Tiểu thuyết gia người Mĩ gốc Nhật Katie Kitamura vừa trở lại với Audition – một cuốn tiểu thuyết thách thức người đọc cả về hình thức lẫn nội dung. Trong cuộc trò chuyện với Sophie McBain, Kitamura chia sẻ về cảm hứng đằng sau tác phẩm mới, về mối quan hệ gia đình với chồng, cũng là tiểu thuyết gia nổi tiếng Hari Kunzru – và lí do vì sao, trong thời đại đầy biến động chính trị, tiểu thuyết lại mang một sứ mệnh quan trọng đến vậy.

Katie Kitamura.
Một tiêu đề cũng đủ khơi nguồn cho một cuốn tiểu thuyết
Cách đây vài năm, Kitamura tình cờ đọc được một dòng tiêu đề trên mạng: “Một người lạ nói với tôi rằng tôi là mẹ của anh ta”. Cô không đọc bài viết – và cũng không cần. Chỉ riêng tình huống ấy đã đủ ám ảnh để cô tưởng tượng ra một câu chuyện không có câu trả lời rõ ràng, chỉ có sự bất ổn và ranh giới mập mờ giữa các vai trò trong đời sống.
Đó chính là mạch cảm hứng cho Audition, tiểu thuyết thứ năm của cô, mở đầu bằng cuộc gặp giữa một nữ diễn viên vô danh và một sinh viên đại học tên Xavier – người tự nhận là con trai cô. Khi câu chuyện tiến triển, độc giả bị dẫn dắt vào một mê cung của hoài nghi: anh ta nói thật hay là kẻ hoang tưởng? Hay chính cô mới là người không ổn định?
Không phải là tiểu thuyết về làm mẹ
Audition chủ động tránh xa dòng tiểu thuyết viết về trải nghiệm làm mẹ một cách đầy bản năng và mãnh liệt như Nightbitch của Rachel Yoder. Kitamura chọn một hướng đi ngược lại – viết về sự tách biệt, về khoảng cách ngày càng lớn dần giữa cha mẹ và con cái khi bọn trẻ trưởng thành.
“Những đứa con 12 và 8 tuổi của tôi là những sinh vật đáng ngạc nhiên,” cô nói, “chúng thay đổi liên tục, và điều đó khiến tôi bối rối về chính vai trò làm mẹ của mình.” Cô chia sẻ thêm rằng nhiều người bạn có con đã trưởng thành nay quay về sống cùng gia đình nói rằng: “Giống như đang sống với người lạ”.
Trong Audition, những nhân vật dường như bị cuốn vào những cuộc đấu tranh quyền lực đầy tinh tế, đặc biệt là trong gia đình. Kitamura nói rằng cô vừa thích thú vừa rùng mình khi nhận ra mình, đôi khi, áp đặt quyền lực lên con cái. “Khi bạn bế con lên dù nó không muốn, khi bạn phạt nó đó là quyền lực tàn bạo. Nhưng đó cũng là làm cha mẹ.” Cô cũng đồng thời thừa nhận cảm giác bất lực khi không thể bảo vệ con khỏi thế giới ngoài kia.

Cuốn sách mới của nhà văn Katie Kitamura.
Trong các tiểu thuyết của mình, Kitamura thường xây dựng các nhân vật nữ chính có vẻ ngoài kín đáo, điềm tĩnh, đôi khi bị cho là lạnh lùng. Nhưng ngoài đời, cô ấm áp, hài hước và tự trào. Gặp tôi tại một quán cà phê ở Brooklyn, cô cười sảng khoái khi kể về khoảnh khắc con gái mình nghi ngờ nghề nghiệp của mẹ: “Mẹ không có cuốn sách nào sắp ra mắt cả. Con chưa bao giờ thấy mẹ viết gì!”
Cô không ngần ngại chia sẻ những khoảnh khắc mâu thuẫn nội tâm, khi phải sắm vai người mẹ, người vợ, nhà văn, bạn bè, người con và đôi lúc không nhận ra chính mình giữa những vai trò ấy.
Vợ chồng nhà văn và những chuyện bên ngoài trang sách
Kitamura kết hôn với tiểu thuyết gia người Anh Hari Kunzru. Cô nói chồng cô viết nhanh hơn, kỉ luật hơn, có thể tranh thủ 45 phút rảnh trong ngày để viết, trong khi cô cần nhiều không gian hơn. Nhưng điều thú vị là giữa họ không hề có sự ghen tị. “Chúng tôi viết hai loại sách rất khác nhau,” cô nói. “Khi một người nảy ra ý tưởng hay, người kia sẽ nói: Anh/em nên viết cái đó!”
Họ là độc giả đầu tiên và nghiêm khắc nhất của nhau. Nhưng trong cuộc sống thường nhật, điều cô trân trọng ở chồng là… “anh ấy là người tháo máy rửa bát và nhớ mua bột giặt”.
Viết để chống lại sự độc đoán
Là giảng viên trong chương trình viết sáng tạo của Đại học New York, Kitamura nhận thấy sinh viên ngày càng lo lắng về vai trò của văn học trước một thế giới bất ổn. Sau bầu cử năm 2024, một sinh viên hỏi: “Tiểu thuyết có còn cần thiết nữa không? Chúng ta có nên phản kháng trực diện hơn không?”
Kitamura cũng từng hoài nghi như vậy, nhất là khi Trump lên nắm quyền năm 2016. Nhưng giờ, khi đối diện với nhiệm kỳ tổng thống thứ hai đầy cực đoan, cô nói: “Tôi chưa bao giờ thấy việc viết lách lại quan trọng đến vậy.” Theo cô, nếu chủ nghĩa độc đoán nuôi dưỡng sự cô lập, thì tiểu thuyết chính là cách để con người hiểu nhau hơn.
“Cầm một cuốn sách lên và mở lòng mình với người khác, đó là hành động thân mật nhất tôi làm mỗi ngày,” cô nói.
Từ ballet đến văn chương và hành trình trở thành nhà văn
Trước khi trở thành nhà văn, Katie Kitamura từng khao khát là diễn viên múa ba lê. Cô lớn lên ở California, cha mẹ từ Nhật Bản sang định cư vì công việc của cha – một giáo sư kĩ thuật. Khi còn nhỏ, cô dành phần lớn thời gian cho múa, nhưng một chấn thương đã kết thúc giấc mơ ấy. Không ngờ, cô lại giành được học bổng vào Princeton, nơi cô học ngành văn học Anh.
Kitamura nhìn thấy điểm giao nhau giữa múa và viết: sự kỉ luật, sự lặp lại và khả năng che giấu nỗi đau để tạo ra nghệ thuật. Văn chương của cô cũng vậy kiệm lời, chặt chẽ nhưng luôn ẩn chứa dòng cảm xúc mãnh liệt bên dưới.
Hiện tại, cô đang bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết tiếp theo – một tác phẩm cô nói sẽ “rất khác” với những gì đã viết trước đây. Nhưng thời gian thì không bao giờ đủ – cô vẫn đang giảng dạy, quảng bá sách mới và làm mẹ toàn thời gian.
“Công việc đến từ sự hỗn loạn của cuộc sống,” cô cười. “Tôi không thể đợi đến khi cuộc đời yên ả hơn. Tôi phải viết từ chính giữa cuộc đời mình – vì đó là tất cả những gì tôi có.”
NGỌC MINH dịch theo bài viết của tác giả Sophie McBain, The Guardian