Thứ Hai, 13/07/2020 16:00

Đỗ Minh Tâm không "chảy chung dòng" với xu thế thời đại

Triển lãm “Khúc đồng dao” với hơn 50 tác phẩm hôi họa của họa sĩ trừu tượng Đỗ Minh Tâm đang diễn ra tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, số 42 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Triển lãm “Khúc đồng dao” với hơn 50 tác phẩm hội họa của họa sĩ trừu tượng Đỗ Minh Tâm đang diễn ra tại nhà triển lãm Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, số 42 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Không gian buổi khai mạc triển lãm.

Từ những năm 1990, thể loại trừu tượng nở rộ như một làn sóng đổi mới, giải phóng mĩ thuật khỏi khuôn đúc hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ban đầu với vô vàn tác phẩm chứa nhiều khuynh hướng phong cách, từ trữ tình, biểu hiện, tượng trưng, siêu thực,… Nhưng bỗng chốc lại nhiễm cái xô bồ của thương mại, tranh trừu tượng dần mất đi bản chất vốn có của các tác phẩm trừu tượng đương thời.

Đỗ Minh Tâm dường như không “chảy chung dòng” với xu thế thời đại, trung thành với dòng tranh trừu tượng khởi thủy kiểu Kandinsky: Một phong cảnh, một hoạt cảnh bị triết hết hình hài, hình thù của mọi nhân-sự-vật, tước đi ngữ nghĩa, cốt truyện, mạch nghĩ logic chỉ còn lại các yếu tố biểu đạt được tôn xưng làm chủ thể, chủ đề độc tôn của tác phẩm: màu khối nét, tối sáng, viễn cận,… và kết cấu của chúng. Điều đó khiến bức tranh thành một vật tự thân mất vai trò điển giản, mô tả, phản ánh… hiện thực mà dẫn tới một hiện thực tâm trí sâu trong nội giới của tự do hồi tưởng.

Khác với đa số trừu tượng biểu hiện ào ạt gay cấn, tượng trưng cho hào nhoáng hay tối giản cao siêu, những bức họa của Đỗ Minh Tâm luôn có sự cân đối chừng mực: Màu sắc phong phú, cam-lục, tím-nâu, lam-hồng,… thường êm nhẹ, các phương chéo xô lệch luôn lấy lại thăng bằng nhờ nét ngang và thẳng đứng, tối sáng ở bậc trung gian và cả trung cảnh thường chủ đạo về chiều sâu không gian… Các phong cảnh gốc, ưa thích của họa sĩ này là làng quê và phố thị nhỏ Hà Nội. Như những kí ức con người bình dân khi thư nhàn hay vội vã, đông đúc tấp nập hay thưa thớt chậm rãi, không cao trào, gay cấn.

Thuận theo tự nhiên, họa sĩ này đi theo tôn chỉ của những họa sĩ trừu tượng Nga: Nghệ thuật là để thể hiện những tế nhị tâm hồn con người chứ không phải là phát minh ra hình thức biểu hiện nào cả. Thong dong tự thích, tự yêu không quá vồ vập, dù không dửng dưng, kể cả với nghệ thuật, tất cả điều ấy khiến tranh trừu tượng của Đỗ Minh Tâm lắng đọng được những hương vị mà nhiều người dễ bỏ quên, đồng thời nó cũng đưa ông trở thành hoạ sĩ trừu tượng độc đáo ở Việt Nam.

Triển lãm sẽ kéo dài hết ngày 20/7.

Một số tác phẩm được trưng bày tại triển lãm:

Tác phẩm Dạo chơi.
Tác phẩm Sơn cước.
Tác phẩm Bản giao hưởng xanh.

Họa sĩ Đỗ Minh Tâm sinh năm 1963, là giảng viên của 2 trường: Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1989 – 2019.

Theo đuổi trường phái nghệ thuật trừu tượng, ông đã có một số triển lãm riêng của mình như: Một mình tại gallery 29 Hàng Bài (1993), Ánh sáng vàng tại Sông Hồng gallery (Hà Nội, 1999), Bản concerto màu xanh tại Hanoi Studio Gallery (Hà Nội, 2008), Trở về kí ức tại Eight Gallery (TP. HCM, 2014).

Đỗ Minh Tâm cũng tham dự các triển lãm và trưng bày nhóm quan trọng như Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc (1985 - 2010), Tranh trừu tượng tại Hồng Hạc gallery (TP. HCM, 1992), Triển lãm Nghệ thuật đương đại quốc tế tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Quốc gia Pica Gallery (Perth, Australia, 1994), Triển lãm Châu Á tại Bảo tàng Mỹ thuật Bangkok (Thái Lan, 1996), “Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20” tại Bruxelles (Belgium, 1998), “Nghệ thuật đương đại Asean” lần thứ XIV tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Fukuoka (Nhật Bản, 1999)...

Ông được trao giải thưởng Mỹ thuật Asean do quỹ Philip Morris tài trợ năm 1996 và Giải thưởng triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2005. Tác phẩm của Đỗ Minh Tâm được trưng bày và sưu tập tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Quốc gia Singapore, Bảo tàng Đại học Edith Cowan (Perth, Australia) ngoài ra còn có mặt trong nhiều sưu tập tư nhân trong nước và quốc tế.

THANH TÙNG