Thứ Hai, 18/05/2020 10:46

Lâu đài của Howl luôn di động

Cùng về một lâu đài, Diana Wynne Jones và Hayao Miyazaki đã kể những câu chuyện rất khác nhau.

Cùng về một lâu đài, Diana Wynne Jones và Hayao Miyazaki đã kể những câu chuyện rất khác nhau.

Chúng ta thường thấy những tác phẩm văn học châu Á được chuyển thể để tiếp cận với độc giả phương Tây và thị trường những người nói tiếng Anh, nhưng Lâu đài di động của Howl là một trong số những hiện tượng đi theo chiều ngược lại. Bộ phim hoạt hình năm 2004 của Hayao Miyazaki là một phiên bản chuyển thể “lỏng lẻo” từ tiểu thuyết năm 1986 của Diana Wynne Jones mà chính Jones cũng đã thừa nhận đó là một công trình “trù phú và lạ lùng, đầy ắp những hoạt họa đẹp đẽ”, được tạo ra bởi một người “hiểu những cuốn sách của tôi theo cái cách chưa ai từng”. Miyazaki có lẽ đã tìm ra đúng con đường mà cuốn tiểu thuyết của Jones đã đi: sử dụng những yếu tố tưởng tượng kì ảo có tính phổ thông làm chất liệu để chất vấn và bác bỏ những diễn ngôn xã hội đang thống trị, và sau đó, phế truất đi quyền lực của chúng.

Trong quá trình chuyển thể và gần như dịch lại cuốn tiểu thuyết sang dạng ngôn ngữ trực quan với một bối cảnh thời gian khác, hướng đến những đối tượng khác (mà chủ yếu là khán giả Nhật Bản), Miyazaki đã lựa chọn được một cách tiếp cận thích đáng: ông không tập trung vào công việc mô phỏng trung thành tác phẩm trên từng chi tiết mà đi tìm cách để bảo tồn những giá trị của nó. Cuốn tiểu thuyết về lâu đài của Howl sử dụng những công thức của cổ tích như một công cụ để xem xétvai trò xã hội và những giới hạn luônkìm giữ, trói buộc con người vào những vị trí nhất định. Và sức mạnh kì diệucủa ngôn từ là phá vỡ những vòng vây đó ra khỏi con người. Miyazaki bắt tay vào Lâu đài di động của Howl với một sự giận dữ trước cuộc xâm lược Iraq của Mĩ, chính cơn thịnh nộ dẫn ông tới ý tưởng về một kịch bản chiến tranh tiêu biểu trên mọi ngóc ngách, sử dụng cái kì ảo để vạch trần sự lố bịch và vô nghĩa của mọi cuộc chiến, và tất nhiên, để thấy được quyền năng của tình yêu thương, sự kết nối và lòng trắc ẩn có thể làm thay đổi tất cả.

Cuốn tiểu thuyết mở đầu ngắn gọn với bối cảnh câu chuyện mang màu sắc cổ tích: “Ở xứ sở Ingary, nơi những thứ như hài bảy lý và áo tàng hình thật sự tồn tại”. Nhân vật nữ chính Sophie Hatter, chị cả và là cô gái chăm chỉ học hành nhất trong số các chị em, sớm đã bị mắc kẹt trong một suy nghĩ rằng, cô sẽ chẳng bao giờ có một cuộc sống thú vị bởi số phận của cô là làm một cô chị cả. Ngay từ những dòng đầu khi giới thiệu về Sophie, Jones đã chỉ ra sự sai lệch của thứ logic cổ tích. Nếu Sophie không bao giờ thực hiện được những điều cô mong muốn bởi vị trí của cô trong gia đình, thì kịch bản cổ tích sẽ đi theo diễn biến rằng, bà mẹ kế của cô phải là một ác quỷ và khi cô em cùng cha khác mẹ của cô ra đời, họ, ngay lập tức sẽ trở thành những kẻ thù không đội trời chung của nhau. Tuy nhiên, trong câu chuyện của Jones: “cả ba cô gái lớn lên đều dễ thương, xinh đẹp”.Đây chính là dấu hiệu của một cú bẻ lái ngoạn mục trong cách kể chuyện về Sophie: có gì đó không đúng trong những kịch bản phổ biến về chuyện mẹ ghẻ - con chồng mà xã hội từ xưa đến nay đã dựng nên.

Trong phiên bản phim hoạt hình, Miyazakikhông đi theo công thức gây dựng xung đột khi giới thiệu Sophie. Thay vào đó, ông cẩn thận bài trí, sắp xếp cách nhân vật xuất hiện trên màn hình nhằm dự báo hướng đi mà câu chuyện này sẽ tiến triển, hé mở con đường mà Sophie sẽ bước tới. Từ phần đầu của bộ phim, Sophie thường tự quan sát và đuổi theo những kết nối cá nhân trong mình, cô thường ở một vị trí tách biệt với đám đông: ngồi cách xa những người thợ làm mũ khác trong khi vẫn lắng nghe những cuộc chuyện trò giữa họ; đứng một mình phía bên ngoài chiếc xe điện trên đường đi tới thăm em gái; rời khỏi mọi đám đông ngay trong khoảnh khắc cô cùng Howl đi bộ trên không trung và ở bên trên của tất thảy. Sophie thường xuyên lánh xa những cỗ máy của chiến tranh. Đó có thể là những cỗ máy đúng nghĩa như những chiến hạm, cũng có thể là những người lính trong cuộc duyệt binh hoặc là những người đồnghương đang hăng hái thảo luận về nguyên nhân của cuộc chiến. Trên thực tế, ngay lúc hai nhân vật quần chúng trên nền cảnh đang bàn với nhau về sự mất tích của một vị hoàng tử đẩy hai vương quốc vào cuộc chiến, Sophie đã rời đi để bước chân vào cuộc phiêu lưu của chính mình. Cô tập trung vào chuyến đi cá nhân của mình bởi nó mới là phần cốt yếu hơn tất cả. Những chi tiết về cuộc chiến luôn được xây dựng như những sự kiện quái gở, phi lý, luôn trực chờ, dọa dẫm nhằm đẩy Sophie và Howl tuột khỏi những hành trình quan trọng của họ để chạm vào được sự kết nối cá nhân.

Howl trong cả hai phiên bản đều chỉ ra những chỉ ra những hình mẫu ý thức mà cả Jones và Miyazaki đều có tham vọng phải giải cấu trúc và loại bỏ chúng. Trong tiểu thuyết, Howl thật ra là Howell Jenkins xứ Wales với một tấm bằng Tiến sĩ có lẽ là về Văn học, người đã tìm ra đa vũ trụ và quyết định trở thành một pháp sư thay vì theo đuổi một thị trường học thuật. Trong chuyến viếng thăm tới Wales, Phù thủy Hoang mạc cay độc và ngọn lửa ác quỷ của bà ta đã sử dụng lời thơ của John Donne - Go and Catch a Falling Star (tạm dịch: Hãy đi và bắt một vì sao rơi) để buộc Howl vào một lời nguyền chết chóc. Bài thơ liệt kê ra một loạt những được cho là không thể, trong đó mở đầu bằng việc bắt lấy một vì sao rơi và kết thúc bằng việc tìm ra một người phụ nữ chân thành và ngay thẳng. Tuy nhiên, mọi thứ mà trong thơ của Donne cho là không thể đó đã thực sự xảy ra ở xứ sở Ingary. Lời nguyền của Howl bắt đầu khi anh bắt được một ngôi sao đang rơi, Calcifer và trao trái tim của mình cho hắn. Nhưng Howl đã gặp được Sophie, một phụ nữ chân thành, ngay thẳng với năng lực nói ra những điều sẽ đem lại sự sống cho mọi vật. Sau đó, mọi lời nguyền, không chỉ của Howl mà của tất cả những nhân vật còn lại, đều được phá bỏ. Tất cả những tư tưởng thù ghét phụ nữ của Donne đều bị phủ nhận hoàn toàn trong tác phẩm của Jones, cũng như những motif cổ tích muôn thuở khác đã bị đưa lên bàn cân để xem xét lại. Và câu chuyện về lâu đài của Howl khơi gợi ở người đọc về một câu hỏi xa hơn: còn bao nhiêu điều mà chúng ta luôn được nghe rằng đó là những điều không thể, và tại sao ta lại nghiễm nhiên tin là như vậy?

Tuy nhiên, trong phim, Howl cũng giống như Sophie, chỉ là một phần của thế giới huyền bí này. Điều này một phần do ý đồ của tác giả chuyển thể. Sự xuất hiện của những hình ảnh như xứ Wales, bài thơ của John Donne, những biểu tượng cổ tích kinh điển như đôi hàibảy lí sẽ được nhận ra ngay lập tức đối với độc giả phương Tây của Jones và là những dấu hiệu chỉ dẫn rằng không gian hư cấu trong tiểu thuyết sẽ được định hình và gắn kết với trí tưởng tượng quen thuộc của họ. Miyazaki chọn chuyển dịch bối cảnh về châu Âu và đâu đó trong bộ phim của ông, người ta tìm thấy những ấn tượng của mỹ học thời đại Edwardian - một cách phổ biến để sản xuất những anime có tính li kì, huyền ảo, không dựa trên những thần thoại hay cổ tích Nhật Bản, từ đó trở thành một dấu hiệu văn hóa cụ thể để chỉ dẫn người đọc tới thể loại của bộ phim và câu chuyện mà khán giả đang chờ đón. Chính vì thế, núm màu đen trên cánh cửa ma thuật không hề đưa Howl đến xứ Wales mà tới một nơi thường xuyên xuất hiện trong tác phẩm của Miyazaki: bầu trời. Điều này củng cố cho luận điểm của Jones rằng, tiểu thuyết có thể định hình thực tại của chúng ta hoặc định hình cách chúng ta hiểu về thực tại này. Miyazaki ra đời vào năm 1941, có một người cha chế tạo máy bay để phò tá quân đội trong Thế chiến II, ông đã sống sót qua cuộc đánh bom thành phố Utsunomiya năm 1945 và tất cả những trải nghiệm cá nhân này ảnh hưởng trực tiếp đến cách xây dựng những hình tượng cụ thể trong Studio Ghibli. Trong Porco Rosso, Lâu đài trên không trung, và đặc biệt là Gió nổi (tác phẩm sau này khiến những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Nhật Bản buộc tội Miyazaki là kẻ phản bội, chống Nhật), bầu trời luôn là nơi chứa đầy những điều tuyệt vời, sự tự do và trí tưởng tượng nhưng bị mắc kẹt trong bức màn của cuộc chiến. Howl rất gần với những điều này, bầu trời được diễn tả như một nơi đầy ắp những điều thần bí, kỳ diệu và sự lãng mạn từ ngay lần gặp gỡ đầu tiên của anh với Sophie, nơi anh đưa cô đi dạo giữa không trung và sau đó, biến đổi sang hình dạng của một loài chim kỳ lạ để quan sát, nắm bắt tình hình cuộc chiến và nhất cử nhất động của những phù thủy đồng nghiệp khác. “Ngày hôm nay, chính bạn bè tôi đã tấn công tôi”, Howl đã nói với Calcifer điều này sau khi trở về từ một trong những trận chiến đầu tiên, nơi anh nhận ra những phù thủy khác đang tự nguyện biến mình thành những con quái vật biết bay phục tùng cho nhà vua (một dẫn chứng cho thấy bất cứ nỗ lực nào muốn khoác lên mình cuộc chiến này một bộ cánh chính nghĩa đều thật nực cười và không thể che giấu đi sự tàn ác, tráo trở của nó) - trong khi Howl phải vật lộn đấu tranh để được trở lại thành người.

Howl thuộc về thế giới riêng biệt của riêng mình, sự cô lập của anh bắt nguồn từ những lựa chọn khi anh còn là một đứa trẻ (kể từ lúc anh bắt được Calcifer, không giống như trong cuốn sách) bởi lòng trắc ẩn và có lẽ, bởi một khát khao có được quyền năng. Cách diễn giải mới này đã thay đổi câu chuyện của tiểu thuyết. Tác phẩm của Jones có lẽ là một câu chuyện để kể về những câu chuyện khác, một câu chuyện chỉ cho chúng ta thấy những câu chuyện ta thường được nghe, dù được viết sẵn hay do chính ta tự kể cho mình, đã sử dụng quyền lực của nó để nhào nặn nên thực tế mà ta đang sống. Còn thành quả của Miyazaki, đó là câu chuyện về sự vô cảm của chiến tranh và những rào cản mà nó dựng lên ngăn con người được hòa mình trong tự nhiên và yêu thương đồng loại của mình. Vấn đề thực sự của Howl không nằm ở sự hèn nhát, mà là những khó khăn anh phải đương đầu trong việc bảo tồn được tính người khi phải đối mặt với cuộc chiến. Và những hiểm nguy rình rập không đến từ lời nguyền của một mụ phù thủy, mà nằm ngay trong chính sức mạnh của anh và cuộc giao kèo với quỷ lửa Calcifer. Đó mới chính là những thứ ngăn anh kết nối với những người khác, trói anh lại trong một trạng thái mà mọi cảm xúc đều phải nén lại. Phòng ngủ của Howl là một cái hang rồng trú ẩn lấp lánh của một cửa hàng đồ chơi, với một chú bò bằng bông đang nằm ngủ trên chiếc chăn của anh: đó là căn phòng của một đứa trẻ. Dường như không chỉ có một đứa trẻ là người học việc của Howl đang trú ngụ trong lâu đài (bộ phim đã thay đổi nhân vật Michael mười lăm tuổi thành cậu bé tên Mark), mà chính Howl là kẻ vẫn đang sống trong thời thơ ấu được nối dài của mình. Nhưng Howl sau cùng đã sẵn sàng để bước vào thế giới trưởng thành, nơi anh sẵn sàng hành động và gánh lên vai trách nhiệm phải bảo vệ hạnh phúc cho những người khác, thay vì chỉ tập trung duy trì quyền năng và sự tự do của bản thân mình bằng mọi giá.

Những cái kết có hậu khác nhau dẫn tới những hướng giải quyết khác nhau cho các vấn đề khác nhau mà Jones và Miyazaki đặt ra trong tác phẩm. Ở tiểu thuyết, tất cả những lời nguyền đều đan chồng lên nhau. Bằng việc phá vỡ một trong số chúng nhờ khả năng trò chuyện và đem sự sống vào mọi thứ, Sophie cũng đồng thời tìm ra cách để phá vỡ tất cả lời nguyền của những người khác. Howl, trong khoảnh khắc khi anh đã có một trái tim, đã khép lại tiểu thuyết bằng một câu kết kinh điển trong cổ tích: “Tôi nghĩ rằng từ giờ, chúng ta sẽ sống hạnh phúc mãi mãi về sau”. Và đúng như công thức thông thường, “Sophie biết, từ giờ trở đi, sống hạnh phúc với Howl sẽ là một giao kèo tốt lành với nhiều sự kiện hơn so với bất cứ câu chuyện nào được kể lại”. Sophie có được một cuộc sống thú vị mà cô hằng mong ước – một cuộc sống thuộc về chính cô bởi cô đã bắt đầu có thể tự mình kể về chính thế giới xung quanh hơn là chỉ ngồi đó và gật đầu đồng ý với tất cả những gì người ta vẫn nói bên tai cô. Trong phim, thay vì tiết lộ về bản năng phù thủy bẩm sinh của Sophie như trong truyện, Miyazaki đã để Sophie hóa giải mọi bùa ếm nhờ vào những kết nối cá nhân giữa cô và tất cả những người còn lại mà rồi Howl sẽ gọi họ là một gia đình. Cuối cùng, vị hoàng tử mà sự mất tích của anh là nguyên nhân của cuộc chiến đã bất ngờ xuất hiện như thể một chi tiết được thêm thắt vào và anh ngay lập tức rời đi để kết thúc chiến tranh. Và trên một chiếc chiến hạm để bay về nhà, Howl, Sophie và toàn bộ những thành viên còn lại của gia đình mới đã đi về hướng ngược lại của cuộc chiến, hướng mặt trời đang lặn. Bầu trời sẽ không còn là nơi của chiến tranh và xung đột, nó sẽ lại là khoảng không của những phép màu, những điều tuyệt đẹp và sự gắn kết như nó vốn là. Một kết thúc có hậu tuyệt vời đang quay lưng lại với chiến tranh để bước tới những miền đất nơi chúng ta có thể dựng xây hạnh phúc cho chính mình, và chạm được vào những điều kì diệu của tạo hóa này.

Câu chuyện về Lâu đài di động của Howl là một trong những cuộc dịch chuyển nhằm đưa con người bước ra khỏi những hệ ý thức từ lâu bám rễ và chi phối đời sống này, những diễn ngôn áp đặt hoặc gài bẫy chúng ta, như câu chuyện “ta sinh ra là ai, ta trở thành ai, đó hoàn toàn là sắp đặt sẵn của số phận”, hay “chiến tranh là điều cần thiết phải làm để duy trì một xã hội”. Cả Jones và Miyazaki đều sử dụng Howl để phân tích những tự sự mà họ bất đồng cùng những phép màu mà họ tin tưởng, tất cả để tiệm cận lấy bức tranh hiện thực xã hội mà họ đang sống giữa thời điểm sáng tạo tác phẩm. Trong Reflections: On the Magic of Writing (tạm dịch: Nghĩ về phép thuật của việc viết), Jones đã bày tỏ về những khó khăn đã liên tục biến đổi thế nào từ năm này sang năm khác khi bà bắt tay vào viết truyện giả tưởng với nhân vật chính là nữ. Và ngay khi bà có thể khiến người phụ nữ trở thành trung tâm trong những câu chuyện của mình, bà “nhận ra những cảm thức về chuyện mình là phụ nữ đã ngưng làm phiền tôi và dần dần biến mất hoàn toàn – điều đó có thể được coi là một phần của cuộc cách mạng giới”. Chủ nghĩa nữ quyền thay đổi con đường văn học của bà, đồng thời thay đổi chính bà. Vào năm 1986, khi cuốn tiểu thuyết được xuất bản, nữ quyền đã trở thành một phong trào xã hội sôi nổi, quyết liệt và Jones là một trong những cá nhân chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Tương tự như vậy, chủ nghĩa hòa bình của Miyazaki cũng được hình thành từ trải nghiệm cá nhân của ông khi sống ở Nhật Bản thời kì hậu chiến. Đó là một trong những đối thoại gay gắt về vai trò của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, là cuộc chất vấn về lịch sử: lịch sử nên được thừa nhận lại hoặc cần phải gửi lời cảnh cáo của nó tới nền chính trị đương thời. Những thông điệp đó chắc chắn chạm ngay lập tức tới nhận thức của khán giả Nhật Bản khi theo dõi bộ phim, cũng như chủ nghĩa nữ quyền của châu Âu sẽ rành rành hiện ra trước mắt những độc giả của Jones khi đọc tiểu thuyết. Để giải lời nguyền cho những kẻ luôn coi thường phụ nữ, hãy lên tiếng. Để giải lời nguyền cho một cuộc chiến thì chỉ có thể bằng cách kết nối và yêu thương.

---------

KIỀU CHINH dịch theo Elyse Martin, Tor.com.

Elyse Martin là một người Mỹ gốc Hoa, đã tốt nghiệp Đại học Smith và đang sinh sống ở Washington. Cô viết cho tờ Publisher’s Weekly, những bài phê bình của cô thường xuyên xuất hiện trên The Toast, Electric Literature, Perspectives on History, The Bias, Entropy Magazine, và Smithsonian Magazine.