Thứ Sáu, 31/05/2019 08:17

100 năm ngày sinh nhà thơ Huy Cận

Thơ Huy Cận là sự kết hợp của vũ trụ và nhân văn. Sự nghiệp thơ ca của ông đã in dấu trên một thế kỉ đầy giông bão.

Ngày 30/5, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ lão thành cách mạng Cù Huy Cận (31/5/1919 - 31/5/2019).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lẵng hoa chúc mừng buổi lễ. Đến tham dự có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lí luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; cùng với sự hiện diện của lãnh đạo một số bộ ngành và đông đảo các văn nghệ sĩ.

Nhà thơ Huy Cận

Nhà thơ Huy Cận (1919 - 2005), ông sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo gốc nông dân ở làng Ân Phú, huyện Hương Sơn (nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh). Thuở nhỏ, ông được gia đình cho ăn học bài bản, khi học hết bậc trung học và đậu tú tài Pháp thì ông ra Hà Nội học Trường Cao đẳng Canh nông...

Từ năm 1936 - 1941, ông vừa học, vừa sáng tác thơ và tích cực tham gia các phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên ở Hà Nội và đến năm 1942 thì tham gia phong trào Mặt trận Việt Minh. Huy Cận đã được đánh giá là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào Thơ mới.

Khi Cách mạng tháng Tám thành công Huy Cận lần lượt giữ nhiều trọng trách quan trọng. Ông là một trong ba thành viên của phái đoàn Chính phủ lâm thời đi vào kinh đô Huế để tiếp nhận lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Khi mới 26 tuổi, ông làm Bộ trưởng Bộ Canh nông trong Chính phủ liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Từ đó, ông liên tục giữ các trọng trách trong Chính phủ cho đến lúc nghỉ hưu như Ủy viên Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ, Bộ trưởng đặc trách Văn hóa - Thông tin...

Phát biểu tại lễ kỉ niệm, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói: Nhà thơ Huy Cận là người có tâm nguyện làm bục nhảy đưa sự sống lên cao. Ông buồn, cả trong thơ và trong đời, nhưng điều đáng nói ở chỗ nỗi buồn ấy chính là động lực, là sự thức tỉnh và vượt thoát để ông vượt lên trong thơ, trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp cách mạng của mình. Thơ Huy Cận là sự kết hợp của vũ trụ và nhân văn. Sự nghiệp thơ ca của ông đã in dấu trên một thế kỉ đầy giông bão. Sự tri ân chính là văn hóa, là đạo đức ứng xử cao nhất ở đời, và tri ân ông là cách để chúng ta tôn vinh và luôn hướng về nhà thơ lão thành với những cống hiến to lớn trong thơ ca và trong cách mạng.

Toàn cảnh buổi lễ

Thời kì Thơ mới, Huy Cận đã thực sự thăng hoa với chủ nghĩa siêu thực trong thơ của mình. Những náo động trong đời sống, trong tâm hồn đã dội vào Huy Cận nguồn cảm xúc lớn để kết tinh nên những câu thơ khác thường với một nỗi buồn riêng biệt. Sau cách mạng Huy Cận viết nhiều hơn về con người và đời sống thực tại. Thơ ông cũng bình dị, sâu lắng hơn.

Nhà phê bình Lê Thành Nghị cho rằng: Mạch trữ tình là nguồn cơn sâu xa làm nên hồn cốt thơ Huy Cận. Những nỗi đau đời, những nỗi buồn quạnh vắng hay nơi miền thôn dã nào đó luôn là ý tưởng, cảm xúc và là không gian sáng tạo cho thơ ông.

Giáo sư Phong Lê khẳng định: Huy Cận là một trong số ít những chứng nhân tiêu biểu đã góp mình xuất sắc vào cả hai thời kì: Thơ mới và thơ ca sau cách mạng. Ông cũng là người hiếm hoi trong đội ngũ các nhà thơ Việt Nam thế kỉ XX có sự nghiệp sáng tác dồi dào và liên tục ngay từ khi xuất hiện cho đến cuối đời.

Là nhà thơ, nhà cách mạng lớn của dân tộc, đương thời nhà thơ Huy Cận luôn đau đáu nỗi niềm hậu thế sẽ không hiểu được mình. Nhưng ông đã được đông đảo công chúng, đồng nghiệp người thân thấu hiểu qua thơ và qua cuộc đời bình dị, hiến dâng của mình.

TÙNG QUÂN