Thứ Ba, 30/11/2021 08:06

Khát vọng ngày về

Tôi và thằng bạn ở khu rừng này từ ngày cây si da còn phấn, thân căng tròn... (Truyện ngắn của CHU XUÂN CHÍ)

. CHU XUÂN CHÍ
 

Minh họa: Phạm Minh Hải

Tôi và thằng bạn ở khu rừng này từ ngày cây si da còn phấn, thân căng tròn. Giờ nó mốc thếch, sù sì, xem ra yếu lắm rồi, chỉ một cơn gió bình thường cũng rùng mình thả hàng trăm chiếc lá bợt bạt. Nó còn bỏ cả cành to đã khô, lâu lâu rơi uỵch xuống. Nhưng thế vẫn may, có nó còn có lí do mà bực mình, nguyền rủa, mà tựa lưng, leo lên nhẩm đếm từng mùa trăng.

Từ ngày ở đây, hai thằng cố lục lọi, nhớ gì kể nấy cho nhau nghe, dù chỉ một mẩu lõm bõm. Nhưng, dù cách gì, thời gian vẫn sầm sập đến, sầm sập thậm tệ. Nó hiển hiện ở lớp rễ trổ ra tua tủa bao lấy chúng tôi càng lúc càng dài, dày như võng đay. Dù sao còn chút an ủi, phủ phục trong đám rễ ấy đỡ lo lũ cọp beo, chó đói mà yên trí nằm nghe đủ âm thanh của hạt, của đất, rừng…

Lại bắt đầu một mùa trăng nữa. Ánh sáng trong veo tỏa xuống, len qua kẽ lá vào từng gốc cây, khe suối. Trăng tản muôn vàn hạt lân tinh, soi các loài vật kiếm ăn, vui đùa. Thằng bạn tôi nằm ngửa, hai chân gác lên nhau lơ đễnh nhìn trăng giữa văng vẳng tiếng chim vạc gọi đàn, cú rúc, tiếng tắc kè chép miệng bắt mồi. Khác trước đây, mỗi mùa trăng tới nó hào hứng lắm. Leo tít ngọn cây ngắm trăng, vịnh thơ. Hôm nào ở dưới nó cũng chẳng chịu ngồi yên. Loáng cái đã lẻn từ gốc cây này sang gốc khác hù dọa tôi. Cao hứng, nó đứng lừng lững dưới trăng đọc thơ và hát cho tôi nghe. Dạo này, bỗng dưng nó đổi tính, đổi nết nằm ệ ra nom đến buồn. Tôi gặng hỏi, nó không thèm trả lời ngay. Sau mới thở đánh thượt thủng thẳng: Hừ, nhìn “lưỡi liềm” đầu tháng hi vọng bao nhiêu, đến cái “vung cụt” cuối tháng thất vọng bấy nhiêu…

Nó vốn dân chuyên văn, suy nghĩ sâu sắc. Có giấy của Trường Đại học Tổng hợp gọi, nó giấu nhẹm gia đình để đi bộ đội. Cô bạn gái học cùng lớp, cùng trúng tuyển trường ấy, bị thuyết phục cũng im bặt. Hôm tiễn nó lên đường, đến chỗ tập trung hai đứa đứng với nhau bên gốc phượng, cô bạn vẫn chưa nguôi giận chẳng thèm nói năng gì vân vê tà áo. Hiệu lệnh tập trung, bạn tôi đứng vào hàng, bấy giờ cô bạn mới gục đầu vào thân cây phượng, cổ áo lá sen rung lên từng nhịp.

Vào đơn vị, nó thành cây văn nghệ, kiêm chủ biên báo tường, báo liếp. Nó đi đến nơi nào, nơi đó sôi nổi hẳn lên. Khoản dân vận khỏi phải nói. Đơn vị mỗi lần chuẩn bị sửa sang doanh trại, đều giao nó khoản ngoại giao nguyên vật liệu. Nó đi vào dân xin tranh tre nứa lá, vào nông trường bộ liên hệ gỗ mỡ làm cột, kèo, đòn tay. Loại nào ra loại ấy, thẳng tắp, lính thợ mộc rất khoái. Phần vận chuyển nhờ chi đoàn thanh niên địa phương, nông trường giúp. Thủ trưởng đơn vị quý nó lắm. Huấn luyện tân binh xong, được ở lại đi đào tạo cán bộ chính trị, nó lên đại đội nằng nặc xin đi B: “Còn chuyện học hành, các thủ trưởng để già dặn hơn, em sẽ tính…”

Này, sao mày nhìn tao ghê thế. Tao lạ lắm à. Nó trợn mắt. Tôi khẽ lắc đầu, đánh trống lảng: Chỗ này chỉ có hai thằng, tao nhìn mày, mày nhìn tao chứ nhìn đi đâu. Giời này, đêm nay giăng đẹp đấy. Mày ngủ đi, để tao gác trước. Ngủ để tỉnh táo mà đếm giăng sao.

“Tuân lệnh”, nó đi nằm. Vừa ngả lưng, nó chồm dậy gọi giật như cháy rừng: Tao vừa chợt nghĩ. Không thể chỉ hai thằng mình được. Ở đây đì đùng mãi, bọn mình lạ gì. Mày chịu khó ở nhà, tao đi lùng xem có thằng nào rủ chúng nó về chơi cho đỡ lẻ loi.

Nó đi đến tận gần sáng. Tôi ngồi chống mắt trông chừng đề phòng chúa sơn lâm, khỉ đột mò vào.

Nó về, đọc một loạt tên. Tôi cố nhớ xem quen không, tuyệt không. Thoạt tôi cũng thoáng vui, vì có thêm bạn nhưng rồi lòng thắt lại, như có gai đâm vào tim. Tôi lẳng lặng đi nằm. Thằng bạn tưởng tôi buồn vì không được đi tìm bạn mới. Nó xoắn xuýt vỗ về hứa, để tìm lối dễ sẽ đưa tôi đi sau, còn giờ cây cối, dây leo ken chi chít phải lách chân từng tí một mà chân cẳng tôi thế này.

Tôi định không nói. Ích gì. Lại làm nó cụt hứng. Nhưng khổ nỗi, bạn tôi hiểu “lệch gam”. Nó nghe, mặt dài ra, cằm xệ xuống.

Vào tuần trăng sau đó. Nó kéo một lô lốc bạn về. Mỗi người mang theo một thứ, thanh lương khô, nhúm thuốc rê, một cậu lê lết vẫn cố xách túi cơm bê bết bùn đất chưa kịp giặt. Họ tự động hạ xuống khoảng đất trống hiếm hoi bên cạnh “cái võng” rễ cây của chúng tôi. Riêng anh bạn mang túi cơm có vẻ ngại ngùng, hạ sau cùng: Tớ vừa đưa cơm lên mồm thì pháo chụp xuống… Cậu ta là người duy nhất trong số có mặt tại đây “đưa miếng ăn lên mồm rồi còn bị giật mất”. Cậu ta đưa mắt quan sát, khen: chỗ này kín đáo, an toàn. Tôi đoán tay này là lính trinh sát. Mọi người đều gật gù công nhận.

Từ đêm ấy, hễ trăng thanh gió mát, họ lại rủ nhau về chỗ tôi tụ tập. Người nhớ bạn gái, người thương cha, thương mẹ, nhớ em thơ. Người than thở chưa kịp cầm tờ giấy tốt nghiệp cấp ba… Cuối cùng lại quay về các trận đánh. Không gặp thì thôi, còn ngồi sẽ đến tận canh năm mới lẩn vào lá rừng, đi vào màn sương lãng đãng giăng mùng.

Một mùa khô, xuất hiện nhóm người lạ. Vẻ đăm chiêu, họ chia thành từng tổ, xộc các ngóc ngách lần tìm dấu vết rồi săm soi, đào bới tìm kiếm. Họ ở lại cho đến khi những cơn gió mang mây vần vũ đầy trời báo hiệu mùa mưa bắt đầu thì rời đi. Năm sau vào thời điểm ấy, họ lại xuất hiện. Mỗi lần như thế, số người cùng cảnh ngộ vãn dần, người này nhắn người kia từ biệt chúng tôi. Dần dà, trong số quen biết nhau chỉ còn lại hai thằng. Lần cuối cùng, họ đến chỗ chúng tôi, cũng đào bới, nhưng khi gặp những rễ cây to thì dừng lại. Những mùa khô sau thì chỉ còn tiếng nai con thất thanh gọi mẹ lúc hoàng hôn, tiếng sột soạt lạnh lùng của loài bò sát săn mồi. Rồi không thấy ai trong khi cây rừng ngày một dày thêm, bộ rễ đan xen bao lấy. Lá rơi phủ dày dấu vết tạo thành ranh giới ngăn nốt chút hi vọng trở về mong manh.

Sau mỗi mùa mưa, màu xanh của rừng trở nên lấp lánh khác thường, các loài cây rùng mình tựa vào nhau trở về trạng thái yên tĩnh nguyên sinh. Thằng bạn lặng lẽ nhìn tôi. Trong đôi mắt ấy là nỗi nhớ da diết, trĩu nặng. Chúng tôi thèm khát bóng người, để bằng cách nào đó thông báo chúng tôi vẫn đang còn ở đây. Giá vì một lí do nào đó, ai ngoài kia vào đây ngủ lại một đêm… Chúng tôi sợ hãi nhìn thời gian đang âm thầm làm tan biến vào đất những đoạn xương ít ỏi vốn đã mục ruỗng của mình. Chúng tôi tay nắm chặt, vùng vẫy cố chống lại để chờ đợi phép màu.

 

Minh họa: Phạm Minh Hải

Thời gian ác nghiệt nhưng cũng chính nó giúp chúng tôi bình tâm lại. Thằng bạn lại ngân nga hát, trần truồng lăn toài dưới mưa, leo trèo lên ngọn cây cao, nhìn trăng hi vọng. Còn tôi vẫn ngồi dưới gốc si đếm đi đếm lại các đốt ngón tay, đến mức chúng nhảy múa lung tung, cười khanh khách trong đầu nhạo báng bộ não, chẳng hề có chút nể nang giữ thể diện cho thằng trưởng nhóm môn toán học ngày nào.

Ngày xưa, ngay từ năm cuối cấp một đến hết cấp ba tôi đều được bầu làm trưởng nhóm toán với nhiệm vụ phụ đạo thêm các bạn trong lớp vào cuối tuần rồi giảng giải những bài toán khó cho các em. Còn giờ, chỉ là bài toán đếm đơn giản mà chẳng bao giờ ra đáp án. Tôi vò đầu bứt tai, nghiến răng, ứa lệ. Tôi ghét cay ghét đắng dãy số dài dằng dặc, cả những đêm trăng tròn, trăng khuyết. Tôi căm thù lây lũ tắc kè, ngày nắng cũng như mưa luôn mồm “sắp về, sắp về”. Chúng đầu têu cho lũ chim “Tờ róoc Tờ róoc chờ đấy, chờ đấy”. Kinh khủng nhất là sau mỗi trận mưa. Ôi… chao ơi. Thôi thì, đinh tai nhức óc. Cho dù căm thù chúng, tôi cũng không thể làm gì được cái bọn “mắt lồi, da thám báo” ấy. Tôi bảo thằng bạn đi túm mấy con về xẻo cái lưỡi độc ác của chúng đi, làm gương để chúng tự khuyên nhau câm miệng lại. Thằng bạn lừ lừ nhìn, bạnh quai hàm méo mó. Sao mày xui tao đi hại đồng minh hả. Thiếu chúng, bọn ta buồn thối ruột. “Sắp về, sắp về, chờ đấy, chờ đấy” sao không nghĩ là lời hẹn ước, hi vọng? Nghe nó nói, tôi thẹn đỏ mặt. Tôi quá vị kỉ, tự hành xác, tự tổn thương tâm hồn mình. Bấy lâu nay, hai thằng chưa đủ khổ đau, cô đơn giằng xé hay sao mà lại muốn tách mình ra khỏi thế giới tự nhiên.

Chúng tôi ngồi hát say sưa, nghiêng ngả như người lên đồng. Bóng chập chờn, ẩn hiện giữa vệt lân tinh nhập nhòe dưới trăng tàn. Nhìn nó, lòng tôi chợt tê lại. Nó đã từng là một danh ca của lính rừng chúng tôi. Nếu không có chiến tranh, biết đâu nó sẽ là một tài năng môn nghệ thuật nào đó.

*

*         *

Thời gian quá lâu để tin còn có người nhớ đến chúng tôi. Chúng tôi không hề ai oán. Giờ đây, bước chân của các loài thú, âm thanh sột soạt của bò sát trườn trên mặt đất đã trở lên thân thuộc. Cây rừng vẫn chen nhau bật dậy, cây si già nua vẫn sừng sững đứng đó nếu như không có một sự kiện xảy ra.

Đó là ngày cơn bão rất lớn ập về. Nghe nói cả thế kỉ cũng chưa từng thấy. Ầm ầm gào rú suốt một ngày đêm. Cây si bật gốc, chốc rễ, dòng nước xối xả thốc vào chúng tôi. Chúng tôi vật vã trong bộ quần áo nhầu nát cố ôm lấy bộ rễ cây như bộ xương hóa thạch trơ ra trước đó.

Rồi gió dịu dần, cây xơ xác đổ như bãi chiến trường. Trên không trung chim chóc nhao lên lộn xuống nháo nhác gọi đàn. Dưới mặt đất, lũ khỉ bồng bế nhau ra ngồi chồm hỗm trên các tảng đá to, nhỏ phơi mình bắt chấy, rận. Một gia đình nhà hươu dẫn nhau đi nhặt những quả trám rụng còn tươi nguyên nhai bỏm bẻm. Thằng bạn vuốt mặt uể oải đứng dậy, nó rủ tôi xuống suối tẩy uế tàn dư của trận bão bám trên thân thể. Tôi vịn vào vai nó tập tễnh men theo lối mưa sói đặt chân lên nền đất ẩm thấp, nhão nhoẹt. Hàng loạt cây nghiêng đổ, kéo theo từng chuỗi dây leo, vô thiên lủng tay tre già, non chắn lối. Dòng suối thường ngày hiền hòa thế giờ gầm gào dữ dội. Nếu không có bộ rễ kia... tôi chợt sởn tóc gáy.

Bão qua tưởng yên thân. Ngờ đâu, lũ mối lần mò tới xây tổ. Chúng tôi nghiến răng chịu đựng hàng ngàn hàng vạn bộ răng đục đẽo, gặm nhấm đêm ngày nhức nhối khôn cùng. “Ngứa ghẻ, đòn ghen”, ghẻ lở, hắc lào chúng tôi từng nếm trải. Ghẻ càng gãi càng sướng, còn thứ rớt dãi đàn mối tiết ra ngấm vào xương tủy thì ngứa buốt oằn người. Buốt ngứa mà không cách gì chạm được. Cũng may, thời điểm này đang giữa mùa mưa, lũ mối thấy có hai thằng tôi ở đây tưởng “bở”, quên lựa vị trí tránh dòng nước chảy. Tổ xây chưa xong mưa rả rích hết ngày này qua ngày khác nên trôi hết khiến chúng chán nản bỏ nhà chạy lấy thân.

Sau bão quãng nửa tháng, khu rừng bỗng nhiên náo loạn. Chim muông nháo nhác, khỉ lớn, khỉ bé trốn biệt. Hai thằng nghển cổ nhìn. Hóa ra, mấy ông “gác rừng” đuổi bọn xẻ trộm cây rừng đổ. Một thanh niên mắt nâu mặc quần áo kiểm lâm trong lúc chạy vấp phải chùm rễ si. Mặt anh ta giúi ngay xuống chỗ chúng tôi trú ẩn. Túm vải mục nát lòi chỗ xương hốc mắt. Anh ta trợn tròn mắt kinh hoàng, miệng ú ớ vội vàng vùng dậy chạy bán sống bán chết. Tôi thúc khuỷu tay vào sườn thằng bạn bảo: Lần này xem ra có hi vọng. Nó quay mặt đi, thở dài đánh thượt khiến chút hi vọng trong tôi vừa nhen đã tan biến.

Mấy ngày sau, chàng thanh niên có đôi mắt nâu dẫn một nhóm người mặc quần áo bộ đội với ngôi sao trên chiếc mũ cối. Họ thận trọng lên hương, nhìn vào chỗ hai đứa tôi rì rầm khấn vái. Chúng tôi đứng ngay bên cạnh nhìn chằm chằm, họ còn trẻ lắm.

Họ thận trọng dùng xiên sắt xăm đi xăm lại xung quanh rồi dùi sâu mãi xuống dưới để dò, tìm xem có bẫy lựu đạn, mìn gài xung quanh. Tôi ghé tai anh chàng mắt nâu bảo: Các bạn cứ yên tâm. Không có đâu. Khiến anh chàng cứ ngẩn người ra. Xăm xong, họ dùng xẻng gấp US, xẻng bộ binh ta, nhẹ nhàng gạt lá cây, rễ cây, gợt đi lớp đất mùn mỏng phủ lên chúng tôi. Tôi nghe tiếng họ thì thầm: Mũ tai bèo, mũ tai bèo, đúng quân ta rồi. Nhưng mà xương còn ít quá. May mà phát hiện kịp. Chứ ít thời gian nữa chắc sẽ phân hủy hết.

Họ đứng lên. Người nào có mũ hạ mũ rồi cúi đầu. Từ lúc này, họ chỉ dùng tay thận trọng gạt từng chiếc lá, móc từng rễ cây. Họ làm tỉ mỉ và thiêng liêng bởi rễ cây bám chặt chúng tôi và lượng xương còn rất ít nên phải hết sức khéo léo để không bỏ sót. Chúng tôi nhìn họ đánh giá: Cánh trẻ chưa qua chiến tranh mà thuộc bài gớm nhỉ. Những giọt mồ hôi, cả nước mắt, và máu tóe ra từ những đầu ngón tay thấm vào từng mẩu xương tìm được. Thận trọng, họ cố phân hai chúng tôi xắp theo hình người đặt lên tấm ni lông. Nhưng làm sao tách bạch được. Tôi ghé miệng sát vào tai một chàng trai chững chạc nhất nói thật to: Còn được bấy nhiêu đã là phúc lắm rồi, chỉ có vậy thôi, tan biến vào đất rồi. Anh ta ngơ ngác đứng lên nhìn ngược nhìn xuôi, thậm chí còn xoay hẳn người về phía sau nghiêng đầu đón gió sàng lọc âm thanh rồi bùi ngùi nói với đồng đội: Chúng ta tìm kĩ lắm rồi, hết rồi. Anh em cứ ngồi nguyên tại chỗ che gió cho các bác để tôi đi nhặt củi, nhóm lửa, các bác chịu cảnh cô đơn giá lạnh quá lâu rồi.

Ngẩn người ngạc nhiên trước suy nghĩ thấu đáo của chàng trai trẻ, chúng tôi len vào giữa họ, tận hưởng hơi ấm. Thằng bạn tôi ngồi bên cạnh nhúm xương, và chiếc mũ tai bèo bị rách. Nó sờ lên mẩu xương bên má phải, ngửa mặt lên trời than thở: Mặt mũi thế này, liệu gia đình có nhận ra không? Còn tôi, chạm vào mẩu xương đùi nuối tiếc đôi chân rắn chắc ngày nào “lướt” trên sân kho hợp tác xã với những “pha” bóng căng như sợi chỉ, làm cho thủ môn đối phương bất lực. Vào ngày mùa, đôi chân này giúp tôi quẩy những gánh lúa ít người theo kịp, thế mà bây giờ...

Từng cành cây khô gác chéo lên nhau, lửa từ tờ báo bén vào. Mùi khói quyện hương trầm thân thương khiến chúng tôi ứa nước mắt. Củi nổ tí tách reo vui dẫn ngọn lửa bùng lên đẩy ám khí lạnh lẽo ra khỏi nơi chúng tôi ngồi. Áng chừng “các bác” đã đủ ấm, bấy giờ vòng người mới lần lượt đứng dậy chấp hành khẩu lệnh của chàng trai đốt lửa. Họ đứng nghiêm, trang trọng chào chúng tôi theo điều lệnh. Chúng tôi cũng đứng nghiêm đối diện họ, đáp lễ đúng điều lệnh. Phải chuẩn chỉ, không họ lại đánh giá, lính chiến lơ mơ điều lệnh. Xin lỗi nhé! Bọn này, đủ tiêu chuẩn “duyệt binh” đấy nha. Chẳng qua tại bom đạn, nếu không, các cậu theo chúng tôi còn mệt.

Chào xong, đốt nắm hương mới thay nắm trước sắp tàn, họ khấn vái xin phép chúng tôi, lục lọi tìm di vật. Chúng tớ có gì đâu, ngoài mấy thứ các bạn đã moi lên cả đấy thôi. À mà, còn nữa. Bọn tớ nhớ ra rồi. Trước lúc đi tác chiến, “ông” Chính trị viên Đại đội bắt mỗi người phải viết thông tin cá nhân vào một mảnh giấy. Bỏ vào trong lọ bicillin, thân vỏ bút máy. Ái chà chà. Chẳng phải bảo, họ cũng đã lần ra.

Họ thận trọng mở lọ thuốc bicillin có mẩu giấy của tôi. Mủn nát, ố vàng hết rồi. Họ lắc đầu, thở dài ngao ngán... Tôi và thằng bạn lại xán vào hồi hộp, thấp thỏm nhìn họ xoáy nắp cái bút máy Trường Sơn. Mẩu giấy trong đó cũng như ở lọ bicillin. Chàng thanh niên cầm di vật tần ngần: Các bác kì công thế này mà chẳng còn gì, lâu quá rồi. Các cậu cố lên, chắp các mủn giấy vào. Tôi động viên. Hình như cảm được lời tôi. Chàng thành niên bệt xuống đất lấy trong ba lô ra cuốn sổ bắt đầu tỉ mẩn sắp lại. Ngày ấy chúng tôi trộn mực với một loại nhựa cây giữ cho mực lâu bay màu để viết nên vẫn có cơ may. Chúng tôi cũng ngồi xuống. Đổi đi, đổi lại, xếp xếp xoay xoay chỗ nọ chỗ kia soi đi soi lại. Cuối cùng chàng ta cũng phát hiện ra chấm chữ còn sót lại. Hình như có chữ H, hình như đây là chữ i… chữ o nữa thì phải. Họ đoán già đoán non nhưng không ai dám khảng định.

Có tiếng ồn ào vọng tới. Một người đàn ông với mái tóc bạc đi giữa hai thanh niên trẻ, vai khoác súng AK. Tất cả chúng tôi đứng dậy. Họ nhân xưng lộn xộn. Người chào thủ trưởng, người chào chú. Ông già gật đầu: Nhận được tin các cậu, tớ đi ngay. Các cậu có dò thêm được thông tin gì của hai đồng chí ở đây nữa không? Anh chàng đi nhặt củi nhóm lửa ban nãy có lẽ là chỉ huy tiến lên một bước. Báo cáo thủ trưởng, di vật còn có những mủn giấy, ghép lại mà chúng cháu vẫn chưa luận ra ạ. Hình như có chữ H, i và chữ o nữa. Vừa nãy, mới tìm thêm được 2 khẩu AK và ba chiếc dép cao su nằm kẹt dưới bộ rễ của cái gốc cây này ạ.

Ông già nhìn bộ rễ chỏng trơ tróc hết vỏ, các đầu rễ nhọn hoắt chọc vào không gian. Cảm giác ông vừa rùng mình như bắt gặp những cặp mắt ẩn khuất giữa màu xanh ngăn ngắt lá rừng đang nhìn. Hai vai ông trĩu xuống như có một dòng khí lạnh bò dọc sống lưng lên tới gáy.

Chữ H, i, o… O hay ô? Ông hỏi mà như hỏi chính mình.

Dạ o hay ô gì đó thủ trưởng ạ.

Lẽ nào đúng là họ… Ông lẩm bẩm thành tiếng rồi lật đật xem những mủn giấy.

Là đồng đội chiến đấu của thủ trưởng ngày xưa ạ?

Ông lưỡng lự rồi khẽ gật đầu.

Bao năm xông pha trận mạc, không ít lần vuốt mắt cho đồng đội, chưa bao giờ tay ông run rẩy thế này.

Lạy Giời, lạy Phật. Hai chàng trai Hà Nội. Ông buột thành lời.

*

*         *

Hai chàng trai Hà Nội quả cảm. Một cao to như cầu thủ bóng đá, một vạm vỡ như vận động viên cử tạ. Hai công tử có mặt trong đợt tân binh bổ sung cuối năm 1966. Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ, công tử, đánh đấm gì. Cả bốn đại đội trưởng, không ai muốn nhận. Ông cười thầm trong bụng, chẳng lẽ lại giữ ngay ở d bộ. Ông cứ gợi ý, giả thử đại đội nào nhận. Ông lấy lại vẫn chưa muộn. Thế mới biết, các đại trưởng của ông tay nào nhãn quan quân sự cũng giỏi, còn nhìn người chưa thể qua ông.

Ông biên chế hai người vào tiểu đội trinh sát, rồi trực tiếp kèm cặp, huấn luyện. Họ thông minh, lanh lợi, chẳng mấy chốc trở thành tai mắt của ông. Qua vài lần trinh sát nắm địch, đánh chống càn bảo vệ hậu cứ họ càng khẳng định bản lĩnh và lòng gan dạ. Ông nhớ nhất trận đánh công kiên trận địa vững chắc của bọn lính Đại Hàn chốt giữ đồi Quang Thạnh bảo vệ căn cứ Chu Lai hồi đầu năm 1967. Quả đồi được phòng thủ bởi các chốt tiền tiêu, xung quanh có hàng rào dây kẽm gai và các loại mìn chống bộ binh. Ông không thể nào quên được lần đầu tiên đơn vị đối mặt với lính Đại Hàn. Bọn này nghênh ngang ngạo mạn, có tiếng ngoan cố, mưu mô xảo quyệt, cậy có võ nghệ ưa đánh xáp la cà. Đấy là cách đánh sở trường nhằm “cân não” áp đảo tinh thần đối phương. Được tụi tâm lí chiến Mĩ tung hô, tuyên truyền ầm ĩ, chúng càng huênh hoang. Hôm ấy, đúng 04h10, hỏa lực cấp trên bắn chuẩn bị 15 phút sau đó bắn dồn dập một 20 phút; dồn dập hai 25 phút phá hủy trận địa địch, tạo thời cơ cho quân ta mở cửa. Ông và hai người cùng tổ vô tuyến điện, tổ truyền đạt đi với hướng tiến công chủ yếu. Dồn dập hai còn 5 phút, ông lệnh cho hỏa lực tiểu đoàn đánh gối để công binh lên đặt mìn ĐH. Hỏa lực cấp trên chuyển làn, mìn nổ, hiệu lệnh xung phong theo hợp đồng đã điểm. Ông vừa định ngồi dậy quan sát cửa mở hướng chủ yếu lập tức bị hai người đè xuống. Trong tiếng nổ chát chúa chợt nghe hự phía sau. Cậu thông tin ngã vật ra, máu đỏ khoảng đất. Trong chớp lửa trái phá, hỏa châu sáng lòa, anh chàng to cao nhanh như chớp lao lên cầm lấy khẩu B40 của xạ thủ bị thương lăn mấy vòng, rồi lợi dụng địa hình địa vật trườn lên nằm đối diện với lỗ châu mai đang khạc lửa. Quả đạn chui tụt vào lô cốt, nổ âm. Tiếng đại liên câm bặt. Cậu còn lại nắm lấy tay ông. Thủ trưởng ra lệnh đi để em truyền tin. Ông hết sức ngạc nhiên, mừng chảy nước mắt. Chỉ cần vài chục giây chậm trước cửa mở thôi, bộ đội sẽ phơi lưng cho địch dội bom dội pháo. Còn khi đã vượt qua cửa mở rồi mà không kiên quyết đánh dứt điểm, địch có cơ hội chống đỡ, phản kích, ta sẽ gặp khó khăn gấp bội. Ông chợt nhớ ra, lúc ở hậu cứ không ít lần ông gặp hai anh chàng ở bên trung đội thông tin… Khi trinh sát pháo binh chỉ thị được mục tiêu, cũng là lúc quân địch ào ạt xung phong. Trận chiến diễn ra hết sức cam go. Lúc này cơ số đạn các loại vũ khí của ta đã cạn, bộ đội phải dùng lưỡi lê, báng súng chọi nhau với địch trong chiến hào. Chính hai cậu này bám sát ông như hình với bóng cùng ông thay nhau quật ngã địch, giữ vững liên lạc với cấp trên. Sau hơn một giờ đơn thương độc mã trong lòng địch, tiểu đoàn ông tổn thất không hề nhỏ. Ông được lệnh rút ra…

...Chú ơi! Chú có sao không ạ? Chúng cháu thấy chú có vẻ không được khỏe cho lắm.

Chúng tôi nghe rõ các chàng trai trẻ lao xao quan tâm cho sức khỏe ông già khi ông đột nhiên ngừng kể. Gương mặt bệch ra, ông xua xua tay: Mình không sao, không sao. Chúng tôi cũng đứng im như các chàng trai trẻ lặng lẽ theo dõi biểu cảm của ông già. Ông đưa cặp mắt mờ đục nhìn sâu vào tán lá rừng, hi vọng tìm thấy sự bí ẩn trong màu diệp lục mênh mông kia. Lát sau ông mới chậm rãi bộc lộ điều ông nghĩ tới: Mình linh cảm... đúng họ... Mà cũng không biết nữa. Sau trận đó, họ chuyển đơn vị, nghe nói hi sinh ở khu rừng này.

Ông tiến lại gần hai bộ xương, cúi xuống châm hương. Mái đầu bạc và khuôn mặt trầm tĩnh, cùng với ánh mắt đượm buồn, sâu thẳm. Ông khấn, gọi thì thầm: Hai đồng chí ơi, khôn thiêng nếu đúng…

Nghe ông nói. Tôi chẳng hiểu gì cả. Tôi lục lọi trí nhớ xem người này là ai mà nói với chúng tôi như rất thân quen. Tôi lắc đầu, nhìn sang thằng bạn hỏi. Nó cũng lắc đầu. Chúng tôi không thể nào nhớ nổi. Đã lâu lắm rồi, tham gia bao trận. Bom đạn làm chúng tôi lú lẫn, nhớ nhớ quên quên. Rồi những câu chuyện tương tự ông kể, trong chiến tranh xảy ra rất nhiều.

Trong khi, cả hai thằng vẫn đang cố vần lại kí ức để xác thực ông già kia thì bất ngờ ông ngồi xuống rồi bảo anh chàng chỉ huy đến gốc si chọn chỗ đất thẫm màu gần nơi tìm thấy cốt lấy một nắm mang lại. Chúng tôi và các chàng trai trẻ mắt đỏ hoe đứng lặng nhìn đôi bàn tay chai sạn run rẩy của ông trộn đều hai nắm đất rắc xuống chỗ cốt xếp hình người thu nhỏ bị đứt quãng. Ông mân mê, xếp lại vài mẩu vải mục nát, sờ vào mẩu xương hàm của thằng bạn. Đôi mắt ông mờ đục ngấn nước. Ông chuyển sang mảnh xương đùi của tôi. Bàn tay ông run lên. Ông khẽ nắn nắn, bóp bóp xoa xoa, giống như xoa cho đồng đội bị thương khỏi đau. Có vẻ như, ông đang ao ước có thần thông hút những đoạn xương đã tan vào đất lên, gắn vào nhúm xương kia cho thành hình thành dạng người. Bàn tay lẩy bẩy của ông chạm vào mủn xương sọ mốc meo của tôi, đánh thức kí ức xa xôi đôi bàn tay của Nga, cô bạn gái, học cùng cấp ba. Trước hôm tôi lên đường, Nga sang nhà từ sáng sớm, phụ giúp mẹ mọi việc như người trong nhà. Đến tối, Nga cùng mẹ tôi têm trầu, rót nước tiếp bà con làng xóm và các bạn trong chi đoàn thanh niên mãi đến tận khuya. Chờ mọi người về hết, lựa lúc bố tôi bắt đầu rời cái điếu bát, lom khom đi vệ sinh. Các em lúi húi dọn dẹp “hiện trường”; mẹ vừa đi vào bếp vần nồi cơm nếp cho chín nhừ để sáng hôm sau gói cho tôi mang theo, Nga “ập” vào tôi. Đôi bàn tay run rẩy, dúi vội chiếc khăn mùi xoa và một quyển sổ. Tôi ngỡ ngàng, chưa kịp phản ứng gì thì bỗng chút một cái ở ngay bên má. Sau đó, như một luồng gió, Nga cuốn ra phía cổng để lại mùi hương sả, hương bưởi quyến rũ lạ lùng. Ồ... Thế là tôi… nhớ ra rồi! Tôi vô cùng sung sướng quay sang thằng bạn lắp bắp reo lên: tao… tao… tao thấy… tao… Gườm gườm nhìn tôi, nó bực mình cắt ngang: đồ dở hơi. Tôi tức quá, định thụi cho nó một quả, đột nhiên thằng bạn ôm choàng lấy tôi gào lên: tao cũng thế mày ơi! Nhớ ra rồi! Ngày tao còn nhỏ, ngã từ trên cây ổi xuống bị gãy xương quai xanh, bố tao ngồi quạt cho tao cũng xoa đầu vuốt má tao như ông già này. Đúng rồi! Đúng rồi! Tao sắp được về nhà rồi! Chúng ta sắp được về nhà! Nó nhấc bổng tôi lên quay liền mấy vòng, tôi như chiếc kim đồng hồ tuột giây cót gõ vào chuông báo thức vang lên ròn rã liên hồi.

Ông già rời tay khỏi hình hài hai bộ xương khô. Ông buồn rầu nói với các chàng trai trẻ: Những năm trước, nhiều đơn vị đã cử các đoàn trở lại nơi này tìm kiếm. Vậy mà...

Âm giọng của ông khiến chúng tôi xúc động. Thằng bạn gạt nước mắt, hỉ nước mũi, nói với ông già: Ông ơi. Chúng tôi chờ đợi “chết” đi “chết’ lại mấy lần rồi. Làm ơn, đưa chúng tôi về đi. Về đi. Về ngay.

Chàng thanh niên có duyên gặp chúng tôi vẫn còn cố hỏi: Như vậy, đơn vị bác vẫn lưu giữ thông tin các liệt sĩ? Ông già gật đầu: Đúng. Sao lại không. Nhưng, ác lắm. Ác lắm các cậu ơi. Trận lũ lịch sử mấy năm trước đã cuốn đi rất nhiều, trong đó lại thêm những người lính đi tìm kiếm, quy tập đồng đội…

*

*          *

Hai anh em chúng tôi theo ông già và tốp đồng đội trẻ không quen biết ấy trở về. Thằng bạn tôi có đôi chân lành lặn chạy nhảy như chim sáo. Còn tôi. Lúc phải bò, khi thì lò cò trên con đường xa vời vợi nhưng tâm trạng rất vui. Có thể họ tìm ra, hoặc không ra tên tuổi chúng tôi để trao cho bố mẹ, nhưng chí ít, chúng tôi cũng được ra khỏi rừng. Trước tiên thế đã. Tôi quay sang hỏi thằng bạn đã nhớ ra ông già chưa. Nó lắc đầu. Nó đang tận hưởng niềm hạnh phúc vô bờ bến ra khỏi rừng. Tôi cũng vậy. Về quê hương rồi, trí nhớ sẽ dần dần hồi phục. Giả sử chúng tôi không phải hai chàng trai Hà Nội trong câu chuyện của ông cũng chẳng sao. Chúng tôi sẽ thay hai đồng đội ấy vấn vít khói hương ở gia đình họ nếu như ông già khẳng định và đưa chúng tôi về gia đình họ.

Tôi ngoái đầu nhìn lại bịn rịn. Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn…

C.X.C