Thứ Ba, 20/11/2018 02:19

Làm nhà văn

Tôi thực sự không biết mình đã trở thành nhà văn như thế nào. Tôi có thể đưa ra những ngày tháng nhất định, những sự kiện nhất định về sự nghiệp của mình. (Tiểu luận của V. S. Naipaul, Ấn Độ, do Nguyễn Huy Hoàng dịch)

vhnn
 
000 app20020528 3b7ad140342 original
Nhà văn V. S. Naipaul
V. S. Naipaul sinh năm 1932 ở Trinidad trong một gia đình gốc Ấn Độ, năm 1950 Naipaul đến thành phố Oxford, nước Anh theo đường học bổng của chính phủ. Ông bắt đầu viết và xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay năm 1957. Naipaul là tác giả của hơn ba mươi tác phẩm hư cấu và phi hư cấu, được trao giải Man Booker năm 1971, giải T.S. Eliot năm 1986, giải Nobel Văn học năm 2001, được phong tước Hiệp sĩ Hoàng gia Anh năm 1990. Ông qua đời năm 2018 tại London.
Làm nhà văn, bài tiểu luận dưới đây chính là diễn từ ngày Naipaul nhận giải T.S.Eliot, được đăng trên tờ 
New York Review of Books (số 23 tháng 4/1987).

Tôi thực sự không biết mình đã trở thành nhà văn như thế nào. Tôi có thể đưa ra những ngày tháng nhất định, những sự kiện nhất định về sự nghiệp của mình. Nhưng bản thân quá trình ấy thì vẫn còn là bí ẩn. Nó là bí ẩn, chẳng hạn, rằng cái tham vọng ấy thì lại đến trước - cái ước muốn trở thành nhà văn, ước muốn có danh hiệu ấy, cái danh tiếng ấy - và cái tham vọng này đã đến từ rất lâu trước khi tôi nghĩ ra được điều gì để viết.

Tôi vẫn nhớ, học kì đầu của tôi ở Oxford năm 1950, cảnh đi những cuốc bộ dài - tôi vẫn nhớ những con đường, những chiếc lá mùa thu, những chiếc xe hơi và xe tải đi qua, lật tung những chiếc lá lên - và băn khoăn mình sẽ viết về cái gì đây. Tôi đã cố hết sức để giành học bổng đến Oxford, để làm nhà văn. Nhưng bây giờ đã đến Oxford, tôi lại chẳng biết viết gì. Và thật ra, tôi đoán, nếu không được thúc đẩy bởi một sự cần thiết lớn lao, thứ gì đó thậm chí giống như cơn hoảng loạn, có thể tôi đã không bao giờ viết. Ý nghĩ đặt tham vọng sang một bên thì rất nhẹ nhàng và hấp dẫn - giống như cách người ta nói giấc ngủ cũng hấp dẫn với những người lính của Napoleon trên đường rút lui khỏi Moskva.

Tôi cảm thấy điều đó là điệu bộ, việc ngồi xuống viết một cuốn sách. Và đó là một cảm giác vẫn ở lại với tôi, sau suốt bao nhiêu năm, lúc bắt đầu một cuốn sách - tôi đang nói về một tác phẩm hư cấu. Không có chủ đề hay câu chuyện chính xác nào ở bên tôi. Nhiều thứ khác ở bên tôi; tôi viết những mở đầu điệu bộ, dè dặt của nhiều cuốn sách; cho đến khi cuối cùng một xung lực đích thực - cái xung lực mà tôi đã hướng tới - bắt lấy tôi, và tôi giong buồm đi trên hành trình lao động của năm. Và điều đó vẫn còn là bí ẩn - rằng từ sự điệu bộ người ta có thể chạm đến và khuấy động những gì sâu thẳm nhất trong linh hồn của một con người, trái tim của một con người, kí ức của một con người.
*
*    *
Mọi hình thức văn chương đều điệu bộ, và chúng đang liên tục thay đổi, để phù hợp với giọng điệu và khí sắc mới của nền văn hóa. Chẳng hạn, đã có lúc một người có khuynh hướng văn chương nghiêm túc có thể nghĩ đến việc viết cho nhà hát, sẽ bằng cách nào đó làm cái việc mà tôi không thể làm, đó là sắp xếp chất liệu của anh ta vào các cảnh và các màn, sẽ không viết cho trang giấy in, mà viết các “phần” để thu hút diễn viên và - như một nhà soạn kịch nói với tôi - sẽ hình dung mình (để thúc đẩy quá trình soạn kịch) đang ngồi ghế khán giả.

Ở một thời kì khác, một thời kì không có radio hay đĩa thu thanh, một thời kì mà giấy in thống trị, một người muốn viết sẽ định hình một câu chuyện có thể chia thành nhiều kì qua nhiều tháng, hoặc viết được đầy ba tập. Trước đó, nhà văn có thể sẽ cố gắng kể chuyện bằng thơ, hoặc kịch thơ, vần hay không vần; hoặc sử thi.

Tất cả những hình thức ấy, dù điệu bộ như chúng ta thấy ngày nay, đều có vẻ tự nhiên và phù hợp với những người thực hành chúng như hình thức tiểu thuyết tiêu chuẩn ngày nay. Cho dù hình thức tiểu thuyết cũng là điệu bộ, với những sự đơn giản hóa và bóp méo của nó, những khung cảnh nhân tạo của nó, và ý niệm của nó về kinh nghiệm như một cuộc khủng hoảng cần giải quyết trước khi cuộc đời tiếp tục dòng chảy hài hòa. Tôi đang miêu tả, một cách đại khái, cái cảm giác điệu bộ ở bên tôi lúc bắt đầu, khi tôi đang tìm cách viết và tự hỏi phần nào trong kinh nghiệm của mình có thể phù hợp với hình thức văn chương này - tự hỏi, trên thực tế, một cách ngấm ngầm nhất, làm sao tôi có thể chuyển thể hay sửa đổi kinh nghiệm của tôi sao cho nó vừa vặn với cái hình thức lớn lao kia.

Các hình thức văn chương đều cần thiết: Kinh nghiệm phải được truyền đạt bằng một cách nào đó dễ hiểu hoặc được đồng tình. Nhưng một số hình thức nhất định, như thời trang trong váy vóc, có lúc cũng có thể trở nên cực đoan. Và rồi những hình thức ấy, thay vì kết tinh hoặc mài giũa kinh nghiệm, lại có thể làm sai lệch nó hay có cảm giác như một gánh nặng. Ông Trollope thiết lập nên một tình huống - ông Trollope với tư cách là một nhà quan sát xã hội, với kiến thức uyên thâm về cả xã hội lẫn thế giới của lao động, một kiến thức rộng hơn nhiều so với kiến thức của Dickens - thì mê hoặc. Nhưng tôi thấy có vấn đề với ông Trollope mà, đã thiết lập nên một tình huống, lại ngồi xuống để tháo gỡ câu chuyện của ông ta - cái trọng điểm xã hội hay triết học mà tôi đã có thể nhận được từ những trang mở đầu của ông. Với Thackeray tôi cũng cảm thấy vậy: Tôi có thể cảm thấy cái nhu cầu cần phải có tự sự và cốt truyện ngồi trên vai ông như một gánh nặng.
*
*    *
Những ý niệm của chúng ta về những lạc thú văn chương và tự sự trên thực tế đã thay đổi trong khoảng hàng trăm năm qua. Mọi tác phẩm trong thế kỉ qua, cũng như điện ảnh và truyền hình, đã đẩy chúng ta đi nhanh hơn. Và các nhà văn người Anh của thế kỉ XIX, những người giờ đây đem lại cho tôi nhiều khoái cảm “tiểu thuyết” nhất - mở ra những ô cửa sổ nhìn vào cuộc sống con người, khích lệ sự suy tư - cũng là các nhà văn mà trong thời đại của chính họ lại không hề được xem là các tiểu thuyết gia.

Tôi đang nghĩ về những nhà văn như Richard Jefferies, những tiểu luận của ông về người nông dân hàm chứa nhiều tri thức và kinh nghiệm đến mức chúng thường chứa đựng toàn bộ cuộc sống. Hay William Hazlitt. Hay Charles Lamb, cụ thể, cứng rắn và u sầu, không phải nhà tiểu luận lịch thiệp, vô vị như truyền thuyết. William Cobbett, nhà báo và nhà soạn những cuốn sách mỏng chuyên đề, hăng hái về vùng thôn quê, và trong thứ văn xuôi uyển chuyển đến chóng mặt của ông, qua những định kiến hoang sơ của ông, đã cho thấy những bức tranh sáng rõ nhất về những con đường, những cánh đồng, con người, những quán trọ và thức ăn. Tài năng của ai trong số những nhà văn ấy cũng bị hình thức tiểu thuyết làm loãng hoặc làm hỏng như nó tồn tại trong thời đại của họ. Tất cả họ, đậm chất tiểu thuyết trong những khoái cảm mà họ mang lại, đều tìm được những hình thức cho riêng mình.

Mọi nhà văn nghiêm túc đều phải độc đáo; anh ta không thể bằng lòng làm hoặc đem đến một phiên bản của cái từng được làm trước đây. Và bởi vậy mọi nhà văn nghiêm túc đều ý thức được vấn đề hình thức này, bởi anh ta biết rằng bất kể anh ta có được các nhà văn mà anh ta đã đọc hoặc đang đọc dạy dỗ và kích thích nhiều đến đâu thì hình thức của họ chỉ phù hợp với kinh nghiệm của họ mà không thực vừa vặn với kinh nghiệm của anh ta.

Nhà thơ Philip Larkin quá cố - độc đáo và rất vĩ đại, đặc biệt là trong những tác phẩm sau này của ông - nghĩ hình thức và nội dung là không thể phân chia. Ông làm việc chậm, ông nói. “Anh sẽ phải tìm xem phải nói gì cũng như nói thế nào, và điều đó cần thời gian”. Điều đó nghe đơn giản, nhưng nó đặt ra một vấn đề khó. Văn chương không giống như âm nhạc, nó không phải là cho người trẻ, không có thần đồng nào trong việc viết. Kiến thức hay kinh nghiệm mà một nhà văn tìm cách truyền đạt thì mang tính xã hội hoặc tình cảm; nó cần thời gian, nó có thể mất gần một đời người, để nghiền ngẫm kinh nghiệm ấy, để hiểu được cái anh ta trải qua; và khi ấy nó cần sự cẩn thận và khéo léo vô cùng để bản chất của kinh nghiệm kia không bị mất đi, không bị loãng đi vì những hình thức sai lạc. Hình thức của người khác thì phục vụ cho ý nghĩ của người khác.

Tôi luôn để tâm đến vấn đề hình thức này, và thậm chí cả từ vựng, vì tôi nhận ra khá sớm rằng giữa thứ văn chương mà tôi biết và đọc, thứ văn chương gieo hạt giống tham vọng trong tôi, giữa nó với xuất thân của tôi, có một sự chia rẽ, một mối bất hòa. Và tôi nhanh chóng thấy rõ là sẽ không có chuyện đơn giản là bắt chước các hình thức khác.

Trong một cuốn sách đầu của mình James Joyce nói về sự khó khăn đối với ông - hay với nhân vật chính của ông - về tiếng Anh. “Cái thứ tiếng mà chúng ta nói là của ông ta trước khi nó là của tôi. Những chữ nhà, Ki-tô, bia, chủ, ở trên môi ông ta với trên môi tôi mới khác nhau làm sao! Tôi không thể viết hay nói những chữ ấy mà không cảm thấy bất an trong tinh thần. Hồn tôi lo âu trong cái bóng của ngôn ngữ ông ta”.

James Joyce là một nhà thử nghiệm trong hình thức thuần túy - hình thức tách khỏi nội dung. Và quan điểm của James Joyce về ngôn ngữ không phải là quan điểm mà tôi đang đưa ra. Tôi chưa bao giờ cảm thấy vấn đề ấy với tiếng Anh - thứ tiếng như một thứ tiếng. Vấn đề làm tôi lo lắng là vấn đề về từ vựng, về những ý nghĩa hay những mối liên hệ khác biệt của các từ. Vườn, nhà, đồn điền, người làm vườn, tài sản: những từ này có thể có nghĩa này ở Anh nhưng lại có ý nghĩa hoàn toàn khác với một người xuất thân từ Trinidad, một thuộc địa nông nghiệp, một thuộc địa bị chiếm đóng vì mục đích trồng trọt nông nghiệp. Như thế thì sao tôi có thể viết một cách trung thực hay công bằng nếu chính những từ mà tôi dùng, với những ý nghĩa riêng tư đối với tôi, với độc giả bên ngoài lại mang những mối liên hệ của nền văn chương lâu đời hơn? Tôi cảm thấy để thực sự truyền tải những gì tôi thấy, tôi phải xác định mình là nhà văn hoặc người kể chuyện; tôi phải diễn giải lại các thứ. Tôi đã cố gắng làm điều này bằng nhiều cách khác nhau trong suốt sự nghiệp của mình. Và sau hai năm làm việc, tôi đã viết xong một cuốn sách mà cuối cùng, như tôi nghĩ, tôi đã phối hợp được cái việc tái diễn giải này vào câu chuyện của mình.

Mục tiêu của tôi là sự thật, sự thật đối với một kinh nghiệm cụ thể, hàm chứa một định nghĩa về cái tôi viết lách. Nhưng đến cuối cuốn sách ấy tôi nhận ra là quá trình sáng tạo vẫn còn bí ẩn giống như trước.
*
*    *
Nhà phê bình người Pháp Sainte-Beuve cho rằng các chi tiết cá nhân trong cuộc đời một nhà văn sẽ làm sáng tỏ nhiều điều về nhà văn. Phương pháp của Saint-Beuve bị Proust tấn công một cách cay đắng trong một cuốn sách lạ - một hình thức xa lạ, độc đáo và đẹp đẽ, một phần là tự truyện, một phần là phê bình văn học, một phần là hư cấu - có tên là Chống Sainte-Beuve, nơi sự phê bình nhà phê bình và phương pháp của anh ta, giải phóng những lá thư tình của nhà văn, cũng giải phóng cả những yếu tố tự truyện và hư cấu của tác phẩm.

“Phương pháp này”, Proust viết (theo bản dịch tiếng Anh của Sylvia Townsend Warner) - và ông đang nói về phương pháp của Sainte-Beuve - “đã bỏ qua cái mà một mức độ hiểu biết bản thân rất nhỏ cũng dạy cho chúng ta, rằng một cuốn sách là sản phẩm của một cái tôi khác với cái tôi mà chúng ta thể hiện trong những thói quen của mình, trong đời sống xã hội của mình, trong những tật xấu của mình”. Và một lúc sau, Proust giải thích: “Hàm ý ở đây là có một điều gì đó nông cạn và trống rỗng hơn trong tư cách tác giả của một nhà văn, điều gì đó sâu sắc và trầm ngâm hơn trong cuộc sống riêng tư của anh ta… Thật ra, cái người ta trao cho công chúng là chất tiết từ cuộc sống sâu kín nhất của một người, được viết trong cô độc và chỉ cho cái tôi của riêng anh ta. Cái người ta trao cho cuộc sống riêng tư - trong cuộc trò chuyện, cho dù nó có thể được chọn lọc… - là sản phẩm của một cái tôi hoàn toàn nông cạn, chứ không phải là của cái tôi sâu kín nhất mà người ta chỉ có thể tìm lại được bằng cách đặt thế giới và cái tôi thường lui tới thế giới ấy sang một bên”.

Và thật kì lạ - nhưng không hẳn bất ngờ - khi ý nghĩ gần như tương tự về cái tôi viết lách của nhà văn cũng được thể hiện ra bởi một nhà văn hoàn toàn khác, Somerset Maugham. Trong chân dung hư cấu của ông về Thomas Hardy trong cuốn Bánh và bia, Maugham, bằng một đường tuyệt vời (khiến ông nhận về nhiều mạt sát), đã cho thấy tiểu thuyết gia bi kịch xứ Wessex bình thường một cách bất thường trong cuộc sống riêng, và chính vì thế mà thật bí ẩn. “Tôi có ấn tượng là” - đây là tóm tắt của chính Maugham - “rằng người đàn ông thực sự, vô danh và cô đơn đến cái chết của anh ta, là một hình bóng bước đi trên một con đường im lặng vô hình giữa nhà văn viết ra những cuốn sách của anh ta và người đàn ông sống cuộc đời của anh ta, và mỉm cười với sự thờ ơ mai mỉa với hai con rối ấy”.

Nguyễn Huy Hoàng dịch từ nguyên bản tiếng Anh