Thứ Sáu, 06/05/2022 06:56

Kiệt tác sân khấu ‘Antigone’ được Việt hóa

Bản dựng được đạo diễn Việt hóa để gần gũi hơn với khán giả Việt, cũng là để gần gùi hơn với khán giả đương đại sau độ lùi 2.500 năm.

Chuỗi dự án Sân khấu Antigone do Viện Goethe phối hợp cùng Nhà hát Tuổi Trẻ Việt Nam đã tiếp tục công diễn trước khán giả với phiên bản Antigone được dàn dựng bởi đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai. Bản dựng được đạo diễn Việt hóa để gần gũi hơn với khán giả Việt, cũng là để gần gùi hơn với khán giả đương đại sau độ lùi 2.500 năm.

Vở kịch Antigone là một tác phẩm văn chương, sân khấu vĩ đại của thế giới, được viết bởi Sophocles - nhà soạn kịch nổi tiếng nhất thủ đô Athen (Hy Lạp), Trong 2.500 năm, những chất liệu kịch của Antigone đã truyền cảm hứng cho giới sáng tác và thách thức sự soi chiếu bản chất con người cùng vị trí của họ trong xã hội.

Câu chuyện huyền thoại Hy Lạp ấy đã được Việt hóa trong bản dựng mới đây để đến gần hơn với khán giả đương đại nhưng những tư tưởng, triết lí của của vở Antigone vẫn được giữ nguyên. NSƯT Bùi Như Lai được biết tới là đạo diễn khai phá loại hình kịch đương đại nhưng lại có nét khác biệt: dùng chính những câu chuyện của người trong cuộc để khám phá và đi đến tận cùng của vấn đề. 

Tất cả các nhân vật trong vở diễn đều mặc trang phục đương đại.

Có lẽ, thú vị nhất đối với người xem là về trang phục, tất cả các diễn viên trong vở Antigone được mặc những bộ quần áo đương đại Freestyle: ông vua Creon mặc vest công sở, nàng Antigone mặc áo khoác dạ, chàng Polynik mặc áo sơ mi… Qua những bộ trang phục ấy và câu chuyện được Việt hóa, người xem như thấy cả xã hội mà mình đang sống hiển hiện lên trên sân khấu.

Sự kết nối giữa khán giả và diễn viên là sự tương tác hai chiều, trong phiên bản Antigone do NSƯT Bùi Như Lai dàn dựng nên vở diễn không chỉ có những cảm xúc đau đớn, than khóc, hài hước… mà còn cho khán giả cảm giác sợ, đó là khi chàng Polynik bị đàn kền kền cào xé, ăn thịt, qua diễn xuất tài tình mà điên cuồng của những diễn viên trẻ.

Nỗi đau của nàng Antigone khi chứng kiến cái chết của anh trai.

Sân khấu của vở diễn mang nhiều biểu tượng ước lệ, trừu tượng, ba chiếc cờ phướn mang hơi hướng của Phật Giáo, nhưng cũng có nhiều ý hiểu khác nhau: đó có thể là cờ phướn trong đưa tiễn đám, cờ phướn trong chiến tranh… Trong những tác phẩm sân khấu do mình dàn dựng, đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai luôn để những khoảng trống cần phải suy ngẫm và lấp đầy cho khán giả. NSƯT Bùi Như Lai chia sẻ: “Những chiếc thang được ghép lại với nhau để tạo nên một chiếc thang quyền lực, nhân vật Ismene trong suốt cả vở diễn chỉ thoát ra khỏi cái gầm thang kia có một lần, còn lại cô luôn lủi thủi trong đó. Có nghĩa rằng, trong cuộc sống có rất nhiều người muốn che giấu bản thân mình, nhưng đến một thời điểm thuận lợi nào đó con người ta sẽ bùng cháy lên khát vọng của mình.

Nhân vật Ismene chỉ lủi thủi dưới gầm thang, gợi nhiều suy tưởng.

Trong vở này, chúng tôi cũng dựng nên một nhân vật, không nói gì, không làm gì mà chỉ biết chơi cờ và luôn đi cùng nhà tiên tri. Vốn dĩ cuộc sống của chúng ta luôn giống như một ván cờ, có lúc thắng - thua, thành công - thất bại. Tôi muốn đưa đến cho khán giả những biểu tượng buộc họ phải tưởng tượng, suy nghĩ rất nhiều”.

Phiên bản Antigone do NSƯT Bùi Như Lai dàn dựng không chỉ kéo gần khoảng cách giữa cốt truyện huyền thoại Hy Lạp từ 2.500 năm trước với khán giả đương đại, mà còn khiến khán giả hôm nay phải suy ngẫm, tưởng tượng và đồng sáng tạo cùng diễn viên, đạo diễn. Giá trị của một vở diễn sân khấu theo đạo diễn nằm ở chỗ đó, vì nghệ thuật là vô tận, không bao giờ nói ra hết tất cả…

Đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai chia sẻ tại buổi biểu diễn.

Antigone được xây dựng trên cốt truyện huyền thoại cổ đại lấy bối cảnh ở Thebes, nhân vật chính là nàng Antigone, con gái của Oedipus, em gái của Polynik. Sau khi Polynik và Eteocles chết, Creon, người từng là cố vấn cho Oedipus lên làm vua, nắm mọi quyền lực ở Thebes. Nhà vua Creon đã ra lệnh: chôn vị vua hợp pháp Eteocles, còn ném xác Polynik cho bầy kền kền, vì Polyink đã từng trỗi dậy chống lại ông. Nàng Antigone không chấp nhận chứng kiến hình phạt kinh khủng với Polyink nên đã tự mình đi mai táng cho anh trai, điều này là trái lệnh của vua, và nàng buộc phải chấp nhận cái chết. Nàng Antigone thời Hy Lạp cổ đại được đánh giá là có nhiều điểm tương đồng với nàng Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Antigone xuất thân từ một gia đình gia giáo, cô phải đưa ra những quyết định mang tính đạo đức, xuất phát từ đạo đức, để rồi phải chịu những hậu quả của hệ thống quyền lực và cai trị trong xã hội thời bấy giờ.

Chuỗi dự án phối hợp với Nhà hát Tuổi Trẻ đã dựng 6 phiên bản Antgone khác nhau bởi 6 đạo diễn, đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai là một trong số đó.

NGUYỄN ĐỨC CẦM