Thứ Hai, 30/08/2021 03:14

Kamala Harris - Đóa sen đa sắc trên chính trường Mỹ

Cuốn sách là sự chân thực của thể kí cuộc đời cùng những trải nghiệm quý giá trên con đường chính trị của đương kim Phó Tổng thống thứ 49 của Hoa Kì (LÊ THỊ BÍCH HỒNG)

Sự thật ta nắm giữ - Một hành trình xuyên nước Mỹ là cuốn hồi kí truyền cảm hứng nhất Hoa Kì của Kamala Harris - nữ chính trị gia, luật sư, nữ quan chức cấp cao người Mỹ gốc Phi, gốc Á đầu tiên đảm nhận chức danh Phó Tổng thống. Mới đây, trong chuyến công du tới Việt Nam, bằng những hành động cụ thể bà đã được những người dân Việt dành cho nhiều thiện cảm.

Xuất bản lần đầu tại Mỹ vào đầu năm 2019, cuốn Sự thật ta nắm giữ - Một hành trình xuyên nước Mỹ đã cuốn hút, dẫn dụ, mê đắm người đọc bởi chính sự chân thực của thể kí cuộc đời cùng những trải nghiệm quý giá trên con đường chính trị của đương kim Phó Tổng thống thứ 49 của Hoa Kì, cũng là nữ Phó Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

Cuốn hồi kí của bà Kamala Harris được dịch ra tiếng Việt do Công ty sách Tân Việt phát hành. 

Kết cấu cuốn hồi kí gồm 10 chương và một phụ bản. Những hồi ức của Kamala Harris được kể bằng câu chuyện hết sức chân thực, giản dị, ấm áp về gia đình, bạn bè, công việc... đặc biệt là người mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến bà. Người đọc cũng có thể thấy những yếu tố địa văn hóa, xuất thân gia đình đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành nhân cách, định hình niềm tin chính trị và đam mê bảo vệ bình đẳng sắc tộc của Kamala Harris.

Đóa sen hợp huyết từ hai châu lục Phi - Á

Kamala Harris sinh ngày 20/10/1964 ở Oakland, California trong một gia đình trí thức. Cô là kết quả tình yêu, hợp huyết từ hai châu lục xa xôi: Jamaika quê cha và Ấn Độ quê mẹ. Được dung dưỡng trong môi trường gia đình như thế, Kamala đã chịu ảnh hưởng sâu sắc trực tiếp từ người mẹ gốc Ấn cùng nền tảng tư duy của người cha - Giáo sư Donald Harris. Ông là sinh viên xuất sắc của Trường Đại học Canifonia tại Berkeley và là giáo sư môn kinh tế Trường Đại học Wisconsin. Mẹ Kamala là Shyamala Gopalan sinh ra ở miền đông Ấn Độ, tốt nghiệp Đại học Delhi năm 19 tuổi, năm 25 tuổi bà nhận bằng Tiến sĩ ở Trường Đại học Berkeley và trở thành một nhà khoa học nghiên cứu về ung thư vú.

Ông ngoại Kamala tham gia phong trào đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ; là một nhà ngoại giao cao cấp trong Chính phủ Ấn Độ. Bà ngoại Kamala là một nhà tổ chức cộng đồng giỏi. Cụ bà đã từng tập hợp phụ nữ trong làng và truyền cho họ cách ứng xử; nói về biện pháp tránh thai…Cụ tiếp nhận những phụ nữ bị chồng bạo hành, gọi điện cho những ông chồng đó đề nghị phải đối xử tử tế với phụ nữ “nếu không bà sẽ xử lí họ”… Ông bà ngoại Kamala sống ở Zambia sau khi nước này giành được độc lập, giúp người tị nạn định cư. Bà Shyamala lớn lên trong gia đình có khả năng hoạt động xã hội chính trị và lãnh đạo công dân. Chính sự giúp đỡ người khác đã truyền từ ông bà ngoại đến mẹ và chị em Kamala. “Mẹ tôi thừa hưởng sức mạnh và lòng dũng cảm từ bà tôi. Và từ ông bà tôi, mẹ tôi hình thành sự hiểu biết chính trị nhạy bén. Bà hiểu về lịch sử đấu tranh và những bất bình đẳng. Bà sinh ra với tinh thần công lí in hằn trong tâm trí”, Kamala viết.

Gặp chàng trai Jamaila cùng chí hướng tham gia phong trào dân quyền, dự định quay trở lại Ấn Độ của bà Shyamala Gopalan đã bị “phá sản”. Kết quả tình yêu không biên giới của họ là hai cô con gái xinh đẹp, thông minh. Bà sinh con gái đầu lòng năm nhận bằng Tiến sĩ và đặt tên là Kamala. Kamala nghĩa là “hoa sen” và cũng một tên khác của nữ thần Lakshmi trong Hindu giáo. Kamala, cái tên ý nghĩa gắn với nguồn cội văn hóa Ấn Độ được chọn đặt cho cô con gái đầu lòng với niềm tự hào và kì vọng. Mẹ Kamala là một người cá tính, say mê làm việc. Cả hai lần mang thai, bà chuyên chú làm việc đến tận khi sinh nở, lần thì bà chuyển dạ khi đang làm bánh táo, lần thì bà bị vỡ ối ngay tại phòng thí nghiệm…

Bà Kamala Harris thời nhỏ cùng mẹ và em gái. Ảnh: Kamala và AFP
Hai chị em Kamala lớn lên trong gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Trong kí ức của Kamala, ngày ấy không có gì có thể tuyệt vời hơn. Bố mẹ yêu thương, trao truyền giá trị sống, Kamala được thỏa thuê học và chơi; được thấm đẫm trong không gian của những giai điệu âm nhạc mà cả cha mẹ đều có sở thích... Mẹ Kamala từng là một giọng ca nhận giải thưởng từ khi ở quê nhà Ấn Độ. Cha Kamala sở hữu một bộ sưu tập nhạc jazz phong phú. Kamala được dung dưỡng trong âm nhạc của Telonious Monk, John Coltrane, Miles Davis… Người cha luôn khuyến khích Kamala chạy nhảy thỏa thích khi tham gia hoạt động ngoài trời. Câu nói khuyến khích của cha với mẹ Kamala khi cô còn bé là “Cứ để con bé chạy đi, Shyamala”. Còn với với con gái, cha Kamala nói “Chạy đi Kamala. Hãy chạy nhanh nhất có thể” và như thế, những vết chầy xước nhiều thêm trên đầu gối cô con gái sau những cuộc chạy nhảy, hòa mình với thiên nhiên…

Kamala thường được bố mẹ đặt trong chiếc xe đẩy đi tham gia những cuộc đấu tranh dân quyền. Công bằng xã hội thường là chủ đề trọng tâm trong các cuộc thảo luận gia đình. Kamala thấm tinh thần dân chủ, tự do từ lúc lẫm chẫm biết đi. Người mẹ Ấn Độ hỏi: “Con muốn gì?”. Câu trả lời “TỰ DO” khiến bà mẹ bất ngờ… Đó là những chuỗi ngày thơ ấu đẹp hồn nhiên luôn đi theo Kamala...

“Con hãy cho họ biết con là ai…”

Nhưng rồi những rạn nứt của cha mẹ cứ thêm mỗi ngày mặc dù họ vẫn yêu nhau. Từ năm Kamala 5 tuổi, sự xung khắc không thể cứu vãn. Họ li thân vài năm sau khi cha Kamala nhận công việc tại Trường Đại học Wisconsin. Trong kí ức của Kamala, cuộc li hôn đặc biệt ấy việc phân chia tài sản không phải là tiền bạc mà là SÁCH. Nhìn lại, Kamala nghĩ, “Nếu cha mẹ tôi trưởng thành hơn về mặt tình cảm thì có thể giữ được cuộc hôn nhân này. Nhưng họ còn quá trẻ. Bố là mối tình đầu của mẹ tôi”. Kamala nhìn nhận về cuộc hôn nhân của mẹ: “Cuộc hôn nhân của bà vừa là hành động nổi loạn, vừa là một hành động nhân danh tình yêu”. Kamala hiểu và nhìn sự đổ vỡ của cha mẹ trong cái nhìn cảm thông. Hai chị em sống với mẹ và thương bố vô cùng, “Bố tôi vẫn là một phần trong cuộc sống của chúng tôi”. Hai chị em gặp ông vào cuối tuần và vào những dịp nghỉ hè. Kamala nói với cha: “Con cảm ơn bố rất nhiều. Khi con còn nhỏ, bố đã động viên để con can đảm hơn”…

Kamala có ảnh hưởng từ người mẹ Ấn Độ rất lớn. Bà là người định hình hai con thành người phụ nữ mạnh mẽ, can đảm. Mỗi lần nói về mẹ, Kamala luôn bày tỏ lòng biết ơn về sự phi thường của mẹ “Cuộc đời con đã được mọi người định hình nên. Mọi người thực sự quan trọng với con. Mẹ ơi, mẹ là tâm điểm của cuốn sách này vì mẹ là lí do cho tất cả. Từ ngày mẹ ra đi, con đã nhớ mẹ rất nhiều. Con vẫn chưa thể quen cuộc sống không có mẹ. Nhưng con tin mẹ đang dõi theo chúng con. Mỗi khi con đối mặt với một quyết định khó khăn con tự hỏi và nghĩ mẹ vẫn đang hiện diện ở đây. Con thật sự hi vọng cuốn sách sẽ giúp những người chưa bao giờ gặp mẹ hiểu được mẹ là người thế nào. Là Shyamala Harris thì sẽ ra sao. Và là con gái của bà thì sẽ ra sao”. Câu nói của mẹ được Kamala khắc ghi như phương châm ứng xử “Đừng để người khác nói cho con biết con là ai. Con hãy cho họ biết con là ai”…

Năm 13 tuổi, cô gái Kamala Harris cùng em gái Maya đã "lãnh đạo" thành công một cuộc "biểu tình" nhỏ chống lại việc cấm trẻ em chơi trên cỏ tại tòa nhà chung cư gia đình cô sinh sống. Ảnh: AFP

Kamala đã học được từ gia đình, từ mẹ để trở thành người phụ nữ bản lĩnh, chính trực, giàu lòng nhân hậu, luôn hành động vì sự công bằng của xã hội…

Kamala là người đam mê công việc đến mức trong suốt nhiều năm “tôi đã tách biệt cuộc sống cá nhân của mình với sự nghiệp”… Cơ duyên đã đưa Doug Emhoff (Giám đốc Công ty Luật, đã từng kết hôn và có hai đứa con) đến bên Kamala khi cả hai người đều chạm tuổi 50. Doug và Kamala đều sinh vào tháng 10 năm 1964, sinh nhật của Doug là 13/10 và sau đó một tuần đến lượt Kamala thổi nến. Hôn lễ của họ được tổ chức đầm ấm vào ngày thứ Sáu theo nghi lễ phù hợp gốc gác Ấn Độ và Do Thái. Kamala quàng lên cổ Doug một vòng hoa và chú rể dậm chân lên một chiếc li…

Trong 10 chương hồi kí, ngoài chương Về hôn nhân là chuyện riêng, 9 chương còn lại đều tập trung về công việc (Vì người dân, Lên tiếng vì công lí, Giá trị nhà ở thấp hơn khoản nợ cần trả, Theo tôi thì chúng ta sẽ chiến đấu, Chúng ta làm được nhiều hơn thế, Mỗi sinh mạng, Chi phí sinh hoạt, Giữ vững an ninh một cách khôn khéoĐiều tôi học được).

Một góc chân dung nữ chính khách

Kamala Harris học Khoa Chính trị và Kinh tế, Trường Đại học Howard và tiếp tục học Luật Hastings (Viện Đại học California). Bà bắt đầu sự nghiệp tại Văn phòng Uỷ viên công tố hạt Alameda. Năm 2003, ở tuổi 38, ở vị trí luật sư tại San Francisco, Kamala Harris đã quyết định tranh cử và được bầu làm uỷ viên công tố quận San Francisco...

Ở vị trí công tố viên Liên bang tại California, Kamala Harris đã can đảm, quyết đoán truy tố các băng đảng xuyên quốc gia, các ngân hàng lớn, nhóm 5 công ty dầu khí lớn nhất thế giới và nhiều trường đại học vì lợi nhuận; đấu tranh chống các cuộc công kích vào Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền; đấu tranh nhằm giảm tình trạng trốn học ở trường tiểu học… Bà tiên phong trong việc phơi bày nạn phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp hình sự của quốc gia và triển khai các khoá đào tạo về thành kiến ngầm cho các sĩ quan cảnh sát.

Bà Kamala Harris phát biểu trước toàn nước Mỹ ngày 8/11/2020 chúc mừng Tổng thống Joe Biden trước khi ông phát biểu nhậm chức. Ảnh: Getty

Tập trung vào sự công bằng và công lí, Kamala tự nhận mình là “một công tố viên tiến bộ”, rằng “Tôi biết khá rõ rằng luật pháp công bằng là điều ai nấy đều khát khao. Tôi biết rằng uy quyền của luật pháp được áp dụng không đồng đều, đôi khi là do cố ý. Nhưng tôi cũng biết rằng những điều sai trái của hệ thống này rồi sẽ thay đổi. Và tôi muốn đóng góp một phần để thay đổi điều đó. Tôi biết một phần của việc tạo ra thay đổi chính là điều mà tôi đã chứng kiến trong suốt cuộc đời mình, khi xung quanh tôi là những người trưởng thành hò hét, diễu hành và đòi công lí ở bên ngoài. Nhưng tôi biết vai trò của người bên trong cũng quan trọng khi họ ngồi ở bàn làm việc và đưa ra quyết định. Khi các nhà hoạt động xã hội diễu hành và đến đập cửa, tôi muốn ngồi ở phía bên trong để đón họ vào…”…

Kamala là người phụ nữ da màu thứ hai được bầu vào Thượng viện Hoa Kì. Bà đã nỗ lực cải cách hệ thống tư pháp hình sự, tăng mức lương tối thiểu, miễn học phí bậc đại học cho đa số người Mỹ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tị nạn và người nhập cư… Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đã đưa Joe Biden lên vị trí Tổng thống thứ 46 của Mỹ và Kamala Harris trở thành Phó Tổng thống Mỹ thứ 49. Ở cương vị mới, bà đã chứng tỏ mình không hề mờ nhạt.

Bà Kamala Harris và cuốn hồi kí của mình. Ảnh: TL

Sự thật ta nắm giữ - Một hành trình xuyên nước Mỹ là cuốn hồi kí chân thực về một cuộc đời. Một cuốn sách lôi cuốn mang đến cái nhìn sâu sắc về những tác động mà cuộc đời Kamala đã mang đến cho xã hội Mỹ. Cầm trên tay cuốn sách, chắc chắn bạn muốn biết chân dung đương kim Phó Tổng thống? Ta sẽ tìm thấy yếu tố văn hóa của con người làm nên chân dung một chính khách. Ta sẽ thấy “nhiều trong một” ở nữ Phó Tổng thống Hoa Kì giàu nội lực, bản lĩnh, can đảm, quyết đoán; một người phụ nữ, một người vợ đằm thắm, dịu dàng; một người mẹ ấm áp được hai con riêng của chồng là Cole và Ella yêu quý; một nữ chính khách tự nhận mình có hứng thú với văn học nghệ thuật (ngoài cuốn hồi kí này bà còn có một số đầu sách khác trong đó có sách cho thiếu nhi). Sự mê đắm văn chương của bông sen Kamala đã làm nên cuốn hồi kí chân thực và truyền cảm hứng mạnh mẽ đến bạn đọc.

Sự thật ta nắm giữ - Một hành trình xuyên nước Mỹ dày 368 trang khổ 15 x 23 do Công ty CP Văn hóa và Giáo dục Tân Việt mua bản quyền và Nxb Dân Trí ấn hành năm 2021. Được biết, cuốn sách đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chọn làm quà tặng nữ Phó Tổng thống Mỹ nhân chuyến thăm Việt Nam của bà từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 8 năm 2021.

LÊ THỊ BÍCH HỒNG