Thứ Năm, 03/09/2020 10:24

Kĩ thuật xây dựng cốt truyện có một không hai của đạo diễn "Tenet”

Các phim của đạo diễn lừng danh Christopher Nolan luôn luôn là những thể nghiệm độc đáo trong việc xây dựng, tình huống truyện, cốt truyện và kĩ thuật kể chuyện. 

Các phim của đạo diễn lừng danh Christopher Nolan luôn luôn là những thể nghiệm độc đáo trong việc xây dựng, tình huống truyện, cốt truyện và kĩ thuật kể chuyện. Bộ phim "Tenet" mới ra rạp là một minh chứng rõ rệt cho logic phi thường của ông, và nó cho thấy không chỉ cánh nhà văn mới giỏi "trò chơi tiểu thuyết".

"Tenet" là bộ phim hành động, viễn tưởng mới nhất của đạo diễn Christopher Nolan do hãng Warner Bros phát hành, với sự tham gia của các ngôi sao Robert Pattinson và Elizabeth Debicki. Được khởi chiếu vào tháng 8 năm 2020, "Tenet" đã bán được bản quyền để chiếu ở 70 quốc gia và đạt doanh thu 53 triệu USD ngay trong tuần đầu tiên. Bộ phim này nhận được phản hồi trái chiều từ báo giới và các nhà chuyên môn. Cụ thể, The Guardian chỉ chấm cho "Tenet" 2/5 sao, và khẳng định đó là bước lùi của Nolan. Trong khi đó, New York Times cho rằng "Tenet" sẽ là bộ phim đáng xem nhất thập kỉ. Bài viết này chỉ xin bàn về cách kể chuyện bậc thầy của Christopher Nolan.

Tìm cách kể tương xứng với độ phức tạp của thế giới

Một người kể chuyện giỏi là người nỗ lực xây dựng và vận hành thế giới của riêng họ. Khác với những người tiên phong như David Lynch, phim của Nolan khó hiểu không phải vì giàu tính biểu tượng, mà là vì logic cốt truyện quá phức tạp, nhưng hết sức chặt chẽ, làm người xem mất nhiều thời gian để kết nối các chi tiết.

Thế giới được xây lên bởi các ý tưởng. Thế giới của Nolan là thế giới vận động không ngừng quanh một số quy luật nhất định, biến không thời gian hay kí ức con người trở thành tham số. Trong Inception (2010), tạm dịch “Kẻ đánh cắp giấc mơ” - một tác phẩm đến nay đã trở thành kinh điển - Christopher Nolan mô tả thế giới của "giấc mơ lồng trong giấc mơ" như các tầng chồng nhau của tiềm thức. Và ở mỗi tầng của giấc mơ thời gian trôi chậm hơn so với tầng trên và cứ thế khi chìm xuống tầng cuối cùng, cuộc sống ở đó gần như là "trăm năm vô biên". Trong “Memento” (2000), tạm dịch “Kẻ mất trí nhớ”, Nolan nỗ lực miêu tả thế giới của một người đàn ông cứ mười phút lại mất trí nhớ một lần, và vì thế, cuộc sống của anh ta là những mắt xích đứt nối của thời gian.

Một cảnh trong "Tenet" (2020) - bộ phim bom tấn ra rạp cuối tháng 8/2020 đã gây nhiều tranh luận. Ảnh: NY Times

Christopher Nolan luôn có tham vọng tìm ra các vận hành tương xứng với thế giới riêng biệt mà ông xây lên. Ở “Memento” ông đã làm được điều đó: phim “Memento” trở nên đặc biệt trong lịch sử điện ảnh khi bộ phim có thể xem xuôi từ đầu đến cuối và sẽ không khác gì khi xem ngược từ cuối về đầu, tựa như hai đường khoá trên chiếc vali. Tuy nhiên, sau một loạt những bom tấn như bộ ba “Batman”, Christopher Nolan quay về cách kể chuyện truyền thống, khiến cho thế giới trong phim của ông dễ tiếp nhận hơn. Mặc dù vậy sự đan xen kí ức với thực tại, sự làm mờ mốc thời gian là một phong cách xuyên suốt của Nolan.

Thế giới đảo ngược trong “Tenet”

Trở lại với “Tenet” (2020) - bộ phim được cho là không hề dễ hiểu nếu chỉ xem dưới ba lần nhưng lại được công chúng Việt Nam đón nhận, bàn tán xôn xao. Có cảm giác như “Tenet” (2020) trình bày một Christopher Nolan không xuất sắc hơn thời điểm ông làm “Inception”, nhưng lại giàu thể nghiệm hơn. Chưa nói đến các chi tiết về kĩ xảo điện ảnh, Christopher Nolan đã lặp lại chính xác ước vọng của mình từ thời “Memento”: tìm cách miêu tả một thế giới có quy luật chặt chẽ, và tìm cách đổi mới các kĩ thuật kể chuyện để tương xứng với thế giới đó. Nội dung khó, hình thức cũng không dễ tiếp cận, dường như độ "hại não" của “Tenet” đã đạt đến đỉnh điểm.

Poster phim "Tanet" của Christopher Nolan.
“Tenet” kể một câu chuyện về chàng điệp viên có biệt danh The Protagonist. Người đàn ông này có nhiệm vụ ngăn chặn nguy cơ diễn ra Thế chiến thứ III. Theo truyện phim, thế chiến thứ III sẽ vô cùng nguy hiểm bởi có sự can dự của con người tương lai: họ đã gửi về hiện tại công nghệ có thể đảo ngược thời gian và vận động của vật chất cũng như con người. Phim được chiếu tại các rạp Việt Nam từ 28/8/2020.

Trong thế giới của “Tenet”, có một khái niệm gọi là đảo ngược, trong đó, hai con người hoặc vật thể có thể di chuyển ngược nhau trên cùng một trục thời gian (một bên tiến dần về tương lai, một bên đi ngược về quá khứ). Khái niệm căn cốt này được báo hiệu (một kĩ thuật mà lí thuyết tự sự gọi là Motif) trong tiêu đề của tác phẩm: Tenet và cái tên của các nhân vật.

Chữ “Tenet” được lấy từ hình vuông Sator, một biểu tượng cổ xưa được khắc trên đá. Hình vuông này gồm năm từ, mỗi từ có năm chữ cái và có thể được đọc theo nhiều chiều xuôi ngược, gồm: Sator, Arepo, Opera, Rotas và chữ Tenet nằm chính giữa. Cả năm từ này đều được đặt tên cho những sự vật, sự việc và con người mấu chốt trong tác phẩm “Tenet”.

Hình vuông gồm Sator, Arepo, Tenet, Opera và Rotas - những từ có thể đọc theo nhiều chiều.

Trong lí thuyết đảo ngược mà Christoper Nolan đưa ra, thời gian chỉ đóng vai trò như một tham số. Góc nhìn của mỗi người đối với hệ thời gian của mình là riêng biệt và duy nhất. Đối với quan điểm của chúng ta, vật thể A di chuyển từ mốc thời gian 4 giờ về mốc thời gian 2 giờ nghĩa là ngược với mình. Tuy nhiên, đối với quan điểm của vật thể A: chính nó đang đi xuôi chiều, còn chúng ta mới di chuyển ngược. Cách nhìn như vậy gợi nhớ cho chúng ta đến nhân vật Bá tước St Germain trong tác phẩm “Con lắc Foucault” của Umberto Eco, người đã phản đối tư duy tuyến tính: “Cái gì làm anh tin vào đơn vị thời gian t? Thời gian là cái mà bọn Châu Âu nghĩ ra”.

Các lớp lang truyện kể: Motif, Macguffin và Foreshadowing...

Ý tưởng về đảo ngược ấy giúp Nolan đưa những chi tiết có một không hai vào truyện phim của mình. Cùng một lúc những vât thể - con người di chuyển ngược nhau và va đụng vào nhau tạo ra những hoạt cảnh tương đối kì dị: viên đạn bay ngược thu vào khẩu súng, sóng biển chuyển động theo hướng thu vào, vụ nổ gây ra băng giá (vì động lượng của vật thể bị âm bản hoá) và cuối cùng, lên đến đỉnh điểm là các phe chiến đấu với nhau bằng những lực lượng đi xuôi cũng như đi ngược chiều thời gian. Bom tấn đã ra đời, nhưng không còn chỉ ở bình diện hình ảnh, mà còn là tư tưởng.

Làm sao để có thể kể một câu chuyện hấp dẫn xung quanh một thế giới có quy luật kì dị như vậy? Trước hết, theo chúng tôi “Tenet” không phải là một bộ phim phi tuyến tính như nhiều khán giả bình luận. “Tenet” không mô tả các sự kiện đan xen quá khứ và tương lai. Một cách dễ thấy, từ đầu đến cuối nhân vật chính (The Protagonist) vẫn đi theo tuyến tính thời gian của riêng anh ta, mặc dù cũng có những lúc "chạy ngược chạy xuôi" trên trục thời gian của người xem phim. Cái tên "the Protagonist" - một thuật ngữ có nghĩa là "nhân vật chính" - hàm ý nhấn mạnh việc nhìn nhận truyện phim theo góc nhìn của chàng điệp viên này.

Nữ minh tinh Elizabeth Debicki gây ấn tượng với vai nữ chính. Ảnh: Internet

Christoper Nolan vẫn làm theo cách truyền thống: đưa vào một MacGuffin để câu chuyện có thể vận hành, và có cái cớ để biểu diễn những tư tưởng của ông. MacGuffin là thuật ngữ được tạo ra bởi đạo diễn lừng danh Alfred Hitchcock. Theo ông, một trong những cách hiệu quả để vận hành truyện kể là để cho các nhân vật săn đuổi một mục tiêu hữu hình (một vật thể rất quan trọng). Ở “Tenet”, nhiệm vụ ngăn cản chiến tranh của tuyến nhân vật chính diện gắn với việc theo đuổi và tranh giành những hộp đen chứa các thuật toán nguy hiểm được người tương lai gửi về. Nhưng khác với các đạo diễn bom tấn thông thường, C. Nolan không giới thiệu ngay MacGuffin đó. Ông tạo chia nhỏ mục tiêu của nhân vật, khiến cho người xem vẫn bị cuốn theo hành trình nhưng buộc phải suy đoán và kết nối các mẩu chi tiết rải rác trong các hội thoại. Việc "đánh đố" này là có chủ đích ngay từ ban đầu.

Từ chi tiết nhỏ đến chi tiết lớn trong “Tenet” đều vận hành theo lí thuyết đảo ngược, nhưng không chỉ có vậy: toàn cảnh câu chuyện cũng là một đảo ngược. Cấu trúc cốt truyện của Nolan được xây dựng để miêu tả sự đảo ngược ấy, khi ở nửa cuối phim, nhân vật chính đi theo thứ tự thời gian ngược lại so với nửa đầu, tạo nên một đối xứng trục. Nguyên tắc "foreshadowing" (những chi tiết được cài cắm để tiên liệu phần kết, hòng gây ngạc nhiên) đã được vận dụng hết sức xuất sắc ở đây, khi Christopher Nolan lợi dụng sự tương xứng của hai trục thời gian, để tiết lộ những bí ẩn mà phần đầu truyện đã nêu ra.

Rõ ràng, thế giới điện ảnh Hollywood có hai nhóm đạo diễn: một bên tuân thủ hết sức chặt chẽ các lí thuyết về kịch bản và một bên tạo ra những lí thuyết mới có tính tiên phong. Christopher Nolan không nghiêng về bên nào, ông vẫn là người vận dụng các phương thức tự sự đã thành công thức, nhưng tối ưu và cải biên nó một cách hết sức nhuần nhuyễn với thế giới trong truyện. Điều đó đã tạo thành một Nolan đặc biệt, một người kể chuyện mạch lạc, không hề thiếu logic, nhưng vẫn khiến ta phải xem lại bộ phim nhiều lần.

Christopher Nolan là đạo diễn, biên kịch, sản xuất điện ảnh người Anh có tầm ảnh hưởng lớn ở thế kỷ 21. Ông được ghi danh vào danh sách những đạo diễn ăn khách nhất lịch sử, giành được rất nhiều giải Oscar và thu về hơn 4,7 tỷ USD toàn cầu với 10 bộ phim được cho là nổi bật nhất: “The Dark Knight” (Kị sĩ bóng đêm); “Dunkirk” (Cuộc di tản Dunkirk); “Inception” (Kẻ đánh cắp giấc mơ); “The Prestige” (Ảo thuật gia đấu trí); “Memento” (Kẻ mất trí nhớ); “Batman Begins” (Người Dơi xuất hiện); “Interstellar” (Hố đen tử thần); “Following” (Cặp bài trùng); “Insomnia” (Mất ngủ); “The Dark Knight Rises” (Kị sĩ bóng đêm trỗi dậy). "Tenet" là bộ phim đắt đỏ nhất mà Nolan thực hiện, với kinh phí 225 triệu USD cùng số tiền quảng bá có thể lên tới 350 triệu USD.     

HẠNH NGUYÊN