Thứ Hai, 23/07/2018 00:39

Lai lịch một bài thơ

Tập thơ "Điểm danh" tôi viết tại chiến trường Trị Thiên (1972 - 1975) hầu hết tặng cho đồng đội và bạn bè sinh viên hai lớp 10C và 14B khoa Văn, Đại học Sư phạm Vinh, nơi tôi học trước và sau khi rời quân ngũ. (HOÀNG ĐÌNH BƯỜNG)
. HOÀNG ĐÌNH BƯỜNG

Tập thơ Điểm danh tôi viết tại chiến trường Trị Thiên (1972 - 1975) hầu hết tặng cho đồng đội và bạn bè sinh viên hai lớp 10C và 14B khoa Văn, Đại học Sư phạm Vinh, nơi tôi học trước và sau khi rời quân ngũ.

Tôi lớp người cũ. Thơ tôi cũ, độc giả của tôi cũng… cũ, chủ yếu là những cựu chiến binh về hưu thường trà, cà phê sáng với tôi. Được nhiều người cùng thời đọc thơ, trao đổi tâm sự, vậy là quá sướng. Trong số thơ của tôi, bài Tiếc thương Lê Ngọc Sỹ được nhiều người chú ý và hay hỏi về hoàn cảnh ra đời.

Vượt qua dốc Răng Cưa
Nào ngờ Lê Ngọc Sỹ
Giữa chiều đông quạnh quẽ
Bạn nằm lại bên đường
 
Pháo giặc bắn điên cuồng
Đường hành quân nghẽn lối
Mưa cứ rơi não nùng
Rưng rưng tình đồng đội
 
Mưa rơi càng nặng hạt
Gió quất lạnh tê người
Sỹ vẫn nằm giữa dốc
Cánh rừng rách tả tơi
Hướng đồng bằng về xuôi
Sỹ một mình nằm lại
Thấm đẫm lệ đất trời
Giữa ngày đông tê tái
 
Có ai nhắn dùm tôi
Nơi quê nhà Thanh Hóa
Miền Yên Định xa xôi
Mẹ già như chiếc lá.


Lê Ngọc Sỹ quê Yên Định, Thanh Hoá, học giỏi toàn diện, được tuyển thẳng vào lớp chuyên Toán, Đại học Sư phạm Vinh. Nhưng vốn ham mê đọc sách văn chương, lịch sử, Sỹ quyết định thi và trúng tuyển vào khoa Sử.

Rồi Sỹ đã khiến gia đình và bạn bè ngạc nhiên khi viết đơn tòng quân cùng với 250 sinh viên Đại học Sư phạm Vinh, trong đó có tôi.
Tôi được biên chế cùng Tiểu đội 6, Đại đội 43 cùng Sỹ. Dáng người hơi thấp, da ngăm đen, chắc đậm, Sỹ vui tính, hay cười để lộ chiếc răng khểnh rất có duyên. Trên đường Trường Sơn, tôi với Đậu Thành Ý, người thành phố Vinh và Lê Ngọc Sỹ cùng tổ “tam tam”. Những ngày tổ được giao nhiệm vụ nấu cơm cho tiểu đội, mọi việc nặng nhọc như mang vác củi, gùi cõng nước..., Sỹ đều giành làm. Khi hành quân, lúc nào Sỹ cũng vượt lên trước rồi ngoảnh lại động viên mọi người: Cố lên, sắp đến binh trạm rồi!
Vào tới Thừa Thiên, chúng tôi được bổ sung về các đơn vị chiến đấu ngay.

Cuộc chiến Thành Cổ đang hồi giành giật quyết liệt, đạn bom ngút trời, khói lửa mù mịt. Đơn vị tôi được lệnh liên tục mở các đợt tấn công vào Sư đoàn 1 địch trên nhiều hướng, buộc chúng phải dàn quân chống đỡ, không thể tập trung chi viện cho Quảng Trị. Đánh rồi chốt. Mất chốt lại đánh. Chúng tôi di chuyển và tác chiến trên một địa bàn khá rộng từ Bắc Thừa Thiên đến phía tây Thành Huế.

Tôi và Sỹ đã sát cánh với nhau nhiều trận. Sỹ chiến đấu rất khôn ngoan. Trong trận tấn công đồi Sơn Na, đơn vị tôi đã chiếm giữ được Mỏm 2, còn Mỏm 1 địch vẫn cố thủ. Quả đồi bị chia hai, ta một nửa, địch một nửa, giữa là sân bay dã chiến. Đồi trọc lóc, nắng chói chang nhuộm chúng tôi đen như những thân củi cháy. Trong điều kiện chưa kịp đào công sự, địch phản kích liên tục, Sỹ ôm một khẩu B40, tôi một khẩu B41, hai thằng cơ động thoăn thoắt, cứ nương bám theo mấy gốc cây to mà phụt đạn, đẩy lui hàng chục đợt tấn công hòng tái chiếm Mỏm 2 của địch.

 
5233 01

Giữa tháng 7 năm 1972, chúng tôi nhận nhiệm vụ tác chiến ở một cao điểm khác. Khi hành quân qua khe Tà Vệ thì đơn vị bị B52 rải thảm. Thương vong trên hai mươi người. Sỹ và tôi may mắn không việc gì, tiếp tục chiến đấu bên nhau trên các cao điểm từ Nam sông Mỹ Chánh đến phía tây thành phố Huế.

Trưa ấy, đơn vị tôi lên tận dãy Răng Cưa. Dãy núi gồm mười hai đỉnh cao trên nghìn mét nối Bạch Mã với Hải Vân, các mỏm núi lô nhô như lưỡi cưa khổng lồ lật ngược, bề ngang có nơi chỉ rộng không quá mười mét, đá lởm chởm, sườn dốc đứng. Phía Đông là đèo Phước Tượng, đèo Phú Gia. Xa hơn tí nữa là đầm Cầu Hai và biển. Đó là thông tin từ chỉ huy, còn trên thực tế chúng tôi chẳng thấy gì cả bởi mây mưa luôn phủ kín một màu trắng xóa. “Rừng che bộ đội” nhưng rừng núi và mây mưa cũng gây bao khó khăn trở ngại.

Về chiều, đói và rét bắt đầu tấn công, trạm dừng chân chưa tới, chúng tôi vẫn đi lầm lũi. Do hành quân dài ngày trong điều kiện ẩm ướt, lính bị hắc lào đạt tỉ lệ tuyệt đối. Vùng nhạy cảm ngứa ran, ai cũng luôn tay sột soạt. Đói và mệt, những cơn sốt rét có cơ bùng phát. Lê Xuân Đồng và Lê Khắc Duy mắt trắng dã lờ đờ, đầu gối to hơn đùi, dùng gậy chống ba lô nghỉ tự do, im như tượng bên đường. Tôi bươn lên trong tiếng thở hổn hển nhưng chỉ đủ sức liếc nhìn, không nói được câu nào với bạn. Lê Ngọc Sỹ cũng đang trong tình cảnh đuối sức, da mai mái như đồng bào dân tộc Cơ Tu ở Nam Đông - Khe Tre. Dẫu vậy, Sỹ vẫn đi đầu đội hình.

Bỗng ầm ầm ầm… Pháo ngoài biển bắn vượt qua đỉnh núi, nổ ở sườn phía Tây dãy Răng Cưa. Mặc, vẫn tiếp tục hành quân. Bề ngang dãy núi quá hẹp, pháo khó bắn trúng, chúng tôi tin thế. Nhưng mươi phút sau nhiều quả pháo đã nổ ngay trên đỉnh, phía trước đội hình, cành cây, đất đá bay tứ tung, rụng rào rào. Chúng tôi nháo nhào tìm nơi trú ẩn. Nhưng đỉnh núi chỉ có mấy gốc cây to, không có tảng đá lớn nào để ẩn nấp. Nhiều chiến sĩ bị thương. Nhẹ thì rên rỉ. Nặng thì giãy dụa, la hét. Một số hi sinh, trong đó có Lê Ngọc Sỹ. Sỹ nằm ở tư thế nghiêng, chân duỗi chân co, tay vờn ra phía trước, máu trộn mưa loang đỏ đẫm xung quanh. Mưa dội, gió quất rát mặt cả người sống và người chết. Nhưng chúng tôi không được phép dừng.

Vừa dứt đợt pháo, lệnh vượt nhanh! Chúng tôi dồn hết sức tàn chạy hộc tốc, được một quãng đã nghe đợt pháo tiếp theo trùm ngay sau lưng. Nhưng tôi vẫn ngoái nhìn, kịp thấy mấy chiến sĩ cứu thương bị pháo “ghì” nằm bẹp dí trong tiếng nổ xé trời.

Đêm xuống, đơn vị được lệnh dừng chân ở sườn Đông, nơi có thể nhìn thấy ánh đèn pha ô tô, xe máy lấp loáng trên Quốc lộ 1. Đến lúc này tôi thực sự cảm thấy bải hoải, rã rời. Nếu như mọi lần tôi đã tranh thủ ngủ một giấc ngắn lấy sức. Còn lần này...

Tôi nằm trong võng nghe mưa xối xuống mái tăng mà nghẹn ngào. Nhóm chiến sĩ làm công tác chính sách đêm nay chắc phải lưu lại trên đỉnh, ngày mai họ mới có thể mang thương binh tử sĩ quay trở lại miền Tây. Tưởng tượng cảnh Lê Ngọc Sỹ và các đồng đội đã hi sinh của tôi vẫn phải trần mình trong mưa lạnh, lòng tôi đau như cắt. Tôi đếm thầm trong đầu và giật mình. Vậy là số lính sinh viên của đơn vị tôi đã hi sinh quá nửa. Một cơn đau trào lên trong tôi. Nhưng đúng lúc ấy những câu thơ bi tráng của Quang Dũng “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất” vọng về đã khiến tôi cắn răng kìm cơn khóc.

Tôi rời võng bước ra ngoài. Mưa vẫn rưng rưng rơi. Tôi ngửa mặt nhìn về phía đỉnh Răng Cưa, rồi lại quay nhìn bốn phía. Giữa trời đêm đen đặc, tôi bỗng nhận ra ánh đèn mờ ảo hắt lên từ phía Vọng Hải Đài. Tôi nhớ lời thông báo về tình hình địa bàn của chỉ huy lúc đơn vị dừng chân, đó là khu biệt thự xây từ thời Pháp thuộc trên đỉnh Bạch Mã cao 1.440m, nay được dùng làm nơi nghỉ dưỡng cho sĩ quan Mĩ - ngụy. Trong tôi bỗng trào lên một cơn đau khó tả. Kẻ thù đang ngủ ngon trong ấm áp xa hoa... Còn Lê Ngọc Sỹ và các đồng đội đã hi sinh của tôi thì đang phơi thây trong giá lạnh...

Và đầu tôi vang lên những câu:

...Vượt qua dốc Răng Cưa
Nào ngờ Lê Ngọc Sỹ
Giữa chiều đông quạnh quẽ
Bạn nằm lại bên đường
 
... Mưa rơi càng nặng hạt
Gió quất lạnh tê người
Sỹ vẫn nằm giữa dốc
Cánh rừng rách tả tơi...


Tôi đã chép lại y nguyên những câu thơ trào ra từ huyết quản, hòa trộn nước mắt đau thương của tôi năm ấy đem in vào tập Điểm danh mà không hề sửa chữa nên nó có phần thô mộc. Nhưng có lẽ chính điều ấy lại phản ánh đúng tâm trạng người lính trong sự khốc liệt của chiến tranh nên được những cựu chiến binh đồng cảm?
 
H.Đ.B