. TS. ĐỖ THỊ THU HUYỀN
Thành công của tác phẩm Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (nhà văn Trần Mai Hạnh) có thể được xem từ nhiều yếu tố: tính chất độc đáo của văn chương được thể hiện qua sự tích hợp; chiều kích của không gian được mở rộng từ người đọc trong nước đến người đọc các ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Lào và tiếng Tây Ban Nha[1]. Việc cuốn sách dịch được ra nhiều thứ tiếng không chỉ cho thấy mối quan tâm đối với cuốn sách, với Việt Nam, mà còn góp phần mở rộng biên giới địa chính trị văn hóa. Trong một mong muốn đưa văn chương Việt Nam ra thế giới, cuốn sách như một chiếc cầu nối hành trình thêm dài và mở rộng nhiều chiều kích.
Hành trình nhiều bước ngoặt
Cuốn sách Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật thẩm định, ấn hành lần đầu vào tháng 4/2014. Cuốn sách kết hợp tư liệu với sự dung tưởng phong phú (hư cấu) của nhà văn viết về những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, trọn vẹn 4 tháng kể từ chiến thắng Phước Long tháng 1/1975 của Quân giải phóng tới những giờ phút cuối cùng ngày 30/4 tại Dinh Độc Lập. Tác giả không mượn yếu tố lịch sử làm cớ để gửi gắm thông điệp mà mục đích quan trọng nhất là phục dựng trung thực lịch sử từ lợi thế của một nhân chứng tham gia trực tiếp vào cuộc chiến trong bốn tháng cuối cùng của chiến tranh. Việc xuất bản tác phẩm này thực sự là một cơ duyên vì sự “khai sinh” rất ý nghĩa của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đúng dịp kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhà xuất bản trong lời giới thiệu của mình đã ghi nhận giá trị của cuốn sách cũng như khẳng định cơ duyên của tác giả khi được cử tham gia Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định (sau đó được Bộ Chính trị quyết định đổi tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử) với nhiệm vụ là Đặc phái viên Thông tấn xã Việt Nam đi trong đoàn do đích thân Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam khi đó dẫn đầu. Bám sát các binh đoàn chủ lực, tác giả đã theo các đoàn quân tiến vào giải phóng hầu hết các thành phố, thị xã suốt từ Huế tới Sài Gòn và có mặt chứng kiến giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975. Nhờ thế, tác giả có may mắn giữ được trong tay những tài liệu, biên bản mà bất kỳ nhà nghiên cứu sử nào cũng ao ước. Cuốn sách đã phác họa sinh động sự kiện lịch sử đó, và “Thời gian ngày càng lùi xa thì diễn biến những sự kiện lịch sử Ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975 càng được sàng lọc, kiểm nghiệm và thông điệp của nó gửi lại cho chúng ta hôm nay càng sâu sắc hơn”[2]. Cho đến nay, tác phẩm đã được tái bản (có sửa chữa và bổ sung) nhiều lần tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, với tổng số lượng ấn hành lên tới gần hai vạn rưỡi cuốn. Chỉ riêng trong năm 2014 cuốn sách được in nối bản 3 lần, năm 2015 nối bản 5 lần. Nhà xuất bản năm 2016 đã in tới 5000 bản cho lần tái bản thứ hai. Bắt đầu từ tái bản lần thứ năm (2020), Trần Mai Hạnh đã tiến hành sửa chữa bổ sung như một phần của nhu cầu nhìn lại những gì mình viết, và lắng nghe những gì bạn đọc hồi đáp. Sau ba lần sửa chữa bổ sung, số trang đã tăng lên gần gấp rưỡi, từ 444 lên 612 trang. Số lượng bạn đọc một cuốn sách như thế trong một thời gian dài hẳn là niềm mong chờ đáng ghen tị mà nhiều nhà xuất bản muốn đạt được trong một nền kinh tế thị trường phong phú, giàu sức cạnh tranh luôn muốn tìm kiếm những cái mới mẻ và cuốn hút. Cuốn sách thu hút bạn đọc hẳn không chỉ vì có một giá trị sử liệu mà còn mang phẩm chất văn chương độc đáo, mới mẻ. Đến nay cuốn sách còn được vinh danh tại các giải thưởng, trong và ngoài nước: Giải thưởng văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam; Giải thưởng văn học năm 2015 của các nước Đông Nam Á (ASEAN). Bên cạnh đó, ngày 4/1/2016, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã có Quyết định số 01/QĐ-HNV về việc dịch Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 sang Anh ngữ “nhằm giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học viết về sự nghiệp đấu tranh giữ nước, giải phóng dân tộc và khát vọng hoà bình của nhân dân Việt Nam tới bạn đọc trên thế giới”. Ngay sau đó, cuốn sách được tổ chức dịch sang Anh ngữ (dịch giả Mạnh Chương) và ấn hành từ trong nước với số lượng 1.000 bản để giới thiệu với bạn đọc trên thế giới nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017). Dù ông không phải nhà văn chuyên nghiệp, không phải Hội viên Hội Nhà văn, nhưng quyết định giới thiệu trang trọng của Hội Nhà văn Việt Nam đã như một sự ghi nhận tư cách của ông.

Tác phẩm Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh.
Bên cạnh việc xuất bản, tái bản, phiên bản tiếng Anh, tiếng Lào được công bố năm 2017, 2018 là một minh chứng cho sự thành công và tình cảm nơi độc giả. Cuốn sách đã có nhiều bước ngoặt không ngờ tới trong hành trình đến với bạn đọc ngoài nước. Đó có lẽ cũng là một thành công chung về mặt đối ngoại mà giới nhà văn chờ đợi khi Việt Nam ngày càng hòa nhập sâu vào cộng đồng đọc sách và quan tâm tới lịch sử trên thế giới. Giờ đây, cuốn sách còn có thêm một cơ hội mới đến với một vùng bạn đọc rộng hơn khi được dịch ra tiếng Tây Ban Nha. Đối với cuốn sách của Trần Mai Hạnh lần này, đó như một sự nối dài cho hành trình mang tầm vóc một "Biên bản chiến tranh" và cũng là một "Biên bản ngày chiến thắng".
Tầm vóc một Biên bản ngày Chiến thắng
Một tác phẩm khi viết về lịch sử có thể thu hút được sự chú ý của công chúng tức thời. Và, chính thời gian như một phần của lịch sử là câu trả lời rõ ràng nhất cho giá trị của nó. Cuốn sách của Trần Mai Hạnh đã nhận được sự quan tâm của người đọc rộng rãi trong một thời gian xuất bản khá dài hẳn là vì một quan niệm khác về cách viết sử. Có lẽ ông cho rằng, không thể đi đến tận cùng sự thật vốn luôn ẩn chứa những bất ngờ mà không ai có thể biết trọn vẹn. Tác giả đã khắc phục những giới hạn của một góc nhìn cá nhân, riêng lẻ bằng tập hợp những tư liệu biên bản ông có trong tay. Ông cố gắng không “lắp ghép” từng mảng của bức tranh theo cách cơ giới của một cuốn sử liệt kê, mà bao quát nó trong một phạm vi rộng nhất có thể, đa chiều nhất có thể, từ phía bên này và phía bên kia chiến tuyến. Cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc trong những bước đi cuối cùng do thế được tái hiện một cách khách quan dựa trên những biên bản như một dạng sử liệu không cần tranh cãi. Trần Mai Hạnh hẳn đã tận dụng được may mắn cá nhân mà thời cơ lịch sử đã trao cho ông. Nhưng hẳn là nếu người phóng viên trẻ tuổi của Thông tấn xã Việt Nam ngày ấy không có một ý thức lịch sử sâu sắc, thì anh hẳn sẽ không có những phút lóe sáng truy tìm, tập hợp và giữ lại một cách cẩn thận những biên bản lịch sử này của khoảnh khắc ngày chiến thắng. Thiếu đi tư liệu giàu có và khách quan như thế thì dù có ý định “điên rồ” phục dựng lịch sử đến đâu, thì việc hình thành cuốn sách như Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 sẽ khó mà thành hình, hoặc không dễ níu bạn đọc lại.
Trần Mai Hạnh đã viết bằng trách nhiệm với đất nước, từ việc thôi thúc khi nắm trong tay hàng nghìn trang tư liệu vô giá về chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975. Ngay từ khi còn trẻ, ông có một tâm niệm là người trí thức chiến đấu và xây dựng quê hương phải mở lòng, phải gắn bó để mà trải nghiệm cùng (như phương châm “Ba cùng”)… Quả thực, thoạt nhìn Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 là cuốn sách có tính tư liệu, khó đọc đối với nhiều độc giả bởi chính sự đồ sộ, phong phú của nó. Tuy nhiên thị trường đọc đôi khi có những quy tắc vượt khỏi logic thông thường khiến chúng ta một sự cởi mở hơn trong tầm nhìn. Việc được tái bản, nối bản và có thêm nhiều bản dịch bằng tiếng Anh, rồi tiếng Lào đã chứng tỏ cuốn sách của Trần Mai Hạnh đáp ứng được sự mong chờ của độc giả. Nó chứng tỏ một điều rằng, thời điểm chứng kiến giờ phút toàn thắng của đất nước, ý nghĩ lóe sáng nơi ông rằng “phải ghi lại sự kiện đó” - không hề là “sự ngông cuồng của tuổi trẻ”. Cũng chứng tỏ rằng người đọc đương đại Việt Nam cũng như trên thế giới không hề thờ ơ với lịch sử, với cuộc kháng chiến cách đây gần nửa thế kỷ. Có lẽ cũng chính bởi sự vô tư, không toan tính riêng tư mà hành trình “viết và đối thoại” của Trần Mai Hạnh mới đến đích.
Đáng kể nhất và cũng là yếu tố làm nên tầm vóc của Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 chính là sự tài hoa của nhà văn Trần Mai Hạnh khi làm sống lại một cách hấp dẫn đề tài tưởng chừng đã cũ, thậm chí còn đem đến một cái nhìn mới góp phần kiến tạo nhiều yếu tố độc đáo của thể loại tiểu thuyết tư liệu. Sự mới mẻ của cuốn sách còn đến từ chính hai chữ "biên bản" trong tên tác phẩm cũng như thể loại "tiểu thuyết tư liệu lịch sử" mà tác giả ấn định cho đứa con tinh thần của mình đã vượt khỏi những khuôn khổ thể loại quen thuộc. Tên gọi như một sự điểm nhịp sải bước của lịch sử đang tiến đến cái đích cuối cùng là ngày toàn thắng của đất nước. Điều đó cho thấy nhu cầu tạo dựng những hình thức ngôn ngữ thể loại mới để kiến tạo những nội dung mới, và cung cấp cho người đọc những góc nhìn khác về lịch sử và sự thật. Người ta khó có thể hình dung giai đoạn trước đó được phục dựng như thật mà không hề có bóng dáng tác giả xuất hiện mà vẫn đảm bảo chi tiết, sống động đến từng sự kiện, sự việc, tình tiết và con người. Yếu tố hư cấu, tưởng tượng được phép xuất hiện với tỉ lệ nhất định, nhưng cái khó nhất là đối thoại của những con người có thật, mà 285 nhân vật của Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đều có dấu ấn riêng, thể hiện không chỉ tính cách, số phận mà còn mang được những dấu ấn vùng miền trong ngôn ngữ.
Đóng góp nổi bật, ấn tượng nhất của Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 là đã phục dựng thành công sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Sài Gòn) trong những ngày tháng cuối cùng của chiến tranh. Có lẽ Trần Mai Hạnh là nhà văn đầu tiên nêu khái niệm "phục dựng lịch sử" trong tác phẩm văn học. "Phục dựng" khác với "tái hiện" và "phục chế" (hẳn nhiều người đã từng biết việc phục chế bức tranh nổi tiếng Em Thúy của danh họa Trần Văn Cẩn vẽ năm 1943 diễn ra hết sức kỳ công như thế nào). Ở đây, nguyên mẫu trên thực tế mà tác giả phục dựng đã cho thấy bức tranh lịch sử về sự sụp đổ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn hiện lên đầy đủ ở các khía cạnh: tầm vóc - quy mô - đối tượng - không gian - tốc độ - hệ lụy... Cùng với đó là thân phận con người trong giờ phút hấp hối, sụp đổ cuối cùng của chiến tranh. Trần Mai Hạnh viết bằng sự thật được thu thập từ những tài liệu nguyên bản, những yếu tố hư cấu gần như được lựa chọn trên nền của những sự kiện, với thái độ không áp đặt, không “dạy dỗ” cũng không có ý định “giải thiêng”; qua đó kín đáo bày tỏ quan điểm thẳng thắn, thái độ nghiêm túc với văn chương và lịch sử. Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 chính vì thế mang một văn phong hiện đại: ngắn gọn - tốc độ - hành động - hình ảnh khi đã lột tả chân xác tốc độ sụp đổ kinh hoàng của cả một thể chế, một xã hội với sự xuất hiện của 285 nhân vật cùng những tình tiết dồn dập nhiều lúc "không kịp thở", bởi ở đó không có chỗ cho sự diễn đạt dài dòng phức tạp: "Thoáng chốc đại lộ Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Chi Lăng vắng tanh. Bệnh viện Huế vắng hoe. Tòa thị chính không một bóng người. Huế đã trở nên thành phố chết từ lúc mặt trời mọc. Thị dân ùn ùn giã biệt Huế, đi ngang Dòng Chúa Cứu Thế vẫn thấy chúa chịu khổ đau, bị đóng đinh trên thập tự giá, trong khi vài tiếng chuông chùa vẳng xa. Thành phố rỗng không, cô đơn ngây nhìn lịch sử xoay vần và trực thăng quần quật trên đầu..."[3]. Tác giả cũng đặc biệt thành công trong ngôn ngữ đối thoại. Rất hiếm tác phẩm văn học nhiều nhân vật (285 nhân vật), nhiều cảnh ngộ, nhiều đối thoại liên tục đến thế, tâm thế, giọng điệu đậm nét đặc trưng tính cách của từng nhân vật... Tác giả không trau chuốt, không làm duyên làm dáng; người đọc cảm giác như ông dốc toàn lực để kịp đuổi theo, diễn tả trung thực các sự kiện, tình tiết. Chính sự thật về diễn biến các sự kiện lịch sử được phục dựng thành công đã mang lại sự sinh động, hấp dẫn và lôi cuốn độc giả. Những cuộc rút lui, tháo chạy rất khác nhau, không hề trùng lặp là những trang hay nhất, không hề kém cạnh các tác phẩm kinh điển viết về chiến tranh đã có.
Người ta có thể thấy thấp thoáng ở cuốn sách này hình ảnh một phóng viên chiến trường liên khu 5 trong Thời tôi sống mà Trần Mai Hạnh cho ấn hành trước đó. Độc giả thấy ở đó một nhà văn xông pha, đi cùng hàng vạn người di tản, trải nghiệm vô giá với những số phận. Còn trong Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, ông vẫn tái hiện bằng những trải nghiệm riêng mình về những cuộc di tản nhưng là của phía bên kia. Điều đó cho thấy sự sáng tạo không mệt mỏi, mà điều đó có được chính bởi thực tế mà ông trải nghiệm, một thực tế phong phú hơn tưởng tượng. Bởi lẽ, theo Trần Mai Hạnh, ông có cơ may được gặp, hoặc được tiếp cận với những tài liệu, bản văn đáng tin cậy của những con người/ những nhân vật của cuốn sách, họ đã “kể lại” bằng những bản tường trình, chính xác về ngày giờ địa điểm cũng như diễn biến chi tiết của sự việc, cảnh ngộ diễn ra trong quá trình sụp đổ, sự chính xác đến từng cơn mưa. Điều đó cho thấy sức mạnh của tư liệu, đồng thời cũng cho thấy sự kỳ công, tỉ mỉ của tác giả trong quá trình 39 năm thu thập tài liệu và xây dựng nên tác phẩm này.
Có lẽ chính những sự kết hợp giữa tư liệu khách quan với một trải nghiệm hoàn toàn riêng tư, đích thực, cùng với một độ lùi để suy ngẫm đã khiến cho cuốn Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 có một sức hấp dẫn không chỉ độc giả trong nước mà cả độc giả ngoài nước. Mới đây nhất, ấn bản bằng tiếng Tây Ban Nha của cuốn sách là một sự kiện dù có tính “tiếp nối” trên hành trình đến với độc giả quốc tế, nhưng nó vượt khỏi phạm vi đời sống văn chương và trở thành một sự kiện trong đời sống chính trị và đối ngoại của đất nước[4].
Vẫy gọi những chân trời mới
Trong lời phát biểu tại lễ ra mắt phiên bản tiếng Anh của Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã bày tỏ sự cảm kích và trân trọng với những đóng góp công phu của tác giả và cám ơn tác giả đã tin cậy chọn Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - cơ quan xuất bản chính trị của Đảng và Nhà nước để công bố tác phẩm giá trị này. Từ sự phân vân ban đầu khi tiếp nhận bản thảo đến sự ghi nhận là cả một quá trình không hề đơn giản, chứng tỏ cuốn sách Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đã chiếm trọn được sự tin yêu của độc giả. Sau tổng cộng 15 lần xuất hiện (gồm ấn bản đầu tiên, 5 lần tái bản, 7 lần in nối bản và 3 phiên bản tiếng Anh, tiếng Lào, tiếng Tây Ban Nha), đặc biệt là lần thứ 5 với nhiều tư liệu chân xác được bổ sung, ở phiên bản tiếng Tây Ban Nha lần này, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 một lần nữa minh chứng cho sức hấp dẫn cũng như thành công và đóng góp quan trọng của Trần Mai Hạnh ở thể tài không mới nhưng còn nhiều đất để khai phá. Đặt cạnh nhau hai cuốn sách, một cái nhìn đối sánh về những sự lựa chọn lịch sử phần nào hiển hiện rõ nét: nếu như Vững bước trên con đường đổi mới là những lựa chọn khó khăn đương đại ở vào những thời điểm quan trọng, thì Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 bao hàm cái nhìn về lịch sử của đất nước mà sự kiện 30/4/1975 đã trở thành một mốc son chói lọi.
Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 khi tái bản lần thứ nhất (2015), trong phần phụ lục đã lần đầu công bố toàn văn những tư liệu gốc, những tài liệu nguyên bản tuyệt mật về chiến tranh của phía bên kia (phía chính quyền Sài Gòn và phía Hoa Kỳ), độc giả mới ngỡ ngàng về những ấp ủ táo bạo không tưởng của tác giả. Đó có lẽ cũng là lý do khiến bạn đọc tiếng Anh hào hứng đón chờ không kém bạn đọc trong nước. Và chính như Trần Mai Hạnh bộc bạch, việc dấn thân ấy dường như ở trong trạng thái không tỉnh táo để lượng sức mới tham vọng đến vậy. Tuy thế, Trần Mai Hạnh được may mắn chứng kiến những giờ khắc lịch sử một đi không trở lại của đất nước, ông ý thức được trách nhiệm của một công dân, một nhà báo là phục dựng sự kiện đó nhưng phải dựng bằng tài liệu chuẩn, bằng cái nhìn không thiên kiến. Do đó, những lựa chọn điểm nhìn và cách tái hiện đã cho thấy một quan điểm rõ ràng của ông về lịch sử, từ đó có lập trường riêng về sự chân thật lịch sử. Định hướng sáng tác ngay từ sơ khởi ấy như một cục nam châm khổng lồ hút tất cả những sự kiện, sự việc, tình huống, những tài liệu và cả những con người liên quan tới sự phục dựng trong tác phẩm này châu tuần lại. Nắm chắc chứng cứ, tài liệu để bảo vệ sự thật lịch sử, để sẵn sàng có những đối mặt với tiếng nói từ mọi phía. Bản tiếng Anh của cuốn sách là một phép thử, cũng là một minh chứng khi đã được mở rộng biên giới tiếp cận độc giả[5]. Trần Mai Hạnh cho thấy một sự điềm tĩnh, tỉnh táo khi xử lý từng thông tin, từng chi tiết khi phục dựng, đặc biệt là việc chọn thời điểm mở đầu cũng như thời điểm kết thúc cuốn sách. Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 khép lại vào thời điểm: "Đúng 10h45', khi chiếc xe tăng đầu tiên của Lữ đoàn 203 của Quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập...". Như vậy, tất cả mọi sự việc diễn ra đều ở phía bên kia cổng chính Dinh Độc Lập, phía bên này không ai có mặt nên ngoài việc đưa ra các chứng cứ, văn bản, tài liệu gốc của phía bên kia (phía Việt Nam Cộng hòa và phía Hoa Kỳ) về những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn để phản bác sự phục dựng của tác giả, thì không thể dựa trên suy nghĩ, suy luận chủ quan của mình để đưa ra những ý kiến tranh cãi.
Có lẽ Trần Mai Hạnh tin rằng, một tác phẩm phải đủ khách quan để thuyết phục bạn đọc, và do thế phải đủ đa chiều để khẳng định được tầm vóc. Tác phẩm cần có những khai mở đa chiều, thu hút được những tương tác, dĩ nhiên không hẳn là gây nên những tranh cãi. Chính bởi thế mà Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 tạo được sự tin tưởng nơi nhiều cấp độc giả, được dư luận đánh giá khá thống nhất, sự đồng thuận từ các phía và từ cả giới phê bình, những người cầm bút… Điều này được tạo nên chính bởi ý thức viết “trên bệ đỡ của sự thật” cộng với bản lĩnh và phẩm chất của tác giả. Ở đây cho thấy một sự quả cảm không ngại đương đầu với sự thật, vì đó là lịch sử đương đại. Có lẽ gần giống quan điểm của Benedetto Croce, “Tất cả lịch sử là lịch sử đương đại”, Trần Mai Hạnh đứng vững trên mảnh đất hiện tại, bằng sự trải nghiệm và nhãn quan của mình đã chưng cất, tái hiện sống động và khai phá ở nhiều chiều kích mới, soi rọi được nhiều góc khuất của lịch sử. Sự dụng công như một nghiên cứu khách quan và công phu, khoa học từ những văn bản được cung cấp đến lượng thông tin nhiều, mới, và phụ lục tra cứu… đã khiến cuốn tiểu thuyết có một đời sống riêng độc đáo trong nền văn học về đề tài chiến tranh. Điều quan trọng mà hiếm khi nào ông bị xô lệch trong suốt cuốn tiểu thuyết chính là sự vững chãi về cách nhìn, mà điểm tựa cốt tử nhất chính là sự mạch lạc và phân định khách quan. Không khi nào ông cho mình lơi là đi việc tái hiện sự thật, dù ở tâm thế quan sát hay tái tạo. Sự khách quan đó cho phép văn bản của ông được chấp nhận để giới thiệu cho không chỉ bạn đọc tiếng Anh, mà giờ đây còn được trao gửi cho bạn đọc tiếng Tây Ban Nha. Thế giới tiếng Tây Ban Nha vốn vô cùng đa sắc gồm gần nửa tỉ bạn đọc sống rải rác trên khắp địa cầu, trong đó có một tỉ lệ lớn ở Hoa Kỳ và đặc biệt là ở những quốc gia Mỹ Latin như Cuba, Mehico, Braxin, Guatemala, Bolivia… Trong số đó có rất nhiều dân tộc đã yêu mến và ủng hộ nhiệt thành công cuộc kháng chiến vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam trước năm 1975. Người ta không quên câu nói của chủ tịch Fidel Castro, luôn nhớ đến những du kích Venezuela đã đáp lời Nguyễn Văn Trỗi… Có lẽ bản dịch tiếng Tây Ban Nha của Trần Mai Hạnh là một lời cảm ơn chân thành sâu sắc mà ông muốn dành cho những dân tộc, những con người đã luôn nghĩ đến dân tộc Việt Nam trong lửa đạn. Đấy cũng là một sự vẫy gọi của những chân trời mới với một cuốn sách văn chương-tư liệu thời đương đại.
Tác giả Trần Mai Hạnh đã tận dụng được những cơ may của lịch sử và cơ duyên của cuộc sống. Bao người đã đặt niềm tin nơi ông, giúp ông sở hữu được những tư liệu tuyệt mật vô giá về chiến tranh thuộc phía bên kia (phía chính quyền Sài Gòn và phía Hoa Kỳ), giúp ông làm được những điều ngỡ như không tưởng trong quá trình xây dựng thành công tác phẩm của mình. Tất cả những điều đó, đến hiện tại, là minh chứng rõ nét nhất, hùng hồn nhất cho ý thức trách nhiệm của nhà văn với ngòi bút, với công chúng yêu văn chương, với xã hội và với đất nước. Sau những tháng ngày gặp hoạn nạn với bao hệ luỵ, biến cố; nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã lựa chọn, dấn thân và đồng hành với những trang viết cho đến phút cuối của cuộc đời. Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 là một minh chứng sống động để thấy rằng, nếu không có niềm tin, bản lĩnh, sự lao động nghệ thuật không mệt mỏi thì tác giả không thể “trở lại” với một công trình đồ sộ phục dựng sự thật lịch sử thành công và gây tiếng vang đến thế…
Đ.T.T.H
---------
[1] “Đáp ứng đề nghị của phía Cuba, được Ban Tuyên giáo Trung ương chấp thuận, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức biên dịch, biên tập, hiệu đính, thẩm định xuất bản Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 bằng tiếng Tây Ban Nha. Tháng 12/2021 Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 phiên bản tiếng Tây Ban Nha in xong với số lượng 1.000 cuốn, sách dày 626 trang, khổ 16 x 24cm, bìa cứng, in ấn trình bày đẹp, sang trọng, và đã được trao tặng bạn đọc Cuba thông qua Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolas Hernandez Guillen”. Nguồn: Xuất bản "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" bằng tiếng Tây Ban Nha.
[2] Biên bản chiến tranh xuất bản lần thứ nhất, năm 2014; tr.5-6.
[3] Biên bản chiến tranh, tái bản lần thứ 5, năm 2020; tr.135.
[4] Cuốn sách được dịch cùng Vững bước trên con đường Đổi mới (2 tập) của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tổng kết sự nghiệp phát đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, trải dài từ năm 2011 đến năm 2017.
[5] Trưa ngày 27/4/2017, ngay sau Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và ra mắt phiên bản tiếng Anh cuốn sách do Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật và Hội Nhà văn Việt Nam đồng tổ chức, Bài phỏng vấn của BBC tiếng Việt dài 3 trang khổ A4 đã được thực hiện. Nhà văn Trần Mai Hạnh quả quyết một tinh thần “quả cảm trước sự thật lịch sử, phải nắm chắc các chứng cứ để sẵn sàng đương đầu bảo vệ sự thật các sự kiện và tình tiết lịch sử mà mình đã xây dựng, viện dẫn trong tác phẩm”. Nguồn: Nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ về “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” | VOV.VN.