Thứ Tư, 30/03/2022 06:38

Jacques Prévert hay là sự đăng quang của thi ca duy vật

Thơ của Prévert tràn đầy nghị lực sống bởi vì ông nghĩ, ông diễn đạt và ông sống như biết bao những con người bình thường, vô danh khác. Thơ của ông thuộc về quảng đại quần chúng: trong sáng, quyến rũ nhưng cũng đầy hoài nghi trước những tấn tuồng mang dáng vẻ to tát lớn lao.

.MAURICE NADEAU

Nhà thơ Jacques Prévert sinh ngày 4/2/1900 tại Neuilly-sur-Seine và mất ngày 11/4/1977 tại Omonville-la-Petite (Manche), Pháp. Là tác giả của các tuyển tập thơ, trong đó có tập Paroles (Những lời nói-1946), ông là nhà thơ được nhiều người yêu mến bởi ngôn ngữ bình dị và cách chơi chữ khéo léo tinh tế. Những bài thơ của ông đã nổi tiếng trong thế giới Pháp ngữ và được giảng dạy trong các trường học ở Pháp. Ông cũng đã hoạt động tích cực trong các lĩnh vực sân khấu và điện ảnh, trong lĩnh vực nào ông cũng biểu thị một tài năng chói sáng. Tiểu luận về thơ ông của Maurice Nadeau được chuyển ngữ bởi dịch giả Dương Thắng.

1.

Điều gây ấn tượng mạnh nhất ở Prévert là sức mạnh toàn năng của các sự kiện, sự việc, các mẩu tin vặt vãnh, các giai thoại. Những bài thơ của ông lấy cảm hứng từ những gì đích thân ông nhìn thấy, chạm vào, lắng nghe và thông thường nhất chỉ là những mô tả, không phải là những mô tả trạng thái tâm hồn hay suy tưởng mà là những hiện tượng của thực tại được các giác quan của ông nắm bắt và thực sự đang tồn tại sống động xung quanh ông. Jacques Prévert luôn tìm cách mô tả và giới thiệu các sự vật một cách “nguyên thủy và trần trụi” nhất giống như chúng vẫn đang diễn ra trong thế giới, tránh tô vẽ , ban phát hay áp đặt những màu sắc hay hương vị đặt biệt, bắt nguồn từ hình dạng, chất liệu hay cách sử dụng chúng. Một phiến đá / Hai ngôi nhà / Ba phế tích / Bốn phu đào huyệt / Một ngôi vườn/ Những bông hoa. Bài thơ có dạng một bảng “ kiểm kê” , trong đó tác giả gọi tên các sự vật, thực hiện một phép đếm đơn giản các đối tượng mà ông gợi ý cho chúng ta nhìn, ông bày ra cho chúng ta thấy .Nhưng tại sao đa phần các bảng “kiểm kê” của các thủ kho không bao giờ trở thành một bài thơ, còn những “ bản kiểm kê" của Prévert lại luôn luôn trở thành những bài thơ đầy ám ảnh ? Các đối tượng được nhắc đến trong các bảng kiểm kê của các thủ kho thường được phân chia theo thể loại, được sắp xếp và kể ra theo một trật tự đầy lí trí và lô gic chặt chẽ, còn nhà thơ lại gợi ra tên các sự vật một cách đầy ngẫu nhiên và bất ngờ, dẫn dắt bằng sợi chỉ vô hình kết nối các ý tưởng, tình cảm và những cảm xúc. Đó là những sự hòa quyện đầy bất ngờ của những đối tượng tưởng chừng như hoàn toàn xa lạ với nhau, tạo ra một ấn tượng đầy ngỡ ngàng và thi vị. Chúng ta cũng sẽ nhận thấy việc xuất hiện những cảm xúc như vậy khi xem các bức tranh của Chirico hay Dali: một khẩu đại bác được trang trí ở trong phòng ăn hay một con tôm hùm dùng làm tai nghe chiếc điện thoại bàn. Cần phải nhấn mạnh rằng không phải việc mang các đối tượng bất kì nào, ở khoảng cách ban đầu bất kì nào đến để cạnh nhau, “hôn phối” với nhau trong một tác phẩm nghệ thuật là sẽ thành công, đôi khi đó chỉ đơn giản là một sự hỗn loạn thuần túy. Có những quy luật bí ẩn, nằm ngoài tầm ảnh hưởng của logic và tính thực dụng đã tác động vào đây.Trong bài thơ vừa nhắc đến ở trên, có một sợi dây vô hình đã nối các từ: phiến đá, ngôi nhà, phế tích , còn phía bên kia là các từ: phu đào huyệt, ngôi vườn, những bông hoa được gắn kết với nhau và dường như tồn tại con một đường tắt để nối từ phế tích với phu đào huyệt! Bằng những nét vẽ đơn giản và trực diện, con người cũng dễ dàng biến thành một thứ đồ vật để chúng ta quan sát với một sự dưng dưng trong tâm khảm: Lạc lối và lạnh buốt / Đơn độc / Không một xu dính túi / cô gái mười sáu tuổi / Đứng im lìm / Trên quảng trường Concorde / Buổi trưa ngày 15 tháng Tám. Nhưng nếu chú ý hơn một chút, chúng ta sẽ nhận ra ở đó một thứ gì đó gây xao xuyến. Có một điều gì đó tạo ra ngạc nhiên và băn khoăn . Và cuối cùng chúng ta đã nhận ra sự không tương thích của đối tượng với thời gian và địa điểm nêu ra trong đó! Trong bài thơ “Điểm tâm buổi sáng” (Déjeuner du matin) chúng ta nhìn thấy các sự vật đang chuyển động, chúng kết thành một chuỗi các động tác/ trạnh thái với sự vắng mặt hoàn toàn của chủ thể: Chàng rót café vào tách / Chàng rót sữa vào trong tách café / Chàng cho đường vào tách café-sữa. Một sự mô tả chi tiết từng động tác li ti, chậm rãi và chính xác giống như đang quay phim, còn chúng ta không biết cái gì thực sự đang diễn ra, diễn ra ở đâu và ai là người đang “quay” những thước phim đó. Thi ca đột ngột xuất hiện không một dấu hiệu báo trước sau cú va chạm giữa hai thứ thực tại: thực tại của những cử chỉ điềm tĩnh đơn giản và máy móc theo thói quen và thực tại bão tố đầy xáo trộn mà chúng đang che giấu: ...Và chàng đã ra đi dưới trời mưa/ không một lời giã biệt/ không một ánh mắt liếc nhìn/ Tôi úp mặt vào lòng bàn tay/ Nghẹn ngào khóc. Chúng ta đều biết rằng với các nhà thơ, từ ngữ là những đối tượng thao tác, và chúng ta cũng biết rằng sau khi “bóc tách” chúng ra khỏi những trường cảm xúc thông thường, “rửa sạch” chúng khỏi những ngữ nghĩa quen thuộc đến chai lì vẫn đeo bám, các nhà thơ sẽ chơi đùa với từ ngữ như những viên đá rải đường, sắp xếp chúng để tạo ra những tổ hợp ngữ nghĩa mà trong đó mỗi từ ngữ sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn mới lạ độc đáo và thấm đẫm chất thơ. Những thao tác như thế sẽ tạo ra những đối tượng mới , gây kinh ngạc nơi người đọc. Một cụ già bằng vàng với chiếc đồng hồ cũ nát/ Một nữ hoàng sầu muội với người đàn ông nước Anh / Những người lao công của hòa bình với những người canh biển / Một con rắn cuộn trong cốc café với chiếc cối xay gió đeo kính lão. Trò chơi chữ, lối nói lái, nuốt vần hay ẩn vần mà Prévert sử dụng đầy hào hứng chỉ là những thao tác "cơ giới" trên những từ ngữ được cưỡng bức “ hôn phối” với nhau để tạo ra một thực tại mới. Hòa trộn một vài từ ngữ với nhau, ông nhanh chóng tạo ra một thứ logic mới cho phép chỉ trong một nhát cọ vẽ sẽ dựng nên một thứ thực tại kì lạ nhưng đầy sức thuyết phục và ám ảnh. Để làm được điều đó , nhà thơ không có cách nào khác ngoài việc trở thành một bậc thầy, một thứ phù thủy của ngôn ngữ...

Nhà thơ Jacques Presvert.

2.

Prévert đã thực hành các sáng tạo của mình với một chủ đích rõ ràng nhằm tạo ra những hiệu ứng hài hước và ấn tượng. Thông thường ông thích sử dụng lại các từ ngữ mà mọi người vẫn quen dùng, những từ ngữ đã ít nhiều bị “mất giá”, bị “bào mòn” bởi tần suất sử dụng quá nhiều trong đời sống. Qua bàn tay ông, bằng cách khôi phục lại các ngữ nghĩa cụ thể, vật chất mà những từ ngữ đó có khả năng thu nạp,btừ ngữ vốn quen thuộc trong những bài thơ của ông bỗng mang những sắc diện tươi mới, trong trẻo và rất “thơ”: Người đàn ông cao lớn loạng choạng / Vấp phải một câu trống rỗng / Đổ nhào vào bên trong [...] ...những đám mây lả đi như nhưng con chó đói [....] ...Như một quả cam thối vỡ tan từng mảnh khi bị ném mạnh vào bức tường / Bài Marseillaise (quốc ca của nước Pháp-ND) vỡ òa”. Chúng ta dễ dàng nhận ra một lượng lớn các từ ngữ , được dùng với các ngữ nghĩa cụ thể, mang thuộc tính vật chất trong các bài thơ của Jacques Prévert. Một số bài thơ được xây dựng hoàn toàn bằng các từ ngữ đầy sức nặng và rắn chắc như những tảng đá: Họ gõ trống / Họ đập các tấm thảm / Họ vắt quần áo / Họ phơi chúng lên / Họ là chúng/ Họ lật ngược chúng ... Nếu so sáng những bài thơ “hiện thực, vật chất” này của ông với bất kì bài thơ theo khuynh hướng “thần bí/tâm linh” chúng ta dễ dàng nhận thấy ở thể loại sau các từ ngữ thường bị nhạt nhòa đi, mất trọng lượng và bay đi như những làn khói yếu ớt. Chúng ta cũng sẽ giải thích được vì sao thơ của Prévert cần phải được đọc lên, cần phải đến với độc giả thông qua giọng nói. Hơn thế nữa đó là thể loại thơ rất thích hợp để phổ nhạc và hát lên. Những hiệu ứng đó bắt nguồn từ tính cụ thể, tính vững chắc của các từ ngữ trong thơ ông. Khi ngân nga, đọc đi và đọc lại chúng, các từ ngữ đó sẽ ngân vang với đầy đủ các sức nặng của nó.

3.

Sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu chúng ta muốn thâm nhập vào thế giới cảm hứng của Jacques Prévert và trả lời cho câu hỏi vì sao ông gần như là nhà thơ duy nhất trong nền thơ ca đương đại đã có thể phác họa lại và cấu trúc lại cái thế giới vật chất mà chúng ta đang sống mà không bị rơi vào cái nguy cơ tầm thường hóa thơ ca. Giai đoạn đầu, ông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của trường phái siêu thực. Những năm tháng đó, gần như ông không viết gì, ông dồn hết sức lực vào việc nghiền ngẫm và nuôi dưỡng / nâng cao tâm hồn mình bằng việc thu nạp những tín điều của chủ nghĩa siêu thực. Ngày nay chúng ta hiểu rõ rằng chủ nghĩa siêu thực nhắm đến một hiểu biết toàn diện về con người và thế giới, nhắm đến việc xây dựng một thứ nhất nguyên kết nối mỗi cá nhân với thế giới trong một thứ thực tại không nghịch lí. Chúng ta cũng đã biết rằng mỗi nghệ sĩ của chủ nghĩa siêu thực, những nghệ sĩ đầy tài năng, tùy theo khí chất của mình, đã theo đuổi những con đường nghệ thuật khác nhau, đôi khi dường như đối nghịch nhau, nhưng tất cả, ở cuối mỗi chặng đường, đều tụ hội về một điểm. Một trong những con đường ấy hướng theo một lối tiếp cận tuyệt diệu, những cảm nhận đến trực tiếp từ những những hình ảnh trông thấy, những âm thanh nghe thấy của những cảnh tượng “tầm thường” hàng ngày vẫn diễn ra quanh ta: một con đường, một tấm áp phích, một khúc đồng dao của trẻ em,một tai nạn, một người đàn bà băng ngang đường, một chiếc áo lẻ loi phơi trên cửa sổ ngôi nhà tồi tàn ở ngoại ô...

Bộ phim Những đứa trẻ của Thiên Đường, đạo diễn Marcel Carné có kịch bản và lời thoại của Jacques Prévert.

Trong thơ ông, luôn tràn ngập những cảm nhận mới mẻ trước những cảnh tượng dường như quá quen thuộc với những người khác, đôi khi đi đến chỗ bị sốc trước sự vô cảm chung của một cộng động ngày càng chai lì và cũ mòn. Những cảm giác này không bao giờ được mô tả trực tiếp , chúng chỉ được tái tạo lại trong trí óc người đọc khi đọc hết bài thơ, giống như một người vừa trực tiếp ngắm nhìn cảnh tượng đó. Jacques Prévert cũng là người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, cái công việc đòi hỏi ông phải hoạt động, phải chuyển động không ngừng giữa các hình ảnh, những hình ảnh vật chất, cụ thể và dường như tiếp diễn bất tận. Sẽ thật sự đáng ngạc nhiên nếu những hoạt động đó không có một chút gì ảnh hưởng đến thơ ca của ông. Chúng ta cũng biết rằng , trong điện ảnh , không có đất cho những diễn giải dông dài, trong điện ảnh, mọi cảm xúc sẽ được diễn dịch qua những cử chỉ, những ứng xử. Những trạng thái bi kịch nhất có thể đến từ hình ảnh một đồng xu lăn trên mặt đất, một cánh cửa mở hững hờ hay một con thuyền xuôi lẻ loi trên dòng nước. Sự kiệm lời, cách tiết kiệm tối đa các phương tiện gợi cảm, nhưng luôn là những gợi cảm chính xác và đầy sức nặng có mặt trong rất nhiều bài thơ của Prévert: Ba que diêm lần lượt đốt lên trong đêm / Que thứ nhất để ngắm gương mặt em / Que thứ hai để ngắm đôi mắt em / Que thứ ba để ngắm làn môi em / Và bóng tối ngập tràn để nhắc anh nhớ về tất cả / Ôm xiết em trong vòng tay. Đó chẳng phải là những cảnh tượng “thuần chất” điện ảnh hay sao? Nhà thơ cũng thường xuyên sử dụng các kĩ thuật điện ảnh để cấu trúc các bài thơ. Các hình ảnh mà ông sáng tạo luôn tuần tự trôi đi, nối tiếp nhau một cách chuẩn xác. Ông hiếm khi trộn lẫn các hình ảnh với nhau ngoài một vài trường hợp khi ông cầu viện đến thủ pháp “chồng hình”. Prévert luôn khai thác đến cạn kiệt những hiệu năng của một hình ảnh trước khi chuyển sang một hình ảnh khác. Như một cách để thử nghiệm, đôi khi ông sử dụng các thủ pháp “tăng tốc” hay “giảm tốc” . Bài thơ “Kiểm kê” thuộc dạng thứ nhất còn bài “Bữa ăn sáng” thuộc dạng thứ hai. Trong trường hợp thứ nhất, bài thơ như một chiếc ống kính máy ảnh lia nhanh gọn liên tiếp các đối tượng các đồ vật được xem xét, ở trường hợp hai, những cử chỉ / động tác của nhân vật lại được phân tách, chia nhỏ đến mức tối đa và trôi đi với một tốc độ vô cùng chậm rãi.

4.

Thấm đẫm các yếu tố điện ảnh, những bài thơ của Prévert vẫn cứ là những tác phẩm thi ca đích thực, bởi lẽ Prévert không chỉ là người chỉ ra các hình ảnh, những ánh phản chiếu nhợt nhạt của một thế giới bền chắc, ông thực sự là đấng sáng tạo của một thế giới chân thực nhưng lại luôn luôn nằm ngoài tầm quan sát của những kẻ đương thời với ông. Tình yêu, sự khốn khó, những vẻ tự mãn của tầng lớp tư sản trung lưu,.. trong thơ ông, tất cả chỉ là những nốt nhạc của của một bản giao hưởng thuộc về một thứ âm nhạc đích thực: một thứ nhạc chối tai của những tiếng nghiến răng, những nhịp điệu nặng nề như những tiếng thở của những người lao phổi. Đó là thứ âm thanh đặc trưng cho những mối quan hệ xã hội trong thời đại chúng ta đang sống. Thế giới của Prévert không phải là thế giới của những đối tượng thuần khiết, đó là một thế giới của những đồ vật, những con người, những thể chế mang những gương mặt khác nhau tùy vào vị trí, vai trò và trạng thái neo buộc vào trong đó. Thơ của Prévert tràn đầy nghị lực sống bởi vì ông nghĩ, ông diễn đạt và ông sống như biết bao những con người bình thường, vô danh khác. Thơ của ông thuộc về quảng đại quần chúng: trong sáng, quyến rũ nhưng cũng đầy hoài nghi trước những tấn tuồng mang dáng vẻ to tát lớn lao. Ông yêu thích các trò chơi chữ, nói lái hay kiểu cách pha trò của những người bình dân, những thứ rất hiếm gặp ở tầng lớp trung lưu hay tư sản. Jacques Prévert thực sự là một “phu chữ”, một người đầy chăm chút với công việc của mình, chắc chắn rằng những bài thơ đã lấy đi của ông rất nhiều sức lực. Đọc thơ ông, chúng ta sẽ chẳng bao giờ nhận thấy dấu tích của những nỗ lực đó, giống như chúng ta chẳng bao giờ nhận ra dấu vết giọt mồ hôi của những người thợ khi chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc kiêu hãnh tồn tại với thời gian.

DươngThắng (dịch từ nguyên bản “ Jacques Prévert ou l’avènement de la poésie matérialiste” của Maurice Nadeau , in trong cuốn” Serviteur !” (Người phục vụ), Nxb Albin Michel. 2002)