Thứ Sáu, 01/10/2021 10:57

Khi họa sĩ "vẽ" chân dung bằng ánh sáng

Chia sẻ về việc chụp chân dung văn nghệ sĩ, Tô Chiêm yếu tố kĩ thuật như máy móc, ánh sáng, người chụp cần phải quan sát kĩ nhân vật, phải đọc, phải nghe, phải hiểu nhân vật của mình. (TÔ CHIÊM)

Họa sĩ Tô Chiêm hiện đang công tác tại Nhà xuất bản Kim Đồng. Anh cũng là cộng tác viên mĩ thuật thân thiết của VNQĐ. Ngoài gắn bó với mĩ thuật, Tô Chiêm cũng thường xuyên chụp ảnh. Trong các sự kiện của anh em văn nghệ thường thấy Tô Chiêm giơ máy bấm như một thú vui, đôi khi chỉ là để post facebook chơi chơi.

Về con đường đến với nghiệp cầm máy, anh cho biết, những năm 60, 70 của thế kỉ trước, chụp ảnh là một sự xa xỉ trong mỗi gia đình ở phía Bắc Việt Nam, người ta chỉ chụp ảnh khi vào những dịp lễ trọng như cưới hỏi, hoặc mừng thọ…, người đi chụp ảnh thường là để có một tấm ảnh cho con cháu… có cái mà thờ.

Lớn lên trong những năm tháng như vậy nên ngay cả khi vào đại học những chiếc máy ảnh cũng vẫn rất xa vời với Tô Chiêm, nhưng anh vẫn đam mê chụp ảnh. “Một ông anh - bạn cà phê có nói với tôi rằng: Người ta nói, ghét ai thì hãy tặng cho kẻ đó một chiếc máy ảnh. Với ý nghĩa của câu nói này thì máy ảnh sẽ làm kiệt quệ tiền bạc, tài chính của người sở hữu chiếc máy ảnh. Hiểu thế, tôi sợ nhưng vẫn … thích”, anh kể.

Khi đi làm, Tô Chiêm được tặng một chiếc máy du lịch - phim. Chụp choẹt cũng hay… nhưng mỗi khi rửa ảnh lại tốn khá tiền… Rồi tới một cái Olempia bán chuyên. Nhìn anh lọ mọ với chiếc máy ảnh nghiệp dư, một ông anh đồng nghiệp lại nói: Phải dùng máy chuyên mới ngon, dòng này chỉ dành cho các bà đi du lịch chụp thôi. “Và thế là ông anh này đã đẩy tôi xuống hố vôi… chơi chụp ảnh”, họa sĩ Tô Chiêm nhớ lại.

Từ đó đến nay, Tô Chiêm chụp ảnh cũng được hơn chục năm, lúc đầu thường chụp sự kiện cho cơ quan, sau đi nhiều thì chụp thêm phong cảnh… và cũng kiếm được một ít tiền nhuận ảnh từ các phóng sự ảnh làm cho các báo. Nhưng với sự tò mò và yêu thích, anh vẫn chụp chân dung xen kẽ, lúc đầu để phục vụ việc làm bìa sách của cơ quan, sau thì chụp theo ý thích của mình và theo những khoảnh khắc của nhân vật bất chợt có được. “Những chân dung kiểu đó thường làm tôi rất thích thú… nhưng nhiều khi nhân vật lại thích nó phải mịn , mượt, bóng , láng…”, anh chia sẻ.

OKNV xin giới thiệu một số bức chân dung nghệ sĩ của Tô Chiêm trong những khoảnh khắc anh “vẽ chân dung bằng ánh sáng”.

Trong những chân dung đã từng chụp, Tô Chiêm thích nhất bức ảnh nhà văn Tô Hoài - với cái tên được anh đặt: “Cha của Dế mèn đã mệt mỏi”. Bức ảnh được chụp vào dịp kỉ niệm 70 năm tác phẩm 'Dế mèn phiêu lưu ký' ra đời (1941-2011). Cuộc Hội thảo hôm đó được tổ chức tại Hàng Buồm - trụ sở của Hội LHVHNT Hà Nội, nơi Nhà văn làm việc suốt mấy chục năm. "Cuộc Hội thảo thật thành công, người tham dự rất đông. Rất nhiều bản tham luận được đọc. Tôi xách máy lượn quanh chỗ Nhà văn ngồi, cũng chụp được một số… nhưng không thích lắm bởi lúc vướng người này, lúc vướng người khác. Cho đến cuối buổi mọi người đã về gần hết, Nhà văn mệt mỏi ngồi cúi mặt trên chiếc ghế… một thoáng suy nghĩ 'ơ hay thế, mọi người đã chụp lúc ông đang tươi cười, khỏe mạnh hết rồi… mình chụp lúc cụ mệt mỏi lại thành của độc và lạ'. Và nâng máy lên, và bấm máy… Cho đến giờ bức ảnh này vẫn là một trong những bức ảnh chân dung tôi thích nhất. Nó sẽ được tham gia triển lãm 'Tay Trái 3' sắp tới đây", Tô Chiêm chia sẻ.
"Tôi đọc Mẫu Thượng ngàn, và Hồ Quý Ly trước khi gặp nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Tôi được hân hạnh đi cùng với ông một chuyến điền dã do Nhà xuất bản Phụ Nữ tổ chức. Một chuyến đi gồm Tổng biên tập, 3 Biên tập viên, Nhà văn Nguyên Xuân Khánh, nhà nghiên cứu văn hóa trung đại - PGS Trần Thị Băng Thanh, TS. Viện Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện, Nhà văn Trần Chiến… và tôi. Sở dĩ tôi có mặt bởi tôi được các bạn biên tập viên nhờ đi chụp hình lưu trữ hộ Nhà xuất bản. Chuyến đi về quê nhà thơ Đoàn Thị Điểm, về Đền Đông Hải Đại Vương, Đền Phủ Dầy… với nhiều hàm lượng văn hóa. Tôi để ý nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trong suốt chuyến đi, ông ít nói, thường chỉ mỉm cười… điềm đạm, nho nhã. Nếu không biết trước ông là nhà văn thì tôi sẽ đoán ông là một ông giáo, dạy văn hoặc sử. Mỗi khi khi đến các di tích, được nghe kể những câu chuyện dị sử , tôi thấy đôi mắt ông hấp háy, rồi mở to dưới lớp kính dầy… Dường ông đang tập trung cao độ để nghe..
Giữa chiều, nắng đã bớt tôi mời ông ra cạnh cây đaị cổ thụ ngoài sân trước của Phủ Dầy để chụp chân dung ông. Nắng vừa độ, bức chân dung cũng đẹp. Và chân dung ông tôi đã triển lãm tại triển lãm 'Tay Trái 2'." - Tô Chiêm.
Nhà Phê bình mĩ thuật Phan Cẩm Thượng.
Nhà điêu khắc, đại tá Tạ Quang Bạo.
Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Đặng Tiến (hiện sống ở Pháp).
Nhà văn Nguyễn Trí.
Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên.
Nhà thơ Lê Trâm.
Nhà văn Bảo Ninh.

"Tôi hay ngồi uống cà phê tại quán Lốc - Nguyễn Gia Thiều vì gần cơ quan, hôm đó có việc sớm ở cơ quan nên trưa tôi mới ra uống cà phê. Ra tới quán thấy nhà văn - họa sĩ Đỗ Phấn, nhà văn Bảo Ninh đang ngồi cùng nhau, chai rượu trên bàn đã hết quá nửa. Anh Phấn và tôi đã biết nhau từ trước, anh gọi tôi vào ngồi cùng. Anh Phấn đánh đàn và hát, còn nhà văn Bảo Ninh thì vẫn cầm li rượu gật gù, thỉnh thoảng hát theo một câu… trông ông cũng đã "tới bến" lắm rồi.

Nhà văn lim dim tựa vào tường rào, thỉnh thoảng lại hé mắt… mắng bậy một câu. Một lúc lâu… không thấy ông hé mắt ra nữa, tôi lấy máy ảnh định chụp ông một tấm. Giơ máy lên, đang định chụp thì ông hé mắt… Chụp đ.. gì mà chụp? Tôi cười và vẫn bấm máy … được ba cái ảnh của ông Bảo Ninh, lúc đã say…" - Tô Chiêm.

"Tôi biết nhà thơ Bùi Minh Quốc từ tập 'Hồi đó ở Sa Kì' của anh. Nó đoạt giải sáng tác của NXB Kim Đồngvà trở thành sách "vàng" được NXB tái bản thường xuyên…
Hôm đó, cũng tình cờ gặp anh ở quá
n Cà phê Lốc, anh mới ra Hà Nội có việc… Quanh chỗ này hình như có nhà của người quen nên anh ra thì hay ở khu vực này. Ngồi nghe anh nói chuyện trong nắng rực lên… tôi gợi ý anh chép lại bài Lên Miền Tây của anh làm kỉ niệm cho cô chủ quán. Anh như thay đổi, anh đọc lại cho chúng tôi nghe bằng một giọng hào hùng, nhưng ngẹn ngào… và rồi anh chép rất nhanh, kí tên đàng hoàng… lúc anh ngẩng lên, ánh nắng chiếu qua mớ tóc bạc bù xù của anh… như một vầng quang, ánh mắt của thi nhân già bỗng chợt sáng … tôi nâng máy lên và chụp nhanh vài kiểu… Bức ảnh đã được trưng bày tại triển lãm 'Tay Trái 2' và sau đó đã chuyển tới tặng nhà thơ. Hiện nó được đặt trang trọng tại tư gia của nhà thơ tại Đà Lạt" - Tô Chiêm.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.
Nữ họa sĩ sơn mài Nguyễn Hiền.
Họa sĩ Từ Thành - Nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mĩ thuật Công nghiệp Hà Nội.
Tiến sĩ vật lí, Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng (hiện đang sống ở Nhật).
Họa sĩ Hương Lụa.
Nhà thơ Lê Duy.
Nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi Vũ Hùng.
Họa sĩ Bùi Việt Dũng, một đồng nghiệp cùng làm việc với Tô Chiêm.
Biên tập viên Hoàng Kiều Nga của Nhà xuất bản Kim Đồng nơi Tô Chiêm công tác.
Chia sẻ về việc chụp chân dung văn nghệ sĩ, Tô Chiêm cho biết, ngoài yếu tố kĩ thuật như máy móc, ánh sáng, người chụp cần phải quan sát kĩ nhân vật, phải đọc, phải nghe, phải hiểu nhân vật của mình đang chụp thì mới có thể chụp được những bức ảnh biểu đạt nhân vật thật chuẩn

"Chụp ảnh chân dung là môn nghệ thuật khó, và nhiều khi phải có chút may mắn. Tuy là thú chơi tay trái, nhưng tôi cũng yêu thích nó, và sẽ đi cùng nó tới lúc nào còn có thể", anh nói.

Tổ chức trang: Vũ Thành Duy
Text: Hoành Sơn. Ảnh: Tô Chiêm