Thứ Năm, 06/12/2018 19:52

Khi người trẻ lựa chọn cầm bút viết văn

Giữa thời buổi kim tiền ráo hoảnh, cầm bút viết văn quả là một lựa chọn dũng cảm đối với những người trẻ. Họ tự nguyện dấn thân vào kiếp “giời đày”, vào cuộc chơi, cuộc phiêu lưu chữ nghĩa.

Giữa thời buổi kim tiền ráo hoảnh, cầm bút viết văn quả là một lựa chọn dũng cảm đối với những người trẻ. Họ tự nguyện dấn thân vào kiếp “giời đày”, vào cuộc chơi, cuộc phiêu lưu chữ nghĩa. Hạnh phúc với họ là được sống với niềm đam mê của mình. Nói như nhân vật Hộ trong truyện ngắn Đời thừa của nhà văn Nam Cao thì “vì mê văn nên mới khổ, ấy thế, mà tuy khổ thì khổ thật, nhưng thử có người giàu bạc vạn nào thuận đổi cái địa vị của tôi, chưa chắc tôi đã đổi”. Chỉ có người trong giới “giời đày” với nhau mới biết “khi đọc được một đoạn văn hay mà lại hiểu được tất cả cái hay, thì dẫu ăn một món ăn ngon đến đâu cũng không thích bằng”. Chỉ có người trong giới “giời đày” với nhau mới hiểu cái cảm giác sung sướng hạnh phúc khi bắt được một tứ thơ, rồi đốt cháy thành cảm xúc, rồi lộn trái lưng túi dốc kiệt câu chữ, rồi điều quân khiển tướng, rồi loại khỏi đội hình những chữ thừa, rồi không thể loại thêm, cũng không thể xê dịch được nữa, thấy cảm xúc, nỗi niềm của mình đã được phơi bày nguyên vẹn trên trang giấy. Với tác giả trẻ, viết, công bố tác phẩm là cách tự trình hiện, tự “phát sóng” đời mình để dò tìm tri âm giữa nhân gian dài rộng, để tự huyễn hoặc mình không cô độc. Trời cao lồng lộng, đất rộng muôn trùng, vũ trụ vô thuỷ vô chung, dấn thân vào con đường văn chương dằng dặc, mải miết gom nhặt để mong một ngày vỡ oà lưng túi, lộ diện tác phẩm lớn trình đời, đó là cách để người viết trẻ hy vọng có thể đóng con dấu đời mình hữu hạn lên càn khôn vô hạn.

Các nhà văn có tác phẩm vào chung khảo Cuộc thi văn học tuổi 20 lần V giao lưu với độc giả. Ảnh: Internet

Đối với người cầm bút, ngoài năng khiếu thiên bẩm, niềm đam mê, sự khổ luyện, một đời sống bên trong đủ đầy và tột cùng các cảm xúc cảm giác…, thì điều kiện quan trọng quyết định độ nặng của tác phẩm là một sự trải đời, am tường về đời, một sự trường vốn của họ. Câu nói của nhà thơ Tố Hữu chưa hề lỗi thời: “Thơ chỉ tràn ra trong tim ta khi cuộc sống thật đầy”. Đúng thế, một khi cuộc sống đã đầy ắp trong tim thì những khoảnh khắc thăng hoa của cảm xúc sẽ tự khắc loé sáng. Tại sao nhiều người viết trẻ chưa thoát khỏi những cảm xúc vụn vặt, cứ loay hoay cựa quậy trong không gian của cái tôi bé tí? Chính là vì họ “chưa đủ nội lực văn hoá thâm hậu để sải những bước chân của gió”, nói như cách nói của nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp, mà trước hết là chưa nhiều vốn sống thực tế. Người viết trẻ hôm nay đa phần đi thẳng từ nhà trường phổ thông đến giảng đường đại học, rồi từ giảng đường đại học về nhiệm sở công tác, nên thiếu cái lăn lộn len lỏi bầm dập cùng đời. Đi, thấy, nghĩ và viết, đó là công thức lý tưởng. Nhưng người cầm bút trẻ cũng có thể tự làm giàu vốn sống, làm phong phú cảm giác, làm dày tấm phông văn hoá cho mình bằng cách “thực tế tại chỗ”. Tức là phải đọc nhiều. Đọc là cách để họ có thể đưa mình trượt ra khỏi cái tôi nhỏ bé, ra khỏi con đường từ nhà đến nhiệm sở mà sống nhiều cuộc đời, nhiều thân phận, “hoà mạng” đời mình, thở hơi thở nồng ấm của đời xôn xao. Đọc là cách để họ được thấy trời cao đất rộng, nhận biết “ngoài trời còn có trời”, từ đó “tự ngắm mình”. Họ thấy nhiều nhà văn lớn có thể đặt đời lên lòng bàn tay mà soi ngẫm. Họ nhận ra đời mình nhạt mờ, nhẹ hều, nhận ra những sản phẩm viết của mình bấy lâu rườm rà rủng rỉnh câu chữ nhưng nhẹ tênh, như bông trắng rớt sân nhà không dậy nổi tiếng vang, bởi chỉ quanh quẩn trong phạm vi cái tôi cá nhân chật hẹp, cái tôi cá nhân nửa vời. Từ đó họ càng thèm sống, khát sống, thèm mài giũa giác quan mà sống. Từ đó họ băn khoăn trăn trở tìm một lối đi vượt lên chính mình và không giẫm lên vết mòn của người khác. Họ nỗ lực hướng đến có được những trang viết hàm súc, riêng lạ nhưng giản dị, mà phải đời, phải nặng, phải có tiếng vang.

Phải không ngừng đổi mới mình, phải viết thật lạ, thật hay, thật ấn tượng, điều đó hiển nhiên. Nhưng nếu quá sốt sắng, “cố đấm ăn xôi” thì người viết trẻ chẳng bao giờ cho ra thành quả tốt đẹp. Cứ hồn nhiên sống với tình yêu văn chương. Cứ tựa vào cảm xúc mà viết. Mọi tư tưởng, nhận thức phải được đốt cháy thành cảm xúc. Mà một khi cảm xúc vỡ oà từ con tim, tràn trang giấy, câu thơ câu văn tự chúng chọn cái nhịp cái điệu đi riêng của chúng, người viết không chọn thay chúng được. Khi chúng muốn đi cái điệu cái nhịp “truyền thống”, làm sao cưỡng ép chúng đi cái nhịp cái điệu “hiện đại” được? Vậy nên người viết trẻ cần biết tự nhận diện mình, ý thức được đâu là thế mạnh, là sở trường, là thứ thuận tay, là tạng riêng, gu thẩm mỹ riêng của mình. Mọi sự học đòi, bắt chước, chạy theo mốt thời thượng... không làm nên tác phẩm chất lượng, không kiến tạo được bản sắc căn cước văn chương độc đáo riêng biệt. Không có đường đi văn chương nào dành chung cho hai người.

Có sức thuyết phục hơn trăm ngàn tuyên ngôn lập thuyết ồn ào vẫn là tác phẩm. Người viết trẻ hôm nay đang lặng lẽ vượt lên những trạng huống hoang mang, tự nguyện bền bỉ dấn thân vào con đường văn chương bấp bênh bất trắc, không ngừng tìm tòi thử nghiệm quẫy cựa bứt phá. Và thành tựu vẫn đang vẫy chờ họ ở phía trước.

MINH PHƯỚC