Chủ Nhật, 19/07/2020 08:00

Khi nào chúng ta có thể chết...

Xưa nay, khi nói về triết học, người ta thường nghĩ đến lĩnh vực mang tính kinh viện, hàn lâm.

Xưa nay, khi nói về triết học, người ta thường nghĩ đến lĩnh vực mang tính kinh viện, hàn lâm. Nhưng nếu đọc Chết cho tư tưởng của Costica Bradatan bạn sẽ thấy triết học thật dễ tiếp cận và rất thú vị. Nó không phải là một thứ gì đó trừu tượng, cao siêu, xa vời, mà trái lại nó gần gũi, can dự trực tiếp vào đời sống. Ấy là khi chính thân thể con người trở thành phương tiện để biểu đạt triết lí, da thịt trở thành “văn bản sống” để lập thuyết, thay cho các phát ngôn.

Trong cuốn sách, qua các bài viết, Costica Bradatan đã khám phá các tình huống của những triết gia tử vì đạo. Họ đã biến cơ thể đang đi đến sự chết của mình, biến “diễn cảnh công cộng quanh cái chết” thành những minh họa sinh động cho các luận đề của họ. Thân thể họ giờ đây không phải là thứ để sống với, mà là một thứ cần vượt qua, và hủy hoại trong quá trình thực hiện lí tưởng. Đó là Socrates - triết gia Hy Lạp cổ đại - theo đuổi đến cùng lẽ phải, để rồi bị kết án tử hình bằng việc uống một loại độc dược. Là Hypatia, một nhà giáo thông thạo về triết học, thiên văn học, toán học, bị tra tấn đến chết vì sự ảnh hưởng của bà đã làm xáo trộn tôn giáo. Là Bruno, người đã tuyên truyền không mệt mỏi cho thế giới quan duy vật và học thuyết Copernic, cũng phải hủy hoại thân thể bằng cái chết trên giàn thiêu. Là Thomas More, tác giả cuốn sách Utopia, bị tử hình vì bảo vệ đức tin của mình... Tất cả họ đều biến tấm thân bị tra tấn, chịu đau đớn, giày vò, thành kiệt tác để biểu đạt tư tưởng của mình.

Cuốn sách còn rất khiêu khích người đọc ở chỗ ta sẽ phải đặt ra trong đầu mình những câu hỏi đại loại như: “cái chết của mình sẽ có ý nghĩa như thế nào?”, “mình có sẵn sàng chết vì một tư tưởng tiến bộ nào đó không?”, “cách chúng ta hành xử với thân thể của mình ra sao?”... Bởi lẽ, nói như như Simone Well: “Cái chết là thứ quý giá nhất đã được trao cho con người. Vì thế, hành vi bất kính nhất chính là sử dụng nó một cách không hiệu quả. Là chết một cách phí hoài”.

Nhà phê bình NGUYỄN THANH HƯƠNG