Thứ Ba, 01/04/2025 05:03

Kí sự viết về chiến tranh chống Mĩ - những giá trị không chỉ một thời

Từ 1954 - 1975, nền văn học Việt Nam phát triển trong một hoàn cảnh đặc biệt: cả nước có chiến tranh, toàn dân ra trận “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” (PGS.TS. ĐINH TRÍ DŨNG)

. PGS.TS. ĐINH TRÍ DŨNG

1. Từ 1954 - 1975, nền văn học Việt Nam phát triển trong một hoàn cảnh đặc biệt: cả nước có chiến tranh, toàn dân ra trận “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, vì mục tiêu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thực hiện lý tưởng độc lập, tự do cho dân tộc. Đây cũng là giai đoạn nền văn học cách mạng gặt hái được nhiều thành tựu lớn. Nhiều tác phẩm ký sự được bạn đọc đánh giá cao, không chỉ ghi lại hiện thực khốc liệt một thời, góp phần tố cáo bộ mặt độc ác của kẻ thù, sự tàn bạo của chiến tranh mà còn lưu giữ nhiều giá trị nhân văn cao quý, đề cao tình người, tình đồng chí, đề cao vẻ đẹp và phẩm giá con người Việt Nam, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay. Các tác phẩm ký sự được viết ngay trong những thời khắc cuộc chiến diễn ra ác liệt và tiếp tục được sáng tác nhiều năm sau ngày toàn thắng mùa xuân 1975. Có thể kể đến các tác phẩm: Ký sự mặt trận của Võ Trần Nhã (1965)1, Những người đang chiến đấu của Lê Văn Thảo (1965)2, Chúng tôi ở Cồn Cỏ của Hồ Phương (1965)3, Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu của Hoàng Phủ Ngọc Tường (1969)4, Tháng ba ở Tây Nguyên của Nguyễn Khải (1976)5, Bắc Hải Vân xuân 1975 của Xuân Thiều (1977)6, Ký sự miền đất lửa của Nguyễn Sinh - Vũ Kỳ Lân (1978)7, Có một con đường mòn trên biển Đông của Nguyên Ngọc (2007)8, Thánh ca Truông Bồn của Trần Huy Quang (2017)9...

Tác giả bài viết.

2. Trong lịch sử văn học Việt Nam, kí sự xuất hiện khá sớm với các tác phẩm nổi tiếng như Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác, Vũ trung tùy bút Phạm Đình Hổ... Kí sự Việt Nam đã là thể loại tiên phong, cùng ra trận trong cuộc kháng chiến chống Pháp với Trận phố Ràng, Một cuộc chuẩn bị của Trần Đăng, Ở chiến khu (Nguyễn Huy Tưởng), Trận Thanh Hương của Nguyễn Khắc Thứ, Voi đi (Siêu Hải), Kí sự Cao Lạng của Nguyễn Huy Tưởng… Đến cuộc kháng chiến chống Mĩ, các nhà văn - trong đó có nhiều cây bút chuyên nghiệp, đã có mặt ở khắp các chiến trường nóng bỏng nhất, và nhiều ký sự đã ra đời, kịp thời phản ánh hiện thực sôi động của cuộc kháng chiến.

Kí sự chiến tranh chống Mĩ trước hết là sự ghi chép, thể hiện một cách trung thực, đầy xúc động cuộc chiến đấu nhiều gian khổ, hy sinh và những chiến công to lớn của quân và dân ta. Những chiến công ấy được viết bằng máu, bằng sự hy sinh anh dũng của rất nhiều chiến sĩ, đồng bào. Những trang ký sự viết bên chiến hào, giữa các trận bom ác liệt, giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết…, đến nay đọc lại vẫn thấy thực sự cuốn hút, xúc động. Chỉ có những người trong cuộc mới có thể viết được những trang văn nóng hổi, mỗi câu chữ đầy sức nặng đến thế về sự khốc liệt, dữ dội của chiến tranh, về sự hy sinh, mất mát của đồng đội: “Địch đánh suốt buổi chiều, suốt đêm và cả buổi sáng hôm sau. Tính ra chúng huy động đến 120 lần chiếc máy bay, ném 500 quả bom và hàng vạn quả bom bi, rốc két, pháo bắn hơn 1000 quả đạn. Mười mấy quả đồi tranh trận địa bị đánh trơ trụi, đỏ loét” (Kí sự miền đất lửa, tr. 302, 308); “Đạn bắt đầu đan trên đầu. Máy bay phản lực, khu trục, trực thăng đổ xô đến như bầy ruồi, trút đạn. Đơn vị phía sau rẽ qua bên phải bọc hậu. Đạn cày trước mặt, bên hông (…). Mấy chiến trực thăng vẫn bám theo, bắn riết. Đạn đại liên nổ chậm rãi, lốp bốp đầy trời như ròng ròng ăn móng” (Những người đang chiến đấu, tr. 213); “Thành phố rung chuyển trong tiếng bom, tiếng đại bác cùng tiếng súng các loại. Đất dưới chân nóng bỏng. Không khí sặc mùi lưu huỳnh. Cửa Đông Ba và con đường Mai Thúc Loan đã trở thành những chốt thép, nơi bộc lộ đến tột cùng lòng quả cảm của chiến sĩ giải phóng. Máu đồng đội chúng tôi đã thấm xuống đường phố Huế” (Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu, tr. 235); “Đánh nhau suốt mấy tháng trong mưa, chân ngâm trong nước, trong bùn đến thối ruỗng, lòi cả xương, phải buộc dẻ chống gậy mà đi, khiêng cõng nhau mà đi” (Tháng ba ở Tây Nguyên, tr. 72,76)...

Cuộc chiến đương đầu với một kẻ thù tàn bạo, lắm bom, nhiều đạn chắc chắn sẽ không tránh khỏi những tổn thất, đau thương. Ký sự chiến tranh chống Mỹ viết rất nhiều, rất xúc động về sự hy sinh dũng cảm của đồng đội. Có khi chỉ là những câu tường thuật khô khan nhưng nén lại trong đó bao nhiêu xót xa: “Một tiếng nổ, khói đen trùm kín trận địa. Xe chỉ huy vỡ tung. Khi các đồng chí xung quanh nhào đến, Thịnh đã tắt thở, trắc thủ Lê Xuân Mai bị thương nằm ngất lịm bên cạnh. Tiểu đoàn trưởng Sơn bị một mảnh đạn xuyên cánh tay, đại đội Huynh bị thương...”; “Lực lượng sửa chữa đường bị tổn thất nặng, hơn 20 người chết và bị thương”; “Tiểu đoàn 47 bị thương gấp đôi ngày hôm trước. Số quân có thể chiến đấu được chỉ còn lại một phần ba”; “Hơn 50 đồng chí hy sinh và bị thương... số quân của tiểu đoàn hụt mất một phần tư” v.v... Trong Tháng ba ở Tây Nguyên, Nguyễn Khải đã phải thốt lên: “Cũng không có gì phải bàn cãi, phải phân vân, tất cả đã rõ ràng: sống hay là chết! Tự do hay nô lệ! Chúng ta làm cách mạng bằng máu, bằng mồ hôi, bằng những nỗ lực lớn nhất của sức lực và tài trí. Cách mạng với chúng ta có nghĩa là hy sinh” (tr. 53). Nhưng vượt lên tất cả là ý chí rắn hơn sắt thép, là quyết tâm không gì lay chuyển nổi hướng tới ngày toàn thắng. “Đội viên hy sinh thì A trưởng xông lên, A trưởng hy sinh thì B trưởng xông lên, còn một người của quyết đánh chiếm cho được cột cờ”. Chiến sĩ Tụng bị thương nặng, tự băng bó vết thương rồi lại dẫn anh em lao về phía trước (Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu); pháo thủ Thái Văn A bị bom dập nát một bên chân vẫn không rời trận địa (Chúng tôi ở Cồn Cỏ). Những người thủy thủ của đoàn tàu không số như Năm Đông, Bông Văn Dĩa, Đặng Văn Thanh, Nguyễn Long An... lao vào biển cả, vào sóng dữ, giữa vòng vây của kẻ thù, hàng ngày, hàng giờ đối diện với cái chết. Khi bị kẻ thù dồn ép, họ sẵn sàng cho nổ tung tàu để xóa dấu vết (Có một con đường trên biển Đông). Những cô thanh niên xung phong như Nguyễn Thị Hoài, Nguyễn Thị Văn, Hoàng Thị Nhung... sẵn sàng ra nơi tuyến lửa và đã hiến dâng cả tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc, khi nhiều ước mơ còn dang dở (Thánh ca Truông Bồn)...

Không chỉ có bom đạn, chết chóc, những người lính còn phải chịu đựng biết bao gian khổ: thiếu quân, thiếu đạn, thiếu lương thực, thú dữ tấn công, sốt rét rừng hành hạ... Đây là cuộc đối thoại giữa trận địa còn dày đặc khói bom của một chỉ huy đại đội và người chiến sĩ của mình: “Hầu hết cơm vắt thiu và nát bét. Coi như ăn không được. Nước, mỗi người nhiều lắm một phần ba bình toong. Các thương binh không có gì cả. Một số anh em còn lại ít cơm khô; - Được rồi, lãnh đạo anh em chia sẻ và thật tiết kiệm. Mỗi người chỉ ăn một vài nhúm cho lấy có thôi. Dạy anh em cách nhai. Nhai nhai lâu sẽ cảm giác thấy no. Uống từng ngụm thật nhỏ” (Ký sự mặt trận, tr. 188). Còn đây là cái đói của những người lính ở mặt trận Tây Nguyên: “Đói đến cồn cào, đến đau đớn. Nếu để đói hẳn, thì chỉ phải chịu đựng có mấy ngày đầu, sau sẽ mệt lả, sẽ lả đi và rồi không cảm thấy đói nữa. Đằng này, ngày nào cũng được ăn, từ cán bộ trung đoàn đến người lính, bữa sáng một vắt cơm bằng quả cau điếc, chiều đến một lưng lỏng bỏng vừa nước, vừa gạo, vừa rau. Không đói hoàn toàn nhưng chưa bao giờ được lửng dạ, cứ như bị câu nhử, ăn vào tí chút, cái đói càng vật vã, càng cồn cào” (Tháng ba ở Tây Nguyên, tr. 71). Không phải ngẫu nhiên mà trong kí sự Tháng ba ở Tây Nguyên, trước khi đưa bạn đọc đến với những chiến công vang dội của chiến thắng Buôn Ma Thuột mở màn cho đại thắng mùa Xuân 1975, Nguyễn Khải viết: “Bạn đọc thì muốn được biết ngay những trận đánh vang dội trên chiến trường Tây Nguyên trong tháng ba, mà người thuật chuyện cố ý nói lảng sang những chuyện khác, những chuyện của sự chuẩn bị, của sự bắt đầu (...). Theo tôi, sự chuẩn bị, những công việc của giai đoạn chuẩn bị là quan trọng nhất, là đáng kể nhất. Nếu nói rằng 30 năm đánh giặc ở miền Nam chỉ là một giai đoạn chuẩn bị dài dằng dặc cho đại thắng mùa xuân 1975” (tr. 61). Vì thế nhà văn đã đưa người đọc theo suốt hành trình gian khổ của công tác chuẩn bị cho chiến dịch, từ chuyện hành quân, làm đường, nghi binh, phát rẫy, lấy gạo, đào hầm...

Bên cạnh nghị lực, ý chí, tinh thần thép của bộ đội ta, ký sự chống Mĩ cũng ghi lại những hình ảnh rất đời thường nhưng thật đẹp, thật lãng mạn của người lính. Đó là câu chuyện tình yêu giữa anh thủy thủ Đặng Văn Thanh và người con gái làng biển hẻo lánh vùng quê Cà Ná, là mối tình nảy nở và gắn bó chung thủy giữa chàng trai Tư Thắng và cô gái miền Tây Sáu Thùy đã đùm bọc, chăm sóc anh trong những ngày tàu nằm bờ vì biển động chưa thể ra Bắc (Có một con đường mòn trên biển Đông). Đó là cuộc đoàn tụ lạ kỳ và xúc động giữa anh bộ đội người Ê - Đê Ka Son Chư với gia đình mình ở mảnh đất Cheo Reo vừa giải phóng (Tháng ba ở Tây Nguyên). Đó là hình ảnh những người chiến sĩ giữa hai trận đánh ác liệt vẫn lạc quan với “những tràng cười giòn như pháo nổ”, “khoan thai ngồi dựa lưng vào ba lô khoan khoái ăn mấy củ mì” hoặc giở cuốn sổ làm một bài toán vì “hiện giờ tôi ở bộ binh nhưng sau này tôi muốn được chuyển sang pháo binh” (Những người đang chiến đấu, tr. 203). Có những chi tiết thể hiện tình người, tình cảm nhân văn sâu sắc như câu chuyện các chiến sĩ giải phóng giữa làn mưa đạn liều chết xông vào trại lính cứu được một em bé “con bọn lính ngụy còn sống sót sau trận hủy diệt của bom Mỹ” (Những người đang chiến đấu), hay những giây phút sau hiệp định Paris các chiến sĩ ta “trên những tuyến tiếp xúc, sẵn sàng chia chén nước chè, điếu thuốc với binh lính phía bên kia...” (Bắc Hải Vân Xuân 1975).

3. Là một tiểu loại của kí, “kí sự ghi chép khá hoàn chỉnh một sự kiện, một phong trào, một giai đoạn… Kí sự là bức tranh toàn cảnh, trong đó sự việc và con người đan chéo với nhau, nhưng gương mặt của nhân vật không thật rõ nét”10. Trong kí sự người viết phải tôn trọng tiếng nói khách quan của sự kiện, có thể có thêm những bình luận, phân tích, bộc lộ cảm xúc nhưng chủ yếu vẫn là tiếng nói của bản thân sự sống đang vận động. Ký sự chống Mỹ cũng vậy. Mỗi tác phẩm có một trục sự kiện chính, đồng thời có những mạch rẽ, những câu chuyện, những chân dung được bổ sung khi cần thiết. Chúng tôi ở Cồn Cỏ là cuộc sống, chiến đấu của những chiến sĩ bảo vệ Đảo tiền tiêu - pháo đài trên biển của quân dân Vĩnh Linh. Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu là cuộc chiến đấu oanh liệt chiếm giữ cột cờ và bảo vệ thành phố Huế trong tổng tấn công Mậu Thân 1968. Ký sự miền đất lửa là cuộc sống, chiến đấu gian khổ, hy sinh của các chiến sĩ và đồng bào Vĩnh Linh, trong đó có các chiến sĩ cao xạ và tên lửa. Tháng ba ở Tây Nguyên là quá trình chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên và sau đó là trận đánh mở màn vào Buôn Ma Thuột... Bên cạnh các sự kiện của trục chính, rất nhiều câu chuyện ở các mạch rẽ, mạch ngang. Đó có thể là chân dung hoặc câu chuyện của những con người tham gia hoặc chứng kiến: Người anh nuôi Đinh Kinh, pháo thủ Thái Văn A, Lê Ngọc Vân (Chúng tôi ở Cồn Cỏ); là chân dung những người lính giải phóng như anh Bốn, anh Việt (Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu); là những thủy thủ dũng cảm của đoàn tàu không số như Năm Đông, Bông Văn Dĩa, Đặng Văn Thanh, Nguyễn Long An… (Có một con đường mòn trên biển Đông). Đó cũng có thể là lời kể của tướng Vũ Lăng, của một vị giáo sư dạy Việt văn ở Sài Gòn, anh Khoát Cục phó Cục hậu cần Quân đoàn 3, của một chiến sĩ người Hà Nội (Tháng ba ở Tây Nguyên). Đó còn là hình ảnh của nhân dân anh hùng - những con người hữu danh hoặc vô danh góp phần làm nên chiến thắng: những o Dậu, o Em, anh Du, anh D, cụ H… (Kí sự miền đất lửa); là má Mười, chị Thùy, là những người dân miền Nam khắp các bờ biển, bãi sông nơi các con tàu không số cập bến (Có một con đường mòn trên biển Đông); đó là bà má dẫn đường cho các chiến sĩ ra cột cờ Phu Văn Lâu (Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu)... Mạch rẽ cũng có thể là những câu chuyện thú vị về cuộc sống gian khổ nhưng cũng nhiều niềm vui của người lính: chuyện đi bắt cua đá cải thiện bữa ăn, chuyện vẽ tranh, cắm hoa, “hái hoa năm mới” trong dịp tết (Chúng tôi ở Cồn Cỏ); Chuyện cậu bé liên lạc Trương Minh Xia vừa kịp bỏ miếng cơm khô vào miệng thì bị hỏa tiễn nổ rất gần, “mặt mũi cậu bé đầy cát nhưng búng cơm khô đang nhai trong miệng cậu ta nhất định không nhả, chỉ lừa lừa vài hạt sạn phun ra, rồi nuốt” (Ký sự mặt trận, tr. 189); Chuyện một anh bộ đội đói quá nhổ một gốc sắn, bị một em bé bắt giữ. Bà mẹ lúi híu chạy ra nhổ thêm 2 gốc nữa dúi vào tay anh bộ đội. Cậu bộ đội lắp bắp; “Tôi không lấy, tôi không lấy” rồi quay người chạy thắng. Hai mẹ con cầm mấy góc sắn vừa chạy theo vừa hò gọi (Tháng ba ở Tây Nguyên, tr. 77)... Các ký sự viết ngay trong những ngày đại thắng mùa xuân 1975 như Tháng ba ở Tây Nguyên, Bắc Hải Vân Xuân 1975, bên cạnh những bộn bề sự kiện, câu chuyện của phía ta, các tác giả còn đan xen nhiều tài liệu, công điện của phía kẻ thù: điện của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, của Bộ Tổng tham mưu ngụy, của đại tướng Cao Văn Viên, nhật ký ghi chép của đại tá Cầm - Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Thiệu, bản thuyết trình của thiếu tướng Phạm Văn Phú về chiến sự vùng 2 Tây Nguyên, bản phúc trình của chuẩn tướng Phạm Duy Tất về việc triệt thoái khỏi Pleiku; và cả những câu chuyện bên lề của đội quân tay sai sống dựa vào viện trợ Mỹ như chuyện về tướng Ngô Quang Trưởng, Lâm Quang Thi, Hoàng Vinh Lạc, chuyện làm giàu của trung tá Phú trông coi việc nhận và phân loại hàng phế bỏ của Mỹ ở Cam Ranh, chuyện chạy chọt lên chức của đại tá Nguyễn Tất Biên...

Kí sự chống Mĩ giàu chất tự sự, cuốn hút bởi mạch truyện luôn đầy ắp sự kiện nhưng cũng không thiếu những trang giàu chất triết lý, chất trữ tình. Các nhà văn còn muốn gửi vào nhiều trang viết sự lý giải sâu sắc về sức mạnh dân tộc, về giá trị của tự do, độc lập, về phẩm giá con người, về vẻ đẹp của con người Việt Nam trong chiến tranh: “Cho đến bây giờ, Di Thiện Tích, người chính trị viên của đại đội Ba ấy vẫn chưa hiểu hết cái sức mạnh nào đã làm cho anh em chiến sĩ trong đơn vị của mình có thể chịu đựng nổi với sắt thép đến như vậy (...). Cái sức mạnh vô địch mà anh muốn tìm hiểu ấy đã dấy lên từ tấm lòng yêu mến quê hương tha thiết, từ lòng căm thù giặc Mỹ đến tận xương tủy! Thứ “sắt thép” trộn lẫn trong máu của các chiến sĩ quân giải phóng miền Nam” (Kí sự mặt trận, tr. 198, 199). “Anh chợt hiểu vì sao giữa một thành phố mà đồn thù dày đặc như bát úp, quân giải phóng đã có thể tiến vào, trùng trùng điệp điệp, giành lấy chiến thắng nhanh gọn như trở bàn tay. Đúng là vì trận địa Huế không chỉ được chuẩn bị khi mở chiến dịch. Trận địa ấy đã được chuẩn bị một cách thầm lặng từ hơn 20 năm nay, ngay ở lòng địch. Trận địa ấy chính là tấm lòng nhân dân Huế” (Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu). Hay tâm sự của người lính tên Hòa về sự trưởng thành của bản thân qua những thử thách ác liệt: “Mỗi một ngày qua, mỗi một buổi sáng dậy là thấy có cái gì mới lạ đến với mình. Cuộc đời nghe cứ thay đổi, nở mãi thêm ra, càng ngày mình càng thấy yêu cuộc sống thêm lên (...). Tự nhiên thấy trong lòng tràn trề tình yêu thương, thấy yêu mến hết mọi người, muốn bắt lấy hết những bàn tay thân thuộc, trẻ trung áp vào tay mình để nghe nhịp máu chảy sôi nổi, ấm áp” (Những người đang chiến đấu, tr. 211, 212). Có những ký sự ở đó mạch cảm xúc trữ tình khá sâu đậm như Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Họ sống và chiến đấu của Nguyễn Khải, Những người đang chiến đấu của Lê Văn Thảo... Trong Họ sống và chiến đấu có rất nhiều những đoạn văn giàu cảm xúc của tác giả viết về cảnh đẹp thiên nhiên của Cồn Cỏ, về tâm trạng xúc động của người lính khi nhận những bức thư của người yêu từ đất liền, niềm vui cùng những đêm văn nghệ của lính đảo, những đau đớn, xót xa khi tiễn đưa một đồng chí của mình hy sinh... Những cảm xúc trữ tình cũng khá dày trong Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu như cảm xúc về vẻ đẹp của thành phố Huế, của con sông Hương, tự hào về truyền thống cách mạng của người dân Huế, niềm tin vào chiến thắng cuối cùng của cách mạng...

4. Nhìn trong chiều dài của lịch sử văn học dân tộc, chiến tranh luôn luôn là “dòng chảy bền bỉ”, là “kí ức không thể nào quên” của các nhà văn. Kí viết về chiến tranh nói chung, ký sự về chiến tranh chống Mĩ nói riêng trong thời gian gần đây dường như đang sống dậy, đang thu hút độc giả, đang được trân trọng đón nhận phản ánh một thực tế: các cuộc chiến tranh cứu nước đã lùi dần vào dĩ vãng, nhưng nhiều thế hệ bạn đọc vẫn không thể nào quên và không được phép lãng quên. Trong kí sự Có một con đường mòn trên biển Đông, nhà văn Nguyên Ngọc trong vai trò là người dẫn chuyện, trong khi lần tìm về quá khứ để dựng lại dấu tích con đường huyền thoại trên biển Đông, đã cảnh báo chúng ta về sự lãng quên đó. Các ký sự chiến tranh “không chỉ là văn học mà còn là lịch sử, là tư liệu, là hiện vật bảo tàng, còn là một phần đời người viết và cũng là một phần đời của người đọc chúng ta”11 chính là nơi lưu giữ kí ức, là lời nhắc nhở sâu sắc đối với các thế hệ hôm nay.

Đ.T.D

---------

1,2,3,4,5,6,7 Bích Thu, Đỗ Hải Ninh (tuyển chọn, giới thiệu), Ký sự chiến tranh, tập 1, 2, Nxb Văn học, Hà Nội, 2006.

8 Nguyên Ngọc, Nguyên Ngọc tác phẩm, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2007.

9 Trần Huy Quang, Thánh ca Truông Bồn, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2017.

10 Nhiều tác giả, Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr. 435-436.

11 Vân Trang, Ngô Hoàng, Bảo Hưng (sưu tầm và biên soạn), Văn học 1975 - 1985 Tác phẩm và dư luận, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1997, tr. 52.