Thứ Ba, 18/01/2022 12:04

Khoảng lặng người lính vào tâm dịch

Nửa đêm, nghe tiếng khóc của cháu, anh bật dậy, nhìn vết thương, biết cháu đang rất đau đớn, anh đã nhẹ nhàng xử lý, chăm sóc, dỗ dành, khoảng 30 phút sau cháu mới thiêm thiếp ngủ được... (LÊ GIANG)

. LÊ GIANG

 

Ngày 19 tháng 11 năm 2021, sau gần ba tháng tăng cường cho tỉnh Bình Dương phòng chống dịch Covi 19, đoàn y, bác sĩ, điều dưỡng Quân đoàn 2 trở về đơn vị trong tâm thế của những người chiến thắng. Nhưng gần năm mươi con người ấy, cũng mang theo ngần đó khoảng lặng trong mình.

Thiếu tướng Phạm Văn Hóa - Tư lệnh Quân đoàn tiễn đoàn lên đường

Bác sĩ Mai Thành Thái, Chủ nhiệm Quân y Sư đoàn 306, khi vào tâm dịch được phân công làm việc tại khu cách li điều trị bệnh nhân Covid-19 BECAMEX 1, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Tại đây, anh đã chứng kiến cháu Trần Thị Huyền Trang, mới 5 tuổi, không chỉ mắc Covid-19, mà còn bị bỏng nước sôi (bỏng vùng ngực độ II, III diện tích khoảng 15%) đang giai đoạn shock bỏng; mẹ bé cũng là f0, gia cảnh khó khăn … Có lẽ hơn hai mươi năm làm nghề y, đấy là lần khiến anh xúc động nhất. Nửa đêm, nghe tiếng khóc của cháu, anh bật dậy, nhìn vết thương, biết cháu đang rất đau đớn, anh đã nhẹ nhàng xử lý, chăm sóc, dỗ dành, khoảng 30 phút sau cháu mới thiêm thiếp ngủ được. Anh khuyên mẹ cháu cũng nên đi ngủ để giữ gìn sức khỏe. Nhưng bản thân anh thì không thể nào ngủ được, hình ảnh vết thương và ánh mắt đau đớn của cháu bé, cùng gương mặt, đôi mắt thất thần, khổ sở của người mẹ không thôi day dứt anh. Trên trang viết nhật kí của mình, anh đã tâm sự: “Thương bé quá, bé cũng như con mình. Hoàn cảnh thiếu thốn trong khu cách li, mình đã cố gắng hết sức cho con bớt cơn đau. Chúc con vượt qua giai đoạn khó khăn này, chúc con thật nhiều sức khỏe để chiến đấu với bệnh tật…”

Trung úy, Bác sĩ Đỗ Văn Hướng, bệnh xá cơ quan Quân đoàn 2, mới tốt nghiệp Học viện Quân y đầu năm 2021, nhưng đã có hơn 70 ngày tham gia chống dịch tại các địa phương trong tỉnh Bắc Giang. Khi nghe tin các tỉnh phía Nam bùng phát dịch, anh xung phong lên đường và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tổ quân y cơ động. Trong những giây phút giao lao hiếm hoi, anh lại lên mạng xã hội viết vài dòng tâm sự, chia sẻ về công việc đầy cảm động: “Ngồi biên lại vài dòng kỉ niệm, trong khoảng nghỉ giữa những ca cấp cứu, sau hơn 1 tháng chia tay với vai trò Thầy thuốc đồng hành KV785. Chính tôi, tâm hồn tôi e dè, ngại ngùng, bỡ ngỡ, lo sợ với những cuộc gọi đầu tiên mỗi ngày. Cô Thúy ở 1 mình, vui vẻ trong từng lời nói, là lựa chọn cho cuộc gọi đầu tiên vào mỗi buổi sáng của tôi. Mấy trăm bệnh nhân đều là nguy cơ 1, nguy cơ 0, nhưng có một thứ nguy cơ cao hơn hẳn có thể đánh sụp bất cứ ai, đó là mất niềm tin, suy sụp tinh thần. Tôi vào vai phụ là bác sĩ tư vấn sức khoẻ, nhập vai chính là bác sĩ tâm lý...”

Trung úy, bác sĩ Đỗ Văn Hướng - vững niềm tin chiến thắng

Trung úy QNCN Vũ Văn Quân, lái xe cứu thương của Lữ đoàn 164, Quân đoàn 2. Trong hơn 10 năm làm nhân viên lái xe, đó là khoảng thời gian Quân phải chạy quãng đường dài nhất, căng thẳng nhất, phức tạp nhất, nhưng cũng tự hào nhất. Ngoài hành trình Bắc Giang vào Bình Dương và ngược lại, trong gần ba tháng thực hiện nhiệm vụ, ngày cao điểm Quân chạy đến hơn 500 cây số, ngày ít cũng gần 100 cây, tính tổng cho cả quá trình vào khoảng 15.000 cây số. Làm nhiệm vụ tại tổ quân y cơ động, hoạt động chủ yếu là vận chuyển F0, vào lúc cao điểm, Quân phải chạy liên tục, có đêm gần như thức trắng, bữa ăn vội vã, giấc ngủ không trọn vẹn. Thời gian đầu chưa quen đường, Quân phải sử dụng google map, nhưng vẫn gặp những tình huống khó lường như đường nhỏ di chuyển đã khó, quay đầu càng khó; hoặc gặp chốt “phân cách cứng” mới dựng lên mà google map “không biết”… Dù vậy, với sức trẻ, lòng nhiệt tình và tinh thần hết lòng vì bệnh nhân, Quân đã vượt lên tất cả để vận chuyển người bệnh kịp thời, không để xảy ra bất cứ biến cố nào do chậm trễ. Anh khẳng định: “Tôi đã chuẩn bị tinh thần từ trước, nên căng thẳng hơn nữa vẫn vượt qua được”. Lái xe cứu thương nhiều năm, Quân có suy nghĩ: “Người lái xe cứu thương cũng phải có tinh thần như người thầy thuốc, biết đau nỗi đau của bệnh nhân, biết lo nỗi lo của người nhà bệnh nhân”.

Đoàn y, bác sĩ Quân đoàn 2 tăng cường cho Bình Dương

Còn nhiều, nhiều nữa những câu chuyện, những kỉ niệm, những dòng tâm sự của đoàn quân chiến thắng đang được lan tỏa đến đồng chí, đồng đội, gia đình, bạn bè… Dịch bệnh là thứ không ai mong muốn, nó phá vỡ mọi kế hoạch, mọi dự định, đem đến khó khăn và phiền toái cho bao người, bao nhà… Tuy nhiên ở một khía cạnh khác ta lại thấy dường như trong hoạn nạn con người vì nhau nhiều hơn, bao bọc, che chở cho nhau nhiều hơn. Tình nghĩa, sự ấm áp, bao dung luôn sẵn có trong trái tim người Việt Nam nói chung, người lính Bác Hồ nói riêng, khi đại dịch ập đến nó phát lộ ra rõ ràng hơn, để chúng ta cảm nhận đầy đủ để thêm tin yêu cuộc đời này.

L.G