Thứ Năm, 12/06/2025 11:03

Jeanine Cummins: “Tôi biết bản thân mình đã thua cuộc”

Năm năm sau những chỉ trích dữ dội, Jeanine Cummins, tác giả của cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi “Bụi đường di dân” quay lại với một tác phẩm mới.

Năm năm sau những chỉ trích dữ dội, Jeanine Cummins, tác giả của cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi “Bụi đường di dân” quay lại với một tác phẩm mới. Nhưng lần này, bà mang theo cả vết sẹo từ quá khứ lẫn những câu hỏi chưa lời giải đáp: Ai có quyền kể câu chuyện của người khác? Và liệu thành công thương mại có đủ sức xoa dịu một trái tim bị tổn thương?

Khi Jeanine Cummins xuất hiện trên màn hình video để phỏng vấn, hình đại diện của bà không phải là gương mặt quen thuộc hay khung cảnh thư phòng thường thấy của giới văn chương, mà là bìa tiếng Tây Ban Nha của “American Dirt” Bụi đường di dân. Với nhiều người, đó là lựa chọn khó hiểu, thậm chí táo bạo. Nhưng với Cummins, có lẽ đó là một cách đối diện thẳng thắn với quá khứ, một quá khứ đã khiến cuộc đời bà đổi hướng.

“Có lúc chồng tôi hỏi: ‘Nếu biết trước những gì sẽ xảy ra, em có viết cuốn sách đó không?’. Tôi đã trả lời ‘Không. Em sẽ không đụng đến nó’,” Cummins chia sẻ. Nhưng rồi năm tháng trôi qua, nỗi đau dịu lại, và câu trả lời cũng thay đổi. Bây giờ, sau 5 năm, bà nói chắc nịch: “Tôi vui vì mình đã viết cuốn sách đó. Tôi tự hào. Nhưng không thể phủ nhận, phản ứng dữ dội từ dư luận thật sự rất khó vượt qua.”

Nhà văn Jeanine Cummins.

Bụi đường di dân ra mắt vào năm 2020, được kì vọng trở thành hiện tượng văn học và thực tế đã làm được điều đó. Với khoản ứng trước 7 con số, sách phủ sóng các hiệu sách lớn nhỏ, nhận được vô vàn lời khen từ giới phê bình. Có người gọi nó là “Chùm nho phẫn nộ của thời đại chúng ta”.

Thế nhưng, những lời ca ngợi nhanh chóng bị lấn át bởi làn sóng chỉ trích dữ dội. Cuốn tiểu thuyết kể về hành trình trốn chạy khỏi băng đảng ma túy Mexico của một người mẹ và con trai bị cáo buộc là đã “chiếm dụng văn hóa”, “khai thác nỗi đau của người di cư” khi chính tác giả không phải người Mexico, cũng không có trải nghiệm tị nạn.

Một bức thư ngỏ với chữ kí của 141 nhà văn gửi đến Oprah Winfrey yêu cầu bà loại cuốn sách khỏi câu lạc bộ sách danh tiếng của mình. Cummins, người có bà là người Puerto Rico, phải lên tiếng: “Ước gì ai đó da ngăm hơn tôi một chút mới là tác giả cuốn sách đó. Nhưng tôi cũng nghĩ, nếu tôi có thể là một cây cầu kết nối, thì tại sao lại không làm?”

Điều khiến Cummins day dứt nhất không phải là sự nổi tiếng bất đắc dĩ, mà là cách người ta phủ nhận cảm xúc cá nhân trong một tác phẩm mà theo bà, rất riêng tư. “Tôi viết cuốn sách đó khi đang đau buồn vì cha mất. Khi người khác chỉ ra, tôi mới nhận ra các nhân vật chính cũng đang đau đớn vì người cha của mình.”

2 tác phẩm nổi tiếng của Jeanine Cummins.

Sự đồng cảm của bà dù không có cùng xuất thân vẫn bị cho là không đủ. Có người nhắc lại một bài bình luận cũ của bà năm 2015, nơi bà tự nhận mình là người da trắng. Điều này càng đẩy bà vào thế khó trong một thời đại mà người ta ngày càng nhạy cảm với ranh giới văn hóa, màu da, và quyền kể chuyện. “Tôi là người Latin, nhưng tôi có làn da trắng. Và tôi không thể tin rằng vào năm 2020, tôi vẫn phải giải thích rằng người Latin cũng có nhiều màu da khác nhau.”

Tác phẩm mới nhất Speak to Me of Home ra đời từ chính sự giằng xé về danh tính ấy. Đây là một tiểu thuyết liên thế hệ về một gia đình gốc Ireland - Puerto Rico, phản ánh chính gia đình bà. Lần này, câu hỏi “Ai có quyền kể?” không còn dễ nổ ra – vì chính bà đang kể về nguồn cội của mình.

“Điều đó khiến tôi cảm thấy được an ủi. Nhưng không phải vì muốn tránh bị chỉ trích mà tôi viết cuốn sách này,” Cummins nói.

Nhân vật Rafaela trong truyện được lấy cảm hứng từ người bà của bà, một phụ nữ từng sống ở Puerto Rico, bị buộc phải rời bỏ quê hương, làm việc tại căn cứ hải quân Mĩ, và đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc khi sang định cư ở St. Louis. Đứa con của bà giống như chính Cummins, bị cấm nói tiếng Tây Ban Nha để dễ hòa nhập ở trường học. Sự mất gốc, cảm giác không thuộc về đâu, là điều mà Cummins đã mang theo suốt cuộc đời.

Thời sinh viên, Cummins từng cùng bạn trai người da đen sáng lập một câu lạc bộ mang tên Target Unity, nhằm xóa nhòa ranh giới chủng tộc. Nhưng “không ai đến. Không ai muốn điều đó.” Trải nghiệm đó khiến bà nhận ra sự chia cắt vô hình trong cộng đồng, và càng thấm thía khi bước chân vào ngành xuất bản, nơi mà, theo bà, cũng tồn tại những định kiến ngầm.

Vì thế, khi chính ngành này quay sang chỉ trích bà, Cummins không khỏi cảm thấy “kì lạ”. Bà nói: “Tôi hiểu vì sao họ giận. Nhưng tôi nghĩ mình cũng bị mắc kẹt giữa sự giận dữ đó và những ý định tốt ban đầu của mình.”

Bụi đường di dân đã bán được 3,5 triệu bản, một con số mà bất cứ nhà văn nào cũng mơ ước. Nhưng với Cummins, thành công thương mại ấy không đủ để khỏa lấp sự mất mát mà bà cảm thấy trong những năm tháng khủng hoảng.

“Chồng tôi thỉnh thoảng gửi cho tôi ảnh chụp những bình luận dễ thương, nhưng tôi chẳng bao giờ đọc các bài viết hay đánh giá về sách nữa,” bà thú nhận. “Tôi không thích khi người ta khen cuốn sách chỉ để bảo vệ quyền được viết của tôi. Điều đó làm tôi thấy buồn. Vì đáng ra, họ nên nói về cuốn sách, chứ không phải về tôi.”

Jeanine Cummins không phủ nhận rằng Bụi đường di dân là một chiến thắng – về mặt doanh số, danh tiếng, ảnh hưởng. Nhưng ở một nơi nào đó sâu thẳm, bà biết: “Tôi đã thua. Không phải vì tôi sai, mà vì tôi đã phải trả giá quá đắt để nói lên một câu chuyện mà lẽ ra nên được cảm nhận bằng sự sẻ chia, chứ không phải tranh cãi.”

Trong hành trình trở về từ bão giông, Cummins vẫn tiếp tục viết vì bà tin viết là quyền của mọi nhà văn, bất kể họ đến từ đâu. Nhưng có lẽ, từ giờ trở đi, bà sẽ không còn viết để chứng minh điều đó với ai khác, mà là với chính mình.

NGÔ MINH dịch từ The Guardian