Thứ Hai, 19/09/2022 00:44

Lê Phụng Hiểu: tướng quân trung nghĩa, phúc thần muôn dân

Thời trẻ ông nhà nghèo hay phải vào rừng kiếm củi ở núi Băng Sơn, còn gọi là núi Bưng quê nhà. Ông có sức khỏe phi thường nên đi đấu vật trong vùng không ai địch nổi... (Trần Vi Anh)

. Trần Vi Anh
 

Đó là câu chuyện truyền kỳ về cuộc đời Đô Thống Thượng Tướng quân Lê Phụng Hiểu, dưới thời nhà Lý. Kể rằng, dưới triều vua Lý Thái Tông nhân người Chiêm Thành hay đem quân quấy nhiễu biên giới phía Nam nước ta, nhà vua Lý Thái Tông bèn điểm quân đi chinh phạt. Lê Phụng Hiểu là võ quan theo nhà vua ra trận làm tướng tiên phong, lập được công to, chiếm kinh thành Phật Thệ, bắt nhiều tù binh, thu nhiều của cải khí giới voi ngựa đem về Đại Việt. Nhà vua thấy Lê Phụng Hiểu công lớn có ý ban tước cắt đất thưởng. Ngài bèn tâu với vua: “Thần không muốn thưởng tước, xin cho đứng trên núi Băng Sơn ném đao lớn đi xa, đao rơi chỗ nào trong đất công thì xin ban làm sản nghiệp.” Truyền rằng ông ném đao xa đến 10 dặm! Rồi ông lấy đất ấy chia cho dân nghèo quê hương cầy cấy. Lệ “thác đao điền”, ném đao thưởng ruộng cho võ tướng lập công ở nước ta cũng bắt đầu từ đó.

Lê Phụng Hiểu (982 - 1059) quê ở hương Băng Sơn, Thanh Hóa. Nay là xã Hoằng Sơn, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Thời trẻ ông nhà nghèo hay phải vào rừng kiếm củi ở núi Băng Sơn, còn gọi là núi Bưng quê nhà. Ông có sức khỏe phi thường nên đi đấu vật trong vùng không ai địch nổi. Nhiều đối thủ nghe tiếng Đô Bưng đã bó tay xin thua. Dân vùng này đến nay vẫn còn truyền nhiều chuyện về sức mạnh của ông: lần lượt đánh chết cả năm mẹ con con hổ dữ làm ổ trên núi, quấy nhiễu dân trong vùng. Bênh vực dân làng Cổ Bi yếu thế bị dân Đàm Xá cậy mạnh chiếm ruộng, ông chỉ dùng tay không nhổ cây ven đường đánh bại họ, buộc phải trả ruộng cho Cổ Bi.

Đức vua lập triều Lý Thái Tổ năm 1011, nhân một dịp đi kinh lý Thanh- Nghệ đã nghe tiếng và tuyển mộ ông về kinh, sung vào đội cận vệ của ngài. Tại kinh thành ông không những nổi tiếng võ nghệ cao cường, sức mạnh vô địch mà còn để lại danh thơm như đã từng được chép trong cổ sử: “Trung thành hết lòng, biết điều gì nói luôn không dấu.” Thật đúng là phẩm chất của con nhà võ. Ông rất được tin cậy và thăng chức Vũ Vệ Tướng Quân. Chính vì vậy Lý Thái Tổ trước khi mất đã ủy thác trông coi việc Thái tử Lý Phật Mã lên kế nghiệp cho ông để nước nhà được yên ổn. Loạn ‘tam vương’ nổ ra ngày 3/3/1028 (âm lịch): ba vương tử nhà Lý: Vũ Đức vương, Đông Chinh vương, Dực Thánh vương định soán ngôi của Thái tử Lý Phật Mã. Lê Phụng Hiểu đem cấm quân dẹp loạn. Ông cưỡi ngựa cầm gươm xông thẳng vào đám loạn quân quát lớn: “Bọn Vũ Đức vương ngấp nghé ngôi báu, không coi vua mới vào đâu, trên quên ơn tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vì thế thần là Phụng Hiểu xin đem thanh gươm này để dâng!” Nói rồi, chém bay đầu Vũ Đức vương khiến cho bọn chúng hoảng sợ mà tan vỡ cả, nước nhà được yên. Sự này đã được chép lại rõ ràng trong Đại Việt Sử Ký toàn thư, kỷ nhà Lý.

Thái tử Lý Phật Mã yên ổn lên ngôi báu hiệu là Lý Thái Tông. Ngài phong ông là Đô Thống Thượng Tướng quân, tước hầu. Nhớ lại chuyện thần Đồng Cổ xứ Thanh đã nhiều lần báo mộng ngầm giúp cho Thái tử Lý Phật Mã theo lệnh vua cha Lý Thái Tổ bình định Chiêm Thành, dẹp bọn nghịch tặc. Lại nhân chuyện được thần báo mộng sai Lê Phụng Hiểu quát thét, dẹp lũ loạn quân ở kinh thành, nhà vua Lý Thái Tông bèn sai người dựng đền thờ Thần Đồng Cổ ở phía Tây kinh thành. Hàng năm cứ vào ngày mùng bốn tháng tư, văn võ bá quan phải đến thề tại đền trước linh vị thần: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần linh giết chết.” Đây là lời thề được vua Lý Thái Tông đọc tại buổi lễ. Rồi cùng nhau uống máu ăn thề. Người ta cho rằng lời thề này được nhà vua lấy cảm hứng, biên lại từ tiếng quát vang rền kinh thành Thăng Long của Lê Phụng Hiểu khi xông ra dẹp loạn tam vương.

Làm võ quan chủ chốt triều đình ba đời vua thịnh trị của nhà Lý: Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông, Lê Phụng Hiểu đã lập nhiều công lớn, đánh dẹp nhiều loạn quân phiên vương giữ cho nước Đại Việt thái bình thịnh trị. Ông được tin cẩn tuyệt đối, phong tước hầu và dự việc của hoàng gia. Về cuối đời, ông còn được phong thực ấp ở vùng đất Tiên Du, Kinh Bắc. Khi tuổi đã cao, ông đem binh về đóng trại quân tại phía Bắc kinh thành, có ý làm sẵn đồn lũy phòng nhà Tống bấy giờ đang âm mưu xâm lấn nước ta. Đồn binh của ông đóng ở Niềm Xá, khu vực thành Bắc Ninh bây giờ, cạnh sông Như Nguyệt rất tiện cho việc tấn công phòng thủ. Có lẽ sau đó không lâu khi Đô Thống Thượng Tướng quân Lê Phụng Hiểu đã về trời (năm 1059), tới những năm 1075- 1077 Thái úy tướng quốc Lý Thường Kiệt đã sử dụng những đồn binh đó lập nên phòng tuyến trên sông Như Nguyệt đánh tan bọn giặc Tống, khiến cho bọn chúng phải từ bỏ âm mưu đánh chiếm Đại Việt, tháo chạy về nước.

Đền thờ Lê Phụng Hiểu ở Bắc Ninh

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá, Đô Thống Thượng Tướng quân Lê Phụng Hiểu cùng Thái úy Lý Thường Kiệt là hai vị danh tướng lẫy lừng, nhiều công lao nhất trong triều đại nhà Lý. Nên như một định mệnh, Lê Phụng Hiểu đã lập đồn binh ở Niềm Xá, một nơi trấn giữ mặt Bắc rất quan trọng của kinh thành Thăng Long. Đây như là một hành động nhìn xa trông rộng của người đi trước dành lại cho thế hệ sau những cơ sở nền tảng để dựa vào đó bảo vệ vững chắc kinh đô và non sông Đại Việt. Nghiên cứu sâu về điều này có lẽ chúng ta sẽ tìm được bài học cần rút ra về tính kế thừa của các thế hệ trong cả việc bảo vệ và xây dựng đất nước. Cùng trong hệ thống đồn binh, còn có các kho tàng cất giữ lương thực nuôi quân dọc trên dải đất bờ Nam sông Như Nguyệt-sông Cầu, những địa danh còn truyền đến ngày nay như Cổ Mễ, Bà Chúa Kho… luôn gợi sự liên tưởng về chiến công oai hùng của cha ông thủa trước.

Theo truyền thuyết, ông mất tại Niềm Xá nên vua Lý Thánh Tông ban cho dân làng Niềm Xá thờ ông làm thành hoàng. Ngày hội làng Niềm Xá vào mùng tám tháng giêng hàng năm để tưởng nhớ ông. Du khách thập phương đổ về rất đông. Cùng với hát quan họ, hội xưa luôn có xới vật cho các đô trong vùng về thi tài, hầu thánh, tranh giải. Đây là một nghi lễ để tưởng nhớ đến Đô Bưng- danh tướng Đô Thống Tướng quân Lê Phụng Hiểu lừng lẫy một thời. Bởi sinh thời, hàng năm ông luôn cho tổ chức các giải đấu vật để trai tráng trong vùng về thi tài, tuyển binh cho quân đội. Đình Niềm Xá nay mới được chính quyền và nhân dân tu bổ xây dựng lại khang trang đẹp đẽ, hy vọng đến hội xuân chúng ta lại được nghe tiếng trống giục rộn rã từ xới vật nơi đây…

Không chỉ ở Niềm Xá, nhiều nơi trên đất nước ta thờ tự Lê Phụng Hiểu. Đặc biệt là quanh núi Băng Sơn, Thanh Hóa có rất nhiều làng thờ ông như một vị phúc thần: ông đã đem lại ruộng đất cày cấy và đời sống ấm no cho dân nghèo nơi đây từ thủa ấy. Nên họ còn nhớ ơn mãi, đời đời hương khói phụng thờ. Thật ứng với câu ca dao: “giúp dân dân lập đền thờ”.

Tại kinh thành Thăng Long xưa, thủ đô Hà Nội nay, nơi ông lập tên tuổi công trạng của mình với nước cũng có một đường phố êm đềm mang tên Lê Phụng Hiểu. Đường phố này nối từ phố Trần Quang Khải với phố Ngô Quyền, hướng về phía Hồ Gươm. Trong dịp nào đó thanh nhàn, chúng ta thong thả cùng nhau đi sang mạn phía Tây kinh thành cũ, chỗ thành Đại La xưa nay là phố Thụy Khê số nhà 353, vào đền Đồng Cổ thắp nén nhang thơm tưởng nhớ tiền nhân. Sẽ thấy trong lòng mình rưng rưng tự hào. Và như đang nghe rền vang tiếng hô dẹp loạn của vị danh tướng giữ yên cơ nghiệp nhà Lý, gìn giữ cho bờ cõi và cuộc sống của nhân dân Đại Việt được an bình thịnh vượng.

L.V.A