. Đến nay, Ban tổ chức đã thu được 86 bài, trong đó có 82 bài báo cáo, tham luận và 4 ý kiến của nhân chứng lịch sử.

Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam thay mặt Ban tổ chức giới thiệu mục đích, ý nghĩa, chủ đề, nội dung, chương trình và các hoạt động bên lề Hội thảo.

Trong số những bài tham luận, có những bài của các Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ tổng Tham mưu, Tổng Cục chính trị như: bài của Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; bài của Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng…; bài của đại diện lãnh đạo các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ; bài của đại diện cơ quan Trung ương như của bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Cùng với đó là những ý kiến tham luận của các nhân chứng lịch sử - những người trực tiếp tham gia vào Chiến dịch Hòa Bình như: Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên Thư kí Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Hòa Bình, Đồng chí Đỗ Hạp, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 209, Tiểu đoàn 23, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308, tham gia tiến công cứ điểm Tu Vũ; Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 tiến công Điểm cao 600 Ba Vì… Những bài tham luận, đóng góp sẽ được in thành sách kỉ yếu, phục vụ Hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Minh Thuận, Phó trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Hòa Bình giới thiệu thành phần tham dự Hội thảo gồm 250 đại biểu và phóng viên, giới thiệu các hoạt động bên lề Hội thảo: tổ chức Dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ chiến dịch Hòa Bình; tổ chức thăm và tặng quà những gia đình chính sách tại thành phố Hòa Bình.

Dự kiến, Hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 7/12/2021, tổ chức trực tuyến tại 13 điểm cầu. Điểm cầu chính tại số 8, đường An Dương Vương, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hoà Bình cùng 12 điểm cầu khác thuộc các Quân khu 1, 2, 4, 5, 7, 9, Quân đoàn 1, 2, 3, 4; Học viện Lục quân; Trường Sĩ quan Lục Quân.

BÌNH NGUYÊN